Lãng mạn thời sinh viên (Phần 2)
Chúng tôi tận hưởng niềm vui “diễu hành” như thế được mấy đêm. Đêm sau, khi vừa quẹo đường Bàn Cờ, Oanh đột ngột dừng xe, đưa tay ngoắt tôi lại, nói, “Anh vào nhà chơi.” Đêm ấy tôi về không ngủ được.
Phải nói Oanh không đẹp, chỉ xinh thôi, với dáng vẻ bên ngoài rất hippy (phong cách thời ấy với tóc dài ngang vai, cặp mắt kính gọng tròn trên sóng mũi, áo tròng đầu bằng vải sô màu lục, lam, cam với tay dài, có thêu hoa văn quanh cổ, vạt, ống tay áo, quần ống loe, mang sabot cao gót), nhưng ăn nói mềm mỏng, và rất thẳng tính, không màu mè. Đến nhà chơi tôi mới biết ba mẹ Oanh chỉ có hai con; anh trai Oanh học bên Pháp rồi ở lại bên ấy làm việc, sắp cưới vợ. Ba Oanh làm việc cho một hãng dệt, mẹ Oanh có nhiều người thân ở nước ngoài. Do chỉ có Oanh là con gái nên họ rất thương và chiều con.
Dạo cuối năm 1974, ở nước ngoài người ta đã nói nhiều về việc chính quyền SG sẽ thua, miền Nam sẽ rơi vào tay quân Giải Phóng. Bà con Oanh ở nước ngoài thúc giục gia đình Oanh sớm thu xếp rời VN, rồi còn việc anh của Oanh sắp lập gia đình bên ấy. Mẹ Oanh muốn nhanh chóng đi nước ngoài, ba Oanh không dứt khoát vì dù đã có thời gian học bên Pháp nhưng người thân, bạn bè của ông chỉ ở quê nhà, Oanh thì xin gia đình cho ở lại Sài Gòn đến khi học xong, vì không muốn nghỉ giữa chừng, uổng công. Nghe những thông tin ấy tôi hơi buồn, nhưng cũng chóng quên vì lúc đó tôi rất vô tư. Chiến tranh, đối với tôi, còn ở đâu đó xa lắm: Khe Sanh (Quảng Trị), hay gần như Phước Long thì cũng phải xa tít trong rừng. Những lo sợ kiểu ấy chỉ là hảo huyền. Và chúng tôi đêm đêm gặp nhau ở trường, đi về cùng một đường, cùng nhau vui chơi.
Trung tuần tháng 4/1975, Air France thông báo sau vài chuyến bay đã lên kế hoạch, sẽ ngừng khai thác tuyến SG-Paris, và dời văn phòng đại diện khỏi VN. Một buổi chiều, tôi đến nhà Oanh chơi. Bước vào nhà tôi thấy quần áo đổ đầy, Oanh, mẹ và chị giúp việc đang bận rộn xếp chúng vào mấy chiếc va li thật to. Thấy họ đang bận, tôi kiếu từ ra về. Mẹ Oanh nhiệt tình mời tôi vào nhà. Tôi vào nhà, ngồi xuống cạnh Oanh, phụ xếp mấy món lặt vặt. Oanh lẳng lặng làm việc, từ khi tôi vào nhà đến giờ nàng chưa nói lời nào mà chỉ cắm cúi làm việc, nếu tôi có hỏi, Oanh chỉ ư, hử trả lời, Không khí ngột ngạt. Một lúc sau tôi đứng lên kiếu từ ra về. Oanh vẫn ngồi cúi mặt xếp quần áo. Mẹ Oanh có vẻ ngạc nhiên vì thái độ của con, nhưng bà không nói gì mà chỉ đứng lên tiễn tôi ra cửa. Ở cửa, tôi quay lại nhìn kịp thấy mắt Oanh liếc ra phía cửa.
Hôm sau Air France bay chuyến cuối tuyến SG-Paris.
Oanh luôn là Oanh, luôn biết lúc nào phải làm gì. Tôi biết nói gì đây, khi người con gái với cá tính đó là người tôi đã chọn để giao tiếp? Hay bắt chước nhân vật nam trong “Love Story” nói câu: “Yêu có nghĩa không bao giờ phải nói hối tiếc”?
Các bạn sẽ hỏi, “Tôi mất công như vậy có được gì?” Tôi xin trả lời: “Được rất nhiều, nhưng cái được lớn nhất tôi xin giữ lại cho riêng tôi, chỉ chia sẻ những gì râu, ria thôi.”
Có lần, tôi, Oanh và cô bạn của Oanh đi xem phim. Cô bạn của Oanh rất tế nhị. Khi xếp hàng mua vé cô để tôi đứng đầu (để mạnh dạn móc tiền ra mua 3 vé?), vào rạp cô xếp Oanh ngồi giữa, tôi được ngồi cạnh Oanh. Hôm đó rạp chiếu phim tình cảm Pháp “Un peu de soleil dans l’eau froid”. Phim nói về một nhà văn trẻ, có tài nhưng sớm chán cuộc sống nơi thành phố công nghiệp, máy móc, không có chỗ cho tình cảm. Chị của nhà văn sớm thấy bế tắc của em nên khuyên cậu em lui về miền quê Limoge nghỉ dưỡng, tìm lại cảm hứng. Vùng Limoge của Pháp, vốn nổi tiếng với nghề gốm sứ đã có từ lâu đời nên có những hồ nước thật to. Lúc ấy là mùa thu, ánh sáng mặt trời yếu ớt không thể nào chiếu xuyên qua lớp nước dầy, và dưới đáy hồ làn nước thật lạnh. Cái lạnh đó đã truyền từ màn ảnh xuống làm 2 chúng tôi phải nắm lấy tay nhau. (Ghi chú: phim này hay lắm, có dịp các bạn nhớ đón xem. Khi đi xem, nhớ đi với bồ, người yêu hay vợ/chồng để có cùng cảm nhận như chúng tôi.)
Cùng thời gian ấy tại TTQGNN xảy ra một chuyện tình làm xôn xao nam sinh viên. Tôi nói “xôn xao” vì mức độ lãng mạn của chuyện.
Anh sinh viên năm 4 “si” (phải dùng từ này mới chính xác) em Hà, sinh viên năm 1 trường Dược. Các bạn sẽ thắc mắc tại sao chuyện của người ta mà tôi biết vanh vách? Số là anh sinh viên năm 4 (đàn anh của tôi) yêu em Hà nên quyết định: yêu cả đường đi lối về (của em). Biết được em hay đi bộ ngang TTQGNN để đến trường Dược, do không có thảm đỏ trải để biểu lộ sự trân trọng, đàn anh bèn quyết định biến lề đường Cường Để trước TTQGNN và trường Dược thành con đường có hoa, có bướm (chắc anh hy vọng: hoa nở thì hoa tình của anh cũng nở!). Dạo ấy người ta mới trồng mấy cây còng trên lề đường. Thế là anh lui cui ôm gạch (không biết lấy đâu ra trong ký túc xá TTQGNN) ra tấn thành bồn hoa quanh mấy gốc cây, mang hoa (cũng không biết lấy đâu ra, nhưng trong đó có hoa mười giờ!) ra trồng vào mấy cái bồn, hàng ngày tưới nước. Đàn anh cũng trổ hết hoa tay ra khắc mấy chữ “Hà” trên thân cây còng, rồi dùng sơn tô xanh đỏ lên những chữ ấy (thế là biết tên rồi nhé). Đàn anh còn tìm cách biết giờ em đi ngang (dễ thôi, chỉ cần qua phòng giáo vụ trường Dược là thấy) để vận quần áo thật đẹp, lên ban công lầu 1 đứng nhìn. Dạo ấy TTQGNN có 2 khối nhà (đối diện nhau qua đường Cường Để) xây sát lề đường, nên chỉ cần lên lầu đứng là có thể quan sát cả một đoạn đường dài. Ánh mắt nhìn của anh là “cả một trời tình bát ngát”, nên chỉ nhìn theo ánh mắt ấy là chúng tôi biết ai là em Hà. Cánh nam sinh viên nông nghiệp nhìn cảnh đàn anh lui cui tấn gạch, chăm sóc bồn hoa và te tái leo lầu cho kịp giờ ngắm em Hà chỉ có nước nhìn nhau lắc đầu than: “Mất mặt KBC quá!” (Khu Bưu Chính, hòm thư quân đội).
Dạo ấy ở Sài Gòn mới chiếu phim tình cảm Anh “Obssession”, ngoài rạp dịch là “Tình Trên Xác Bướm”. Phim nói về anh nhân viên ngân hàng đi, về chung đường với cô sinh viên mỹ thuật rất đẹp. Nhìn cô mãi, anh đem lòng yêu cô rồi lập mưu bắt cóc. “Bắt cóc”, hai từ này nghe không lãng mạn tí nào và dường như em Hà có xem phim, hay nghe nói về phim nên em sợ, không dám đi bộ ngang TTQGNN nữa. Thật ra em có thể đi bộ theo đường Mạc Đỉnh Chi rồi quẹo Thống Nhất để đến trường, nhưng như thế phải đi ngang qua hông tòa đại sứ Mỹ, vốn đầy nhóc lính Mỹ trắng, Mỹ đen, Cảnh sát dã chiến, Cảnh sát áo trắng… càng đáng sợ hơn. Em đành nhờ người nhà đưa đón. Sau đó em tuyển luôn “tài xế riêng”. Chuyện tình lãng mạn mất nhân vật nữ chính đành chấm dứt.
Gần đây tôi có dịp đi ngang đường Cường Để. Tôi chạy xe chầm chậm quan sát. Khu Cường Để vẫn tấp nập nam thanh, nữ tú. Trạm xe buýt trước TTQGNN vẫn còn, vẫn đông khách chờ xe. Có tiếng còi xe buýt vào trạm. Tôi tấp xe vào lề, dừng lại chờ. Khách lục tục lên, xe chạy. Tôi tiếp tục hành trình. Mấy cây còng, hồi tôi học mới được trồng, giờ đã thành cổ thụ. Không biết mấy chữ “Hà” đàn anh tôi khắc giờ có còn dấu vết gì?
Nguyễn Hoàng Long
Tái bút: Đọc đến đây có bạn thắc mắc: “Nàng này” không phải “nàng kia”! (Xin xem truyện Ngôi Trường Thời Thơ Ấu). Tôi xin chia thêm tí.
Sau đó mấy năm, ở Phước Long chiến tranh nổ ra. Người dân lục tục bỏ đi, nhường chỗ cho những người có súng.
Năm 1974, một chiều cuối tuần sẵn có tiền tôi ra đường Lê Lợi tìm mua khúc vải may quần (dạo ấy, lề đường Lê Lợi đoạn từ Công Lý đến Pasteur, phía gần bên Hàm Nghi, được phân thành sạp chỉ bán vải và sách cũ – tôi là khách mối). Chọn mua được khúc vải, tôi bước sang mấy sạp sách cũ tìm mua. Đi khắp lượt không tìm được quyển vừa ý, tôi quyết định trở lại ngã tư Công Lý, nơi có mấy người chuyên đi thu mua sách cũ từ những vựa ve chai về, hy vọng tìm được cái gì đó hay hay. Đi gần đến ngã tư, tôi thấy một xe du lịch tấp vào lề. Có gì đó khiến tôi phải chú ý đến những người đi trên xe. Người lái xe mở cửa bước ra, đi vòng sang bên kia xe rồi quay trở lại, tay phải bồng một đứa bé, tay trái choàng sau lưng một phụ nữ đang mang thai bụng đã khá to. Họ đứng chờ để băng qua đường về hướng tôi. Trên gương mặt đẹp của người phụ nữ ấy tôi nhận ra nét gì đó quen quen. Hình như đó là người xưa.
Nguyễn Hoàng Long
Nguyễn Hoàng Long, anh viết rất hay!
Hình như đó là người xưa ! Tiếc thay em đã ” Chống lầy ” . Đọc bài viết của Nguyễn Hoàng Long sực nhớ tới đại gia Hoàng Hưng quá nè ! Xin phép hỏi … Có anh em bà con hay cột chèo nhau không ? Mà sao thoang thoáng như quen lạ kỳ !!!??? hihihi
Có. Chúng tôi là đồng môn.
Nguyễn Tuyết thân mến ,
Nghe nhắc đến Đại gia Hoàng Hưng (Gia đình C ) mới nhớ , lâu nay ổng đi đâu mà không ghé qua trang nhà ,,, Bếp ấm của Cô Hồng Khanh đang chờ một thực khách mang đến hơi nóng của chảo cơm rang rạng sáng hôm nào ,,( cần được Cô kiểm nghiệm lại ! )
Hoành Châu (Gia đình C )
Trông đọc tiếp kỳ 2,nhưng rồi cuối cùng chuyện anh và cô Oanh cũng không đi tới đâu . Đến chừng ấy năm sau mới thoáng thấy người xưa ,đúng là lãng mạng thật.Bài anh viết rất hay,còn kỳ 3 không anh Long anh viết tiếp cho chúng em thưởng thức,chúc anh vui khỏe .
Cô Lai nhầm rồi. Oanh rời khỏi VN khoảng giữa tháng 4/1975 và đến giờ tôi vẫn chưa gặp lại, còn “hình như đó là người xưa” là nói về “nàng”, tiếp theo truyện “Ngôi Trường Tuổi Thơ”, theo yêu cầu của một bạn nào đó. Chính xác mà nói câu “hình như đó là người xưa” là của anh Lương Minh.
Bao nhiêu năm,,, một mối tình xa xưa ,,, lúc này hết lãng mạn rồi ! Hihi Hoành Châu (Gia đình C )
Trái đất tròn. Hy vọng sẽ có phần 3 để gửi đến cho các bạn. Ráng đợi cùng mình. Chào Long.
Hay lắm anh Long ơi, thật là hoa mộng! Cám ơn nhé!