NĂM KHỈ NÓI CHUYỆN … TỀ THIÊN.

Ngày đăng: 14/02/2016 08:01:17 Sáng/ ý kiến phản hồi (2)

Chuyện Tề Thiên… là chuyện hoang đường trong Tây Du Ký cuả Ngô Thừa Ân, nói về một con khỉ đá lanh lợi thông minh, học được phép tiên, làm loạn cả long cung, âm tào địa phủ và làm náo loạn cả thiên đình. Cuối cùng Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng phải chịu thua mà phong cho chức ” Ông Thánh lớn ngang bằng trời ” là : TỀ THIÊN ĐẠI THÁNH !  Năm con khỉ nói chuyện Tề Thiên là nói chuyện phiếm, chuyện tạp nhạp bao đồng về loài khỉ để nghe chơi khi trà dư tửu hậu … Xếp thứ 9 trong bảng thứ tự 12 con giáp, thuộc chi Thân trong Thập nhị Địa Chi. Khỉ là động vật cực kỳ thông minh, nhanh nhẹn, đồng hành phát triển cùng với đời sống con người từ thời bàn cổ đến nay . Còn có thuyết cho khỉ là thuỷ tổ cuả loài người nữa !. Loài Khỉ có đặc tính giống như loài người, thuộc loài có vú, sanh con, thường ở trong rừng, ưa nhảy nhót, đu chuyền từ cây này sang cây khác, sống tập thể thành từng đoàn, thông minh hơn các thú vật khác, cho nên thường bắt chước loài người qua các động tác sinh hoạt thường ngày. Khỉ đi vào đời sống văn hóa người Trung Hoa và Việt Nam qua 12 con giáp :  Năm Thân, như năm nay 2016 là năm Bính Thân,  tháng Thân là tháng 7 Âm lịch, ngày Thân là ngày được xếp sau ngày Mùi và trước ngày Dậu, giờ Thân là từ 3 đến 5 giờ chiều.

Giòng họ của khỉ thì rất nhiều, nói theo tập quán dân gian, ta có : Khỉ, Vượn, Đười Ươi, Lọ Nồi, Dã Nhân … Gọi theo chữ Nho thì là Hầu Tử 猴子, Hồ Tôn 猢猻, Sơn Viên 山猿, Tinh Tinh 猩猩 … cung, mũi tên nhắm về phía trước có một vạch ngang là cái bia để tên bắn vào.

Trong thời Xuân Thu ( 770 – 476 TCN ), người ta không gọi khỉ, mà có tên chính thức trang nghiêm dành cho loài vật có chức vị Hầu Tước 侯爵 này : ( Hóu ) HẦU 侯 là Tước  Hầu,  đứng sau tước Công và đứng trên tước Bá, đồng âm với Hầu là Khỉ. Từ đó về sau, khỉ chính là tượng trưng cho sự tốt lành, hanh thông, may mắn. Hình ảnh của khỉ thường được điêu khắc hoặc dán trên các bức tường và cửa ra vào với mục đích kêu gọi phước lành, quan lộc và niềm vui.

Trong văn học cổ, nhắc đến khỉ là người ta nghĩ ngay đến câu : ” Sát kê cảnh hầu 殺雞儆猴 ” hoặc ” Sát kê giáo hầu 殺雞教猴 ” cũng thế . Có nghĩa : Giết gà để cảnh cáo khỉ hay giết gà để dạy khỉ, theo truyện kể sau đây :

Trong một gánh xiệc Sơn Đông bán thuốc, người bầu gánh có nuôi 3 con khỉ và đều dạy cho chúng biết làm trò xiếc như : Đi bằng 2 chân, mặc quần áo, đi dây, nhào lộn … Nhưng một hôm, 3 chú khỉ đều đồng lòng ” đình công ” không thèm làm trò xiếc nữa, mặc cho người bầu xiếc gỏ kẻng, thúc phèng la như thế nào, 3 con khỉ vẫn trơ trơ. Hết cách, chẳng lẻ bó tay, người bầu xiếc bèn nghĩ ra một cách, ông ta đem một con gà trống đến giữa sân, rồi gỏ kẻng, gỏ phèng la lên, dĩ nhiên là con gà trống vẫn trơ trơ. Ông ta bèn hươu đao chém bay đầu con gà máu tuôn xối xả . Đoạn, ông cho dắt 3 con khỉ ra sân, tay vẫn còn lăm lăm cây đao, ông ra lệnh cho gỏ kẻng, gỏ phèng la lên, 3 con khỉ sợ bị chém như gà, bèn ngoan ngoản diễn đủ trò theo yêu cầu cuả ông bầu xiếc.

Vì tích trên mà ta có câu Thành ngữ ” Sát Kê Cảnh Hầu ” tương đương trong tiếng Nôm ta là : ” Giết gà dọa khỉ, Giết gà dạy khỉ hay Giết gà răn khỉ ” gì cũng thế. Ý nghĩa của câu thành ngữ nầy cũng tương đương như câu : ” Giết một răn mười “, phạt một người để làm gương răn đe cho trăm ngàn người khác !

Cũng như con ngựa, con khỉ cũng đồng hành với con người từ ngàn xưa đến nay, nên ta cũng có một thành ngữ liên quan đến 2 con vật nầy, đó là câu ” Tâm Viên Ý Mã 心猿意馬 “, để chỉ TÂM và Ý không đồng bộ, không ăn khớp với nhau, vừa muốn làm việc nầy, vừa muốn làm việc nọ, tâm ý hoang mang không quyết định được. Thành ngữ nầy có xuất xứ từ đời Hán, Ngụy Bá Dương trong Tham Đồng Khế có phần chú như sau : ” Tâm viên bất định, Ý mã tứ trì “. Có nghĩa : Lòng thì không ổn định như lòng con vượn, còn ý thì như con ngựa muốn chạy bốn phương “.  漢·魏伯陽《參同契》注:“心猿不定,意馬四馳。” Thơ của Hứa Hồn đời Đường, trong bài Đề Đỗ Cư Sĩ Thi có câu : ” Cơ tận Tâm Viên phục, Thần nhàn Ý Mã hành ” 唐·許渾《題杜居士》詩:“機盡心猿伏,神閑意馬行。” Có nghĩa : ” Thời cơ đã hết nên lòng cũng lắng xuống như tâm con vượn, Tinh thần nhàn nhã thì ý cũng phóng túng như ngựa chạy vậy “.

Nhưng, theo kinh văn Duy Ma Cật, thì Phật Giáo cho là lòng của chúng sinh không có ổn định, như lòng của con vượn và ý của con ngựa vậy, luôn luôn động đậy và hướng ngoại, khó mà an trụ cho được ! Nên, phải khắc chế được cỏi lòng cho đừng có ” Tâm Viên Ý Mã ” thì tâm mới định mà tu hành mới có kết qủa và mới đắc đạo được.

Con khỉ đá đòi lớn ngang bằng trời là ” Tề Thiên Đại Thánh “. Được nứt ra từ một tảng đá thụ khí âm dương cuả trời đất ở Đông Thắng Thần Châu. Con thạch hầu nầy được đồng loại tôn xưng là Mỹ Hầu Vương 美猴王. Vì không muốn luân hồi sinh tử như muôn loài, nên Mỹ Hầu Vương ra đi tìm học phép trường sinh. Bái Bồ Đề Tổ Sư làm sư phụ, được đặt tên là Tôn Ngộ Không 孫悟空. Tôn là Hồ Tôn 猢猻, cách gọi riêng về loài khỉ. Ở đây Tôn Ngộ Không học được 72 phép biến hóa gọi là Thất thập nhị Huyền công và có thể bay lộn trên mây ( Cân đẩu vân ), lộn một vòng bay được 10 vạn 8 ngàn ( 108.000 ) dặm ( khoảng 54.000 km ) và có một cây gậy “Như ý Kim Cô bổng” ( là Định Hải Thần Châm dưới Đông Hải ) có thể thay đổi kích thước, được đặt sau tai, dùng làm vũ khí để đánh yêu quái. Ở Hoa Qủa Sơn Tôn Ngộ Không tập hợp các động yêu ma làm mưa là gió. Náo Long cung, phá Âm Tào, đại náo Thiên Cung, Ngọc Hoàng phong cho chức Bật Mã Ôn 弼馬溫 là quan giữ ngựa. ( Từ chức vụ nầy ta thấy trong thực tế Ngựa rất sợ Khỉ ). Biết được chức vụ giữ ngựa là chức quan nhỏ nhoi, lại đại náo thiên đình đòi phong làm : Tề Thiên Đại Thánh 齊天大聖, nhưng vẫn chưa chịu yên thân, rảnh rang lại đại náo  Đại hội Bàn Đào, và bị Phật Tổ đè xuống Ngũ Hành Sơn 500 năm. Được Đường Tam Tạng cứu ra để cùng đi Tây Phương thỉnh kinh với tên gọi Tôn Hành Gỉa 孫行者, bị khống chế bởỉ vòng Kim Cô 金箍 của Phật Tổ Như Lai do Quan Thế Âm Bồ Tác trao, kịp đến khi thành chánh qủa là Đấu Chiến Thắng Phật 鬪戰勝佛 thì vòng Kim Cô mới tự nhiên biến mất.

anh-ltld-2_1059d  Hình Lục Tiểu Linh Đồng, người vào vai Tề Thiên Đại Thánh trong bộ phim Tây Du Ký do Trung Quốc sản xuất năm 1982.

Một số học giả cho rằng nhân vật Tôn Ngộ Không được phỏng theo Hanuman, ” thần khỉ ” trong Ấn Độ giáo được thuật lại trong một quyển kinh sách do Trần Huyền Trang từ Tây Phương thỉnh về.

Các nhà khảo cổ Trung Quốc gần đây lại phát hiện ra một nguồn gốc khác của Tôn Ngộ Không từ những bức bích họa có niên đại hơn 1.000 năm. Những bức vẽ này được tìm thấy trong Động Thiên Phật, cách huyện Tây An, tỉnh Cam Túc khoảng 90 km. Các bức hình có cảnh một vị hòa thượng và ” Hầu hình nhân 猴形人 ” ( khỉ hình người ) đang trang nghiêm chắp tay hành lễ, hướng mặt về phía Phật Bà Quan Âm trên đài Kim Cương bảo thạch. Bốn bức hình khác khắc họa chi tiết thầy trò Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh, tương tự như câu chuyện trong ” Tây Du Ký ” của Ngô Thừa Ân sau này vậy.

Đỗ Chiêu Đức

 

 

Có 2 bình luận về NĂM KHỈ NÓI CHUYỆN … TỀ THIÊN.

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Tui là người pham măt thịt. Nhưng tui ghét ( Ngô Thừa Ân thành công ). Trư Bát Giới ( ham ăn, hám gái ) nhưng nói gì Tam Tạng cũng nghe. Còn Tề Thiên ?

  2. Hoành Châu nói:

    Tư    liệu    quý    giá , bài   viết   năm    KHỈ   hay  ,,, với điển tích ‘ Giết   gà   dạy   khỉ ” . Cảm   ơn   Thầy Đỗ   Chiêu   Đức . Chúc   Thầy   cùng   gia    đình   an   khang   , thịnh   vượng   sức    khỏe    dồi    dào !      Hoành Châu (Gia đình C  )

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác