Tản mạn ngày sinh nhật

Ngày đăng: 4/06/2016 11:07:29 Sáng/ ý kiến phản hồi (2)

Tôi sinh ra trong một gia đình người miền Nam với truyền thống chỉ ăn mừng sinh nhật một lần trong đời (ăn thôi nôi). Lớn lên, do ảnh hưởng phương Tây, cũng như do bạn bè và người quen nên có ‘học đòi’ ăn sinh nhật, nhưng nhờ Bộ Giáo dục đã giúp giữ vững truyền thống đó ở bản thân. Tôi sinh ngày 3/6 nhưng lớn lên lại làm giáo viên, và ngày sinh của tôi rơi đúng vào ngày thi tốt nghiệp phổ thông (TNPT). Thế là suốt mấy mươi năm, lần đầu tiên tôi đi gác thi là tháng 6/1978, tôi không có  lễ sinh nhật long trọng, đúng nghĩa vì phải lo giữ gìn sức khỏe để hôm sau còn… gác thi. Năm 2016 này Bộ Giáo dục dời ngày thi sang cuối tháng 6, tiếc là tôi đã về hưu.

Untitled Các bạn biết đó, giáo viên (gv) cấp 3 mỗi năm vào mùa hè (nếu không tránh được) phải phục vụ 3 kỳ thi: tuyển sinh lớp 10, thi TNPT, và thi đại học. Gác thi, thoạt nhìn, thì thấy rất sướng. Chỉ bận một tý lúc đầu giờ, rồi sau đó là ngồi quan sát thí sinh, việc đi lại cũng phải hạn chế (vì sợ ảnh hưởng đến việc làm bài của thí sinh !). Thật ra đó chỉ là khi bạn gặp may, mọi việc xảy ra suôn sẻ. Còn thì bất trắc là vô số, và chưa kể áp lực từ bên ngoài phòng thi mà theo thời gian ngày càng tăng! Bạn có thể bị phê bình, bị kỷ luật dễ dàng, dù bạn thật sự trong sạch, không chút gian dối và đã làm phần sự thật tốt. Đời có ai học được chữ ngờ? Bản thân tôi đã trải qua 2 vụ.

Kỳ tuyển sinh lớp 10 năm đó tôi được phân công làm giám thị (GT) 2. Tôi phải lên phòng thi trước xếp chỗ ngồi cho thí sinh (TS), thu thẻ dự thi, ký tên lên giấy làm bài, giấy nháp rồi phát cho các em. Đến giờ GT1 lên phát đề thi và buổi thi bắt đầu. Mọi việc suôn sẻ. Cuối buổi thi tôi cẩn thận giữ TS trong phòng, thu bài xong mới cho ra khỏi phòng. Làm cách ấy mất thời giờ vì sự tỉ mỉ, cẩn thận của tôi khiến cô GT1, giáo viên của một  trường bạn, không hài lòng. Rồi tôi phát hiện trang sau của bài thi có 1 lỗ thủng to hơn quả chanh (lỗi của nhà máy giấy). Lỗi là do tôi, GT2, khi nhận xấp giấy thi (60 tờ) đã không kiểm tra mặt sau giấy, mà chỉ đơn giản rút tờ giấy từ xấp ra, ký tên vào ô GT2 rồi phát cho TS. Bài thi ấy có dấu hiệu lạ, phải lập biên bản để chấm riêng. May là tôi còn giữ TS ấy trong phòng. (Cẩn thận không bao giờ thừa.). Tôi hỏi TS sao không đổi giấy thi khi giấy bị thủng, em nói là sợ nên không dám báo đổi giấy! Cả 3 người (2GT và TS) phải lên phòng hội đồng thi lập biên bản. Rồi buổi họp tổng kết của hội đồng coi thi trước khi giải tán cũng có 2 khách mời là chúng tôi. Trong suốt thời gian ấy cô GT1 không nói gì tôi, nhưng cô nhìn tôi như nhìn ‘kẻ tội đồ’. Sau vụ ấy tôi tuy không bị khiển trách chính thức (không ghi hồ sơ) nhưng tên tôi bị nêu trước hội đồng thi mấy lần.

Lần khác, một nhóm giáo viên trường tôi gác thi tốt nghiệp PT tại trường Marie Curie. Phòng tôi gác mọi việc tốt đẹp. Xong buổi, chúng tôi thu bài, đang trên đường về phòng hội đồng nộp bài thi. Đi ngang phòng kế bên tôi nhìn thấy một số TS đứng từ ngoài nhìn vào phòng xì xào, “mất bài thi”, còn trong phòng chỉ có 2 GT, và một trong hai GT là cô Ngân, giáo viên trường tôi. Thế là tôi nhờ anh bạn gác chung phòng mang xấp bài về phòng hội đồng nộp, ký tên và báo hộ tôi đi vệ sinh, sẽ ký tên sau, để tôi vào giúp cô bạn. Khi hỏi tự sự, tôi được biết phòng có 25 TS, đi thi đủ, ký tên trên danh sách nộp bài đủ, nhưng thiếu 1 bài của TS mang số ký danh (SKD) 433, dù đã kiểm đi, kiểm lại nhiều lần nhưng vẫn thiếu! Theo quy luật, khi có 1 bài thi bị mất, môn đó TS được chấm đậu, còn 2 GT bị kỷ luật. Cả 2 người đều biết việc này, và đang run, mất bình tỉnh. Trên bàn, họ đang bày những bài thi đã được xếp thành xấp 5 bài, đúng như quy định. Bốn xấp đủ 5 bài để riêng, còn xấp 4 bài (thiếu 1 bài) để riêng. Buổi ấy thi môn tiếng Anh. Thông thường, môn tiếng Anh TS chỉ sử dụng 1 tờ giấy, ít khi dùng đến 2 tờ. Tôi cầm từng xấp bài lên để kiểm tra lại theo SKD. Trong số 4 xấp bài đủ tôi thấy có 1 xấp hơi dày so với 3 xấp kia. Thế là tôi tách bài của xấp ấy riêng ra, và phát hiện có 2 bài mang cùng SKD 438 lồng vào nhau. Và 2 bài tuy có cùng SKD nhưng chi tiết lý lịch rất khác, và 1 trong 2 bài có lý lịch khớp với của TS SKD 433. Thế là đã rõ: TS SKD 433 vì lý do nào không biết đã ghi nhầm SKD của người khác(!), và GT lại máy móc, thấy cùng SKD là lồng bài vào nhau. Việc khắc phục diễn ra rất nhanh. Sau này, khi nhớ lại việc ấy tôi vẫn còn sợ. Sợ vì GT đâu được phép ghi vào ô SKD, mà ở đây là tẩy, xóa, rất dễ thấy. Nếu hội đồng chấm thi làm đúng (bộ phận ráp phách, ghi điểm), họ sẽ báo lên cấp trên thì không biết hậu quả ra sao.

Năm này, nhờ đại gia đình Tống Phước Hiệp nên sinh nhật của tôi trở nên có ý nghĩa hơn. Cám ơn gia đình.

 

Tái bút:

Trong gia đình nhỏ của tôi ngày sinh của một người lại na ná giống của một người khác. Điều này làm chúng tôi luôn nhớ đến sinh nhật của nhau, nhưng cũng khiến chúng tôi gặp nhiều bất tiện khi làm giấy tờ, hành chánh vì bị nhầm lẫn.

Con trai tôi sinh ngày 19/4 và ngày sinh của mẹ cháu là 29/4. Tôi sinh ngày 03/6, còn con gái tôi sinh ngày 13/6. Khi còn học cấp 3, cháu là lớp phó phong trào (vì thích chơi thể thao giống tôi và quản lý tiền quỹ rất tốt, không thiếu một xu), chuyên tổ chức sinh nhật cho các bạn trong lớp nhưng chưa bao giờ được hưởng niềm vui ăn sinh nhật cùng lớp vì lúc ấy đã nghĩ hè! Cháu rất tức về việc ấy. Nhưng biết sao?

Nguyễn Hoàng Long

Có 2 bình luận về Tản mạn ngày sinh nhật

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Gần 23 giờ, ngủ không được, mở trang nhà. Đọc bài của bạn Nguyễn Hoàng Long, chợt nhớ những công việc mà chúng ta ( những người dạy học ) đã từng làm trước khi nghỉ hưu. Chắc các bạn cũng thông cảm cho những người làm thầy cô giáo, không ai muốn đi gác thi ( nhưng không muốn cũng không được , lệnh mà !). Vì gác thi, thì tui chưa nghe ai được khen cả ( dù rất có trách nhiệm ), nhưng bị kỷ luật thì hơi bị nhiều !

  2. Chào bạn đồng môn, và cũng là đồng nghiệp, Nguyễn Văn Lần. Bạn, tôi, và những GV về hưu khác hãy lấy làm mừng vì những “chuyến đò” chúng ta đưa đã cập bến an toàn. Hẹn gặp tại đại gia đình Tống Phước Hiệp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác