Hai người bạn
Học chung lớp và ở chung xóm Huyện Cự (nay là đường Lê thị Hồng Gấm) có anh Kim (Phan văn Kim) và Nguyễn văn Mách. Có lẽ do nhỏ con nên tôi bị mặc cảm; sao lớp mình nhiều anh lớn (con) quá. Anh Luân, đã lớn con mà còn có tóc bạc (thật ra lúc ấy mình cũng có tóc bạc rồi!), rồi còn Thanh Phong, Thiện Lộc và 2 anh ‘Tây’: Nguyễn Việt Hồng (Tây đen) và anh ‘tên tây’, Phan văn Huit… Nhưng lớn nhất lớp (mình phong làm trưởng tràng) là anh Kim: cao lớn, ngồi cuối lớp, ít nói (với đám bạn con nít?), chỉ cười cười. Tuy nói nhà chung xóm nhưng thật ra nhà mình ở trọ và nhà anh Kim rất cách xa, muốn đến nhà anh mình phải qua cả thảy 5 cây cầu (một cách mô tả quảng đường ở VL lúc ấy, cũng như Việt kiều tả quảng cách bằng số phút đi xe). Cây cầu thứ 5 dài nhất vì bắc qua con kênh rộng (chảy phía sau sân vận động VL). Nhà anh Kim ở ngã 3 sông. Trước mặt nhà là sông cầu Lộ (chảy sang cầu Tân Hữu). Nhà anh có làm 1 cầu tàu bằng gỗ rất đẹp, phải nói là thơ mộng, mình đã tắm sông ở đấy nhiều lần, trước khi biết đó là nhà anh Kim . Đơn giản, đi xe đạp đến đấy, khóa xe vào cầu tàu, cởi áo máng vào xe rồi cứ thế mà phóng xuống sông. Sau này, khi đã phát hiện là nhà của anh Kim thì càng thoải mái. Mình phát hiên bên kia sông có một bãi bùn, chơi trượt bùn rất thích. Thế là mình mượn nệm hơi của Quang Hùng rồi rũ thêm bạn đến đấy chơi. Mỗi lần mình ‘tắm’ có thể kéo dài 2 – 3 giờ. Dì mình nói: “Mầy tắm từ nước lớn đến nước ròng!” Khi đã biết anh Kim mình hỏi, “Tại sao làm cầu tàu to vậy?” Anh cho biết, “Nhà làm lúa nên phải làm cầu tàu to cho tiện vận chuyển lúa khi thu hoạch.” Thế là mình ‘bắt mối’ ngay: “Bao giờ làm lúa có việc nào vui (!), anh cho em theo với.” Do đã tận mắt chứng kiến khả năng bơi, và sự ham vui của tôi nên anh không chút ngần ngại nhận lời. Thế là một sáng Chủ nhật tôi ngồi xuồng do anh Kim chèo lên ruộng của nhà anh, cách cầu Tân Hữu khoảng 5 km, và ven hàng rào phi trường. Gia đình anh gặt lúa, tôi thì gom và chuyển lúa lên xuồng để chở về dần.
Chiều về, mặt trời đã thấp gần ngọn cây là lúa đã gặt xong. Tôi và anh Kim chuyển về chuyến chót. Chúng tôi ước lượng về số lúa cho chuyến chở về sai: số lúa còn lại quá nhiều. Nến chất hết lúa lên xuồng thì không có chỗ cho tôi ngồi, bỏ lúa lại thì uổng, trời đã bắt đầu tối, và chuyến xuồng của chúng tôi là chuyến cuối (không thể đi đêm vì sợ lính bắn). Sau cùng chúng tôi quyết định chất hết lúa lên xuồng, còn tôi chỉ nằm hờ trên lúa nhưng phải vẹt lúa ra để chỏi 2 tay, 2 chân lên be xuồng để cho xuồng vững. Anh Kim ì ạch chèo xuồng, còn tôi nằm bò trên đống lúa giống như con khỉ, sau cùng cũng về đến nhà. Có lẽ đoán được tình huống khó khăn của chúng tôi nên cả nhà anh ra cầu tàu chờ. Không biết có ai cười khi thấy dáng nằm của tôi trên đống lúa, nếu có thì cũng không thấy vì lúc này trời đã quá tối, tôi phải nhanh chóng lấy xe về nhà vì sợ Dì la. Sau này nhớ lại tôi nghĩ: Thầy dạy vật lý nếu biết tôi ‘ngồi’ xuồng kiểu đó phải cho tôi 20 điểm bài Trọng Tâm – Đa Giác Đế (thời tôi học, tiểu học cho điểm 10, còn trung học thầy/cô cho điểm 20).
Mách làm tôi sợ và khổ nhiều nhất dạo học TPH. Hắn ở trọ khu rạch Ông Địa, cách nhà tôi 2 cây cầu. Chúng tôi đạp xe cùng đi học, đi chơi (khi có giờ trống) cầu tàu, đài liệt sĩ trước quán cơm xã hội… Được một thời gian hắn ‘lên’ xe 67. Tôi hỏi. Hắn nói, “Nhà ở Phú Phụng trúng mùa xoài. ông già cho tiền mua xe.” Từ đó hắn bỏ học nhiều hơn và hay đến nhà tôi mượn tập chép bài. Rồi đến vụ đánh bom Phòng Thông tin Mỹ ở ngã 3 Cần Thơ. Cảnh Sát vào xóm truy quét khu nhà trọ ven rạch Ông Địa. Mách bị bắt (trước đó, ngay sau khi đánh bom), tôi bị mất 3 quyển tập, lúc đó lại gần thi lục cá nguyệt. Đến lượt tôi đi mượn tập và ‘điên cuồng’ chép bài. Lúc này tôi có ba bà chị, 2 chị ruột cũng học TPH, và 1 chị ‘nuôi’ quê Nha Mân xuống học ở trường Nguyễn Thông. Trong nhà, tôi rất tự giác, và có uy tín về việc học, nhưng giờ thấy tôi ngồi miệt mài chép mấy chị có phần sót sa (cho đứa em rất đổi siêng năng sao giờ miệt mài chép phạt?). Tôi tức cành hông nhưng không dám mở miệng ra than mà cứ cắm cuối chép. Hôm cảnh sát đưa Mách vào trường nói chuyện tôi sợ xanh mặt. Tôi chỉ sợ nó chỉ tôi rồi mét với cảnh Sát, “thằng đó cho em mượn tập chép bài (để em đi đánh bom)” là đời tôi tiêu!
Đọc đến đây chắc có bạn thắc mắc: Sao chỉ nghe nói chuyện đi chơi, ai dám mời là nó dám đến, học trò gì mà không nghe nói đến chuyện học. Các bạn yên tâm. Ngay từ lúc bé xíu tôi đã ý thức được tầm quan trọng của việc học và tính tương đối của điểm số. Còn trẻ, công việc chính là học. Muốn được tự do học tập và vui chơi (mà vui chơi là chính) thì việc học phải trôi chảy, không được để cho trường và thầy cô than phiền. Và đôi khi 18 điểm không quan trọng bằng 10 điểm (điểm trung bình). Có thể nói việc học của tôi ở phổ thông rất ổn.
Mình xin bảo đảm tất cả những chuyện kể trên là có thật, nhưng dựa theo ký ức của một người học suốt 2 năm mà vẫn không nhớ được số hiệu lớp.
NGUYỄN HOÀNG LONG
Xin liên hệ (địa chỉ:[email protected])
Chỉ ở hai năm tại VL mà Nguyễn Hoàng Long có biết bao nhiêu kỷ niệm đáng nhớ với các bạn cùng trường, cùng lớp. Tuy phá phách, năng động nhưng vẫn biết sự quan trọng của việc học nên sau này thành công và trở thành nhà giáo. Nhà giáo này chắc chắn là dễ thông cảm với đám học trò ” nhất quỷ nhì ma ” của mình.
3 năm cấp lll em học Pétrus Ký, SG. Các bạn ở đấy học rất giỏi nên em phải cố theo, có lẽ nhờ đó mà tiến bộ, nhưng em thấy (đây là nhận xét chủ quan của em) đa phần các bạn rất ích kỷ, không chan hòa như hồi học TPH. Em vẫn tiếc, phải chi được học ở TPH lâu hơn! Và nhất là với Cô. Cô có thể biết là việc giảng dạy của Cô đã thành công, có học trò đã tiếp bước Cô.
Em biết chuyện anh Long kể là sự thật,vì những nơi anh kể em điều biết và có đi qua. Cũng như năm Mậu Thân 68 là em ở trọ rạch cầu Ông Địa, tuổi hoc trò của anh cũng rất vui,bài anh viết tụi em đọc rất thích . Mong được xem nhiều bài viết của anh và em muốn biết anh Mách bây giờ ra sao ,anh còn khỏe không và hiện ở đâu.
Mình vẫn thật sự không nhớ đã học lớp đệ ngũ và đệ tứ mấy ở TPH. Bạn nào biết mách dùm về [email protected]. Cám ơn trước. Long.
Cám ơn vothilai, cô hàng xóm cũ. Tôi chỉ học và ở VL đến năm 1969 thì chuyển lên SG nên chỉ liên lạc (và biết tin) của vài bạn thân. Xin chào.
Chào Hoàng Long, một sự trùng hợp ngẫu nhiên, là năm 1969, mình thi rớt tú 2 khi đang học đệ nhất ở TPH và cũng năm đó mình lên Sài Gòn học luyện thi lại ở trường tư thục Văn học ở gần chợ Vườn Chuối, quên mất tên đường, cũng có nhiều kỉ niệm khi còn học trung học, nhưng già rồi nên muốn hệ thống lại các câu chuyện để kể được như Hoàng Long thì khó quá. HL có bộ nhớ quá tốt. chuyện kể rất vui và hay, kể tiếp nhé.
Trường Văn Học là trường của GS Trần Bích Lan tức nhà thơ Nguyên Sa. Trường nằm trên đường Phan Thanh Giản, ngày nay là Điện Biên Phủ. Năm 1971, tôi thường ngồi ở quán cà phê ngã ba Vườn Chuối- PTG với Hứa Thoại Hiền và Phan Công lý (em thầy Phan Công Minh) nhìn mấy em nữ sinh đi học. Hai bạn này nhà trong cư xá Đô Thành nên ra đây rất gần.
Đúng rồi LM, thầy Trần Bích Lan day lớp tôi môn Triết năm đó, tôi cũng biết thầy là nhà thơ Nguyên Sa, nhưng không biết thầy là hiệu trương của trường nầy.
Chào ‘bà’ chị thứ tư. Trí nhớ tốt gì khi học 4 năm mà vẫn không nhớ được số hiệu lớp học? Được chị khen em sẽ cố nhớ và ghi lại trong những dịp khác. Sớm thôi. Long.