Tản mạn về chuyện khỉ

Ngày đăng: 14/02/2016 07:48:52 Sáng/ ý kiến phản hồi (3)

Nhớ hồi xưa, khi tạo mẫu thêu cho má tôi thêu mặt gối hình 12 con giáp. Tới năm THÂN, tôi đã phải mượn hình tượng cuả Tề Thiên Đại Thánh được vẽ theo kiểu hoạt họa ở trên và thêm vào 4 chữ  THÔNG MINH DĨNH NHỘ 聰明穎悟 cho các em bé tuổi THÂN nằm, để cho các em không cảm thấy ” Tủi Thân ” như dân gian đã hát :

                     Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi,

               Còn tôi riêng chịu một đời ” tủi thân ” !

Viết đến đây, lại nhớ đế lần họp mặt của Vườn Thơ Thẩn trong năm qua, anh Huỳnh Hữu Đức đã làm một đôi câu đối để tặng cho chị Phương Hà là người tuổi Thân như sau :

                  Năm Mão là năm mèo. Mèo đội mão
Tuổi Thân là tuổi khỉ. Khỉ ” tủi thân “.

            Tội nghiệp, làm chị Phương Hà buồn 5 phút !

Trở lại với cây nhà lá vườn, khỉ có mặt ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam, chả thế mà nông thôn Việt Nam nơi nào cũng có ” Cầu Khỉ “, và cây cầu khỉ đã trở thành ” top ten ” trong 10 cây cầu đáng sợ nhất thế giới …

cau khi  Tên gọi cầu khỉ không phải vì cầu dành riêng cho khỉ, mà là tư thế lom khom của người khi qua cầu trông giống như con khỉ. Những cây cầu nổi tiếng ở các miền quê Việt Nam này làm bằng tre và dây dừa, bắt qua những con sông, rạch, dòng kênh nhỏ. Cầu rất hẹp và lắc lư mỗi khi có người đi qua.

         Các vùng quê hẽo lánh it người qua lại hoặc các vùng rừng đước rừng tràm … được gọi là các vùng ” Khỉ ho Cò gáy “. Hù dọa ai một cách vô ích thì gọi là ” Rung cây nhát Khỉ “, làm những chuyện vô bổ không cần thiết thì nói là ” Dạy Khỉ leo cây “, gặp chuyện gì cũng nhăn nhó thì mắng nhau ” Cái tù mặt mầy như là Khỉ ăn ớt vậy “, hoặc nói nặng hơn ” Thứ cái đồ mặt nhăn như Khỉ “. Gặp đứa phản trắc, ăn cơm tui mà hại tao, thì bảo là ” Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà “. Ghét ai thì mắng ” Thứ đồ Khỉ gió !”. Muốn phủ định việc gì thì nói là : ” Khỉ khô, khỉ mốc, khỉ dọc “!… Con khỉ xấu vậy sao ? Nhưng lúc thấy vui thì cũng sẵn sàng ” làm trò Khỉ “, con nít rắng mắt thì gọi là ” Liếng Khỉ “, tuổi con khỉ thì dân gian có câu hát rằng :

         Tuổi Thân con khỉ ở lùm,

                Trèo qua trèo lại té ùm xuống sông !

Thương cảm và thân thiết hơn với hình tượng :

                    Con khỉ bồng con lên non hái trái,

                Anh cảm thương nàng phận gái mồ côi !

Viết đến đây, làm ta nhớ lại một chuyện tình giữa khỉ vượn và người rất nôỉ tiếng trong văn học dân gian Việt Nam,  đó là truyện LÂM TUYỀN KỲ NGỘ mà giới bình dân gọi là ” BẠCH VIÊN TÔN CÁC ” với câu hát :

        Bạch Viên Tôn Các xa trông,

                 Bồng con ôm gói thẳng xông lên đàng. 

bach vien  “ Lâm tuyền kỳ ngộ ” 林泉奇遇 là ” Cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa suối rừng “, là một truyện dài bằng thơ, gồm 146 bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật, một bài thơ tứ tuyệt và một bài “ Thạch tuyền ca khúc ” theo thể Hát Nói ( hai bài này đều ở cuối tác phẩm ). Hoàng Xuân Hãn trong “ Thi văn Việt Nam ” cho rằng tác phẩm này gồm 150 bài thơ Đường luật.

Tác phẩm này hiện vẫn chưa ai tìm ra được tên tác giả, có một số giả định là tác phẩm được viết vào khoảng đầu thế kỷ XVII. Còn có nơi cho rằng tác giả là hoàng giáp Nguyễn Ðăng, một nho sĩ tài hoa ở Ðại Toán, Bắc Ninh khoảng thời Trịnh Tạc (1657-1682), từng được cử đi sứ nhà Minh năm 1673.

Nội dung tác phẩm dựa vào “ Viên thị truyện ” 猿氏傳 của Cố Quýnh đời Đường, Trung Quốc, gắn liền với chùa Phi Lai. Truyện miêu tả cuộc tình duyên giữa một nho sinh và một con vượn trắng đã hoá thành người ( con vượn vốn là tiên giáng trần ). Tính chất lãng mạn, tinh thần nhân đạo chủ nghĩa, chống những hạn chế của tôn giáo, mạnh dạn biểu lộ những yêu cầu hạnh phúc của con người, của tình yêu nam nữ, đã làm nên giá trị chủ yếu của tác phẩm.

Ngoài việc viết lại bằng thơ Lục Bát để dân gian nói thơ theo kiểu thơ Vân Tiên, Bạch Viên Tôn Các còn được sọạn thành tuồng Cải Lương với các vai diễn nổi tiếng như nghệ sĩ Thanh Sang vai Tôn Các và kiều nữ Thanh Nga vai Bạch Viên rất ăn khách trong thập niên 70 của Thế kỷ trước.

Nhân nhắc đến vượn, ta lại nhớ đến một thành ngữ có liên quan là VIÊN TRƯỜNG THỐN ĐOẠN 猿腸寸斷 ( Ruột của con vượn đứt ra từng tấc một ), Ta nói là ” Ruột thắt từng cơn ” hay ” Đứt từng khúc ruột ” theo tích sau đây :

Sách Sưu Thần Ký đời Tấn, Quyển 22 ghi : Xứ Đông Hưng đất Lỗ, thuộc Quận Lâm Xuyên, có ngưới vào núi bắt được một vượn con mang về. Vượn mẹ chạy theo đến nhà. Người nầy trói vượn con trên cây trong sân. Vượn mẹ trông thấy, quỳ xuống van xin, giơ tay tự tát vào má mình. Người đó chẳng những không tha còn giết chết vượn con. Vượn mẹ trông thấy, kêu khóc thảm thương, rồi lộn đầu xuống đất mà chết. Người đó bèn mỗ bụng vượn mẹ ra, thì thấy ruột đã bị đứt từng khúc một. Nên, thành ngữ nầy dùng để chỉ sự nhớ thương bi thiết, hoặc qúa mức đau lòng mà ” Đứt từng đoạn ruột “! Thơ Lý Bạch trong bài ” Tặng Võ Thập Thất Ngạc ” có câu :

Ái tử cách Đông Lỗ,               爱子隔东鲁,

Không bi đoạn trường viên.    空悲断肠猿 .

Có nghĩa :

Thương con như bị chia cắt ở đất Đông Lỗ,

Buồn thương đứt ruột như con vượn kia cũng hoài công thôi !

Quả là một thành ngữ đánh động lòng người, và là một câu chuyện luân lý đề cao tình mẹ thương con muôn vàn bi thiết. Vượn còn thế, huống hồ là người ? Ai là con mà lại nở bỏ mẹ, nở quên mất tình thương bao la cuả mẹ bao giờ ?! Cô gái quê cuả vùng sông nước Nam Bộ ngày xưa cũng đã mượn hình tượng cuả con vượn để nhắn nhủ với mẹ rằng :

 

        Má ơi, đừng gả con xa,

                Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu ?!

Trong số Đề 36 con, thì Khỉ đứng đầu trong nhóm Ngũ Khất Thực  ( 5 người ăn mày ), mang số 23 và có tên chữ là Tam Hòe với lời vè như sau :

                       Tam Hòe con khỉ hăm ba, 

                Thua hoài đến nổi bán nhà không hay !
Sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm quyết định xóa sổ 2 sòng bạc lớn nhất Sài Gòn Chợ Lớn là Kim Chung và Đại Thế Giới, thì đề 36 không còn nữa . Nhưng nhóm quân đội người Nùng giúp Tổng Thống dẹp loạn Bình Xuyên vẫn còn xổ đề ở vùng Cây Da Xà Phú Lâm Chợ Lớn, và họ đã thêm vào 4 con nữa cho đủ 40. Bốn con thêm vào là 37 Thiên Công ( Ông Trời ), 38 Địa Chủ  ( Đất Đai ), 39 Thần Tài và 40 là Táo Quân ( Ông Táo ). Nên khi áp dụng vào Xổ Số Kiến Thiết thì ta có tới 2 con khỉ lận : Con khỉ nhỏ là 23, còn con khỉ lớn là 63 ( cộng thêm 40 nữa )! Thế là các tay ghiền đánh số đề từ 00 đến 99 mỗi ngày ít nhất phải thua thêm một con số đề nữa !   Nạn đánh đề càng trầm trọng khi xã hội càng phân biệt giàu nghèo. Dân càng nghèo càng phải chạy theo cuộc sống và càng mê số đề hơn, và càng thua nhiều hơn nữa, rồi càng phát sinh nhiều tệ nạn xã hội hơn và cuối cùng là xã hội càng băng hoại hơn !… Rồi đến một ngày nào đó thì …

Thọ đão hồ tôn tán !    樹倒猢猻散 !

Có nghĩa :

Cây đã ngã rồi thì lũ khỉ cũng sẽ tan hàng !

Theo tích sau đây :

Trong sách Thuyết Phù được biên soạn bởi Đào Tông Nghi, trong đó có một câu truyện như sau :            Vào thời Nam Tống , có người tên là Tào Vịnh, vì có quan hệ mật thiết với Thừa Tướng lúc bấy giờ là Tần Cối nên  được phong làm quan lớn. Mọi người  đều a dua theo ông ta để được phong quan, duy chỉ có em vợ cuả ông ta là Lệ Đức Tân, người rất chính nghĩa, không thích a dua, thà chịu giữ chức thư lại nhỏ nhoi ở địa phương chứ không về hùa với ông anh rễ. Tào Vịnh rất giận, ra lệnh cho quan huyện địa phương gây áp lực và làm khó ông em vợ cứng đầu nầy, nhưng Lệ Đức Tân vẫn không khuất phục.

Sau khi Tần Cối chết, những người theo hùa với ông ta đều bị rơi đài. Tào Vịnh cũng bị biếm đến đất Tân Châu của vùng Quảng Đông. Lúc nầy, Lệ Đức Tân mới làm một bài phú có tựa là ” Thọ Đão Hồ Tôn Tán Phú 樹倒猢猻散賦 “. Nội dung châm biếm những người a dua với Tần Cối như là lũ khỉ, dựa hơi Thừa Tướng để tác oai tác phúc. Nay cây đã ngã rồi thì lũ khỉ nhóc cũng phải tan hàng mà thôi. Tào Vịnh đọc bài phú tức đến ói máu, nhưng cũng không làm gì được cái ông em vợ chính trực kia !!!

Đỗ Chiêu Đức

 

 

Có 3 bình luận về Tản mạn về chuyện khỉ

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Đọc là đoán trúng phóc

    Bài này của ông Đồ

    Chúc Thầy luôn mạnh khoẻ

    Viết tặng bạn đọc vui.

     

  2. Như Thuỳ nói:

    Em cũng giống chị Hạnh , biết ngay của thầy Đồ . Nhờ bài những bài viết công phu của Thầy mà có dịp ôn lại những tích xưa .

    Thân kính !

  3. My Nguyen nói:

    Bài viết thật súc tích,quá công phu, đầy đủ. Từ những câu nói, câu hát trong dân gian đến những truyện xưa tích cũ có liên quan đến “Khỉ”.

    Xin cảm ơn thầy Đỗ Chiêu Đức về một bài viết thật ý nghĩa trong năm Bính Thân này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác