TÌM VỀ KỶ NIỆM ẤU THƠ ( Bài 7 )

Ngày đăng: 20/08/2015 11:24:08 Chiều/ ý kiến phản hồi (24)

Thuở đó, ai đến Phan Thiết đều được đón chào bằng một “mùi hương ” rất đặc biệt, rất Phan Thiết ! Mùi nước mắm, mùi xác mắm, mùi cá đang được phơi khô, mùi cá tươi đã quyện vào nhau tạo thành một thứ mùi đặc trưng. Người mới đến Phan Thiết thì thấy hôi và khó chịu nhưng ở lâu rồi, hít thở không khí ấy hàng ngày nên đâm ra quen thuộc, các anh chị tôi thường nói đùa là khi thiếu mùi hương này lại đâm ra nhớ. Thị xã Phan Thiết có giòng sông Mường Mán chảy qua, một cây cầu bắc ngang sông mà mặt cầu là những thanh gỗ đóng sát vào nhau. Cầu đã được xây lâu lắm rồi nhưng không được tu sửa và bảo trì nên có nhiều tấm ván bị hư mục khiến người đi bộ như tôi, khi nhìn qua lổ hổng thấy sông nước ở phía dưới mà rùng mình vì cứ sợ bị lọt xuống sông.

PHAN THIẾT, MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

 

Hàng ngày xe cộ qua cầu cũng nhiều vì cầu nối liền hai phần của thị xã, một bên là khu vực buôn bán, bên kia cầu là Toà tỉnh, khu vực hành chánh. Trước Toà tỉnh có một công viên lớn và một tháp nước cao, những cây vông đến mùa nở hoa đỏ chói. Me tôi làm việc trong Toà tỉnh nên chị em chúng tôi thỉnh thoảng rủ nhau sang chơi ở công viên để đón mẹ đi làm về. Từ Toà tỉnh đi ra biển Bình Hưng cũng không xa, biển sạch, cát trắng phau nhưng ít người tới vì bờ biển có rất nhiều mỏm đá lởm chởm, sóng lại lớn nên không tiện cho việc bơi lội. Tôi còn nhớ có vài lần chúng tôi được các cô thầy trong trường dẫn đi picnic ở đây suốt ngày, ra biển, chúng tôi không bao giờ tắm mà chỉ nghịch ngợm, nô đùa cùng đi bắt còng, lượm vỏ ốc, vỏ sò.

 

Ốc ruốc, ốc hương, ghẹ, các loại tôm cá nhiều vô số kể, hàng ngày các ngư dân ra khơi đánh cá và đổ về bãi biển Thương Chánh để phân phối đi khắp nơi. Cát của bãi biển Thương Chánh không trắng và đẹp như bãi biển Bình Hưng nhưng ở đây sóng biển lặng hơn, không có đá lởm chởm và là nơi các ghe chài cặp bến. Dân Phan Thiết tha hồ ăn hải sản tươi, món ăn vặt thông thường nhất là món ốc ruốc, con ốc nhỏ tí teo, bằng đầu ngón út nhưng vằn vện và  đủ màu, đủ sắc rất đẹp, luộc xong được bán khắp nơi và đong bằng lon sữa bò, mua một lon rồi ngồi lể mất mấy tiếng đồng hồ mới hết và thịt ốc thì cũng chưa được một phần cái bát nhỏ xíu, đã ăn ốc ruốc bắt buộc phải thật là kiên nhẫn, ốc hương cũng rất nhiều và rẻ chứ không phải như ngày nay, ốc hương trở thành một loại hải sản quá đắt giá, ít ai có dịp thưởng thức.

 

Người dân Phan Thiết thật thà, mộc mạc, giọng nói, âm hưởng cũng khác hẳn với tiếng của người miền Bắc, tại đây, lần đầu tiên tôi thật ngạc nhiên khi nghe phát âm chữ “v” thành chữ “d”, đồng ” “hào” gọi là đồng “cắc”, tiền giấy có thể xé làm đôi để tiêu xài.

Khác hẳn với Hà Nội, phụ nữ già trẻ ở đây đều mặc áo bà ba hoặc áo ngắn với quần đen hoặc trắng, rất ít khi thấy mặc áo dài, trừ những người đi làm trong công sở, các nữ sinh trung học, hoặc khi đi tham dự các lễ lạc quan trọng.

Ai cũng biết câu “cọp Khánh Hoà, ma Bình Thuận”,chúng tôi đã được nghe kể bao nhiêu chuyện ma, Ty Tiểu học, đối diện với hãng Cosara ngày xưa là Ty Công An, nơi nhiều người bị tra tấn đến chết nên đêm đêm thường có ma hiện về chọc ghẹo mọi người đang sống tại đó. Chị Cháu cũng bị ma kéo chân trong khi ngủ tại nhà của bác tôi, và rồi còn bao nhiêu là chuyện nữa, không hiểu có thật hay là chỉ do trí tưởng tượng, thêu dệt của mọi người…. nhưng danh tiếng ma quỷ ở Bình Thuận thì vẫn còn mãi mãi. Phần tôi, tôi chưa bao giờ thấy ma, phải chăng vì quá nghịch ngợm nên ma Bình Thuận cũng phải sợ!

Phan Thiết tuy nhỏ nhưng cũng có sân bay, mỗi tuần có vài chuyến máy bay chở hành khách tới rồi lại chở hành khách đi các nơi. Bác gái tôi là đại lý của hãng máy bay Cosara, sau này đổi thành Hàng Không Việt Nam thường cho xe bus chở hành khách lên sân bay và đón hành khách từ sân bay về thị xã. Khi nào ít khách bác cho chúng tôi đi cùng, chúng tôi thích lắm vì được đi xe và khi trở về lúc nào cũng được cả một túi kẹo Tây thật ngon mà các cô tiếp viên hàng không tặng.

Trần Hưng Đạo, con đường chính của Phan Thiết, rộng rãi nhưng mỗi lần gió lên là mịt mù cát bụi, bay đập vào mặt, vào mắt. Người dân Phan Thiết vì vậy mà bị bệnh đau mắt rất nhiều, thuở ấy tôi ít thấy có người đeo kính mát để vừa tránh ánh nắng gay gắt vừa có thể tránh được phần nào cát bụi.

…………….

Trần Hưng Đạo biết bao ngày lộng gió,

Cát bụi mịt mù, mùi muối mặn xót xa,

Biển Bình Hưng con sóng vỗ rì rà,

Hàng vông đỏ vẫn khoe hoa trong nắng.

(LTHK, Những con đường đã đi qua)

 

Từ trường Nam Tiểu học, cứ đi thẳng đường Trần Hưng đạo về hướng trái là hướng tới cầu phải qua phường Đức Thắng. Phường Đức Thắng nơi có trường tiểu học Đức Thắng, rất giàu có, phần lớn các nhà “Hàm hộ” tức là những hãng sản xuất nước mắm đều quy tụ tại đây, thêm nữa cũng là nơi cư ngụ của những ngư dân nhiều tiền của. Bạn tôi dẫn tôi vào xem hãng nước mắm của gia đình bạn, hãng rộng mênh mông, chia ra nhiều dãy lều, mỗi dãy lều để biết bao nhiêu thùng gỗ, cao tới gần nóc lều và to lớn đến mấy người ôm, trong thùng chứa cá, muối và thính để làm nước mắm. Tôi cũng được bạn cho thử nước mắm nhĩ, loại nước mắm thượng hạng, không pha chế và chỉ sản xuất cho gia đình, bà con ăn hoặc để tặng cho bạn bè thân thiết. Nước mắm làm ra sẽ được pha chế và đong vào trong những cái tĩn bằng sành, bên ngoài quét một lượt vôi trắng, ở Phan Thiết tôi thấy chị Cháu thường mua nước mắm trong tĩn rồi san ra chai để dùng. Biển Phan Thiết cho ngư dân rất nhiều cá cũng như các hải sản, những con cá đuối đánh về, con nào con ấy to bằng cả cái sân, được đem ra xả thịt để phơi khô, cá mòi, cá nục tươi thì xếp vào từng cái giỏ nhỏ, đan bằng tre, rồi đem hấp trong những nồi hấp khổng lồ và chờ xe đến để chở đi bán khắp nơi.

Nếu đi về hướng phải, nhà cửa càng ngày càng thưa thớt, nhường chỗ cho nương rẫy. Cứ đến mùa, chúng tôi ngồi trước nhà để chờ bạn hàng gánh từng gánh đầy dưa hấu, dưa gang vừa được hái từ trên rẫy về, những trái dưa hấu hình dài màu xanh, tươi mát, ruột đỏ đậm, ngọt ngào, những trái dưa gang màu vàng rượm, chín nứt nẻ, thơm ngát đã làm giảm đi cái khát của những ngày hè nóng nực ….

Cứ đi thẳng con đường ngang hông của trường Nam, chẳng bao xa là đến chợ Phan Thiết. Chợ  họp đông đúc vào buổi sáng, tới xế trưa là chợ tan, thường thì tôi chỉ đi rảo ở vòng ngoài nơi rau cỏ, hoa quả được bán. Tôi ít dám đi vào lồng chợ vì cô tôi có sạp hàng bán đồ khô tại đó, cô mà gặp là sẽ la tôi. Nơi mà tôi bị thu hút nhiều nhất là dãy hàng bán nồi niêu, ông bếp bằng đất sét nung ở phía ngoài, nơi hông chợ. Tôi thích ngắm nhìn những cái nồi, cái niêu đồ chơi nhỏ xíu, thật xinh xắn và ao ước, may mắn làm sao cô tôi thương tình mua cho chị em tôi một bộ, đầy đủ có cả ông bếp. Về nhà chúng tôi xin chị Cháu nào gạo, nào rau, nào thịt để nấu và xì sụp ăn với nhau, cô tôi cho phép nấu nướng vì cô cũng có ý muốn tập cho đám cháu gái sau này sẽ thành những bà nội trợ giỏi giang.

Cũng gần vùng chợ có một rạp chiếu bóng mà tôi là khách hàng quen, tôi còn nhớ, nhờ đi học được điểm tốt nên tôi luôn được bác thưởng, cho tiền đi xem phim “Tề thiên đại thánh”, phim có bao nhiêu tập là tôi được coi bấy nhiêu, ít tiền nên tôi chỉ mua được vé ngồi trên băng gỗ và sát vào màn ảnh, may mà mắt của tôi không bị hư vì xem phim. Đôi khi tôi cũng lén đi xem những phim tình cảm do nữ tài tử Trung Hoa rất nổi tiếng thời đó là Lý Lệ Hoa đóng, tôi còn nhớ cô ta đóng một phim thật hay mà đến nay tôi còn nhớ tựa đề “Đêm thơ mộng trên đảo Hạ Uy Di”, phong cảnh thật đẹp, vùng biển thơ mộng làm tôi mơ tưởng một ngày nào đó tôi cũng sẽ được đến thăm Hạ Uy Di và nhìn thấy bãi biển này. Ngày nay có đủ điều kiện nhưng tôi đâm ra lười đi, lười di chuyển nên mộng ước cũng chưa thực hiện được.

Phía trước trường Nam, xế về bên phải có một rạp hát, thường thì các Đại nhạc hội hoặc các gánh cải lương đều trình diễn tại đó. Mỗi khi có gánh cải lương về, rạp hát nhộn nhịp hẳn lên, ban đêm đèn thắp sáng choang, trước rạp có những xe bán thức ăn đủ loại, từ loa phóng thanh những bài hát của đôi danh ca Ngọc Cẩm- Nguyễn hữu Thiết được phát ra suốt ngày “vì đâu trăng ơi, sao trăng rụng xuống cầu…”; “em gái vườn quê, cuộc đời trong trắng, dầm mưa dãi nắng mà em vẫn yêu trăng đẹp ngày rằm…”, cần nhấn mạnh là đôi song ca, Ngọc Cẩm và Nguyễn hữu Thiết đều xuất thân từ Phan Thiết nên rất được dân tỉnh nhà ưa thích, sau này còn có ca sỹ Mỹ Thể, em dâu của nhạc sỹ Nguyễn Hữu Thiết, vợ của nhạc sỹ Nguyễn Hữu Sáng, cũng rất nổi tiếng.

