Lãng mạn thời sinh viên

Ngày đăng: 5/04/2016 11:39:39 Sáng/ ý kiến phản hồi (4)

Sài Gòn vào khoảng năm 1972 có 2 viện đại học công lập, đó là Viện đại học Sài Gòn (với các trường Văn Khoa, Luật khoa, Y, Dược…) và Viện đại học Bách Khoa Thủ Đức (tên tiếng Anh là Thủ Đức Polytechniques) với 3 trường: Đại học Giáo Dục (đào tạo giáo sinh sau này sẽ ra dạy tại các trường Trung học Nông Lâm Súc hay Trung học Kỹ Thuật. Giờ đổi tên là trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật tp HCM), Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp (giờ gọi là Đại Học Nông Lâm tp HCM) và Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật Phú Thọ (giờ gọi là Đại Học Bách Khoa TP. HCM).

Van khoa

Tôi học Văn Khoa (VK) được gần 2 năm. Sở dĩ nói “gần” vì 2 nguyên nhân: chưa thi cuối năm (đã đóng lệ phí thi), và buổi học cuối, học nhờ tại số 4 Duy Tân-thầy Duan Hauch phụ trách môn American Drama, gần kết thúc thi đúng lúc đó, và cách đó 500m, anh Nguyễn Thành Trung đánh bom dinh Độc Lập. Rồi bom nổ, còi báo động hụ, súng phòng không bắn… mọi thứ nháo nhào. Khi yên tĩnh trở lại, mọi người tự động giải tán.

 

Tôi thích cách giảng dạy của trường Văn Khoa (VK). Bên cạnh thành phần giáo ban hùng mạnh với những học giả, những nhà nghiên cứu hàng đầu trong lãnh vực của họ như Thượng tọa Nhất Hạnh, Linh mục Thanh Lãng, Linh mục Chân Tín, nhà báo Phạm Việt Tuyền, nhà báo Lý Chánh Trung, nhà thơ Nguyên Sa… trường còn tạo điều kiện cho mọi người theo học (để nâng cao trình độ, kỹ năng, bằng cấp…), hay đến để nghe các giáo sư giảng một đề tài nào đó, dù họ có là sinh viên hay không, hoặc thậm chí chỉ đến để nghe hay gặp giáo sư mà họ thích!

Lịch báo giảng được lên trước một tuần. Mỗi bài giảng (lecture) tùy số lượng sinh viên ghi danh học nhiều ít sẽ được dạy từ 2 đến 4 lần, trong cùng một tuần, và luôn được xếp có buổi tối (để sinh viên đã đi làm việc có thời gian theo học). Có thể nói VK là ngôi trường đặc biệt, cao điểm trong ngày của trường là gần 17 giờ trở đi, lúc đó nam thanh, nữ tú  cứ là nườm nượp. Buổi tối, các giảng đường VK rực sáng ánh đèn. Và cũng đặc biệt ở chỗ hình thức kỷ luật cao nhất là cấm thi, không cấm học. Nói đến đây, tôi nhớ vụ ca sĩ Thanh L. xảy ra năm 1973. Thanh L. xuất thân trường Tây nên nói tiếng Anh khá giỏi, nhưng nói giỏi tiếng Anh là một việc, còn học tiếng Anh ở VK lại là việc khác, trong khi L. còn phải đi thu thanh, chạy xô… đâu có thời giờ học. Thế là L. vi phạm nội quy, bị cấm thi 2 năm. Năm sau, Thanh L. lại ghi danh VK. Tốt thôi, đâu có cấm học. Nhưng L. đã phạm sai lầm khi vào thi. Các bạn biết đấy, mặt của Thanh L. thì lẫn vào đâu được? (Phải công nhận Thanh L. nhìn ở ngoài, và gần, đẹp hơn nhiều so với trên truyền hình và phim ảnh trắng đen thời ấy với nước da trắng hồng, nốt ruồi duyên trên mép, son môi màu cam… ). Kết quả là L. bị cấm thi VK vĩnh viễn! Ngược lại với việc dạy, thi ở VK phải nói là cả một quá trình “đấu tranh sinh tồn”! Số sinh viên thi trượt phải nói là như “sung rụng”. Như chứng chỉ Dự bị Tiếng Anh tôi học, tổng số thí sinh không biết là bao nhiêu nhưng riêng thí sinh có tên bắt đầu bằng mẫu tự L (như Lan, Long…) xếp ngồi đầy một giảng đường lớn của trường Dược (thi nhờ), tôi nghĩ phải gần 200 người. Năm sau, khi nhìn danh sách SV theo học 3 chứng chỉ chuyên khoa tiếng Anh (Văn chương Văn minh Mỹ, Văn chương Văn minh Anh, và Ngữ học Anh), tổng số tôi đếm được chỉ mới ngoài 600, kể cả SV thi trượt những năm trước giờ học lại, và SV mới thi đậu nhưng lại theo học cả 2 chứng chỉ chuyên khoa như tôi. Số người thi rớt nhiều thì người thi đậu sẽ rất sướng! Tên của bạn trên danh sách sẽ được nhân viên giáo vụ dùng bút chì xanh đỏ gạch đít nối liền với chữ “đậu”, giữa vô số những cái tên mờ nhạt và những chữ “hỏng”.

 

Đang học năm 1 Đại học Giáo Dục, tôi mới biết mình thích và có khiếu học tiếng Anh nhờ trí nhớ tốt, tai thính và bắt chước giỏi. Thế là năm 1973 tôi ghi tên học Anh văn tại Đại học Văn Khoa. Học thêm tại VK không làm tôi gặp khó khăn nhiều trong việc đi lại vì Đại học Giáo Dục mới thành lập, gặp khó khăn về nhân sự nên tôi được gửi học nhờ tại Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp (TTQGNN), nằm trên cùng đường Cường Để với trường VK.

Chứng chỉ dự bị Anh văn là một trong những chứng chỉ có số SV theo học đông nhất tại VK. Giữa đám đông ấy tôi phát hiện nàng và lập tức “cảm” nàng trong một hoàn cảnh khá đặc biệt: khi nàng bị mất xe. Do đông SV theo học, trường hay xếp chúng tôi học giảng đường 1 to nhất, chỉ bước mấy bậc thềm là xuống đến sân. Dạo ấy ở Sài Gòn nạn trộm xe đã rất trầm trọng. Do học ngay bên trên, nàng không gửi xe, mà để xe sát bậc thềm, khóa cẩn thận, nhưng khi xuống sân chiếc xe không còn. Mất xe, nàng xanh mặt, bật khóc. Cô bạn của nàng đứng kế bên vổ về, an ủi. Chúng tôi đứng nhìn ái ngại. Rồi nàng móc khăn lau nước mắt, nhanh chóng đi về hướng văn phòng Ban Đại Diện SV ở gần cỗng, vào phòng. Tò mò, tôi đi theo xa xa phía sau quan sát. Nàng bước vào phòng, ngồi xuống một chỗ trống, móc trong xắc ra quyển vở hí hoáy viết. Viết xong nàng lấy keo thoa lên mặt sau tờ giấy, bước ra sân đi về chỗ để xe lúc trước, dán tờ giấy lên vách. Tờ giấy ghi:

Tôi tên Bùi Thị Ngọc Oanh

Địa chỉ:      đường Bàn Cờ

Hôm nay bạn nào đã cầm nhầm chiếc Honda dame màu xanh lá,

bảng số SB xxxx  xin cho tôi chuộc lại. Liên hệ địa chỉ trên. Cam

đoan giữ đúng luật giang hồ.

Từ lúc phát hiện mất xe cho đến lúc tờ thông báo chuộc xe được dán lên, tất cả chỉ trong vài phút. Tôi thán phục và cảm Oanh ngay từ lúc ấy. Sau đó, thỉnh thoảng tôi gặp Oanh trên giảng đường hay trong khuôn viên TTQGNN khi Oanh chạy chiếc Yamaha dame mới tinh vào đấy gửi (sinh viên VK thích gửi xe vào bãi của TTQGNN do bãi ở đây rộng, không bao giờ thiếu chỗ, và có cây to che bóng mát). Hai chúng tôi bị chìm trong đám đông SV dự bị.

Năm sau, thật tình cờ là hai chúng tôi học cùng 2 chứng chỉ (VCVM Mỹ & Ngữ học Anh). SV mới đậu ít dám học như vậy vì chương trình rất nặng, dễ… rớt. Tôi lúc này đang học năm 3 sư phạm. Tôi muốn trong thời gian ngắn nhất học tất cả các chứng chỉ chuyên khoa của chương trình cử nhân giáo khoa tiếng Anh, vì năm sau tôi phải về Thủ Đức học, rồi đi thực tập giảng dạy và ra trường, sau đó là đi dạy tại một trường trung học Nông Lâm Súc nào đó trải dài từ Huế đến Cần Thơ, mà trường gần nhất là Bình Dương, xa xôi, cách trở. Oanh cũng có lý do riêng khi chọn học như vậy. Lý do ấy sau này tôi mới biết, nhưng tôi quên không hỏi việc nàng theo học lớp tối như tôi.

Chỉ sau mấy đêm học chung là tôi biết Oanh về cùng đường Hồng Thập Tự với tôi. Đường Hồng Thập Tự đoạn này cứ một quảng ngắn là có giao lộ, có đèn giao thông, nên tôi được tự do, thong dong phóng xe chiếc Mobylette cà tàng ngắm Oanh từ phía sau, nhưng giữ một khoảng cách ở phía sau, vì ngượng. Mạc Đỉnh Chi, rồi Hai Bà Trưng, Duy Tân, Pasteur. Từ ngõ tư Công Lý trở đi tôi thường hay mất dấu nàng vì đoạn này dài, không giao lộ, và cũng vì trời tối, đường vắng, nên Oanh phóng xe nhanh. Mỗi lần đến ngõ tư Công Lý là mỗi lần tôi gặp khó khăn do tôi muốn chạy theo xe Oanh trên quảng đường dài nhất. Muốn làm được như thế tôi phải chạy xe đậu sát cột đèn, để vừa bật đèn xanh là phóng xe chạy, làm như vậy mới có thể thấy (lưng) Oanh được lâu, thấy được phía xa xa Oanh quẹo phải về hướng đường Lê Văn Duyệt. Hình như Oanh có giác quan thứ sáu. Một tối, khi cách ngã tư Công Lý khoảng 20m, Oanh đột ngột dừng xe. Bất ngờ và cũng lúng túng không biết xử trí ra sao, tôi đành cho xe trờ tới cột đèn, nhưng cũng có thời giờ quay sang Oanh… cười. Đèn xanh, Oanh vọt xe lên ngang xe tôi và quay sang hỏi, “Anh cũng về đường này?” Tôi trả lời sẽ đi đến cuối đường Hồng Thập Tự, rồi quẹo trái sang Cộng Hòa để về quận 8. Nghe tôi nói xong Oanh cười chào và phóng xe đi.

Những đêm sau tình hình có phần khác. Oanh vẫn chạy trước, tôi chạy sau, nhưng từ Công Lý trở đi Oanh không phóng xe nhanh mà vẫn chạy chầm chậm (có lẽ biết đã có người theo hộ tống!). Đến ngõ tư Lê Văn Duyệt, Oanh ra dấu quẹo phải, đến Phan Đình Phùng ra dấu quẹo trái, đến đường Bàn Cờ ra dấu quẹo phải. Đến đây tôi chợt nhớ lại vụ thông báo chuộc xe: nhà nàng ở đường Bàn Cờ. Thế là tôi giảm tốc, cho xe chạy thật chậm. Tôi dừng xe khi thấy Oanh dừng xe lại, mở cửa, vào nhà. Tôi chờ cho đến khi cửa nhà Oanh đóng lại mới quay về.

(còn nữa)

Nguyễn Hoàng Long

 

Có 4 bình luận về Lãng mạn thời sinh viên

  1. Nguyễn Hoàng Long kể chuyện Văn Khoa làm cô nhớ lại thời bắt đầu vào Đại Học của cô ( Văn Khoa 1965 ). Thuở đó VK mới dọn nhà, số lượng sinh viên quá đông nên VK cũ không đủ chỗ, không đủ giảng đường nên phải dời đến trường mới, rộng rãi, khoảng khoát hơn.

    Vào Đại Học, tất cả mọi việc đều khác hơn thời trung học tuy có một điều giống nhau là lúc nào cũng phải chuyên cần, phải đi nghe giảng, lấy note làm dàn bài để khi học thi sẽ dễ dàng hơn.

    Thời học sinh, thời sinh viên là những khoảng thời gian đẹp và nhiều kỷ niệm nhất, tuy thế lúc đó cũng chưa cảm nhận được vì lúc nào cũng phải bù đầu vào việc học, vào thi cử.

     

    • Thì ra Cô cũng học theo phương pháp làm dàn bài. Chỉ có học cách này mới có thể theo đuổi việc học đại học vốn rất nặng, nhất là hai trường cùng lúc. Học cách này khó đạt kết quả thật cao, nhưng thi đậu là chuyện trong tầm tay. Khi đi dạy, em nhiều lần hướng dẫn học sinh học theo cách này, kể cả con của em, nhưng rất ít em làm theo được. Buồn cười là mới đây có đứa cháu của em, đang học cao đẳng Dược, hỏi về cách học theo dàn bài mà em đã mất nhiều công sức dạy nó cách làm thời nó còn học phổ thông. Hình như hiện nay món ngon nhất là mì ăn liền! Chào Cô.

  2. vothilai nói:

    Anh Long kể chuyện hay quá,em không có may mắn đươc làm sinh viên nên nghe anh kể   ” Lãng mạng thời sinh viên ” em rất thích ,thích nhất là đoạn anh chạy sau lưng cô Oanh nào nó. Em chờ xem kỳ sau để biết anh và cô Oanh rồi sẽ ra sao .

  3. Nguyen Tuyet nói:

    Thời sinh viên Văn Khoa,..hay Luật…là một thời điểm đặc biệt  có nhiều dấu ấn rất vui…sau này cũng tiếp tục là sinh viên… nhưng khoảng thời gian sau 75 hay 75… khí thế , niềm vui  sinh viên  bị chi phối bởi thời cuộc và hoàn cảnh … nên NT tự thấy không còn vui  nữa… chỉ là bổn phận học rán cho xong  để ra trường mà thôi… Cám ơn đọc được bài viết một thời kỳ vui vẻ vô tư đáng nhớ ! NT cũng  luôn rất nhớ  các bạn của NT trong thời gian ngồi học chung dưới giảng đường  Văn  Khoa…nhưng mà  ở Cần Thơ… với  Cái Răng , Cái Khế , Bình Thủy , Ninh Kiều… Sau chuyển qua ĐH  Sư phạm…chỉ  lo học nhiều môn lảng nhách nên mất vui !  Cám ơn huynh  Hoàng Long kể chuyện cũ rất hay  một thời vang bóng  !

     

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác