Con Nước Lớn Ròng (2)
Trăng lưỡi liềm nghiêng thật thấp trời tây, nó sắp khuất sau những bóng đen của đám cây lô nhô dọc bờ sông phía mạn phải của đoàn người xuôi nam. Nhóm ghe chú Hai Thu chèo theo con nước đang mạnh sức chảy, ào ào đổ vào kinh xáng Cái Côn có chiều ngang rộng mênh mang. Khoảng không gian sáng đục trên mặt sông thẳng như giải lụa được căng dài ra mãi. Gần suốt đêm không chợp mắt, chú kéo đẩy mái chèo như thói quen máy móc. Trong tĩnh lặng buồn buồn, tâm tư chú quay về một khoảng trời xưa.
Năm 1969, tuổi đời 22, chú Hai Thu là lính Địa Phương Quân của tiểu khu Định Tường được 3 năm. Đơn vị chú phục vụ chịu trách nhiệm giữ gìn an ninh trên một vùng phòng thủ ngoại vi của tỉnh lỵ Mỹ Tho. Một lần đơn vị hành quân, chiếc quân xa chở trung đội của chú bị trúng mìn, chú là một trong nhiều đồng đội bị thương rất nặng. Mấy tháng nằm Quân y viện trị lành 3 đoạn xương bị gãy trên cả 2 chân. Đầu năm 1971, Hội đồng Giám định Y khoa quyết định thương tật của chú thuộc Loại 2 vĩnh viễn. Phòng Quản trị Nhân viên giải thích: Một là chú có quyền xin giải ngủ nhưng không được hưởng quyền lợi Thương phế binh như những người có mức độ tàn phế cao hơn. Hai là chú tiếp tục ở lại phục vụ quân đội, sẽ được phụ trách các công việc nhẹ. Chú Hai còn độc thân, chú sống với người cha trên năm mươi có sức khoẻ cũng không tốt lắm. Ba của chú khuyên đừng xin giải ngủ, dù ai cũng thấy tình hình chiến sự cả nước lúc đó trở nên khốc liệt. Sau đó, chú được bổ sung vào trung đội Bảo vệ An ninh bến phà Rạch Miễu, phía bờ Mỹ Tho. Cơ hội dung rũi, chú làm quen với thím hai khi ấy là cô gái chủ sạp trái cây khu vực bến phà mà đơn vị chú có nhiệm vụ canh giữ ngày đêm.
Đến tháng 6/1972, cô chủ sạp trái cây Nguyễn Thị Dung đẹp duyên cùng Hạ sĩ Địa phương quân Trần Văn Thu. Đám cưới nhà binh đơn sơ của họ được tổ chức tại nhà bà cô ruột mà thím Hai đang ở trọ. Sáu tháng sau ngày cưới, chú thím Hai dời vô cư ngụ trong trại gia binh của Tiểu khu Định Tường. Chú có lương lính, có nhà ở của chính phủ không phải mất tiền, có gạo cấp phát hàng tháng và các thứ nhu yếu phẫm quân tiếp vụ bán giá ổn định và miễn thuế cho quân đội. Thiếm Hai mua bán sung túc, bạn bè thân cận đều biết vợ chồng chú thím khấm khá qua việc mua sắm vật dụng tiện nghi cá nhân.
Tháng 5 năm 1975 bắt đầu cuộc đổi đời, mọi sinh hoạt bình thường của xã hội miền Nam bị đảo lộn ngay lúc thím Hai có mang 6 tháng đứa con thứ 2. Chú Hai Thu bị chế độ mới ra lệnh tập trung theo hàng binh sĩ Sài Gòn, chú khăn gói cơm gạo chấp hành lệnh cấm túc tù lỏng 3 tháng trong hậu cứ cũ của một đơn vị Sư đoàn 7 tại khu vực gần cầu Bình Đức, đường vô căn cứ Đồng Tâm của Mỹ thời trước năm 1972. Thím Hai phải rời Trại gia binh là tài sản của quân đội cũ. thím dọn trở ra tá túc nhà bà cô. Sạp trái cây của thím ế ẩm vì rất ít xe cộ qua phà và thiên hạ bị nhà nước đổi tiền, thu hẹp và nghèo nàn số lượng phát hành tiền giấy. Lúc đó địa điểm du lịch ông Đạo Dừa ở Cồn Phụng phía bờ Bến Tre đã trở nên hoang vắng, không như những ngày thiên hạ còn đổ xô đi phà Rạch Miễu để đến thăm viếng địa danh đó. Cuộc đổi đời quay ngược 180 độ khiến người ta ít ra đường, nếu cần đi lại thì họ cũng lầm lũi lạnh lùng. Hình như không ai còn nhã hứng nhìn ngang ngó dọc, rất ít người mua sắm ăn chơi những gì ngoài cơm gạo và các vật thật cần thiết.
Những ngày tháng khó khăn và gần như bế tắt, chú thím phải rời Mỹ Tho vì không thể tìm ra cách sống. Số vàng bạc nữ trang ky cóp của chú thím đã vơi dần mà cũng không thể cứu ba chú thoát cơn bạo bịnh trong thời cực kỳ khan hiếm các loại tân dược phẫm. Chú thím quyết định bán luôn 2 vật được bạn bè ngưỡng mộ mới vừa mua vài năm trước, nhưng cuộc thay đổi xã hội khiến nhiều vật trở nên vô dụng là chiếc TV 19 in hiệu Denon và chiếc Honda dame của Nhật. Rồi một ngày trong tháng 6 năm 1976, chú thím gom góp mọi thứ và bồng bế con Hạnh vừa tròn 3 tuổi và thằng Ngôn mới 8 tháng, cả gia đình về Ba Tri, Bến Tre, nơi mà họ vừa dựng ngôi nhà bằng cây vườn và tre lá trên nền cũ vườn xưa của ba má thím Hai.
Thửa vườn cây trái xinh tươi ôm ấp một thời thơ ấu của thím Hai phải chịu cảnh hoang tàn suốt 11 năm nay. Căn nhà lợp ngói vách gỗ của ba má thím bị dỡ mất và người ta cũng cại sạch những viên gạch lót nền để phục vụ nhu cầu thời chiến. Chú thím Hai mướn người chặt đốn phát quang cây tạp mọc như đám rừng. Cũng may là ấp của thím không ai đụng nổ các đầu đạn chiến và bom bi còn nằm sót trong chiến tranh như thường nghe các tai nạn thương tâm xảy ra nhiều nơi.
Chiến tranh chấm dứt, mọi người đều vui mừng không còn cảnh bom mìn pháo kích đến từ các phía, không còn thấy cảnh chết chóc kinh hoàng. Rất Nhiều gia đình sum họp sau thời gian ly tán trong cuộc chiến tàn khốc ngót phần tư thế kỷ. Và cũng có không ít con số gia đình khác chấp nhận những cuộc chia ly mới trong vô vọng. Riêng hoàn cảnh cùa thím Hai khiến vài người mới về trong xóm có chung thắc mắc: Năm đó thím hai còn trẻ măng mà không rõ cha mẹ của thím là ai.
Thím Hai trầm buồn kể chuyện ngược thời gian. Năm 1965, thím hai được 12 tuổi, độ tuổi có chút hiểu biết hưởng cuộc sống yên vui trong một gia đình sung túc, làng xóm yên bình. Trong một ngày có nhiều loại động cơ gầm rú trên làng quê vắng vẻ đó. Ông Sáu Cầm, ba của thím Hai vì không dám chạy theo dân xóm lánh nạn ra chợ Ba Tri, bởi lúc đó ông ấy 31 tuổi mà không hợp lệ tình trạng quân dịch của chính quyền. Ông Sáu nghe theo anh em thanh niên cùng trạng trốn ra đồng chờ cuộc hành quân kết hợp hải lục lướt qua. Không may cho dân xóm, một chiếc máy bay loại một cánh quạt ‘chuồn chuồn’ có nhiệm vụ quan sát cuộc hành quân, trên đó họ phát hiện đám thanh niên ẩn nấp dưới lùm cây và tưởng lầm là du kích. Pháo lớn từ hạm được điều khiển bắn vô gây tử thương và bị thương gần hết nhóm thường dân trong loạt đạn đầu. Có một người trong bọn họ liều mạng đứng lên dùng chiếc áo trắng cột đầu cây sào vẫy ra hiệu cho chiếc máy bay đầm già vừa đảo lại quan sát kết quả việc tác xạ của họ. Cuộc hải pháo ngừng ngay và sau đó chừng 10 phút có hai chiếc trực thăng và một toán lính tác chiến đáp xuống dưới sự yểm trợ của 2 chiếc trực thăng ‘cá lẹp’ võ trang bay đảo vòng rất thấp. Ba của thím Hai bị thương quá nặng, ông chết trên trực thăng tải thương khi chưa tới bệnh viện 3 dã chiến của quân đội chính phủ cũ ở Mỹ Tho.
Mấy ngày sau, chính quyền quận Ba Tri gọi điện vô xã mời bà Sáu Cầm ra ký tên vào đơn xin bồi thường nạn nhân chiến cuộc và họ làm giấy cho bà lên Mỹ Tho nhận xác chồng. Bà Sáu chôn cất người chồng vắn số ở nghĩa địa công cộng Chợ Gạo, địa phương có nhà người em trai làm thầy giáo. Sau đám tang chồng không lâu, chiến sự phát sinh ác liệt, vùng cận duyên của bà bị liệt kê khu vực tình nghi đường chuyển vận vũ khí xâm nhập từ biển, nên vùng đó thường xuyên bị hải pháo và ăn bom bất kể ngày đêm. Bà quyết định bỏ quê như những bà con chòm xóm, hai mẹ con bà dọn đến tá túc nhà người em trai và em dâu tốt bụng ở Chợ Gạo. Hai năm sau, người goá phụ 32 tuổi, tên trong gia đình là Tư Hạnh quyết định đi thêm bước hôn nhân trong một lễ cưới rất gọn với người đàn ông cũng vừa mất vợ chưa giáp năm trong một cuộc pháo kích. Bà Hạnh theo chồng về Sài Gòn, bà gởi thím Hai lúc đó được 13 tuổi cho cậu mợ nuôi dưỡng ăn học ở quận Chợ Gạo. Chồng sau của bà Hạnh là một sĩ quan binh chủng Nhảy Dù, vì vậy cuộc sống của bà tương đối sung túc và thường về thăm con gái và em ruột trong những năm đầu tái giá.
Sau đó thì bà theo chồng đổi ra Đà Nẳng, hai mẹ con thơ từ qua lại thường xuyên cho đến đầu năm 1975 thì ngưng ngang, bặt vô âm tín.
(Còn tiếp)
Một Lúa
H
Đọc phần hai cảm thấy có nhiều cảm xúc buồn !
Thời chiến tranh luôn có những biến cố xảy ra và luôn có những cuộc đời bất hạnh ,gia đình ly tán
Thấy thương thiếm hai Thu quá .Không biết sau này thiếm có gặp lại mẹ là bà Tư Hạnh không ? Bà Hạnh sau khi tái giá và theo chồng còn sống hay đã chết?
Oi !buồn quá đi!
Phan Lương,
Đời ít khi đẹp như mơ, bạn trẻ ui!
Vậy là lai lịch chú hai Thu đã rõ. Còn thím hai sau thời loạn lạc, bặt tin người mẹ, chưa biết ở đâu và sống chết ra sao? Nhưng theo công việc của người chồng sau thì mẹ của thím hai có thể ra nước ngoài (Hi hi…MN đoán vậy thôi nha anh Một Lúa!) Chỉ mong cho mẹ con họ được đoàn tụ mà thôi.
My Nguyen,
Biết hết rùi! hihi
Đọc phần hai thấy thương cho vợ chồng chú Hai quá,qua bài viết của anh em như xem lại đoạn phim dĩ vãng thấy mà đau lòng, không biết rồi thím Hai có gặp lại mẹ không ?Em chờ xem phần 3 của anh .
Bạn Lài Võ,
Buồn buồn nhớ những chuyện xưa, xâu nối với chuyện nay.
Cảm ơn bạn nhé!
Trồng rau giỏi, viết văn hay, câu chuyện mạch lạc, đọc không dám ngừng. Nhanh nhanh viết phần 3, ở đâu mà Lúa đệ có nhiều mẩu chuyện thời ấy hay quá, . Đang chờ xem tiếp đây.
Chị Hoa Đoàn,
Đệ vừa nhổ cỏ bắt sâu / Lầm thầm nắn nót vài câu thơ…gì đây ta! hihi