Tôi đi nhổ khoai
Đọc tựa bài chắc có bạn sẽ cười bảo, “Đúng là dân chợ! Khoai thì phải đào, ai lại nói nhổ?” Tôi nói vậy là có lý do.
Lúc còn học ở tỉnh Phước Long tôi có một bạn học tên Phan Văn Chín. Chín gốc người Bình Dương và không nói được phụ âm /th/(thay vì nói thùng thiếc, lại nói là “khùng khiếc”). Tôi có hỏi về việc ấy, Chín cho biết, “Ở quê tao ai cũng nói vậy. Nói riết quen, không sửa được.” Chín sớm mồ côi nên phải ở với anh thứ tư để được đi học. Anh của Chín vừa làm công chức vừa khai thác miếng vườn mấy mẫu ven sườn đồi trồng mít và cà phê. Ngoài thời gian đi học, Chín phải phụ anh chăm sóc vườn nhà và có trách nhiệm riêng là nuôi 2 con bò. Tôi thích đến nhà (anh của) Chín chơi vì vườn rộng, sau vườn có con suối, có rẫy mía và bãi cỏ ở chân núi Bà Rá, mà bao giờ Chín cũng có mặt.
Thấy tôi đến, Chín nói: “Hôm nay tao có quà cho mày mang về. Đi theo tao.” Tôi theo Chín đi một đoạn đến chỗ đám khoai đang trổ hoa tím. “Mấy luống khoai này là do nhà tao trồng, khoai giống Okinawa mới nhập, anh Tư tao xin giống của cán bộ canh nông. Trồng ở đây xa quá, mà không phải là đất của mình. Đây là khu chăn, thả chung, trồng khoai ở đây kỳ lắm. Mỗi lần thả bò ra, nội lo canh bò nhà mình đừng phá khoai đã phát mệt, nói gì việc canh bò, dê nhà khác phá. Để tao chỉ cho mầy cách nhổ khoai để mai mốt thu hoạch được ít, tao sẽ nói anh Tư năm sau đừng trồng. Để tao chỉ cách nhổ.” Chín khéo léo phăng dây khoai đến gốc rồi nhổ bật lên 3, 4 củ tròn tròn to bằng nắm tay. Tôi ngồi xuống phăng dây kế bên và làm theo. Kết quả tốt tương tự. Thấy tôi làm được Chín nói, “Mầy cứ ở đây nhổ khoai, nhớ chừa dây trên luống và giữ rễ phụ lại càng nhiều càng tốt. Đừng bỏ sót lại củ nào. Giờ tao đi bẻ mấy cây mía bỏ trên cầu lát tụi mình ăn.” Nói xong Chín bỏ đi. Tôi lấy một củ lau sạch đất ăn. Khoai vỏ trắng nhưng ruột vàng rất ngọt. (Tôi tuy ốm nhưng “tốt bụng”, khoai, cà rốt… sống tôi ăn mà không hề gì. Thật ra cái tật mê ăn của tôi khó bỏ dù đã bị những bài học đích đáng. Vâng, chỉ hai trái cà phê chín đỏ, to bằng đầu ngón tay nhưng tôi đã bị một trận nôn ra trò. Bạn nào đi Tây Nguyên chơi ăn thử xem). Nhổ thêm mấy dây nữa đã có trên chục củ nằm lăn lóc trên đất. Tôi đâm bối rối. Khoai rất ngon, cho nhiều củ, đám khoai còn rất rộng nhưng làm sao mang về nhiều? Giữa đồng cỏ làm sao có bao, có giỏ để chứa được nhiều khoai? Tôi nhớ ven bờ suối có đám môn nước, có thể ngắt 3 – 4 lá ốp lại đựng nhưng cũng chỉ được hơn chục củ, không đáng công! Tôi ngó xuống đất thì thấy ống dài quần của tôi có thể chứa được nhiều. Thế là tôi không giữ vẻ lịch sự nữa, mà cởi phăng quần dài ra, buộc túm 2 ống lại, bỏ khoai vào đó và tiếp tục nhổ, lặt khoai. Khoai đầy ống quần, tôi lại cài nút quần. Chẳng mấy chốc đã tràn ra ngoài, thế là tôi phải tước dây khoai xỏ vào lỗ cột bên trên cho khoai khỏi rơi ra. Sau đó tôi vác “quần khoai” để gần bên cầu, ngồi xuống cầu xước mía, chân thòng xuống suối nước cho mát.
Cắt cỏ xong Chín quay lại cầu thấy tôi đang ngồi xước mía, cái quần dài chứa đầy khoai để gần đó, hắn trố mắt lên vì ngạc nhiên, “Nhiều quá! Làm sao mầy chở về?” Tôi đáp đã nghĩ ra cách là tròng lên cổ. Chín dặn tôi khi về đi vòng qua vườn nhà kế bên, cho chị của Chín không thấy, còn xe đạp của tôi Chín sẽ vào nhà dắt ra cho. Sau đó Chín ngồi xuống cạnh tôi xước mía thi xem ai… ăn nhanh, vừa bàn chuyện bạn bè, trường lớp. Khi mặt trời khuất sau núi Bà Rá chúng tôi đi ra bãi cỏ dưới chân núi Bà Rá tìm 2 con bò của Chín. Cũng dễ thôi vì bò mẹ có mang chuông, chỉ cần nghe tiếng chuông là biết chúng ở đâu. Tôi có thời gian trèo (chân) núi Bà Rá, nhìn chim bay về tổ, quan sát sinh hoạt của người dân ấp Sơn Long khi chiều về, quan sát những cái bọng dầu do người Stiên đục trên cây dầu để khai thác dầu chai. (Người ta dùng chất chai để trét ghe, xuồng. Trái dầu có 2 cánh, khi trái rụng sẽ bay xoay tròn. Ở thị xã Trà Vinh có mấy cây dầu rất to, nhất là quanh ao Bà Om) Những đốm lửa huyền bí xuất hiện trên núi Bà Rá vào buổi chiều giờ với tôi không còn là huyền bí nữa.
Trên đường về, ai thấy tôi đạp xe với cái quần đầy khoai mang ngang cổ cũng phải bật cười.
Nguyễn Hoàng Long
Tâm sự: Nhắc lại chuyện ngày xưa, thuở còn bé, mà bắt thèm. Mấy năm nay ăn bằng răng giả nên thấy bớt ngon, làm gì dám xước mía!
Những kỷ niệm nho nhỏ nhưng qua ngòi bút của Hoàng Long đã trở thành những mẫu truyện lôi cuốn người đọc trong bối cảnh đầy thiên nhiên, đẹp nhưng mộc mạc, quen thuộc.
Cậu học sinh Hoàng Long ngày nào đầy sáng kiến nên đã giải quyết vấn đề gói ghém cũng như chuyên chở đám khoai một cách nhanh chóng và hữu hiệu khiến người đọc không khỏi mỉm cười.
Mot ky niem that dep, anh ke truyen rat chi tiet va di dom! Doc gia co the hinh dung duoc hanh dong tinh nghich cua anh, tri nho that tuyet voi!