Nói với cô Hồng Khanh về tré
Thưa cô , nem và tré đúng là 2 món đưa cay yêu thích của người miền Trung, và đúng như nhận xét của cô, nói tới nem – phải nem Huế mới ngon và nói tới tré – phải là tré của bà Đệ ở Đà Nẵng .
Bà Đệ gốc người Huế nhưng lấy chồng Quảng Nam ( Hoà Hải ), và sinh sống ở Đà Nẵng. Khởi đầu tay trắng nhưng bằng tài nội trợ bà đã biến một món ăn quen thuộc trong ngày giỗ tết ở miền Trung thành một đặc sản với thương hiệu lẫy lừng – TRÉ BÀ ĐỆ – để lại cho các con. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau khi bà chết, sự tranh chấp thương hiệu không đáng có đã xảy ra giữa ông con rễ ( chồng người con gái đầu đã chết ) và những người con còn lại trong gia đình. Kết quả là hiện nay, tré bà Đệ không còn giữ được chất lượng như xưa vì sự tranh chấp và hận thù đã khiến cả hai bên mãi chú tâm vào việc “kiện tụng” mà lơ là việc “kiện toàn” chất lượng sản phẩm…..
Cô ơi, mỗi dịp Tết hay đi đâu xa, dân miền Trung bao giờ cũng nghĩ đến việc làm tré hoặc mua tré để biếu người thân làm quà, và món quà đó rất được ưa thích. Vậy nhưng hình như khẩu vị mỗi nơi mỗi khác cô à . Và em từng bị hố vì đã có lần giàu trí tưởng bở khi mua tré đem vào tặng sui gia ở Mỹ Tho. Lần đó, khi đi lễ thăm nhà ( là lễ chạm ngõ của miền Bắc ), ngoài trà rượu và nem chả, bánh trái … em còn mua thêm thật nhiều chả bò và tré ( hai món đặc sản Đà Nẵng ) để làm quà. Vậy nhưng sau khi “lễ ” xong, đến phần “lạc”, em nhờ người nhà của bên sui gia bóc tré dọn mời để uống rượu cho vui thì em để ý thấy mọi người hầu như chỉ hưởng ứng nem và chả bò chớ phần tré thì có vẻ …lơ lơ ( do không hợp khẩu vị ), nên từ đó em “hiện thực” hơn, không mang tré làm quà những khi có dịp vô thăm nữa !
Thưa cô, về phần nguyên liệu và công thức làm tré thì hầu hết người miền Trung đều thực hiện theo công thức của cô, nhưng tré bà Đệ có khác hơn chút đỉnh, em xin viết ra đây để mình có thêm nhiều cách thử làm . Về nguyên liệu chính là thịt, bà Đệ không dùng tai mũi heo và thịt chân giò mà chủ yếu dùng thịt ba chỉ và thịt nạc cộng với bì (da heo cắt sợi nhỏ ) . Về phụ gia còn có thêm thính ( gạo nếp rang vàng xay nhỏ ) để tạo men chua và hút ẩm. Phần gia vị, bà Đệ không sử dụng muối mà sử dụng nước mắm thật ngon cùng ít đường, cô đặc lại trên bếp đến khi khô vàng bốc mùi thơm mới cạo ra nêm vào, khiến hương vị tré đậm đà mà khô ráo, không bị nhão ra. Sau khi đã hoàn tất và được định dạng, bà Đệ còn dùng một lá ổi để bọc nhân ( hình như lá ổi có công dụng sát khuẩn và góp phần tạo mùi thơm ? ) trước khi gói lại bằng lá chuối rồi đến lớp rơm bên ngoài ( như hình của cô ), hoặc lớp ny lông rồi đến lớp giấy như bây giờ.
Thưa cô, em thì chỉ biết thưởng thức tré bà Đệ chớ chưa làm khi mô nhưng những điều em biết và viết ở trên là do trước đây thường có cơ hội đến chơi nhà bà Đệ . Em nghĩ, ngoài những điều đã thấy, chắc chắn còn những bí quyết được ẩn dấu, có vậy thương hiệu Tré Bà Đệ mới có thể tồn tại và “làm mưa làm gió” ở miền Trung từ đó đến nay.