Mẹ tôi và chúng tôi sống hai năm tại Phan Thiết, khi tôi học xong lớp nhì, chị tôi hoàn tất lớp đệ thất thì mẹ tôi xin thuyên chuyển và đem chúng tôi về Saigon để gia đình được xum họp với ba tôi sau một thời gian xa cách. Nỗi vui được đoàn tụ đã xoá đi nỗi nhớ bạn bè, nhớ nơi mà tôi đã trải qua hai năm với bao kỷ niệm khó quên, nhớ một đoạn đời thơ ấu từ lúc lên tám đến lúc lên mười, nghịch ngợm, hoang tàng và tự do không ai bằng.

Ôi Phan Thiết và tôi, với bao nỗi nhớ không quên !

( còn tiếp )

Bài và ảnh Lê-Thân Hồng-Khanh

(2015)

H1H1 Sông Mường Mán, thuyền đánh cá và tháp nước trong công viên trước toà tỉnh Phan Thiết.

h2H2 Tỉn để đựng nước mắm ( nguồn: Đặc san của CHS Phan Bội Châu, Phan Thiết )

h3H3 Chợ Phan Thiết ( 2013)

 

 

Có 24 bình luận về TÌM VỀ KỶ NIỆM ẤU THƠ ( Bài 7 )

  1. lưu thu hà nói:

    Cô kính quý,

    Em cảm ơn cô quan tâm đến em , lưu giữ những ảnh em gửi tặng cô dù không đẹp lắm. Được là học trò của cô từ 1968 , đến nay em đã học được ở cô nhiều điều.
    Một là thời trung học, cô đem đến cho chúng em cách học mới với những tiết học không mong ngóng tiếng trống hết tiết, một năm học với cô qua nhanh và chúng em bịn rịn chia tay cô khi nghỉ hè .

    Hai là qua bài viết của cô về thời ấu thơ , em học được ở cô tính trung thực khi tự nhận ” lì ” với cái nhìn chân thật không đổ lỗi . Cô của chúng em hết sức thông minh với những lần đi chơi “không xin phép ” mà không hề bị phát hiện.

    Ba là , sự yêu thương đùm bọc chăm sóc giáo dục của gia đình . Qua cô em kính thăm bà luôn khỏe. Vô cùng cảm phục và cảm ơn bà đã chăm sóc giáo dục các con nói chung và cô nói riêng . Nhìn ảnh gia đình cô ba -mẹ và các con luôn tươi tắn , tươm tất , hạnh phúc , nhất là các cô với áo dài hoa và nơ bướm trên tóc. Bà là phụ nữ Việt Nam mẫu mực trong việc chăm sóc gia đình, nuôi  dạy các con .

    Em có bài thơ  TÀ ÁO THIẾT THA, thương kính gửi đến bà và cô .

    Một sáng tinh mơ

    Xóm nhỏ xôn xao

    Nhà bên có cưới

    Cổng hoa đón chào.

    Cô bé lên năm

    Áo gấm màu hồng

    Chú nhóc lên sáu

    Súng sính áo khăn .

    Trong đoàn đưa dâu

    Áo dài tha thướt

    Đôi tà áo trắng

    Còn bảng tên trường .

    Tôi thấy tôi trong đó

    Nhớ ngày cưới chị

    Tôi ước áo dài hoa

    Cầm tay tôi chị khóc

    Mẹ cha còn vất vả

    Em cố học chăm làm

    Thay chị giúp mẹ cha

    Áo trắng như áo hoa…!

