ĐÀ LẠT MỜ SƯƠNG
Đầu năm 1970 đang dạy học ở Vĩnh Long, tôi nhận được “Sự vụ lệnh” thuyên chuyển lên dạy tại trường Nam trung học Trần Hưng Đạo, Đà Lạt. Cầm sự vụ lệnh trong tay tôi vừa vui, vừa buồn. Vui vì thực hiện được điều mình mong muốn, ấp ủ từ lâu nhưng cũng buồn vì phải xa Vĩnh Long, bỏ lại đàng sau lưng ngôi trường Tống Phước Hiệp và bao nhiêu học sinh hiền hoà, ngoan ngoãn của tôi.
Thời gian gần ba năm tuy ngắn nhưng tình cảm cô trò thật tràn đầy, cả cô lẫn trò khi chia tay đều nước mắt ngắn, nước mắt dài. Biết là mình được cảm tình với các em, nhưng tôi không bao giờ ngờ được là các em lại quý mến tôi đến như vậy, lòng tôi mềm và chùng xuống vì những giọt nước mắt của các em.
Cũng tại Đà Lạt, tôi được gia đình gởi cho một bài báo của một em học sinh Tống Phước Hiệp viết tặng cô Lê-Thân Hồng-Khanh, đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong, tiếp đó một bạn đồng nghiệp tại Trần Hưng Đạo cũng tặng cho tôi tờ báo này. Bài viết nói lên nỗi niềm nhung nhớ, thương yêu của em dành cho tôi. Thật là hãnh diện và cảm động biết bao nhiêu, đó cũng là phần thưởng cho những nhà giáo tận tâm và thương yêu học trò của mình. Đến bây giờ tôi cũng không biết tên thật của em là gì vì em dùng bút hiệu mà tôi cũng không nhớ, nhân đây tôi cũng gởi lời cám ơn em, bài viết của em là món quà vô giá đối với tôi, đến nay tuy gần nửa thế kỷ đã trôi qua, tôi vẫn cảm động khi nghĩ đến.
Đà Lạt đón tôi trong không khí mát lạnh cùng tiếng thông reo vi vu, trước khi vào thành phố, xe chạy qua một khúc đường đèo thật đẹp với những rừng thông trải dài cả hai bên đường, bên phải là núi, bên trái là thung lũng thấp hơn mặt đường. Qua khỏi thác Prenn chẳng bao xa đã vào trung tâm thành phố. Xe Minh Trung có bãi đậu gần chợ Hoà Bình, đây là loại xe đò nhỏ chỉ có khoảng 12 chỗ ngồi, tiện nghi và nhanh chóng hơn những xe đò lớn vì không phải đón khách ở dọc đường. Tuy vậy, quãng đường Saigon-Đà Lạt dù chỉ khoảng 300km mà bao giờ cũng cần đến sáu bẩy tiếng đồng hồ, đường xấu, sau này có những quãng hư hỏng, chẳng được tu sửa hoặc bảo trì nên xe không thể nào chạy nhanh hơn được.
Trong giai đoạn đầu, một người chị họ là Hiệu trưởng trường Bùi Thị Xuân cho tôi tạm trú tại nhà của chị trong cư xá. Cư Xá Bùi Thị Xuân lúc bấy giờ nằm ở phía bên phải của trường, trên khoảng đất rộng nơi góc của hai con đường Võ Tánh và Phù Đổng Thiên Vương, rất tiện cho việc đến Viện Đại Học Đà Lạt vì chỉ cần vài phút đi bộ nhưng hàng ngày đi dạy tại trường Trần Hưng Đạo thì lại bất tiện vì rất xa. Một người như tôi, không đi xe đạp hoặc xe gắn máy, chỉ có hai cách, hoặc là đi bộ hoặc đi xe xích lô máy. Kiếm được xích lô máy ở nơi tương đối vắng vẻ này không phải chuyện dễ, phải đi bộ xuống gần chợ Hoà Bình, như vậy cũng đã mất gần nửa quãng đường, đó là chưa kể đến phí tổn về tiền xe. Đi bộ mất cả tiếng đồng hồ, nếu dạy những giờ đầu chắc chắn là phải dậy thật sớm để sửa soạn và ra đi lúc trời mới hừng đông. Bây giờ biết phải tính sao…, may quá trong cư xá cũng có nhiều em học trường Trần Hưng Đạo, các em tình nguyện dẫn tôi đi đường tắt để đến trường và chỉ cần chừng ba chục phút đi bộ…. Mỗi sáng nếu tôi có giờ dạy đầu, mở cửa đi ra thì đã thấy các em, học trò đệ thất, đệ lục đứng đợi sẵn để cùng đi. Tôi vui vì có bạn đồng hành, các em thì hãnh diện vì được đi cùng với cô giáo, nói theo bây giờ thì đó là một việc làm “win win”, không đem lợi nhuận cho cả hai phía như trong thương trường nhưng đem lại niềm vui cho cả cô lẫn trò !
Muốn đi đường tắt phải lội qua vườn của những người sống bằng nghề trồng rau củ nằm dưới thung lũng, cô trò chúng tôi đi men theo những bờ vườn hẹp toàn là đất đỏ, cao hơn mặt vườn chừng nửa thước, ngang qua những vườn trồng rau sà lách, cà rốt, bắp cải, bông cải, ác ti sô, đậu ve, đôi khi cũng có vườn trồng cả dâu tây, các cậu học trò nhỏ láu lỉnh trên đường đi học về giả vờ ngã lăn xuống vườn dâu đầy trái chín đỏ để hái trộm hoặc thưởng thức vài trái mà không bị nhà vườn bắt, đúng là “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Thật là thơ mộng khi trời hơi giăng sương mù, mờ mờ, ảo ảo, hơi lạnh thấm vào người mặc dù đã mặc đủ áo ấm, cô đi trước, trò theo sau, vừa đi vừa suýt soa, cả cô lẫn trò đều lạnh.
Chỉ khi nào trời mưa hoặc đường đất còn đẫm nước thì thật là khổ, đất đỏ vừa mềm vừa nhão bám vào giầy, vào quần vào áo dài. Cô giáo vào lớp mà nhem nhuốc nhưng biết làm sao hơn. Lấy kinh nghiệm, trong khoảng thời gian đó tôi chỉ mặc toàn quần đen mà chẳng khi nào dám diện quần trắng.
Trường nam Trung học Trần Hưng Đạo nằm trên một ngọn đồi, xa thành phố, thơ mộng với những hàng thông bọc quanh, cạnh trường bên phải là hồ Vạn Kiếp, khi tôi đến thì đó chỉ là một hồ nhỏ đã cạn gần hết nước nhưng theo lời kể, trước đây là một trong những hồ lớn và đẹp ở Đà Lạt chẳng khác gì hồ Than Thở hoặc hồ Xuân Hương. Nhưng rồi với thời gian, đúng như ông cha ngày xưa đã nói “thương hải biến vi tang điền”, hồ từ từ thu hẹp dần, mới đây tôi được biết hồ Vạn Kiếp đã không còn nữa mà thay vào đó là những mảnh vườn đang được canh tác. Bên trái của trường, cách một đường đi là những biệt thự nhỏ, xinh xắn, kiến trúc theo kiểu Tây Phương, có lẽ ngày xưa dành cho nhân viên người Pháp vì thời đó trường Trần Hưng Đạo là nhà nghỉ mát của quân đội Pháp, nay mới thuộc sở hữu của trường. Trường nằm xa thành phố, vắng vẻ, đêm tối mất an ninh nên dù dùng làm cư xá cho giáo sư, chẳng ai dám ở, ngoài gia đình bác cai trường, sau này bắt đầu có một hai đồng nghiệp chọn những căn nhà ít hư hỏng, ít phải tu sửa để ở, nhà bỏ trống cả mấy chục năm nên hư hại nhiều. Tôi còn nhớ có chị bạn đồng nghiệp ở cùng với cô cháu gái đang học trường Quốc gia Sư Phạm, chỉ có hai dì cháu, “liễu yếu đào tơ” mà dám nhận một villa nên ai cũng nể, sau này hỏi ra mới biết là cả hai dì cháu đều rất giỏi võ Bình Định.
Trường nằm trên ngọn đồi cao nên muốn vào trường phải đi mấy chục bậc thang thẳng dốc, sáng nào cũng vậy, ngoài việc đi bộ, tôi còn phải leo bao nhiêu bậc tam cấp nên cũng nhờ đó mà sức khoẻ của tôi rất tốt, đúng tiêu chuẩn vận động lý tưởng của ngày nay!
Ngẫm lại tôi thấy đường đời của tôi thực sự là không bằng phẳng, lúc nào cũng phải tranh đấu, phải bỏ nhiều công sức, phải leo dốc cực nhọc rồi mới đạt được mục đích, nếu không thì tại sao tôi lại phải leo hết dốc Trần Hưng Đạo đến dốc đại học Victoria ở Wellington lộng gió, xứ sở của Kiwi !
Hai niên khoá đầu, trường phân công cho tôi phụ trách các lớp đệ thất (lớp 6), nam sinh nhỏ thuộc lứa tuổi 11, 12. Lớp học quá đông, có lớp tới 70 chục em, hỗn độn, nhốn nháo. Tôi quen dạy học trò lớn, ngoan, hiền nên thoạt đầu tôi bị shock, nhưng rồi tôi cũng có cách để đưa các cậu học trò nhỏ này vào kỷ luật. Nếu các em học sinh của tôi ở Tống Phước Hiệp thấy tôi lúc đó chắc phải giật mình, cô giáo dịu dàng, nhẹ nhàng ngày xưa, nay trở thành một bà giáo sát khí đằng đằng, đi lên, đi xuống, trong tay lúc nào cũng cầm một cây thước kẻ dài, cậu bé nào lộn xộn là sẽ bị khẻ tay, nếu nghịch quá thì bị quỳ tại chỗ. Thời ấy, đó là những hình phạt nhẹ mà ban giám hiệu cũng như phụ huynh học sinh không ai phản đối hoặc ta thán gì cả. Ngày nay nghĩ lại thấy mình đã phạm vào việc hành hạ và hạ thấp nhân phẩm của trẻ em, ở Tây Phương là sẽ bị đuổi việc và bị đưa ra toà ngay. Tôi tự hỏi, một nhà giáo Tây Phương phải phụ trách một lớp với 70 học sinh nhỏ nhốn nháo như cái chợ vỡ thì họ phải đối phó ra sao để mà có thể giảng dạy được. Thông thường họ chỉ phải phụ trách mỗi lớp chừng 15 em học sinh, vậy mà họ vẫn than phiền là lớp học quá đông.
Ngày nào đi dạy về tôi cũng bị khan tiếng, phải nói to, phải la thật lớn “silent, please!” không biết mấy trăm lần để giữ im lặng trong lớp mà giảng bài. Tuy cực nhọc để chăn đám con nít nhốn nháo nhưng không vì vậy mà sự giảng dạy cũng như sự tận tâm nghề nghiệp của tôi bị giảm đi. Nhìn những em học sinh nhỏ của mình mặc những chiếc áo len bạc màu, rách nát, chân đi đôi “săng đan” tơi tả hoặc đôi dép Nhật trong tiết trời lạnh lẽo, tôi thấy buồn thấm thía. Có hôm, đang giảng bài, có em bị ngất xỉu, sau khi đưa lên bệnh xá và han hỏi, em ngập ngừng nói là em không có bệnh gì cả, ngất đi chỉ vì quá đói. Trời lạnh, phải đi bộ năm, ba cây số đến trường, quần áo không đủ ấm mà trong bụng không có một chút gì thì làm sao mà chịu nổi. Có những em con nhà vườn, cha mẹ không bán được rau củ đã gặt hái, nhiều khi phải ăn rau, ăn cà rốt luộc trừ cơm. Ôi thân phận nghèo dưới chính thể nào cũng vậy, luôn luôn phải chịu thiệt thòi, bất hạnh…
Sau khi hoàn tất niên khoá đầu tiên, tôi trở về Saigon nghỉ ngơi, sống cùng cha mẹ và các anh chị em, thỉnh thoảng cũng phải ngắt quãng vì được cử đi gác thi ở các tỉnh. Ba tháng hè trôi qua, tôi trở lên Đà Lạt, lần này tôi đổi chỗ ở để tiện cho việc di chuyển đến trường. Tôi từ giã cư xá Bùi Thị Xuân để về ở nhà cậu mợ Tân, người quen của ba mẹ tôi. Cậu Tân là nhân viên của Ty Công Chánh nên cậu mợ ở tại cư xá Công Chánh nằm trên đường Hai Bà Trưng. Từ đây tôi có thể đi bộ đến trường bằng đường chính và cũng chỉ mất chừng nửa tiếng như đi đường tắt ở cư xá Bùi Thị Xuân. Thêm vào đó cậu mợ có hai em Ân, Ái là học trò đệ ngũ và đệ lục của trường Trần Hưng Đạo. Ái thích đi xe đạp, Ân đi xe Honda nên nếu trùng giờ tôi có thể quá giang xe của Ân nên cũng tiện cho tôi hơn. Mợ Tân rất đảm đang, nhà của mợ thật gọn ghẽ, ngăn nắp và sạch như ly như lau. Mợ lại nấu ăn thật ngon nên ở với gia đình cậu mợ, tôi cảm thấy thoải mái, Phương Lan, con gái đầu của mợ, xinh đẹp, hai má đỏ hồng, học sinh Bùi Thị Xuân, kế đó là Đôn học trường tư, Ân và Ái, học sinh Trần Hưng Đạo, Cẩm Tú, con gái út, còn nhỏ và đang học tiểu học.
Đôn và tôi ở trên gác nhỏ, mỗi người một cái giường , phòng có cửa sổ, nhìn ra đường Hai Bà Trưng, gác tuy nhỏ nhưng đầy đủ tiện nghi và ấm cúng, đủ chỗ dành cho hai chị em. Cũng chính ở căn gác này, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng đã tạm trú một thời gian khi là giáo sư của trường Trần Hưng Đạo, sau đó đã viết quyển tiểu thuyết táo bạo “Vòng tay học trò” mà tôi cũng từng mong đợi hàng tuần để được đọc trên báo khi còn là nữ sinh lớp đệ tam của trường Gia Long, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng là cháu của cậu Tân.
Mặc dù chỉ là bạn của ba mẹ tôi nhưng những tháng ngày sống chung với cậu mợ và các em đã làm cho tôi có cảm tưởng cậu mợ là bà con ruột thịt, mối liên lạc với gia đình cậu mợ đến nay vẫn còn tiếp tục. Cậu đã mất từ lâu, em Đôn đã qua đời lúc còn rất trẻ, hiện nay mợ và Cẩm Tú, con gái út vẫn ở trong căn nhà ngày xưa mặc dù mợ đã 90 tuổi, bệnh tật và hoàn cảnh sống khó khăn.
Trong thời gian ở Đà Lạt nếu không có giờ dạy, tôi vẫn thường cắp sách tới giảng đường của viện Đại Học Đà Lạt để sống lại quãng đời sinh viên, trong vòng một năm rưỡi tôi hoàn tất ba chứng chỉ cần thiết cho bằng Cử Nhân Anh Văn của tôi. Sau đó tôi được phân cho dạy những lớp lớn, đệ tứ, đệ tam, bớt phải hò hét và cũng không còn phải áp dụng những hình phạt khẻ tay hoặc bắt quỳ. Tôi cũng được phân cho dạy một lớp toàn các em người Thượng, dân tộc thiểu số của vùng Đà Lạt, các em phần lớn đều nhiều tuổi hơn các em cùng cấp người Việt nhưng rất hiền và ngoan, có khiếu về Anh ngữ và có cách phát âm rất đúng mặc dù tiếng Việt vẫn còn ngọng nghịu.
Năm năm ở Đà Lạt đã để lại trong tôi bao nhiêu là kỷ niệm, thành phố nhiều cây xanh, nhiều hoa với những buổi sáng giá lạnh đầy sương mù, những rừng thông, những con dốc, những đồi cỏ, những cô gái má hây hây hồng, con đường tắt băng qua vườn, con đường hàng ngày đi bộ đến trường đầy sỏi đá, ngang qua Mả Thánh với những bụi dã quỳ đầy hoa vàng thắm còn lóng lánh sương đêm.
Trường Trần Hưng Đạo trên ngọn đồi cao, những buổi sáng tinh mơ đầy sương muối trắng xoá bao phủ những bãi cỏ cạnh hồ, những em học sinh nhỏ nhốn nháo, những em học sinh lớn chững chạc trong bộ đồng phục quần tây xanh, áo sơ mi trắng, áo len màu xanh lam đậm.
Trường Đại Học Đà Lạt với khuôn viên rộng rãi và đủ các loài hoa, những con đường hoa anh đào , những hoa cúc trắng lung lay theo gió, những sinh viên nam nữ ăn mặc thật đẹp với áo len, áo măng tô, áo ba đờ suy đủ màu, đủ kiểu, làm khách lạ cứ tưởng chừng như lạc vào trong khuôn viên của các Đại Học Tây Phương. Đà Lạt vẫn còn mãi trong tôi, dù rằng Đà Lạt ngày nay đã thay hình đổi dạng…
Những ngày đầu ở Đà lạt (1971) tôi “tức cảnh thành thơ”, làm được bốn câu rồi không làm sao để tiếp tục, thật là lạ, qua bao nhiêu năm tháng mà tôi vẫn chưa quên.
Kỳ về thăm lại Việt Nam vừa qua (2013) tôi đã hoàn thành được bài thơ mà tôi đặt tựa đề là “Bài Thơ nối tiếp Nhớ về Đà Lạt”, bài thơ được hoàn tất sau 42 năm, xin ghi lại dưới đây để gọi là ” một chút gì để nhớ, để thương” của một thời nơi xứ hoa đào thơ mộng.
Bài và ảnh Lê-Thân Hồng-Khanh (2015)
BÀI THƠ NỐI TIẾP NHỚ VỀ ĐÀ LẠT ( 1971-2013 )
Trời Đà Lạt buồn rưng rưng muốn khóc,
Cây rì rào, hoa lá hỏi thầm nhau,
Cớ làm sao trời lại bỗng dưng sầu,
Cho vạn vật phủ một màu ảm đạm.
Trời muốn khóc vì trời hay làm dáng,
Gió vô tình làm rối tóc mây bay,
Chợt thổi về thêm một thoáng heo may,
Luồn trong tóc, kết thành mây lãng đãng.
Cảnh vật trở mình bỗng nhiên như bừng sáng,
Ánh mặt trời chiếu rạng cả hư không,
Rặng thông reo theo gió toả hương nồng,
Đồi cù đó, cỏ may hồng bát ngát.
Mặt nước hồ sao vẫn còn man mác,
Hàng anh đào, ôi ngơ ngác chờ trông,
Bước chân theo những con dốc chập chồng,
Tìm đâu được bao dư âm ngày cũ.
Đà Lạt thuở xưa đã đi vào huyền sử,
Đà Lạt bây giờ còn thoáng nhớ ai không,
Gót chân son nay vướng bận bụi trần,
Dừng bước lại vẫn âm thầm một bóng.
Lê-Thân Hồng-Khanh ( 2013 )
H1 Toàn cảnh trường Trần Hưng Đạo
h2 Cổng chính của trường Trần Hưng Đạo (1967, nguồn Nguyễn hữu Quan )
h3 Ban giáo sư trường Trần Hưng Đạo ( đầu thập niên 70 ), cô Hồng Khanh, người thứ sáu từ phải qua trái.
h4 Viện Đại Học Đà Lạt ( cổng chính )
h5 Vườn trồng rau củ tại Đà Lạt
h6 Tác giả dưới rặng Mimosa ( Đà Lạt đầu thập niên 70 )
Đọc bài viết, người đọc như theo chân cô…trãi dài theo cảm tưởng cảm giác của cô. Đọc mà như sống.
Còn lời khích lệ nào hơn nữa! Xin cám ơn anh Trương Phú , gởi lời thăm anh và gia đình
“Mimosa từ đâu em đến nơi này….”. Bài viết và thơ thật hay. Cám ơn Cô Khanh đã cho tôi những kỷ niệm đẹp ngày xưa. Hình tôi đứng hàng thứ 2, sau cô Diệp, giữa a. Long và a. Bé …
Thưa Cô,
Vẫn là những hồi ức ngồn ngộn kỷ niệm thương yêu của một thời, được cô nhớ rất rõ.
Vẫn là lối viết kết hợp văn thơ của cô giáo dạy Anh mà viết văn quá đỗi tài tình.
Dường như, qua đọc một số bài của trang nhà, đọc một số status của bạn Fb, em mơ hồ biết tác giả học sinh viết về cô giáo Hồng Khanh là ai?!
Bài của Cô cũng gợi cho em kỷ niệm của riêng mình, ngày Cô giáo thương yêu lên xe đò về Sài gòn, em định viết mà chưa có dịp…
Thương Cô nhiều.
Hạnh ơi, em có thể ” bật mí ” cho cô biết em nào là tác giả của bài viết tặng cô 45 năm về trước không.
Cô cám ơn em trước nhé.
Thưa Cô,
Em đã gửi email đến Cô đúng ngày 18.10, ngày này năm trước Cô trò tái ngộ sau 46 năm, cùng lênh đênh sông nước miệt cù lao.
Em Hạnh.
Cô Hồng Khanh kính quý ,
Bài viết thật hay , chân tình chí nghĩa , chịu khó vươn lên vượt bao trở ngại của một cô giáo tâm quyết với nghề ,, cuối cùng cô đã thành công ,, ngưỡng mộ cô quá đi . Lời bài thơ thật trữ tình và tất cả hình ảnh xưa cũ là cả nỗi niềm thương nhớ trong cô , quý cô vô hạn ! Hình ảnh cô hồi đầu thập niên 70 có da có thịt hơn những tháng ngày cô dạy ở Vĩnh Long , chắc cô mình chịu khí hậu lạnh Đà Lạt rồi ! Chúc cô mãi gặp Thần May Mắn trong đời , Hihi Hoành Châu (Gia đình C )
Hoành Châu dạo này có khoẻ không, vẫn chăm chỉ đưa dẫn đám em thơ chứ. Lên ĐL vì khí hậu lạnh, lại thêm mợ Tân nấu ăn ngon nên kết quả như em đã thấy trong hình đó. Gởi lời thăm em và Hoành Hà, đầu gối của HH đã bình phục hoàn toàn chưa.
Cô Thương , được cô hỏi thăm chị Hoành Hà em cảm động lắm , bây giờ chị ấy đi lại tương đối tự nhiên rồi cô ạ , chúng em cảm ơn cô , chúc cô dồi dào sức khỏe và nhiều niềm vui
Cô kính yêu !qua bài viết và những và những hình ảnh cô gửi đã giúp em hiểu về ĐL ngày xưa cũng như cuộc sống của cô lúc cô rời khỏi trường TPH.Bài thơ cô lại rất cảm động,nếu ai đã từng ở ĐL đọc thơ cô chắc cũng cảm thấy ngậm ngùi.Hình cô chụp dưới rặng Mimosa trông cô tròn trịa hơn lúc cô ở VL, cô viết tiếp những gì về cô cho tụi em biết nữa cô nhé,chuc2 cô vui khỏe .
Thỉnh thoảng khi nhớ lại những kỷ niệm dã qua, cô sẽ viết để cùng chia sẻ với các em. Cô chúc em mau vượt qua được nỗi buồn vì sự mất mát lớn lao vừa qua.
Cô kính mến! Cuộc đời dạy học của cô có quá nhiều kỷ niệm. Cô đi đến đâu cũng được bà con và học trò yêu quý. Đó là một hạnh phúc không gì bằng đối với nghề dạy học phải không cô? Bài thơ được hoàn tất sau 42 năm của cô rất hay, em rất thích. Em kính chúc cô và gia đình luôn vui khỏe.
Mừng em mới có thêm cháu nội xinh xắn. Không có gì vui hơn khi thấy con cháu càng ngày càng đông và quây quần bên mình. Cám ơn em đã chia sẻ, cho cô gởi lời thăm em cùng tất cả con cháu.
Cô ơi, thật hạnh phúc khi được cô quan tâm, chia sẻ. Em xin cảm ơn cô thật nhiều!
Kính chào cô Lê,
Học trò không được hân hạnh học với cô nhưng cũng ngang tuổi với học trò của cô. Đọc qua những bài cô viết gần đây. Học trò chân thành ngưỡng mộ tình thầy trò của các vị, và cũng khâm phục công lao của cô trong việc dạy dỗ, vun bồi nhân tài cho quốc gia. Cảm ơn cô về những cảm nghĩ, tình yêu sư phạm và những bài viết rất hay.
Nguyễn Thế Điển
Cám ơn Một Lúa đã có phản hồi, nhìn hình ảnh ngôi vườn của Một Lúa cô rất ngưỡng mộ, phải có kiến thức cũng như phải có tay trồng trọt thì mới đạt được những kết quả như vậy. Những quả cà tím, những trái bầu, trái mướp, những trái ớt đỏ, cây hồng dòn, cây mận đầy trái, những chậu rau thơm xanh um đã chứng tỏ người trồng thương yêu, chăm sóc cây cối của mình hết lòng. Theo cô nghĩ khi làm bất cứ chuyện gì ngoài tài năng, còn cần phải có một chút đam mê trong công việc, kết quả nhờ vậy mới vượt qua mức bình thường. Gởi lời thăm Lụa, một người nội trợ giỏi giang, bánh trái, thức ăn chỉ nhìn cũng đủ thấy ngon.
Đề nghị với quản trang mở thêm mục ” Nấu Ăn ” để các bà nội trợ khéo léo như Lụa cho bạn đọc các công thức cũng như các lời khuyên về bếp núc để bữa cơm cũng như các bữa tiệc trong gia đình của các cựu học sinh TPH càng ngày càng ngon và phong phú.
Thưa cô, mở thêm chuyên mục không khó nhưng duy trì được chuyên mục là vấn đề gian nan. Thời gian qua đã có chuyên mục về sức khỏe do một bác sĩ phụ trách nhưng làm vài số thì tịch ngòi. Cách nay, một tháng có một cựu HS trường khóa 1962 ở Mỹ có gọi điện về đề nghị mở mục sức khỏe nhưng đến nay vẫn chưa thấy gửi bài và cho biết tên họ. Mục du lịch hàm thụ rất dễ viêt vì ai cũng từng đi du lịch, trong nước, ngoài nước, vậy mà có ai gửi cho hình ảnh bài vở chi đâu ? Các bạn ấy sợ bị người đời cho là khoe khoang, hay mục Vĩnh Long mến yêu cũng dễ vì ở quê nhà nhưng vẫn còn nhiều nơi chúng ta chưa đến.
Thể theo sự hướng dẫn của cô, kể từ hôm nay mục nấu ăn, gia chánh tạm thời đưa vào “thư đi tin lại” xem như bạn bè gửi thư cho nhau chỉ bảo việc nấu ăn, khi nào bài vở kha khá sẽ chuyển về mục mới : Nấu ăn, như cô vừa đề nghị. Thân mời các bạn tham gia , nhất là cây bút Vân Hà chuyên về ẩm thực.
Quản trang đã mở lời, xin mời tất cả các bạn đọc cũng như các em cựu học sinh TPH tham gia, chắc chắn là bà nội trợ nào cũng có một hai món ăn đặc biệt trong gia đình, món ăn hàng ngày cũng như những món cầu kỳ. Chúng ta hãy trao đổi cùng nhau để cho bữa ăn có nhiều thay đổi và trang nhà thêm phong phú.
Cô kính yêu và bạn hiền 11 HẠNH ,
Bài cô viết về tình bạn thủy chung của cô và cô Tuyết gợi em nhớ bạn hiền 11 Hạnh. Em sẽ kể cho cô và các bạn nghe
Hoan hô Lưu Thu Hà, cô , Hạnh và các bạn đọc chờ bài viết của em đấy nhé. Gởi lời thăm em và mong em sẽ có nhiều đóng góp với trang ” tongphuochiep-vinhlong.com”.
Thưa Cô.
Em không có duyên may được làm học trò của cô, Nhưng qua bài viết của cô là em cảm động lắm ! Vì em là Người DaLat Cô ạ . Và biết đâu trong đám 70 HS nam đệ Thất , đệ lục của cô ngày xưa đó có vài cậu bạn học cùng em thời tiểu học. Nhưng các bạn ấy ngoan lắm , hy vọng họ không làm cô khản tiếng, hở Cô ?
Và vị hiệu trưởng trường Bùi Thị Xuân ngày xưa cô nhắc đến có phải là cô THÂN THỊ HỒNG của chúng em không nhỉ ?
Em cũng có nhiều kỷ niệm với Cư Xá HỎA XA CÔNG CHÁNH , bởi vì em hay đến nhà thầy TRỊNH MINH ĐỨC, thầy PHẠM THÔNG chơi với con cháu của hai thầy lắm ! Tự nhiên thấy bồi hồi khi hoài niệm chợt quay về, Cô ạ ! Em cảm ơn Cô đã cho em những cảm xúc khi đọc tản văn của Cô.
Ngoài nhà văn, nhà Thơ NGUYỄN THỊ HOÀNG ,ở trên con đường HAI BÀ TRƯNG còn có nhà văn , nhà thơ TỪ KẾ TƯỜNG nữa, nơi đây được anh ấy viết trong truyện MÙA ÁO VÀNG đó cô .
Thú thật, hồi nhỏ em có đọc truyện của cô Nguyễn thị Hoàng ( NGÀY QUA BÓNG TỐI ) .. nhưng chẳng hiểu gì cả, vì em là CON NÍT ! Bây giờ muốn đọc thì không có Cô ơi ! Thật tiếc ! Vì em biết cô Nguyễn Thị Hoàng có nhiều quyển truyện rất hay :
Những mảnh vườn Cô nhắc đến bây giờ đã bê tông hóa hết rồi Cô ạ ! Bởi Người Nông Dân không sống nổi khi mà việc Quản Lý Thị Trường quá lỏng lẻo, không mang lại thu nhập , mà còn gây nợ cho nông dân.Thật là Xót Xa.
Em đã bật khóc khi cô tả đến những cậu học trò nhếch nhác trong chiếc áo len bạc màu, rồi xỉu vì đói lạnh ! Thương quá cô ơi !
Cảm ơn Cô đã nhớ về DaLat và còn HOÀN TẤT BÀI THƠ sau 40 năm nữa.
Kính chúc Cô THÂN TÂM THƯỜNG AN LẠC.
Trọng Kính
Em , Lê Liên
Thân gởi em Lê Liên,
Rất cảm động khi đọc phản hồi thật dài của em, một người đến từ xứ ” Đà Lạt mờ sương “, một nơi còn để lại trong cô bao nhiêu kỷ niệm.
Em đã đoán đúng, người chị họ của cô là chị Thân thị Hồng, thời ấy là hiệu trưởng của trường Bùi Thị Xuân, sau này chị Hồng và tất cả các con của chị đã tử nạn ở biển khơi, không hiểu em có biết tin này hay không.
Cô ở trọ tại nhà cậu mợ Tân số 47 đường Hai Bà Trưng, nhà của thầy Đức nằm phía bên kia đường, xế với nhà cậu mợ Tân. Thầy Đức cũng là đồng nghiệp của cô ở trường Trần Hưng Đạo. Thầy Thông thì cô không được biết. Thú vị khi biết nhà văn Từ Kế Tường cũng ở trên đường Hai Bà Trưng, con đường đẹp và dài và nếu cô không lầm là đường này dẫn mãi lên tận Domaine de Ma rie.
Cô có đọc các bài viết của em trên trang nhà và cũng tự hỏi sao lâu nay vắng bóng em. Hy vọng sẽ được đọc thêm bài viết của em nhé.
Cám ơn lời chúc an lành của em, cô cũng gởi lời thăm và chúc em mọi điều yên vui và may mắn.
Cô ơi !
Cảm ơn cô đã hồi âm cho em . Thật may là em đã đoán đúng, Em có biết tai nạn của cô Thân Thị Hồng trên đường di tản. Buồn quá , phải không cô !
Hôm qua em viết thư cho cô rất dài, nhưng bị sự cố kỹ thuật, delete sạch, thôi thì viết lại .. đỡ buồn !
Cô đúng rồi , nhà Bố Đức số 48 b cô ạ . Bố Thông là em rễ của bố Đức, Con gái Phương Thảo của bố Thông là bạn học rất thân của em . Nhà của Bố Đức không phân biệt anh em họ, cứ ai ra đời trước là anh là chị, và không gọi anh , em của Bố, Mẹ bằng Bác , bằng cô, mà trẻ con trong nhà gọi Người lớn là Bố , Mẹ. Cho nên khó phân biệt bạn nhỏ nào là con đẻ của bố mẹ nào ?
Khi xưa còn nhỏ, có lần em đi dã ngoạn ,băng ngang qua trường Trần Hưng Đạo , Mùa hè nên trường vắng tênh, nên rộng càng thêm rộng đến hoang vu, bí ẩn …Tụi em vừa tìm mật thư, vừa sợ …
Em nhìn tấm hình cô khi trẻ, chiếc áo len cô mặc làm em nhớ DaLat quá chừng! Cho đến bây giờ, dù làm việc ở Saigon, em vẫn còn thói quen tranh thủ đan áo len mỗi tối khi xem tivi. Phụ Nữ DaLat là vậy đó cô ! tham- công- tiếc -việc lắm ! ( Thực ra họ đan vì ghiền!? )
Khi xưa em đan áo kiếm tiền nuôi con , còn bây giờ em đan áo tặng bạn bè, người thân hoặc trẻ em vùng cao, Chúng có đôi mắt to tròn, ngơ ngác, đơn sơ, chân thành vô cùng, cô ạ ! Em rất yêu trẻ con và người già vùng Cao.
Cô có thích mặc áo len không cô ? Nếu cô thích hãy allo cho em nha cô .
ĐaLat đang vào mùa dã quỳ . Nhưng rừng không còn ở trong phố nữa! Muốn tìm hoa dã quỳ thì phải lang thang ra ngoại ô … Em thích ngắm hoa dã quỳ từ xa ( Vì chúng không có hương, và lá rất đắng! Cho nên sau giải phóng, đa số người ĐL lấy lá của nó nấu nước tắm thay xà phòng để trị bệnh GHẺ!? Ghẻ lan tràn khắp thành -phố -buồn!) Ôi! Nhắc lại thấy lòng chùng xuống cô ạ.
Dạo này em bận nên ít viết , ít vẽ. Chắc em phải cố gắng làm việc thêm 5 năm nữa mới nghỉ ngơi và có toàn thời gian cho những công việc mình yêu thích . Nhưng em hứa sẽ tranh thủ viết bài cùng các anh chị cho vui.
Cô ơi ! Em mong cô thật khỏe mạnh, an lành.
Trọng kính,
Em, Lê Liên
Cám ơn Lê Liên đã nghĩ đến cô, ngày xưa khi hai em con của cô còn nhỏ, cô đã đan cho hai em rất nhiều áo len vì đan lát cũng là một trong những việc mà cô say mê. Ngày nay các em đã lớn và áo len đan không còn hợp với các em nữa nên cô đã ngưng. Cô có rất nhiều kim đan và một ít len Angora, nếu có dịp thuận tiện cô sẽ gởi tặng em. Cô rất ngưỡng mộ việc em đan áo để tặng các trẻ em người miền cao ( danh từ mà cô mới biết vì ngày xưa cô chỉ dùng chữ người Thượng ).
Khoảng thời gian vừa qua ít thấy Đức Tính xuất hiện, hy vọng là em bận việc chứ không có vấn đề về sức khoẻ. Cô gởi lời thăm em và cám ơn những lời chia sẻ chân tình.
Dạ , em cảm ơn cô đã có nhã ý tặng kim đan và len cho em !
Em hay nói về người dân tộc vùng cao, vùng sâu như thế ! Vì họ cũng là đồng bào với dân tộc Kinh của mình thôi. Hơn nữa, em nhìn tất cả mọi người bằng bằng đôi mắt đức tin, bình đẳng như nhau, không phân biệt giai cấp.
Năm ngoái, em cũng dành ra vài tháng đi theo chị bạn thân vào vùng sâu dạy cho đồng bào Dân Tộc thiểu số đan, móc , và kỹ thuật thâm canh cây cafe. Vui sao, thương sao là thương….Ngày xưa khi còn thanh niên, em đi dạy tới vùng nào còn học nói chuyện với dân vùng đó nữa cô ạ !
Chúc Cô vạn sự lành.
Trọng Kính.
Em, Lê Liên
Cô kính yêu ơi,
Em vô cùng xúc động vì cô luôn quan tâm đến em. Em cũng bình thường, chỉ hay bị nhức đầu nên ít viết hơn trước cô ạ. Em còn nhiều dự định để viết mà chưa bắt đầu được , em sẽ cố gắng hơn trong thời gian tới . Em chúc cô luôn bình an, vui khỏe, cô nhé.