Thương kính !
Như Thùy
Đã từ lâu cô chờ đợi một bài viết về một món ăn được đưa trên Bếp Ấm như bài viết của Như Thuỳ. Điều này chứng tỏ Như Thuỳ thực sự quan tâm đến công thức cô đã đưa ra. Cám ơn Như Thuỳ cho cô cũng như các bạn đọc biết thêm nhiều điều thú vị về bà Đệ cũng như sự tranh chấp về việc sản xuất tré trong gia đình sau khi bà Đệ qua đời. Thật đáng buồn, nếu gia đình đoàn kết thì ngày nay chắc chắn món tré mang tên của bà còn ngon hơn nhiều.
Ngoài ra Như Thuỳ còn ” bật mí ” một vài bí quyết của gia đình bà Đệ để giúp cho chúng ta làm món tré ngon hơn, dùng lá ổi để gói, dùng thính, nước mắm ngon và đường được cô lại thật đặc trước khi trộn.
Trong công thức của cô cũng dùng thính vì thính làm cho tré thơm và giúp tré mau chua.
Lần tới cô sẽ dùng đường và nước mắm mà không dùng muối nhưng theo kinh nghiệm, nếu nước mắm cô đặc quá thì sẽ rất khó trộn đều với thịt và các gia vị khác mặc dù mùi vị sẽ ngon hơn.
Thưa cô, đọc một mạch bài viết về Tré của cô xong em rất hứng khởi nên đã viết phản hồi luôn. Tuy nhiên, sau khi gởi đi rồi em thật hối hận vì trong đó có đề cập ít nhiều đến chuyện không vui trong gia đình mình đã từng quen biết nên đã gọi cho anh LM để nhờ xoá thì bài đã lên trang …
Về phần nước mắm, thưa cô, họ đã cô đặc hỗn hợp nước mắm và đường đến độ kết tinh khô như đường làm mứt tết chớ không sền sệt nên trộn đều với thịt cũng dễ cô à. Còn về thính thì do em đọc quá nhanh nên bỏ sót, em hết sức xin lỗi .
Không có gì đâu Như Thuỳ, bài viết của em chỉ có tính cách thông tin chứ không có tính cách chỉ trích nên đừng bận lòng. Nếu hay làm tré thì cũng nên cô nước mắm đường thành tinh bột như bà Đệ, cô nghĩ là mình có thể làm nhiều một lần, đem những mảng nước mắm đường kết tinh đó bỏ vào máy xay nhuyễn rồi cất trong keo thuỷ tinh, giữ lâu ngày để dùng từ từ.
Như Thùy ơi! Bài viết của Như Thùy với những thông tin thật thú vị. Thì ra đặc sản của Đà Nẵng ngoài chả bò còn có tré. Hôm trước ở ĐN về mình có mua chả bò, nếu biết có món tré thì mình đã mua rồi. Hẹn dịp khác vậy.
Chị My Nguyễn thương ! Vì đã từng lâm vào tình huống bẽ boàng với món tré ở Mỹ Tho nên từ đó em đã trở nên vô cùng thận trọng khi chào mời món tré . Tuy vậy, nếu sắp tới có cơ hội vô lại Vĩnh Long, em xin “tiêng thệ” sẽ bằng mọi giá đem nó vô để giới thiệu với các anh chị ( bất kể hậu quả khen chê !!! ) . Ha!ha!
Như Thùy thương mến ,
Vậy chị chuẩn bị mua riềng , khi có họp bạn Vĩnh Long ,,, HChâu sẽ phát mỗi người một lát riềng ,,ăn thử cho quen mùi vị ,, mai mốt Như Thùy mang anh TRÉ vào ,,, Hihi
Như Thùy thương mến ,
Bài viết hấp dẫn lắm , biết người biết ta mới là thắng thế ,, mai mốt em nhắn chị Hai HHà ở ngoải về nhớ mua cho chị một xâu tré nhé em ,,,Một năm ăn một lần chắc không sao . Chị Hoành Châu (Gia đình C )