Xóm Khăn đen suối đờn

Ngày đăng: 6/01/2016 03:54:13 Chiều/ ý kiến phản hồi (6)

Sáng nay , Lương Minh gặp anh bạn nhà ở Bà Chiểu. Hỏi anh sống ở đó tự bao giờ. Anh cho biết là tự nhỏ tới lớn. Gặp một người cố cựu ở Sài Gòn, tôi vội đặt bài ngay và chiều nay anh cho tôi bài xóm Khăn đen suối đờn ngày xưa. Xin giới thiệu cùng bạn đọc (SOS)

DSCF3573

      Đường Đinh Tiên Hoàng trước siêu thị Coop Mart

Tôi mở mắt chào đời ở đường Paul Bert (Trần Quang Khải nhưng lớn lên ở đường Hàng Bàng.

Hồi thời Tây, Gia Định dù ở sát Tòa Bố (Tòa hành chánh tỉnh) vẫn thưa thớt người, xóm lèo tèo vắng vẻ, chung quanh là ao và ao, các xóm nghèo không điện, không nước máy, nhất là trên con đường gọi là Hàng Bàng, chạy từ cầu Bông đến chính diện Tòa bố. Từ cầu Bông xuống chỉ có một ít nhà mặt tiền, qua khỏi hẻm thầy thuốc Hoàng Công Bảy có một khoảng trống mới đến hẻm 100 ngày nay, gọi là hẻm Kim Chi, nơi đặt trụ sở ban trị sự ấp Bác Ái 1 (phía đối diện là chợ Chiều, ấp Bác Ái 3, cũng có khoảng trống y vậy, sau năm 1962 xáng thổi mới cất lên trường nữ trung học Lê Văn Duyệt). Trại hòm Vạn Thọ trứ danh ngày nào cũng thuộc Kim Chi.  Tới chút nữa là hẻm Khăn Đen Suối Đờn, mà Huỳnh Minh có nhắc trong Gia Định xưa. Nhiều người thắc mắc phía trong không có suối gì hết mà sao gọi là Suối Đờn? Chẳng qua đó là nhãn hiệu, thương hiệu của nhà may khăn đóng (cho áo dài the của quý ông, quý cụ) treo chình ình lối vào nên lâu dần thành tên. Ngay phía sau bản đó là một cái ao (hồ) to, có bãi cát hơi lài, có một cầu ván nhỏ, bề ngang rộng hơn xe ba gác đạp chạy qua để vào xóm cho nước chảy thông ao phía bên kia, hướng hẻm Kim Chi. Ngày tôi còn nhỏ, cứ chiều về có đoàn quảng cáo dầu cù là ghé ngang, dừng lại cho voi xuống tắm chỗ này. Lên tí nữa là Hàng Dừa 1 mới đến Lăng Ông.

Còn từ cầu Bông về Gia Định phía tay trái qua 2 trại cưa mới đến chợ Chiều rồi hãng lục lộ Tràng Tiền. Phía bên này thông với Phú Nhuận nên thuở hoang vắng đêm thường bị cướp, dân đánh mõ báo động vang rân, còn bên phía hẽm Khăn Đen của tôi là cùng đường hẹp té, ít xảy ra việc trọng đại như trên.

Thuở ấy không có nước sạch nên mọi nhà được ghe nước đi từ kênh cầu Bông vào qua các ngách rạch đến chợ cá Bà Chiều, tiện đường ghé qua đổi nước. Hồi đó không ai kêu là bán nước với mua nước hết, chỉ có bọn tầm nhìn không quá 3 sào ruộng mới nói vậy thôi. Về phía nhà nước thì cấp nước máy bằng các trụ “phông tên” xài chùa, phía bên ấp 1 có hai máy đặt trước hẻm Khăn Đen và Kim Chi, còn phía ấp 3 thì ngay đường vào chợ chiều. Đúng là công cộng, xài chùa, nhưng khách bộ hành khát nước đi ngang vốc tay hứng uống thì được, chớ dân lạ chen thùng vào thì hơi khó à, thế nên mới có vụ gánh nước mướn với cái tên Tây mỹ miều Marie Fontaine! Thêm nữa, đường Hàng Bàng (Lê Văn Duyệt cũ, Đinh Tiên Hoàng ngày nay) là một đoạn quốc lộ 1 nên tối đến, các quán không tên, đèn hột vịt leo lét với vài cái bàn thấp, ghế gỗ đơn sơ bán nào bánh cóng, cháo vịt cho xe cộ qua lại, nhiều nhất là cho cánh xe be chở gỗ từ rừng về.

Chung quanh xóm tôi, nhà tôi nơi nào cũng sông, cũng nước, muốn ra đường cái phải qua rất nhiều cầu nhỏ do người trong xóm đóng góp dựng nên. Cầu nhỏ, đường nhỏ nên xe cộ rơi sông là chuyện thường, nhà nào cũng có dây thừng sẵn, nghe tiếng ầm là chạy ra vớt người, vớt xe lên. Thế nhưng, dù chung quanh nhà là sông nước nhưng riêng thằn tui thì không biết lội, vì bà ngoại tui cấm, kể cả tắm piscine. Vậy nên sau này ra xứ thần kinh thương nhớ mưa dầm thúi đất, thấy sông Bồ ầm ầm sóng dậy lúc phong ba mà phải vượt sông, tui buồn và nhớ bà ngoại: Con chắc chết xứ này vì ngoại không cho con tắm sông.!

Xóm Khăn Đen gồm ba khu, xóm ngoài xóm trong và xóm giữa. Tôi ở xóm giữa. Mà ngộ, ba xóm hầu như biết nhau nhưng thanh niên và con nít lại ít chơi chung mà phân biệt vì khác “xóm” dẫu chỉ có một lối vào. Chỉ khi trẻ con bên phía Tràng Tiền kéo người qua tấn công con nít Khăn Đen thì “phe ta” mời họp nhau chống trả và lần nào cũng thắng, chắc tại thủ thành nên quên hẻm hốc.

bài và ảnh Đinh Kim Văn 

DSCF3575H2                  Lăng Lê Văn Duyệt (lăng ông Bà Chiểu)

DSCF3574h3

 

Có 6 bình luận về Xóm Khăn đen suối đờn

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Những xóm nhỏ của Sài Gòn xưa

    qua trí nhớ của  người Sài Gòn cố cựu

    thật dễ thương, thật quý giá!

  2. Hoàng Hưng nói:

    Chào anh Văn. Khỏe không? Lâu lắm rồi mới nghe lại chữ Marie Fontaine. Ngày xưa có dạo tôi đóng đô ở sau trường Lê văn Duyệt. Nơi đó cũng là lần đầu tiên hớp một hớp rượu mạnh, và biết được đất trời lăn quay như thế nào.

  3. Hoàng Hưng nói:

    Ngày xưa phía sau trường Lê văn Duyệt là một xóm nhà, sau xóm nhà có ao rau muống khá lớn, đồng thời cũng có nhiều nhà làm cầu tiêu xuống ao rau muống. Cũng ngày xưa đường ra Thủ Đức có những quán nhậu bình dân mái lá, nhưng mỗi bàn nhậu được đặt riêng trong một phòng nhỏ. Sau này về tỉnh cũng thấy những quán nhậu như vậy. Có một lần nhậu chủ quán dọn ra rau muống, nhớ đến rau muống sau trường Lê văn Duyệt, xin  chủ quán cho rau gì khác hơn rau muống. Lát sau chủ quán mang ra dĩa rau ngổ. Ăn hết dĩa này chủ quán cho thêm dĩa khác. Bốn người cưa hai chai Johnnie Walker đến quá giờ giới nghiêm. Trong phòng nhậu có một ghế dài, xuống ghế ngồi dựa ngủ. Sáng sớm chủ quán chỉ cho nơi đi vệ sinh tận phía sau, là một cầu tiêu bắc trên một hồ rau ngổ.

  4. Lyhuong nói:

    Lý Hương (LH) chào anh Kim Văn, LH sinh ra ở Sai gòn 5tuổi theo gia đình về Vinh Long làm người V.L,yêu V.L, đến năm 70 LH và Đặng Huệ thường xuyên ở S.G vì các bạn Ngọc Nữ,Thanh Trước,Kim Chi đi học , đi làm ở S.G rồi. Cám ơn bài viết của anh Văn, nhắc thèm nhớ Sai gòn, Gia Định một thời vắng vẻ xe cộ.

  5. Nguyen Tan Khiem nói:

    Dạ cho hỏi đường Hàng Dừa hồi xưa bây giờ là đường nào vậy?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác