Giao lưu với tác giả truyện Thờ Chồng
Trang nhà vừa nhận được hai lá thư, một của cô Hồng Khanh gửi cho Một Lúa tác giả “Thờ Chồng” và thư trả lời của tác giả. Nhận thấy việc trao đổi ý kiến về tác phẩm là việc làm hay, góp phần hoàn thiện cho người viết về sau và cũng rộng đường dư luận hơn là việc phản hồi ngắn ít thông tin hơn. Đăng hai lá thư này cũng giống như mục giao lưu giữa đọc giả và tác giả mà các nhà xuất bản thường làm, chỉ khác là không được trực tiếp thôi. Do đây là mục mới, lại không thường xuyên nên trang nhà tạm xếp vào mục Thư đi tin lại, nhưng cũng muốn đây là loạt bài đầu tiên “phát pháo”trong việc Giao lưu với tác giả tạo tiền lệ cho những bài tới (LM)
Thân gởi em Một Lúa,
Em đã kết thúc câu truyện dài ” Thờ Chồng ” với 14 bài viết, như cô đã nói, em có khả năng viết của một người viết tiểu thuyết chuyên nghiệp, mặc dù em cho biết là mới bắt đầu viết mới có mấy năm nay. Khả năng thiên phú đó không phải ai cũng có được. Cô hy vọng em sẽ trau chuốt để mỗi ngày càng tiến bộ và tiếng vang sẽ bay xa hơn.
Dĩ nhiên ai cũng thích được khen hơn là bị chê, tuy nhiên cô nghĩ những lời phê bình thực tình bao giờ cũng giúp ích cho chúng ta thật nhiều hơn là những lời khen chỉ có tính cách xã giao để làm vừa lòng người khác, cũng vì vậy mà cô đưa ra hai đề nghị liên quan đến truyện dài ” Thờ chồng ” của em và cô nghĩ, em cũng sẽ cảm nhận được ý của cô.
– Em nên xét lại việc cô em gái của Thuận không biết gì về Như Ngọc, một người làm ăn chung với anh mình, lại là người có một nửa phần hùn để mua ghe. Em gái của Thuận là người sâu sắc và có kinh nghiệm kinh doanh nên khi đưa tiền cho anh vay để hùn làm ăn với một người khác thì trước khi giao tiền cho Thuận, chắc chắn cô ta đã đi điều tra và thăm dò lý lịch của Như Ngọc một cách cẩn thận.
– Điều thứ hai này, cô bắt chước Phan Lương đề nghị như sau:
Trước thái độ của ba má và em gái của Hậu, Như Ngọc vì thương Hậu không muốn người yêu vì chữ tình mà quên chữ hiếu nên dứt khoát với Hậu để tránh cho Hậu không bị day rứt.
Sau khi Hậu bỏ đi, Như Ngọc không hề được tin tức gì của Hậu, cô ta vẫn làm việc nuôi hai con và mẹ chồng và không để ý gì đến chuyện tình cảm riêng tư nữa mặc dù có rất nhiều người theo đuổi. Vài năm sau bà mẹ chồng qua đời vì bệnh nên Như Ngọc quyết định đem hai con về quê ngoại để sống. Mọi người đều mến thương Như Ngọc nhưng rồi thời gian cũng làm mờ nhạt câu chuyện của người goá phụ trẻ đẹp, nết na nhưng không được may mắn trong vấn đề tình cảm...
Lá thư của Như Thuỷ là cái ” point ” của câu truyện mà em đã khéo léo đưa ra làm người đọc có một sự ngạc nhiên thật lý thú, đó là điểm thành công nhất của em trong việc dựng câu truyện này.
Cô chưa từng viết truyện, truyện ngắn cũng như truyện dài nhưng cô có cơ hội đọc rất nhiều ngay từ khi cô còn nhỏ và cho đến ngày nay nên cô nghĩ cô cũng có một chút kiến thức để nhận định được truyện nào hay, truyện nào dở, tình tiết, kết cấu có hợp lý hay không.
Truyện ” Thờ Chồng ” của em sau khi trau chuốt lại một chút, có thể gởi đăng bất cứ một tờ báo nào và sẽ được đọc giả mến chuộng.
Cũng cám ơn em đã dành cho độc giả trang nhà một món quà thật đẹp. Mong sẽ còn được đọc nhiều truyện của em nữa.
Cô Hồng Khanh
Buổi giao lưu giữa tác giả và bạn đọc tại CLB những người yêu sách (ảnh minh hoa.)
Chào cô Hồng Khanh
Cảm ơn cô dùng thì giờ và tâm tư chỉ ra cho em những sai sót trong truyện “Thờ Chồng” Vấn đề thứ nhất, đáng lẽ em phải để cho bác Hai Đáng đứng tên hùn mua ghe với Thuận, nếu muốn cho gia đình bà Tư Son ngạc nhiên khi họ gặp Như Ngọc.
Vấn đề thứ nhì, đầu tiên em cũng có suy nghĩ Thuận nên mất tích hẳn. Như Ngọc làm ăn bình thường để nuôi 2 đứa con và sống như vậy với bà Mười rồi chấm hết đột ngột.
Nhưng bản tính lắc léo đã khiến em đổi ý giờ chót. Tựa bài thờ chồng, em ‘xúi’ Như Ngọc lấy chồng thử xem có trọn đạo không.
– Làm ăn thua lỗ vì sự cạnh tranh của cô Thanh Thảo.
– Bà Tư Son vẫn cố chấp.
– Bà Mười không ngăn cấm Như Ngọc tái giá. Nhưng phải thế nào để bà không mất hai cháu nội.
– Mồ Hậu chưa xanh cỏ.
Chỉ có phương án vượt biên mới có thể giải quyết các chuyện trên. Lá thư của Như Thuỷ là cách gỡ rối việc lấy chồng và lời phân bua của Như Ngọc.
Em mong sẽ viết cho độc giả và được chia sẻ với cô thú vị như thế nầy.
Cô có muốn công khai những email nầy, để bà con góp thêm ý. Điển cảm ơn cô. Kính chúc cô và gia đình bình an và hạnh phúc.
Thế Điển
Đọc hai lá thơ hồi đáp của cô và của anh tác giả Một lúa ,chợt thấy lòng vui vui.
Anh Một Lúa đã chọn kết thúc mở một cách rất ư là khéo léo , với cách kết thúc này đọc giả muốn như thế nào là tùy ý.
Với lá thư của Như Thủy gửi đến tác giả vừa giải thích ,lại cũng vừa muốn minh chứng câu chuyện là có thật và vai Như Ngọc hiện nay còn hiện hữu ,với cái tuổi 61
Vì là kết thúc mở và để đảm bảo câu chuyện đúng với tên ” thờ chồng “cô Hồng Khanh định ra một kết thúc đúng nghĩa thờ chồng cho trọn đạo
Còn riêng em thì suy nghĩ có thoáng hơn ở vai bà 10.Bà 10 thờ chồng nhưng lại không bắt con dâu phải theo bà.Bà 10 hiểu được tình cảm của con dâu đã phải lòng Thuận và thấy Thuận là người đàn ông tốt biết thương mẹ nó thì phải trân quí các con riêng nên bà xiêu lòng mà tác hợp choT và N lấy nhau sống hạnh phúc
Hi hi
Đoạn kết cô đưa ra như vậy không liên quan gì đến vấn đề đạo đức mà mục đích chỉ là tạo nên tình tiết hợp lý dẫn đến sự bất ngờ thích thú nơi bạn đọc qua lá thơ của Như Thuỷ, ai cũng tưởng câu chuyện đã kết thúc theo đúng nghĩa của đề tựa ” Thờ Chồng ” mà không còn thắc mắc gì nữa cho tới khi…..cái hay của người viết truyện là ở chỗ đó Phan Lương ạ.
Cô thân yêu ui
Thời gian trước cứ mỗi thứ sáu là cô cho ra lò một bài viết về thời thơ ấu thật hay và thật hấp dẫn người đọc .Sao bây giờ cô hỏng thử viết truyện nhiều kỳ nửa hả cô
Lúc này trời cứ mua rỉ rả ,em cứ mở trang tìm đọc cho đở buồn.Lòng cũng có những nổi buồn nhè nhẹ .Đôi lúc cũng định hỏng thèm xem gì nửa hết ,bỏ hết….nhưng rùi hôm qua mở ra đọc được bài viết của Bà ,chợt nghe thương Bà quá đổi .Và thấy rằng niềm vui của mình chỉ có nhiêu đó mà giận dỗi bỏ sao đành
Hi hi
Em chúc cô luôn vui
Kính thưa cô Hồng Khanh và anh Một Lúa! Đọc những ý kiến trao đổi của Cô và anh Một Lúa, em vui và thích thú lắm. Cảm ơn trang nhà đã thêm chuyên mục này và em nghĩ, từ nay nên duy trì và phát triển. Nhân đây, em cũng xin được tham gia vài ý kiến.
“Thờ Chồng” kết thúc đã để lại trong lòng độc giả không ít băn khoăn, luyến tiếc. Đó là cái hay của tác giả nhưng theo MN, kết thúc ở đây là vừa. Câu chuyện thật hay với những tình tiết hợp lý (ngoài vấn đề 1 như Cô góp ý), bên cạnh là những bất ngờ, thú vị. Ở những tập đầu, người xem cứ nghĩ bà Mười là nhân vật chính của “Thờ Chồng”. Nhưng sau cái chết đột ngột của Hậu thì Như Ngọc (vợ Hậu) lại là nhân vật chính. Để đúng nghĩa “Thờ Chồng”, chúng ta có mong chờ một góa phụ trẻ đẹp chỉ mới ngoài hai mươi tuổi phải ở vậy thờ chồng? Có lẽ tác giả cũng không đành lòng như vậy nên mới dựng một nhân vật Thuận đầy bản lĩnh, mạnh dạn đi tìm hạnh phúc cho mình ở nửa vòng trái đất. Xin phép anh Một Lúa, MN nghĩ có lẽ nhân vật này đã phản ánh một phần cuộc đời của tác giả vào những năm 80 (?) Vậy là Như Ngọc đã bước thêm bước nữa sau khi mãn tang chồng. Nếu câu chuyện được kết hợp theo những góp ý của Cô ở vấn đề 2 thì thật là hoàn hảo; tức là NN chỉ kết hôn sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ với mẹ chồng và các con đã lớn… Đó thật sự là một kết thúc “có hậu”.
MN xin cảm ơn anh Một Lúa về một truyện dài rất hay, phản ảnh trung thực một chuyện tình ở một vùng quê có thật. Mong được đọc nhiều truyện hay khác của anh, Chúc anh luôn khỏe.
My Nguyen,
Mình viết bài không chuyên nghiệp và dĩ nhiên là không có khoa học dàn dựng khuôn mẫu. Cứ đấp và tô mãi, do đó mà nhiều truyện ngắn phải đổi tựa nhiều lần tuỳ theo thành hình ngoài dự liệu.
Câu chuyện “Thờ Chồng”, mới đầu mình phác thảo trong đầu chừng 4 bài như “Chạy Theo Con Khỉ”. Rồi dần lân có chuyện hoài để nói mà cũng chưa biết kết thúc ra sao cho hoàn hảo (hihihi). Chính vì không tìm được lối ra, nên phải “dục hưởn” đến tập 14.
Bạn My Nguyễn và tất cả bạn đọc,
Truyện “Thờ Chồng” không dựa theo hay phản ánh bất cứ câu chuyện nào có thật ngoài đời. ML chỉ mượn bối cảnh địa lý xét thấy phù hợp cốt truyện. Do nhu cầu âm vận trong việc sử dụng từ ngữ, ý nghĩa, mà tên các nhân vật có thể trùng lập trong biển đời mênh mông nầy. Một Lúa chân thành xin lỗi những sai sót không cố ý.
Kết thúc “mở” của cốt truyện là giải vây cho Như Ngọc và Thuận ra khỏi vòng ngang trái của tình và hiếu và xã hội khắc khe. Vì vậy không biết họ đã cưới nhau hoặc là cưới nhau lúc nào ở Mỹ.
Cảm ơn tất cả quý thầy cô và quý bạn xem qua. Hy vọng nhận được mọi ý kiến.
Một Lúa