TÌM VỀ KỶ NIỆM ẤU THƠ ( bài 6 )
Có thể nói, khoảng thời gian hai năm ở Phan Thiết là thời kỳ tôi được hưởng nhiều tự do nhất và cũng vì thế mà bao nhiêu “thói hư tật xấu” trong tôi được cơ hội phát triển tối đa. Nhà đông người, có gia đình bác, gia đình cô sống cùng nhưng ai cũng có công việc để làm, bác trai đi dạy học, bác gái làm việc suốt ngày ở văn phòng đại lý hãng Cosara, sau này đổi thành Hàng Không Việt Nam, cô tôi có một sạp nhỏ tại chợ, ba tôi làm việc ở Saigon, thỉnh thoảng mới về Phan Thiết thăm gia đình, mẹ tôi đi làm ở Toà Tỉnh, chị Cháu và chị Ninh phải lo bếp núc, việc nhà và chăm sóc Bà Nội, các anh chị lớn phải lo học nên lũ trẻ chúng tôi hầu như ít bị gò bó và ít bị để ý đến như ngày ở Thanh Hoá và Hà Nội. Chúng tôi chỉ cần lo bài vở đàng hoàng và bữa ăn phải có mặt đúng giờ, tối đến phải lên giường theo lệnh của mẹ và cô là yên ổn, ngoài ra mọi người đều yên tâm vì chị em chúng tôi chơi với nhau trong khuôn viên của trường nên không sợ nguy hiểm xe cộ.NHỮNG NGÀY HOANG DẠI
Tôi không hiểu chị và các em tôi ra sao nhưng tôi chắc là không ai giống tôi thuở đó, chị lớn hơn tôi hai tuổi nhưng đứng đắn, ngoan ngoãn, các em thì còn nhỏ quá. Tôi thỉnh thoảng có xin phép để được đi chơi với bạn nhưng phần lớn là tôi trốn nhà để đi chơi khắp nơi, khi thì đến nhà bạn, khi thì cùng bạn rong ruổi ngoài bờ biển Thương Chánh nhặt vỏ ốc, vỏ sò, hoặc chọc vào mấy con cá nóc còn sống mà các ngư dân khi lựa cá đã vất lại trên bãi biển. Mỗi lần bị đụng tới là chúng phồng to như quả bóng nhỏ, chỉ nghịch thôi chứ đây là giống cá độc, ăn vào có thể chết người. Sau này mới biết loại cá độc này được người Nhật quý và ưa chuộng vì thịt cá rất ngon, đầu bếp phải học và thi mấy năm mới được cấp bằng làm loại cá nóc này thành thức ăn để bán cho thực khách. Ngoài cá nóc còn có bao nhiêu là con cầu gai, nhất là con sam mà ngư dân vứt đầy trên bờ biển, những loại hải sản không được người dân Phan Thiết nói riêng và người dân Việt Nam nói chung ưa thích trong khi đó ở Âu Châu cũng như ở Nhật, những thứ này đều được xếp vào hàng “delicatesse” và bán với giá đắt.
Dạo bờ biển đã chán, chúng tôi rủ nhau đi về hướng ruộng rẫy, nhặt quả me keo hoặc khoèo trái còn trên cây, đây là loại cây thật lớn và có đầy gai, gọi là me nhưng chẳng có vị gì giống me cả, chỉ có trái thì hình thể hơi giống một chút nhưng tròn trĩnh, nhỏ và dài bằng ngón tay út, me keo chín có vỏ màu đỏ, thịt trắng, hột đen, ăn vào có vị chát nhiều hơn vị ngọt, vậy mà không hiểu sao chúng tôi vẫn thích, nhiều khi hái trái bị gai đâm chảy máu cũng như bị rách cả quần áo. Hết me keo lại kiếm trái nhãn lồng còn có tên là trái chùm bao, đây là loại trái dại mọc đầy ở các bờ rào, quả lớn hơn ngón cái một chút, vị chua ngọt đậm đà và thơm, giống như vị của trái chanh dây (passion fruit ) hiện nay. Lâu lâu lại bẻ trộm bắp, đào trộm khoai lang rồi đem về nhà bạn để nướng hoặc lùi và ăn một cách ngon lành, không bao giờ tôi dám đem về nhà vì ở nhà biết được thì chỉ có nước là chết đòn.
Các bạn tôi, con nhà ngư phủ, tuy cùng tuổi nhưng tháo vát và biết thổi cơm, nấu nước. Tôi đến chơi thường được bạn kéo xuống bếp nướng đủ lọai cá khô cho thử, đặc biệt là cá đuối khô, mỗi miếng hình dạng như cái quạt xoè, nướng xong phải đập cho xơ ra và mềm rồi mới ăn được. Thịt cá đuối vừa nhạt, vừa khô, tôi không hiểu sao các ông nhậu lại thích, có thể vì cá có mùi khai khai của amoniac…..
Chơi đùa, lêu lổng nhưng người lớn không biết nên tôi không hề bị la rầy, duy có một lần, suýt nữa thì nết hư, tật xấu của tôi bị tiết lộ. Số là dạo ấy, bọn nhỏ trong trường thường có các trò chơi ăn dây thun, một kiểu giống như đánh bạc, tôi cũng chơi rồi ham mê luôn. Chơi đến đâu tôi thua đến đó và phải mượn nợ để chơi tiếp tục. Mượn nhiều quá mà không có dây thun để trả nên chủ nợ đòi ráo riết, tôi khất lần cho đến khi chủ nợ doạ mách mẹ tôi và bác tôi nên tôi đâm hoảng phải về thú thật với chị Cháu. Chị la cho một trận nên thân và sau đó âm thầm dẫn tôi đi trả nợ, may mà chị không mách mẹ tôi. Cũng từ đó tôi sợ đến già và vì thế mà đâm ra ghét cờ bạc, tôi đã được một bài học hữu ích để đời….khi gia đình chúng tôi rời Phan Thiết vào Saigon, chị Cháu không đi theo mà xin được về lại nguyên quán ở Cổ Bi, Huế, để sống với gia đình người anh ở đó, chúng tôi mất liên lạc với chị một thời gian dài, sau này nghe tin chị qua đời vì trúng đạn pháo kích. Được tin, lòng tôi chùng xuống, thương cho một người chị bạc phận, đã chia sẻ bao nhiêu ngọt bùi với gia đình chúng tôi hơn mười năm.
Chơi với bạn gái đã chán, tôi lại quay ra chơi với đám con trai bằng tuổi hoặc lớn hơn tôi một chút, đây là con của các bác, các chú quen với bác tôi ở Ty Tiểu Học, sát bên trường Phan Bội Châu. Đá banh, đá cầu, tạt lon, trò nào tôi cũng tham dự, đôi khi còn gây gỗ và ẩu đả với cả bọn chúng.
Tuy hoang đàng nghịch ngợm nhưng không hiểu sao tôi lại thành công trong việc học, học giỏi nên cuối năm lại được phần thưởng. Ba mẹ tôi mừng lắm vì vẫn chưa quên những kinh nghiệm học hành của tôi ở Hà Nội. Ai cũng nói, bây giờ tôi mới ” vỡ óc”, tôi không hiểu vỡ óc là như thế nào nhưng nghĩ đó là lời khen nên cũng cảm thấy thích chí. Thực ra, tôi cũng không phải là dốt nát nên khi học ở trường Nữ Tiểu học Đức Thắng tôi đã có cơ hội tốt để phát triển, điểm đầu tiên hết là tôi được tự do để học mà không bị áp lực nặng nề như ở Hà Nội, thứ hai nữa là những hình ảnh về chiến tranh đã nhạt dần trong tôi, trẻ con dễ quên, điểm sau cùng là ở tiểu học không phải học tiếng Pháp, lên trung học mới bắt đầu học ngoại ngữ. Tôi còn nhớ, phần thưởng ngoài sách vở, tôi còn nhận được một cái túi xách nhỏ có sọc vuông màu đỏ và xanh dương đậm. Tôi thích lắm nên mỗi lần mượn xe đạp của các chị là tôi lại máng túi xách tòn teng ở ghi đông rồi đạp xe lên, đạp xuống quãng đường từ trường Nam đến trường Đức Thắng không biết bao nhiêu lần.
Đi xe đạp giỏi cũng là nhờ bác tôi, bác cho tiền thuê xe và tập cho chúng tôi đi. Bác là nhà giáo nên dạy cho chúng tôi rất có hiệu quả, thoạt tiên bác thuê xe nhỏ, có hai bánh phụ ở sau, dần dần bác bỏ bớt một bánh phụ rồi từ từ cả hai bánh. Lúc đầu còn đi loạng choạng, té ngã dập cả đầu gối nhưng chúng tôi không thấy đau và cũng không thấy sợ gì cả, cứ tập mãi cho đến khi đi được dưới sự giám sát của bác. Khi đã bắt đầu đi được một mình, xe nhỏ được đổi bằng xe lớn hơn, vừa tầm và rồi chúng tôi đi được xe đạp của người lớn lúc nào không biết. Tuy còn nhỏ nhưng tôi mượn xe đạp đầm của các chị lớn, nhiều khi mượn cả xe đạp đàn ông của các anh, không ngồi trên yên được thì thò chân phía dưới cây chắn để đạp, khó khăn nhưng vẫn thích thú. Bao nhiêu trò nghịch ngợm tôi đều đã trải qua, những tháng ngày ở Phan Thiết cũng đã góp một phần lớn trong việc tạo nên bản chất con người của tôi sau này.
( còn tiếp )
Lê- Thân Hồng-Khanh
H1 Ba Mẹ và các con chụp vào dịp Tết Nguyên Đán 1956 tại Phan Thiết.
H2 Trường Nữ Tiểu Học Đức Thắng (1954-1956) ngày nay (2013) đã thay đổi rất nhiều.
Hì hì! Không ngờ cô chúng em lại nghịch ngợm, “hoang đàng” không thua bọn con trai!
Cô kể chân thật quá! Hấp dẫn và sinh động nữa.
Hình này em nhìn không ra Cô.
Cô lưu giữ những ảnh cũ đã 60 năm, thật tuyệt vời. Nhưng tuyệt vời hơn là trí nhớ của cô. Chúc cô luôn manh khoẻ. Chả bù với em, mới hơn 60, mà đôi khi có việc đã lẩm cẩm.
NHỮNG NGÀY HOANG DẠI của cô mình luôn có sự ngốc nghếch trong tâm trí của tuổi nhỏ thật đáng yêu ,bài viết hay về khoảng đời thơ dại của một cô bé ” lively and lovely” có nền tảng giáo dục gia đình tốt ,,, tuy nhiên điều này cho ta thấy,,, cái xấu , cái tiêu cực của con người lúc nào cũng mạnh đến nỗi nó luôn chực sẵn trong lòng mỗi bé khiến các bé hành động có sai lệch , không thiên về lý trí ,,Hihi , hôm nay mình mới biết khi nghe cô mình “bật mí ” điều thú vị quá ,,,,Chúc cô luôn vui khỏe để tiếp nối “THE MOST WONDERFUL THINGS”,,,Em Hoành Châu ( Gia đình C )
Cô ơi !Cô thật sự có trí nhớ thật tuyệt vời.Em kính chúc cô luôn
vui khỏe…
Cô ơi! tuổi thơ cô cũng nghịch ngợm quá, nhưng rất đáng yêu.Cô viết bài rất chân thật,em đọc bài cô có những đoạn em không thể nhịn cười .Em chờ đọc tiếp phần sau, chúc cô vui khỏe…
Đọc những ngày hoang dại của cô khi ở Phan Thiết em phát hiện ra cô có nhiều tính khí của con trai quá đó nha.
