Lắc đò sông Hương
Xứ thần kinh có một thứ “đặc sản” nổi tiếng mà bây giờ đã lụi tàn, đó là thú ngủ đò sông Hương, không biết nơi nào có cái thú giống vậy không. Nó nổi tiếng từ Nam chí Bắc, đến độ mấy anh miền Bắc vào, khi biết tôi đã từng ở xứ nớ, đã hỏi: Ông có lắc đò không? Không biết mấy thi văn, nghệ sĩ, tao nhân mặc khách họ ngủ đò ra sao chớ còn quân ta thì chỉ có tìm một thứ dưới đò là “lắc”, đúng nghĩa đen luôn. Tôi chỉ gật đầu và xác nhận, bởi lấy làm hãnh diện được làm “chứng nhân một thời” ở xứ nớ ngày ấy.
Xưa nay xứ ta có truyền tụng mấy câu “Núi Ngự Bình không cây chim đậu đất, Sông Hương vắng khách đĩ la làng” cũng như, “Sông Hương nước chảy lờ đờ, Dưới sông có đĩ, trên bờ có vua” cho thấy rõ vì sao thứ “đặc sản văn hóa” này nổi tiếng như vậy. Theo tôi nghĩ thì cái nghề “khổ cực” này của đàn bà có từ hồi… con người có mặt trên trái đất này, sau con khủng long bạo chúa. Mấy bà phải chìu chuộng quý ông để được cái ăn, chắc lâu dần rồi… quen. Mà xứ nào mà hổng có cái nghề này? Tôi còn nhớ trong phim chiến tranh chiếu ở rạp “12 tên vô lại” có tài tử Charles Bronson đóng, khi viên đại tá hỏi thiếu tá hướng dẫn là tại sao mãn khóa dẫn gái vào cho 12 tên côn đồ kia, được câu trả lời: “Không có cái mà sir gọi là điếm thì phân nửa quân đội Mỹ ra tòa án binh hết rồi”. Cái đó là lẽ tự nhiên, trời gán cho cái bọn đàn ông làm vậy, vua còn mê gái đến mất cả ngai vàng, cả đất nước huống chi là bọn thứ dân ngu dốt đầy đường. Ông Phạm Duy đã phản pháo lại khi có người bảo ông ta vô đạo đức khi có vợ nhỏ hơn Duy Quang tới mấy chục tuổi rằng: Có thằng cha nào ngủ mà không mơ làm tình, mơ đàn bà, con gái thì hãy nói chuyện với tôi”. Mà làm cái nghề cổ lỗ sĩ đó có sung sướng gì đâu, nếu phải được anh chàng đẹp trai, lành lặn leo lên thì quả tình là hạnh phúc, vui sướng (?) còn nếu đó là người… thì ôi thôi, miễn nói. Phải nói thêm, hình như khi đi ngủ đò đêm thường thì các tay “sĩ” không tắm, chỉ dạo phố, ăn nhậu rồi phóng xuống đò luôn nên mùi “thi phú” tràn trề.
Sở dĩ gọi là đặc sản vì, dẫu nới nào, xứ nào cũng có, nhưng họ chỉ làm việc trên bờ, còn ở xứ của ta là lắc đò, dường như là độc nhứt vô nhị. Mà ngủ đò (lắc đò) thì dường như chỉ có nơi này được ca tụng, làm thơ, làm nhạc, vô văn học đường hoàng kể cả gọi là trí thức trong sáng lẫn… bình dân. Gọi là lắc vì xuống đò mà im lìm thì xuống làm gì? Mà hễ động đậy thì đò phải nghiêng ngã, thế thôi, một động từ đầy đủ nghĩa để diễn tả cái gì người ta làm bên trong. Lắc đò mà đi ban ngày thì chẳng có gì để nói mà nếu không cẩn thận lúc xong việc, lên bờ không nhìn trước ngó sau mà bị mấy mệ, mấy o thấy, sẽ được nhìn bằng con mắt xem là phàm phu tục tử thì hết đường tán gái! Cho nên xuống đò ban ngày thì hùng hổ lắm nhưng khi lên bờ phải hé rèm đò, lấm lét nhìn trước ngó sau trông đường vắng mới dám lên vì đã phạm tội tổ tông.
Các đò tình nằm ở sông Hương, bờ đường Trần Hưng Đạo đến Phú Văn Lâu và ở phía cầu Gia Hội, gần giao lộ Chi Lăng nay được gọi tên mỹ miều là Trịnh Công Sơn. Nhờ được đặt tên của thiên tài “kiêng gái” Sơn mà mấy mỹ nhân dưới đò cuốn gói đi mất, giờ chỉ thấy còn là hoài niệm “đò xưa đâu tá”? Đò tình nằm kề liền nhau như hạm đội cạnh bờ nên được chúng tôi gọi là đệ thất hạm đội”, cũng đúng thôi vì hỏa lực của đoàn thuyền này mạnh lắm. Đò không chở khách sang sông mà chỉ đưa người vào mộng. Mà đò tình sông Hương cũng khác thuyền trên sông của nhiều nơi khác. Nó dài, hai đầu (đuôi và mũi thuyền cong cao như dáng rồng ngỏng đầu, mà thứ dân không được phép lôi đầu rồng, là thứ dành cho vua, nên không được chạm trổ chi cả, khác với nay nhìn trên sông Hương ba cái gọi là thuyền du lịch với đầu rồng bằng tôn thiếc thiệt là kịch cởm, nên mấy vua biết trước thành thử chết hết là phải rồi, vì bôi nhọ quá). Mỗi chiếc đò tình với khoang rộng, dài, được phân làm hai loan phòng để khách tao nhân vào cùng người đẹp hoan lạc, có cửa thông nhau ở giữa.
Hồi nào thì chẳng biết chớ hồi tôi được đi máy bay ra xứ nớ được cho trèo dảy Trường sơn mơ mộng với những đồi hoa sim thì giá cả cho khách du tiên tùy thời điểm mà tính. Thuở lính nhiều hơn đàn ông con trai ở ngoài nên giá bình thường trước ngày lãnh lương thì đâu khoảng tiền in hình ông Trần Hưng Đạo, còn khi quân ta đầy tiền trong túi những ngày mới nhận lương thì giá gấp rưởi, gấp đôi một đêm với một mỹ nữ. (Giá bình dân toàn quốc khi ấy là ông Quang Trung mỗi par coup).
Trời mờ tối, xuống đò. Người chủ chống đò ra một khoảng gần giữa dòng, cắm sào neo một chỗ. Mà sông Hương nước trong lắm, nhìn thấy đáy mà nước chảy chậm rì, du khách tiên ngồi trên sàn trước mũi đò nghe gió sông thổi nhẹ, nếu có trăng nữa thì thi phú… tào lao phun ra phải nói là một xe cam nhông chở chưa chắc hết. Người chủ đò mở tủ trao cho khách cái mền Sakymen dầy cộm dù trời nóng, nếu không nhận thì khuya sẽ hối hận vô cùng bởi dù có người đẹp ấp nồng bên cạnh cũng lạnh thấu xương. Rồi chủ đò lên xuồng nhỏ chống đi, lúc sau trở lại với mỹ nhân ngư để cho tao nhân mặc khách chọn, nếu không ưng ý tiên thì đổi cho nàng khác, nhưng hình như tôi thấy chẳng có mấy ai chịu đổi tiên vì từ trong rừng núi ra thấy ai cũng là hoa hậu hết. Giao nhận xong, người chủ đò lại chống xuồng đi mất biệt. Tiên lên đò, khách tao nhân trở thành mãnh hổ nhào tới thượng mã, đò rung rinh tròng trành trên nước dù không sóng mà tiếng lách tách nghe thiệt là… đã. Phút hạ mã, mặc khách tao nhân như con gà mắc nước, ủ rủ thở dốc cùng tiên nữ ra ngồi ngắm sông trước mũi thuyền.
Trên sông như bầu trời nhiều sao nhấp nháy. Các xuồng nhỏ, làm bằng phên nứa phết chai hay tân tiến hơn là bình xăng phụ máy bay cưa đôi, trên có đèn hột vịt thắp dầu qua lại như mắc cưởi. Mỗi xuồng bán mỗi thứ khác nhau, trên bờ mấy mệ mặc áo dài gánh hàng bán thứ chi thì dưới sông cũng có bán món y vậy. Có xuồng rao chè (mà xứ Huế thì cả trăm loại chè, thứ nào ăn cũng khoái cả), có chiếc thì bán bún bò, la ve, nước ngọt, mồi nhậu, cháo vịt… như là chợ nổi lưu động vậy. Đôi khi tiên nữ thỏ thẻ ngọt ngào “Anh cho em…” thứ này nọ. Thế là gọi, xuồng hàng tấp vào. Xuồng không chèo bằng mái chèo, không bơi bằng dầm mà có dụng cụ như cái quạt là buông nên thoăn thoắt lướt sông, thuyền lại nhỏ, ngắn nên len lỏi vào bất cứ nơi nào mà khách tao nhân gọi. Ai mà nỡ lòng không chiều người tiên chớ? Còn cả đêm mà. Chuyện tiếp diễn khỏi cần diễn tả nữa.
Gần sáng, chợt nghe đò chòng chành, không phải vì tao nhân đang thượng đài mà do có bước chân nhè nhẹ lên đò, rồi thuyền được đưa vào sát bờ. Một chút chòng chành nữa, người chủ đò lại biến mất. Khi nào khách tao nhân muốn lên bờ thì cứ việc.
À, sao gọi là đò trong khi đó chỉ là chiếc thuyền bình thường. Có lẽ, lên đò thì phải trả tiền, còn lên thuyền thì không nên người ta gọi vậy. Ôi một thời đã qua, duyên may đưa ra xứ vua ở mà được lắc đò. Thương cho người không có diễm phúc đó.
Những người đã từng lắc đò khi xưa, nay ra Huế đều nhìn xuống sông Hương mà lặng lẽ thở dài: Đoàn thuyền xưa không còn neo bến cũ!
Bài và ảnh Đinh Kim Văn
Trên sông Hương nhìn từ phía Trần Hưng Đạo nhìn qua
—
Anh Văn hay quá. Đề tài này nếu không có thực tế thì khó mà viết được, nhờ anh mà tụi em mới biết cái tệ nạn này. Cũng ngộ ! Đây là đề tài, là cảm hứng của mấy ông nhà thơ trước đây.
Chào anh Đinh Kim Văn,
Mới được đọc của anh 2 bài mà thấy thú vị lắm. Bài nào cũng có những ” thông tin ” thuộc loại hiếm. Mà hình như anh biết nhiều về giới nhạc sĩ nỗi tiếng. Như trong bài nầy chẳng hạn, nhờ anh người ta mới biết Phạm Duy nói sao về lòng tham của đàn ông và biết Trịnh Công Sơn là thiên tài ” kiêng gái “. Chúc anh năm mới nhiều niềm vui và có thêm nhiều bài mới.
Bài viết lạ – độc – hay.
Ngày xưa có nghe nói về đò sông Hương. Hơn bốn mươi năm sau mới nghe anh Văn kể rõ hơn. Ngày xưa nếu có ra Huế, chắc cũng hỏng dám xuống đò.
Không neo bến cũ, bây giờ neo ở đâu?