YouTube đang lưu hành những lời nhạc chế, các bạn có thể nghe những câu rất hay như:
“Dừng chân trên phố, nhưng mà ngỡ trên sông. Toàn thân run bắn khi ngập nước ngang mông”. Hoặc từ một luồng khác như “Giờ đây xe máy bỗng lại hoá ca-nô. Mực cua tôm cá bơi lội với ô-tô” (cả hai cùng nhại lời Sài Gòn Đẹp Lắm của nhạc sĩ Y Vân)
Hoặc : “Trót mang kiếp phượng, trời cho nỗi buồn. Cảm ơn tình yêu, cảm ơn người thương” (nhại lời Nỗi Buồn Hoa Phượng của nhạc sĩ Thanh Sơn).
Nét đặc sắc những lời nhạc chế nầy là một số còn giữ được ý của tác giả, còn hầu hết thì lời lẽ có chút đối nghịch hoặc chẳng ăn nhằm đến hồn thơ ý nhạc mà họ mượn đứt “tông e”.Dân ấp 5 hiểu từ đôi phóng tác một cách nôm na như thế nầy: Dựa trên những sự kiện nổi tiếng, một áng văn thơ, một chuyện tình, một truyền thuyết…Người ta viết thành một quyển tiểu thuyết dài như cây vải, hay dựng nên một truyện phim tình cảm có nhiều tình tiết lâm ly. Cũng từ một câu chuyện rỉ sét chết ngắc nằm dưới đáy đại dương trăm năm, người ta cho nó sống lại đầy màu sắc, đó là thành công trong việc sống lại một con tàu vĩ đại, Titanic.
Còn đối với một tác phẩm tuyệt hay và hoàn hảo như “Dân Vĩnh Long Có Biết”, thì mọi sự dựa dẫm hoặc sao nhái, tất cả như một loại nhạc chế…
xox
– Chợ Cua vì chợ ngay cái cua, nhưng cái cua có cái chợ thì không ai kêu bằng Cua Chợ mà lại kêu là Cua Thầy Thặng. Phải nói là sự bất công ở đâu cũng có, không đợi tới lúc có ông trọng tài bóng đá thì mới chế ra cây còi và sự thiên vị.
– Vĩnh Long có hai Chợ Đêm, vì bà con nhóm chợ ban đêm. Còn số chợ nhóm ban ngày thì không nghe ai gọi là Chợ Ngày.
– Cầu Mỹ Thuận, Úc qua xây dựng chai tay, Mỹ kiểm nghiệm OK còn dành đặt tên, cũng lạ. Úc Dựng xứng hơn Mỹ Thuận.
– Hồi thời “Nhất nông nhì sĩ”, người ta thích đặt tên con như: Lúa, Gạo, Tấm, Cám, Quýt, Cam… Chuyện rằng, có ông điền chủ mê ăn canh chua cá Điêu Hồng, đến nổi ổng đặt tên con đầu lòng là Me. Cô Me đến tuổi lấy chống, ông điền chủ kia cưới chồng cho con và bắt ở rể, ông chia cho vợ chồng họ một ngàn mẫu ruộng. Vài năm sau chàng rể chẳng may qua đời. Thời gian chồng bị bệnh rề rề, bà Me bỏ ra một số tiền lớn cho công quỹ làng xã, yêu cầu hương chức hội tề phải đặt tên con sông chảy ngang đất bà là sông Ông Me, mục đích cho chồng bà có mặt mủi mà quên đau buồn. Cũng bởi cây cầu bắc ngang sông Ông Me mà Sở Cầu đường phải đặt tên cầu Ông Me. Chứ thật ra ông bà Me không kinh doanh cầu đường gì cả.
Ba năm sau, bà Me tái giá. Người chồng nầy ra điều kiện, bà Me phải bán số ruộng đất quê bà đem tiền xuống quê ông cất cây cầu và phải đặt tên là cầu Ông Tấm, dù bà rất muốn đặt tên “Ông Me Nhỏ”.
– Lúc khởi thuỷ, bưởi Năm Roi chưa có roi nào cả. Nghe nói ngài Nguyễn Trường Tộ trước khi làm hiệu trưởng một ngôi trường ở Vĩnh Long. Ông vâng lịnh vua, dong thuyền qua eo biển Malacca để sang Ấn Độ để thương lượng điều cơ mật. Khi về, vua Ấn Độ tặng ông 4 chậu bưởi chiết cành tươi tốt. Hành trình đi tàu thuỷ quá lâu mà ngài còn ghé xứ Cao-Mên có chuyện, rồi xuôi dòng Cữu Long về nước cho đỡ tốn dầu. Anh sĩ quan hoàng gia Tuỳ Viên Nông Lâm Súc quên tưới liên tiếp hai ngày khiến 4 cây bưởi chết khô héo. Ngài Nguyễn Trường Tộ ra lịnh ném chúng xuống sông lúc tàu chạy ngang Trà Nóc. Cũng khuya đêm đó ngoài sông cái, có một bác câu tôm vớt được một giỏ mây đan rất đẹp trồng một cây chết. Ông thợ câu đặt chậu cây lên xuồng và bơi về nhà ngủ. Sáng hôm sau, ông nhớ đến chậu cây xí được ngoài sông hồi khuya. Cái cây mà ông ngỡ “cây khô ngâm nước cũng chết khô” bỗng ra một vài chồi lá xanh. Ông thợ câu hiếu kỳ, đặt cây xuống đất vườn sau nhà. Vài tháng, cây đó ra hình là cây bưởi và tốt sum suê. Hai năm sau, cây bưởi “Sông Cái” ra vài trái chiếng thật lạ và thật ngon. Năm trồng thứ ba, cây bưởi ra trái quá nhiều và tiếng rỉ tai trái lạ và ngon lọt ra ngoài. Ông thợ câu biết có người hái trộm, ông rình và bắt quả tang 2 thằng nhóc bẻ trộm bưởi. Ông đánh mỗi thằng một roi và mét cha mẹ chúng quản dạy. Mùa bưởi chín năm sau, 2 thằng nhỏ kia lớn hơn một chút. Tụi nó không dám ăn trộm, nhưng xúi mấy thằng bạn: “Tao chỉ tụi bây hái loại bưởi Một Roi, ngon lắm”. Đám trộm mới thành lập có thằng chui lọt, có thằng vướng lưới. Lần nầy không phải bị ông chủ vườn đánh một roi, mà là 3 roi.
Năm sau sản lượng bưởi cao hơn, ông chủ vườn bỏ mùa câu và cất một chòi cạnh cây bưởi, canh chừng suốt mùa trái. Giữ kỹ thế nào cũng có ăn trộm để ông bắt, năm nay hình phạt không còn ba roi, mà là năm roi. Bà xã của ông can ngăn, tui thấy cở năm roi là vừa, mỗi năm ông tăng lên 2 roi thì coi chừng có ngày đánh chết người ta mà bị tù tội. Từ đó có ai lén phéng vào vườn ông Sáu Câu Tôm trộm bưởi, giá đòn năm roi là cao nhất.
– Năm 1785, sau khi các cánh bộ binh và thuỷ quân của liên quân Xiêm và Nguyễn Ánh bị quân Nguyễn Huệ đánh tơi tả tại Rạch Gầm, Xoài Mút. Một ít chiến thuyền của Nguyễn Ánh vượt vòng vây đi đường tắt sông nhỏ, từ Mỹ Tho sang sông Cổ Chiên để tìm đường sang Cần Thơ, hy vọng phối hợp với bộ binh Xiêm còn ở đó. Lúc mới ra đến sông Cổ Chiên, Nguyễn Ánh được báo là chiến thuyền bị nước vô rò rỉ . Nguyễn Ánh ra lịnh ghé vào một ngôi đình ven sông, chuẩn bị cho lính kéo thuyền lên bờ để xảm trét lấp vò sửa chiến thuyền. Lúc đó mới hay chiếc tàu hậu cần chở lương thực súng đạn, dầu ráy và dụng cụ sửa ghe đã bị thất lạc. Các tướng thân cận bàn với Nguyễn Ánh chấp thuận cho họ lên xóm mua heo bò khao quân, lấy lại tinh thần quân sĩ. Đáng lẽ ngôi đình làng sẽ có tên là đình Lấp Vò thì biến thành đình Khao kể từ ngày mổ bò mổ heo tại đó. Chờ thêm một ngày mà chiếc hậu cần vẫn chưa tới. Nguyễn Ánh ra lệnh nhổ neo và kéo đoàn quân bại trận qua khỏi Sa Đec ghé bờ hạ trại, chờ chiếc hậu cần mang dầu ráy, một vật liệu cần thiết để lấp vò chống nước cho ghe thuyền.
(Còn tiếp)
Một Lúa
H
Post Views: 512
Kính thưa cô bác, sử dõm không thể sống nổi trong thời sử thiệt. Vì vậy sẽ không có phần tiếp theo. Cảm ơn mọi sự chú ý.
Một Lúa
Hi hi
Đọc nghe dzui thiệt đó !
Hóm hỉnh và rất duyên !
Bài sử dỏm rất hay ,và lời chống của tác giả còn hay hơn .Lý huong xin chào Anh Một Lúa.
Sử “dỏm ” mà lại được kể một cách rất dí dỏm, nếu không để ý, người đọc cứ tưởng là Một Lúa đang kể chuyện ” thật ” chứ không phải là chuyện “dỏm”. Đó là cái duyên và cái tài của tác giả khiến người đọc bị lạc vào ” mê hồn trận ” mà không biết lối ra và không còn nhận được đâu là ” hư “, đâu là ” thực “.
Chào cô Hồng Khanh và quý bạn,
Vì phần trả lời cho mỗi PH của bài nầy bị khoá (trục trặc từ trang web) , ML mạn phép trả lời chung.
@Phan Lương, nghe nói bạn trẻ ở ấp Tư, bạn có biết cầu Ông Tấm. Bây giờ người ta gọi tên và họ theo Tây là Danh Tấm.
@Lý Hương, Lúa tui hồi xưa rất mê những đoản khúc Tân Tam quốc chí của các danh sư bình luận thời cuộc. hihi
@Cô Hồng Khanh, Cũng có khi phải viết nhanh, xem lẹ, quên mau trong thời bùng nổ thông tin nầy cô ạ.
Cảm ơn những lời phê