Thư cô Hồng Khanh gửi Lê Liên
Lê Liên ơi, Đọc thơ em cô thật cảm động và thích lắm vì có người ” đồng bệnh tương lân “, cũng từng có mối “đam mê ” đan len như mình nên dễ thông cảm khi chuyện trò, dù chỉ qua trang nhà.
So với em, cô chỉ là tay đan tài tử, em đã sống bằng nghề đan lát nên kinh nghiệm chắc chắn là tràn đầy. Hai cháu, con trai của em, quá dễ thương ! Mới nhỏ chút xíu, lớp 1, lớp 2 mà đã biết giúp mẹ như vậy quả là đáng khen thưởng. Lúc nhỏ đã biết chung vai, chia sẻ công việc với mẹ nên bây giờ trưởng thành sẽ là những người thành công, hữu dụng ở đời. Các cháu may mắn vì có một bà mẹ tài hoa, tháo vát và nhất là đầy lòng nhân, biết chia sẻ với mọi người……, để mà hướng dẫn các cháu cách sống ở đời.
Cô chưa được biết nhiều về em nhưng qua một số bài viết cũng như những phản hồi của em, cô đã cảm nhận được phần nào về con người của em, cô rất quý những người biết nghĩ và chia sẻ với người khác, tìm niềm vui trong sự giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình.
Trong một xã hội có khuynh hướng nặng về vật chất mà còn có những người tràn đầy nhân ái thì niềm hy vọng vẫn chưa bị dập tắt hẳn, phải không em ?
Cám ơn em đã cho cô biết thêm cách biến chế len cũ bằng việc hấp thay vì trụng len trong nước sôi. Em nói đúng, len hấp tuy mất nhiều thì giờ hơn nhưng độ xốp và đàn hồi còn giữ được, nhờ vậy mà chiếc áo len sẽ đẹp và mượt mà chẳng thua gì len mới. Khi nào cần cô sẽ áp dụng phương pháp này.
Cuối năm 1975, sau khi học gần xong khoá tu nghiệp tại thủ đô Wellington, New Zealand, cô được đi tham quan các trường tại thành phố Dunedin, miền cực nam của NZ, cũng nhờ đó mà cô quen với bà Aitken, chủ nhà nơi cô tạm trú trong hai tuần. Bà Aitken cũng là người đồng điệu, thích đan, cô được xem bà se len từ lông cừu, được bà chỉ cho biết một số cây, lá và rong rêu mà bà dùng để nhuộm màu nhưng chưa được xem cách bà biến chế những loại thảo mộc ấy nên rất tiếc là không có kiến thức để chỉ lại cho em. Tuy thích thú nhưng cô cũng không ghi chép tên của các loại cây lá đó nên bây giờ đành chịu, hơn nữa cây cỏ vùng hàn đới cũng khác với cây cỏ vùng nhiệt đới của chúng ta.
Qua thơ em, cô biết em không những giỏi đan mà còn giỏi về bánh mứt nên cô mời em tham gia “Bếp Ấm”, Tết cũng sắp đến nên nếu em gởi cho công thức cùng hình ảnh các giai đoạn thực hành món mứt của em để đăng trên báo xuân thì còn gì bằng. Tuyệt vời hơn nữa nếu em có thì giờ viết thêm “sự tích” về món ăn em gởi. Cô cũng như Bếp Ấm cám ơn em trước.
Gởi lời thăm em và gia đình, chúc em và hai cháu Viên Đan, Viên Tuệ nhiều may mắn và an bình. Mong là sẽ được đọc thường xuyên bài viết của em trên trang nhà.
Cô Hồng-Khanh
Tấm hình chụp này của cô mình xinh và vui tươi quá . Lá thư Cô viết thật chân tình mang tính giáo dục cao , cho em kính lời chúc sức khỏe của BÀ , chúc Cô luôn hạnh phúc bên Thầy , giữ gìn sức khỏe cô nhé . Kính .
Hoành Châu (Gia đình C )
Cám ơn lời thăm hỏi và lời chúc của Hoành Châu, thấy em vui và xuất hiện đều đặn trên trang nhà, cô rất mừng. Cô đang chờ sự đóng góp của em cho Bếp Ấm. Nếu tự mình không có thì giờ, cô đề nghị em mời các phụ huynh học sinh của em tham gia. Bếp Ấm đã có công thức món ăn miền Bắc và miền Trung, riêng những món ăn thuần tuý của miền Nam nói chung và Vĩnh Long nói riêng thì lại rất hiếm. Bếp Ấm mong chờ sự góp sức của tất cả các em cũng như các bạn đọc miền Nam……cô điểm danh My Nguyễn, Hoành Châu, Lài, Phan Lương, Hoa Đăng, Kim Cương, Thu Hà, Hạnh, Hoành Hà, Lý Hương, Thy Cúc, Hồng Yến, Mai Xuân và còn bao nhiêu em nữa. Nói nhỏ, cô đang chờ món bún nước lèo của Phi Rom đó, Phi Rom nghĩ sao. Ngoài ra các em đã áp dụng công thức của Bếp Ấm, hãy chụp một tấm hình thành quả, mai mốt chúng ta sẽ cho đăng những tấm hình đó nhé.
Cô Hồng-Khanh