    Nhiều năm sau đó

    Ngày mẹ bạn tôi mất

    Bạn mặc áo trắng xưa đi học

    Đưa mẹ về nơi xa .

    Ôi! tà áo thiết tha,

    Từ thuở lên năm lên bảy

    Hí hửng áo hoa

    Suốt một thời nữ sinh

    Áo trắng theo ai

    Tung tăng đến lớp.

    Vui như ngày cưới người thân

    Buồn như ngày cha -mẹ mất

    Áo luôn bên ta

    Thiết tha -thiết tha.

    • Cô thật cảm động khi đọc những giòng chữ của em, cám ơn em nhiều, nhất là những lời gởi đến Bà và bài thơ dễ thương mà em tặng cho Bà và cô. Mỗi sáng Bà đều dậy thật sớm để tập dưỡng sinh, sau đó mở iPad để vào đọc trang nhà nên chắc chắn Bà đã đọc phản hồi của em và cũng cảm động không kém gì cô.

      Ngày xưa khi còn đi học, cô vẫn than phiền là tại sao ai cũng nói thời cắp sách là thời đẹp nhất của một đời người, lúc ấy cô chẳng thấy có gì vui đẹp cả vì quanh năm suốt tháng phải lo học, lo thi, bù đầu với sách vở, đến bây giờ trải qua gần hết cuộc đời mới thấy, thời mặc áo dài trắng quả là đẹp vô cùng và tà áo trắng sẽ theo  cô nữ sinh trong nhiều trạng huống đáng nhớ như trong bài thơ của em.

      Khi nào có cảm hứng, hãy làm thơ và cho đăng trên trang nhà để mọi người cùng thưởng thức nhé Thu Hà. Thầy Quang gởi lời thăm cô em đồng môn của một thời Thụ Nhân, Đà lạt.

      Thăm em và toàn thể gia đình.

       

  2. My Nguyen nói:

    Vậy là năm mười tuổi cô kết thúc những ngày nghịch ngợm, tự do ở Phan Thiết. Bài này em ấn tượng nhất là khi cô nói về “mùi hương” đặc trưng của PT và chuyện cô ăn ốc ruốc đong bằng lon sữa bò. Ốc ruốc bây giờ không thấy nữa và ốc hương thì đắc lắm cô ơi! Bốn câu thơ trong bài “Những con đường đã đi qua” hay quá, hôm nào đăng cả bài đi cô! Đã hết chuyện ở PT vẫn còn nghe luyến tiếc. Thôi thì tụi em sẽ chờ những chuyện ở Sài Gòn cô nhé. Chúc cô luôn khỏe.

    • Thứ sáu tuần sau là bài viết cuối cùng của tập hồi ký nhỏ , cô rất vui khi biét em thích đọc bài này cũng như những bài trước. Nếu có dịp, em ra thăm Phan Thiết và nhớ đến những gì cô đã kể , em có thể xem bài thơ ” Những con đường tôi đã đi qua ”  của cô đăng cách đây khỏang  một năm trong mục ” Chợ thơ ” trang 19.

      Thăm em, chúc vui mạnh.

       

  3. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    2 năm ở Phan Thiết, đối với cô bé lớp nhì, kỷ niệm chắc chưa sâu đậm lắm, Cô nhỉ!

    Nhưng Cô nhớ được chừng ấy chi tiết là tuyệt lắm rồi.

    Gia đình Cô đi suốt chiều dài đất nước lúc ấu thơ, rồi lớn lên tung hoành ra thế giới!

    Biết bao điều để viết, phải không Cô?

    • Có thể nói gia đình cô như đã được sắp đặt để mà phải di chuyển ngoài ý muốn, cô là người phải đi nhiều nhất và cũng vì vậy mà có nhiều điều để kể lại, tuy vậy thật là lạ, những gì ở quá khứ thì nhớ thật rõ nhưng những gì xảy ra gần thì lại quên nhiều ( đó là dấu hiệu của tuổi già ) và nỗi niềm nhớ quê hương lại càng tăng thêm. Phần lớn ai xa xứ, khi lớn tuổi đều mong mỏi được trở về sống nơi chôn nhau , cắt rốn của mình nếu điều kiện cho phép. Tiếc thay ít người thực hiện được điều ước muốn cuối cùng của mình nên đành tìm vui với những kỷ niệm đã qua.

  4. Hoành Châu nói:

    My   Nguyên  ơi ,  Trang    nhà    đã chọn   đăng   bài  NHỮNG    CON    ĐƯỜNG    ĐÃ    ĐI   QUA       của    cô    Lê    Thân   Hồng   Khanh    rồi  (   My Nguyên  muốn    xem    lại  , hãy    mở  mục THƠ   tháng 7 nhé )  , bài    này   cô   mình   đã    sáng    tác   năm    2013    đã    được   các   trò    nhỏ  của   cô    (nay   đã   trên   60   tuổi   đời   ) đắc  ý   lắm !  Cô   là    THẦN TƯỢNG  đấy !  Hihi        Hoành Châu (Gia đình C )

  5. Hoành Châu nói:

    Cô thương kính ,
    Bài viết   hay   TÌM VỀ KỶ NIỆM ẤU THƠ ( Bài 7 )  với  Phan Thiết  , Một  Thời   Để   Nhớ  được lồng   vào    khổ    thơ    trong    bài   thơ   gốc    Những   Con  Đường  Đã   Đi   Qua    làm      người    đọc    thích     chí   vì   tính   hấp    dẫn  và  phong    phú    của    nó  . Thật vui  và   cảm   phục CÔ   mình  đã   làm     việc    nghiêm    túc    để      kịp  đăng     bài     phục    vụ    cho    quý    bạn    đọc      gần     xa  , Chắc    BÀ    sẽ     rất    mãn     nguyện     khi    đọc    những     bài     này  , con     Hoành    Châu     xin   chúc    BÀ    được    MẠNH    KHỎE , SỐNG    VUI    BÊN    CON     CHÁU , Chúc    CÔ     được     HẠNH PHÚC  AN     LÀNH .  Em Hoành Châu (Gia đình C )

    • Hoành Châu ơi, cô rất vui khi thấy lại một Hoành Châu vui vẻ, lạc quan, sống động của ngày xưa. Cô luôn luôn trân quý những tình cảm, sự quý mến mà các em dành cho cô, đó là niềm vui và hãnh diện mà nhà giáo nào cũng mong muốn được nhận từ học trò của mình.

      Cô gởi lời thăm em và cám ơn em đã có lời thăm hỏi đến Bà. Bao giờ Bà cũng đọc phản hồi của các em trước cô. Chắc chắn là Bà vui lắm vì các em nghĩ đến Bà. Thăm em và chúc em nhiều sức khoẻ để tiếp tục dẫn dắt đám em sau này.

  6. Đức Tính nói:

    Cô kính yêu, phần 6 và 7 câu chuyện cô kể về thời thơ ấu ở Phan Thiết thật thú vị , đầy ấn tượng, làm em nhớ lại những kỷ niệm niên thiếu của mình. Em cũng rất bất ngờ với một ” bé Hồng” xinh xắn, thông minh mà nghịch ngợm hơn con trai ngày xưa sau này trở thành cô Hồng Khanh dịu dàng, khả ái, chân tình của tụi em.

  7. PhươngNga nói:

    Em nghĩ nhờ có một tuổi thơ kinh lịch qua nhiều nơi, nhiều hoàn cảnh, cô hiểu được, cảm thông và gần gủi với học trò của cô sau nầy.

    • Em nói đúng đấy Phương Nga ạ, có trải qua thì mới biết như thế nào và nhờ đó mà mình dễ thông cảm và rộng lượng với mọi người. Tuy phải trải qua nhiều thăng trầm nhưng cũng nhờ đó mà cô cũng đã học hỏi được nhiều điều hay để sống ở đời. Cái mề đay bao giờ cũng có hai mặt, phải không em.

  8. Hoàng Hưng nói:

    Kính thưa cô. Đọc bài kỳ rồi của cô, em nghĩ, cô kể về Phan Thiết, chưa thấy cô kể về nước mắm nổi tiếng của Phan Thiết. Bên Mỹ cô 9 hay mua nước mắm hiệu “3 con cua” em nghi đó là mùa nước mắm giả, khuyên cô 9 ăn thật ít nước mắm “3 cua.” Em rất nhớ và thèm mùi vị của nước mắm Liên Thành nhất  Phan Thiết ngày xưa.

    Sau năm 75 có ông đại úy đi học cải tạo về bán mắm nêm dạo, em mua, nghĩ là mua dùm ông, nhưng khi đem về nhà đứa em thêm thơm, tỏi, ớt ăn với bún tuyệt vời, bây giờ không bao giờ tìm được hương vị cũ nữa.

    • Lâu nay vắng Hoàng Hưng, không hiểu vì bận việc nhà hay có vấn đề sức khoẻ, dù sao đi nữa cũng rất vui khi được đọc bài viết của em trên trang nhà. Năm chín,mười tuổi, cô được thử nước mắm nhỉ lần đầu tiên trong đời, tuy vậy lúc đó còn quá nhỏ nên không phân biệt ngon dở ra sao, thật là đáng tiếc vì không có dịp thứ hai. Cô còn nhớ, thùng làm nước mắm nhỉ cũng giống như những thùng làm nước mắm thường, thùng bằng gỗ thật cao và thật lớn, có thể là cách ướp cá với những chất liệu đặc biệt. Ở gần đáy thùng, có một cái vòi nhỏ và từ cái vòi đó nước mắm được nhỉ ra từ giọt nhỏ một, có thể vì vậy mà được gọi là nước mắm nhỉ chăng. Chỉ cần đưa ngón tay trỏ dưới vòi, một giọt nước mắm nhỏ nhỉ xuống là có thể đưa lên miệng để nếm thử, một giọt nước mắm tinh chất, không pha chế.

      Ngày nay, nước mắm bị pha chế rất nhiều, nhất là những chai nước mắm được xuất cảng, dù là nước mắm ba con cua, nước mắm cá mực, nước mắm cá cơm v.. v..đều chỉ có một phần nhỏ nước mắm thật, còn lại là bột ngọt, đường, nước màu, muối, đó là không kể đến những chất hoá học độc hại có trong đó mà người tiêu thụ không thể biết được. Thật đáng tiếc là một thứ gia vị độc đáo như vậy mà không giữ được phẩm chất nguyên thuỷ, lành mạnh.

      Thôi nhé cô đã tản mạn quá nhiều, gởi lời thăm em và gia đình.

  9. lưu thu hà nói:

    Gửi cô và thầy Quang kính quý ,

    Em rất cảm động  , qua cô em cảm ơn  lời thăm hỏi của thầy  đến đồng môn Thụ nhân . Ngày 20/12/2015 tại Dalat sẽ tổ chức lễ giổ cha LẬP tại giáo đường nhỏ cách TP Dalat khoảng 30 km. Trong ngày này k8 của chúng em tổ chức họp mặt tại Dalat ; em không biết có dự được họp mặt hay không , nên không chắc được  dự giổ cha Lập . Trước đây em lâu lắm mới viết cảm xúc của mình cũng qua một thầy hướng dẫn truyền nghề em đang làm . Cảm ơn cô động viên . Em kính thăm bà luôn khỏe . Bà ơi ! bà là tấm gương con soi , con vô cùng cảm phục bà .

  10. Nguyễn Văn Lần nói:

    Thưa cô ! Cái máy tính của con em có vấn đề. Khi sử dụng nhiều hay bị lỗi, nên phản hồi bài viết của cô nhiề lần bị lỗi. Chiều hôm qua, đứa cháu chỉnh lại, có đỡ hơn.

    Em có thử được nước mắm nhỉ Phú Quốc và nước mắm nhỉ Phan Thiết. Nước mắm nhỉ Phú Quốc ngon, có vị ngọt,  nước mắm Phan Thiết vị mặn nhưng có mùi thơm đặc trưng. Nhưng cả 2 loại nước mắm nầy, giờ đây em ở quê nhà nhưng chưa được ăn  nước mắm chính gốc.

    • Gởi em Cả Lần, nói chuyện Phan Thiết thì phải nhắc đến nước mắm, một món gia vị không thể nào thiếu được trong bữa ăn của người VN mình. Cô còn nhớ, một người bạn đã nói với cô là, nếu có bát cơm nóng nấu bằng gạo thơm thì không cần phải có thức ăn mà chỉ cần một chén nước mắm vắt chút chanh và cắt thêm một trái ớt cay , chan vào cơm là đã có một bữa cơm đơn giản, thật ngon rồi. Cũng vì sự quan trọng của nước mắm nên ở bên này không có nước mắm ngon, chính hiệu nhưng ai cũng phải mua để dùng hàng ngày.

  11. Phan Lương nói:

    Dù ở Phan Thiết có 2 năm ,nhưng những cảm nhận về Phan Thiết và những kỉ niêm của những ngày ở đó được cô kể rất tỉ mỉ và chi tiết thật thích vô cùng

    Em cũng đã đi Phan Thiết nhiều lần .Đặc biệt cái hương vị của nước mắm Phan Thiết thì ko thể bỏ lỡ cơ hội được mua làm quà

    Bài cô viết đã lên khuya thứ sáu em đã đọc và viết phản hồi rùi ,thế mà gửi mãi ko được cô à

    Em chúc cô luôn khỏe nha cô

  12. vothilai nói:

    Cô kính yêu ! Cái máy tinh của em cũng giống máy anh Cả Lần,đến hôm nay mới sửa xong vì thế em phản hồi cho cô trể nhứt.Thời gian cô sống ở Phan Thiết có 2 năm,mà cô kể thật chi tiết về cuộc sống nơi ấy ,đọc  bài cô viết thật thích .Qua cô kể  em nhớ nước mắm Liên Thành hiệu con voi ngày xưa thật là ngon.Rồi tới giọng ca truyền cảm của Ngọc Cẩm và Nguyễn Hửu Thiết,giọng  hát  đặc biệt của người PT không ca sĩ nào có được . Cô giỏi thật trí nhớ cô rất phong phú,qua hồi ký của cô em cũng có nhiều suy nghĩ về tuổi thơ của mình,nhưng không nhớ được như cô .Em chúc cô khỏe mạnh và đợi đọc tiếp bài cô .

  13. Hai em Phan Lương và Võ Thị Lài thương mến,

    Hai em đều có vấn đề với máy của mình nên lên tiếng chậm, dù sớm hay chậm thì cũng như nhau, cô đều đọc được hết và  cảm động vì sự quan tâm  của các em về bài viết của cô. Ngày xưa ở Phan Thiết có hãng nước mắm Hồng Hương rất lớn và nổi tiếng nên trong nhà cô đều dùng hiệu nước mắm này.

    Hiệu Liên Thành chắc sau này mới xuất hiện nên cô không được biết, tuy nhiên nếu nước mắm không bị hãng sản suất vì lợi nhuận mà pha chế nhiều thì chắc là phải ngon, nhất là nước mắm từ ” nguồn ” mà ra.

    Cô gởi lời thăm hai em cùng gia đình.

  14. Lyhuong nói:

    Cô kính nhớ ,dù có một tuổi thơ đầy biến động nhưng cũng không hề hạn chế sự thông minh ,nghịch ngợm ,đầy duyên dáng của Cô ,với  những trãi nghiệm sống đó ,bên cạnh một người Mẹ tuyệt vời ,trong gia đình nho phong như thế đã cho chúng em một người Cô có tâm hồn nhân ái ,chân tình.Cô thật là hạnh phúc Cô ạ .Em kính lời thăm Thầy .Bà ơi ,con Lý hương kính chúc Bà được nhiều sức khỏe ,vạn phúc bên con cháu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác