Thú vui khi nghỉ hè
Lúc còn đi học tôi đã tự tiện sửa 2 câu của một bản nhạc hè nổi tiếng thành: “Mỗi năm đến hè lòng khoan khoái mừng/ Chín mươi ngày! Ôi biết bao niềm vui… Ở miền Nam, mùa hè trùng với mùa mưa. Giữa mùa hè, mực nước trong mấy đám ruộng gần nhà bà nội của tôi dâng lên rất cao, lúc này cây lúa đang trong giai đoạn đâm nhánh. Đây là mùa chúng tôi ra ruộng câu cá rô.
Câu cá trong ruộng
Không nhớ ai đã chỉ: “Câu cá rô trong ruộng dễ lắm. Vào mùa sinh sản, cá rô nhả bọt làm tổ đẻ. Lúc ấy chúng dữ lắm, quyết liệt bảo vệ tổ, bảo vệ cá con. Chỉ cần thấy đám bọt, thả lưỡi câu vào đó là câu dính cá!” Cái gì dễ thì làm.
Thế là tôi sắm một cần câu, mồi câu là sâu gạo bắt ở nhà máy chà Khánh Phong (cạnh chợ cầu Lầu), nếu siêng thì sang lò mắm bà Méo bắt dòi mắm làm mồi câu. Những con dòi trắng, tròn múp míp làm mồi câu thì hết ý.
Sau một hồi đi dọc bờ ruộng, thấy một đám bọt nước khá to tôi liền thả lưỡi câu vào. Cá cắn câu ngay. Mừng quá, tôi thu cần câu về, tay trái chụp vội con cá. Bàn tay tôi đau nhói. Vây lưng cá rô nhọn và cứng đâm làm bàn tay rướm máu. Thế là tôi có thêm kinh nghiệm: nắm cá rô phải theo chiều thích hợp và với lực vừa phải. Dần dần tôi có thêm kinh nghiệm. Nếu gặp ổ bọt nhỏ, màu trắng tinh thì không đụng đến, chỉ ghi nhớ, vài hôm sau quay lại câu, vì lúc này cá chưa đẻ, không cắn câu. Làm động ổ cá sẽ bỏ đi. Nếu gặp đám bọt có màu nâu đỏ: cá con lớn, cá mẹ dẫn đi mất rồi. Còn đám bọt có vết bể: đã có người câu trước. May mắn gặp đám bọt to, có màu trắng ngã sang vàng, thả lưỡi câu vào là cá cắn ngay. Thậm chí giật sẩy, móc mồi thả xuống câu lại cá vẫn cắn.
Sau này nghĩ lại tôi thấy cách câu này không hay tí nào. Cá mẹ bị bắt thì nguyên bầy cá con sẽ chết, làm sao còn cá rô trong ruộng? Ác độc nhất là câu rê. Cá lóc mẹ bị bắt thì nguyên bầy ròng ròng cũng sẽ chết theo, nhưng tội nhất là con vịt con dùng làm mồi câu. Bị treo lộn đầu xuống, chỉ có nước kêu chíp chíp, và còn bị rê rê trước cái miệng đáng sợ của con cá lóc, thậm chí người Mỹ còn phải sợ mà gọi chúng là cá đầu rắn (snakehead), Vậy mà không hiểu sao hồi đó lấy vịt con để nhữ cá mà niềm vui (?)
Giải nhiệt mùa hè: Ăn kem
Đây là nói cho sang, thật ra lúc học ở Vĩnh Long tôi làm gì có tiền ăn kem? Chỉ có tiền ăn cà rem (kem que) mà thôi. Dạo ấy “sở hụi” của tôi nặng lắm: mỗi tuần một quyển Tuổi Hoa (thỉnh thoảng có bán cái được cho bà chị kế), mỗi ngày hết 2 đồng nộp cho bà Sáu cho mướn sách (3 – 4 ngày / tuần), rồi còn tiền mua cá, mua gà, mua cầu…
Người miền Nam, nói chung, răng không được tốt vì nước sông chúng ta uống có hàm lượng calci, fluor rất thấp, vậy mà lúc nhỏ thích ăn kem (nói cho sang), thích uống nước đá, hỏi răng không hư sao được !
Theo ý kiến của tôi, vào những năm 60, ở Vĩnh Long cà rem ngon nhất là cà rem đậu xanh Hữu Danh. Hãng này sản xuất 2 loại, sầu riêng và đâu xanh. Cà rem được làm thành cây dài, có đường kính khoảng 4cm, bọc trong giấy bóng mờ. Tuỳ số tiền bạn mua (5 cắc, 1 đồng…), người bán sẽ cắt một đoạn kem, rồi cắm vào đó một cái que tre để cầm. Khi ăn bạn phải mở lớp giấy bóng bọc, rồi cắn vào. Cảm giác mát lạnh ở miệng, rồi bao nhiêu vị ngọt, béo, bùi ập đến. Người bán cà rem Hữu Danh đi bằng xe đạp, thùng chứa kem phía sau xe màu xanh lơ, trên có ghi 2 câu:
Ăn rồi còn nhớ Hữu Danh,
Sầu riêng thơm ngát, đậu xanh ngọt, bùi.
Cạnh đầu cầu Bình Lữ có hãng kem Bang Gia, hãng kem lớn và hiện đại nhất Vĩnh Long thời đó. Trên bảng hiệu tiệm và giấy bọc cà rem đều chỉ in chữ Bang Gia. Tôi nghĩ, họ muốn tạo sự chú ý nên cố tình không bỏ dấu, đúng ra phải là Băng Giá. Hãng kem này chỉ ấn tượng bởi bảng hiệu, còn kem và cà rem của hãng làm ra không có gì đặc sắc. Số người bán kem của hãng này rất nhiều, đa số là trẻ em.
Cà rem quay tay. Tôi không biết tại sao lại gọi như vậy. Có thể đó là do cà rem này chứa trong khuôn thiết và được ngâm trong một hỗn hợp làm lạnh, cần được quấy đảo thường xuyên. Đây là loại trẻ em ăn nhiều nhất vì rẻ (chỉ 5 cắc/cây). Cây cà rem có hình thuôn, dài và đủ màu, xanh, đỏ, vàng, tím. Ăn cà rem này đôi khi có vị mặn do bị nước muối tràn vào. Có một dạo loại cà rem này không ai dám ăn vì tin đồn ăn cà rem bị thủng bao tử. Cà rem quay tay bán trên xe đẩy 3 bánh.
Cao cấp nhất, sang nhất và là nơi lui tới của nam thanh, nữ tú VL thời ấy là tiệm kem Thanh Bình. Tôi thường xuyên lui, tới căn nhà cạnh mặt sau tiệm kem: nhà của bà Sáu cho thuê truyện. (Dạo ấy nhà văn Kim Dung hút đủ á phiện hay sao mà sáng tác hăng và hay quá. Bộ Võ Lâm Ngũ Bá đã hay mà bộ tiếp theo Anh Hùng Xạ Điêu còn hay hơn, nhưng bộ Thần Điêu Đại Hiệp tiếp theo mới đủ “10 thành công lực!” Rồi còn bộ Thiên Long Bát Bộ. Mỗi bộ 3 -4 quyển dày cộm làm tôi xem ngày, xem đêm.) Xéo xéo kem Thanh Bình là 2 nhà sách: Minh Trí và Minh Lý.
Bà con, họ hàng với kem là sinh tố (vì có nhiều sinh tố [vitamin] nên được gọi như vậy?) Tôi thích “ăn” sinh tố khoai môn ở quán gần Ngã Tư quốc tế, đầu cầu Lộ, cạnh rạp Lê Thanh. Người ta chỉ chọn những cái giáo (củ khoai mới đâm) to cỡ ngón chân cái trở xuống, luộc chín, gọt vỏ, cắt cục nhỏ rồi bỏ vô máy xay chung với sữa đặc, đường, nước đá bào. Vị ngọt, bùi của sinh tố khoai môn ná ná giống vị cà rem Hữu Danh. Dù được bỏ trong ly, có ống hút hẵn hoi nhưng dùng muổng múc là chính.
“Ăn rồi còn nhớ Hữu Danh…”
Nguyễn Hoàng Long
Lúc này các cơ sở sản xuất nước mắm chân chính đang đấu tranh đòi cơ quan chức năng phải cho ghi rõ trên nhãn hiệu chai là: nước mắm hay nước chấm (nếu nguyên liệu sản xuất không phải là cá), và sản xuất theo cách truyền thống (ủ trong chượp) hay sản xuất công nghiệp.
Tôi xin nói lại cho rõ: Trong bài viết có dùng chữ “… dòi mắm… “, ý tôi muốn nói đó là những con dòi tôi bắt khi chúng bám trong góc kho, trên nắp chượp, hay bám quanh những lu, khạp đựng mắm, nghĩa là bên ngoài chượp, lu… như vậy hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến những vật chứa bên trong. Các bạn hãy thoải mái thưởng thức các món quốc hồn, quốc tuý này. Kính chào.
Anh Hoàng Long những chuyện anh kể lại vêˋ VL làm tôi nhơ´ quá những ngày mới vào trung học [1968]. Đó cũng là những kỷ niệm không tìm lại được phải không anh Hiện nay đi giữa VL nhưng có lúc như xa như lạ . Cảm ơn anh đa˜ gọi lên trong tôi kỷ niệm đẹp để tôi thấy yêu thương thời tuổi trẻ của mình,hơn
Anh Gương mến,
Trước khi gia nhập trang TPH-VL, nếu có việc phải về VL tôi sẽ thu xếp để làm xong công việc và về ngay trong ngày vì tôi thấy VL xa lạ quá, cảnh củ không còn (nhà bà ngoại ở hẽm Huyện Cự đã bán, nhà bà nội ở hẽm Lò Rèn bị giải toả làm đường), còn người xưa thì thưa, vắng.
Gần đây nhờ gia nhập trang nhà, ngồi nhớ và viết lại những việc cũ để chia sẻ và được chia sẻ, tìm lại được thầy, cô cùng những người bạn thuở nhỏ và có thêm những người bạn mới đồng điệu như anh, tôi thấy mình trở lại gắn bó với VL. Cũng vì thế tôi đã chọn trang TPH-VL làm trang nhà. Hy vọng gặp anh ngày Chủ nhật 10/7 này. Chúc anh khoẻ.
Anh Hoàng Long! Bài viết của anh gợi lại bao kỷ niệm, thú vui mùa hè, đặc biệt là việc đi câu cá. Cà rem Hữu Danh thật là thơm ngon, học sinh thời đó rất thích. Còn kem Thanh Bình, sâm bửu lượng Thuận Cảnh… lâu lâu “sang” lắm mới có tiền đến đó.
Cảm ơn anh về một bài viết rất hay, gợi nhớ lại thời học sinh đầy hoa mộng.
Chào bạn My Nguyen, người bạn đồng điệu.
Bài này tôi viết sở dĩ được như bạn khen, tôi nghĩ, một phần cũng là do 2 tấm ảnh được anh “làm dâu trăm họ”, biệt danh SOS, còn có tên Lương Minh gắn vào. 2 tấm ảnh đẹp và hay quá. Chú bé câu được con cá “vàng” có nụ cười rạng rỡ (câu được cá “vàng” ai mà không vui?, người bán cà rem vui cười giữa những khách hàng nhỏ tuổi. Nhưng theo tôi, tâm điểm của ảnh này là cái chuông, nó gợi lại nơi tôi “những âm thanh chừng như đã mất”. Chào bạn.
Lại đính chính:
Xin đính chính về bài viết. Nhà máy chà lúa cạnh chợ cầu Lầu có tên là Khánh Nguyên, không phải Khánh Phong như trong bài viết. Nhà máy chà Khánh Phong ở khu cầu Vòng. Cáo lỗi.
Bảng hiệu Bang Gia ngày nay vẫn còn nhưng đã mờ theo thời gian và giờ nơi đó đã kinh doanh mặt hàng khác, không còn bán kem “Băng Giá” nữa huynh ơi!…