Mạnh mẻ nè .nghịch ngợm nè .Và nhất là rất hiếu động,luôn muốn tìm tòi ,khám phá ra những trò mới lạ.Đương nhiên rất là thông minh nên học giỏi là đúng rùi
Đến bây giờ dù cô có lớn tuổi nhưng có đôi mắt sáng long lanh ,làm cho gương mặt cô không hề già so với tuổi
Em chúc cô giử được mãi nét tươi trẻ thế này mãi nhé
Em kính chào cô, em là bạn của anh Chí Hiếu, anh Hoàng Trung… và mong được là học trò của cô như các bạn khác. Từ lâu em rất ngưỡng mộ cô nhưng còn ngại không dám chuyện trò. Em đã đọc loạt bài “Tìm về kỷ niệm ấu thơ” của cô, không bỏ sót bài nào. Cô có trí nhớ thật tuyệt vời, từng chi tiết nhỏ. Những chuyện đời thường dưới ngòi bút của cô đã được thể hiện một cách chân thật và hấp dẫn. Bài viết của cô thu hút mọi người đọc từ câu đầu đến câu cuối; từ bài này mong đọc tiếp bài sau. Em vô cùng tâm đắc và ngưỡng mộ. Kính chúc cô luôn dồi dào sức khỏe để tiếp tục có những bài viết hay như thế.
Cô cám ơn em, dĩ nhiên là cô rất vui khi được nhận em như học trò cũ của cô. Cô có đọc bài viết của em và thấy là em đã chọn được cho mình những niềm vui, những việc làm rất có ích cho lứa tuổi hưu trí. Dù ở lứa tuổi nào đi nữa, vui hay buồn đều do ở nơi mình, phải không em. Nếu có thời giờ, em cứ viết những bài nho nhỏ về những việc bình thường xảy ra hàng ngày giống như cô vậy. Hy vọng sẽ được đọc nhiều bài viết của em nữa. Cô gởi lời thăm em và gia đình.
Em vui lắm khi đón nhận tình cảm và những lời khuyên chân tình của cô. Em sẽ cố gắng. Xin cảm ơn cô.
kính thăm cô khỏe
Thu Hà ơi, em có khoẻ không? Rất vui khi được tin em, cũng gần một năm từ ngày gặp các em ở Vĩnh Long. Mấy tấm hình em tặng, cô đã chụp lại và giữ trong Album của Ipad.
Thăm em và gia đình.
Các em thương mến,
Dù không học về Tâm lý nhưng chắc các em cũng thấy là những gì xảy ra trong thời thơ ấu của cô đã tạo nên phần lớn bản chất và con người của cô sau này ( Hạnh có đề cập đến điều này trong một phản hồi ). Các em có ai nghĩ là hồi còn nhỏ cô có thể ” hoang đàng ” như vậy không. Ngay như mẹ của cô khi đọc bài viết này cũng phải nói là không ngờ thời gian ở Phan Thiết mà cô lại nghịch đến như vậy, nghịch hơn cả chị Huyền ( trong nhà bấy lâu nay chị Huyền vẫn nổi tiếng về vấn đề này ).
Cô gởi lời thăm đến tất cả các em. Cám ơn Lài,Cả Lần, Hoành Châu, Hạnh, Phan Lương, Hồng Yến, My Nguyễn, Lưu Thu Hà đã chia sẻ với cô và có phản hồi.
Kính thưa cô. Những bài trước của cô em chưa đọc, em sẽ đọc. Em vừa đọc bài kỳ rồi và bài này. Bài rồi cô kể, sau mấy ngày lênh đênh trên biển, khi lên đất liền cô đi như người say rượu. Khi đọc đến đó em nghĩ đến một anh. Bài này cô kể khô cá đuối, cô cảm thấy chẳng ngon nhưng mấy ông nhậu lại thích, em lại nghĩ đến đến anh đó nữa. Em rất hâm mộ tuổi trẻ của cô. Tuổi trẻ của em rất “nghèo nàn” chỉ quanh quẩn ở một ngôi chợ nhỏ.
Cô kính mến
Em rẩt thích tấm hình gia đình của cô. Trong ảnh ai cũng có một nụ cười tươi tắn.
Bà khi trẻ rất đẹp. Cô có phải là người bên trái có chiếc nơ to trên tóc?
Gởi lời thăm em và gia đình. Cô là người đứng ở bên phải, trông mặt lí lắc quá nên không ai nhận ra .
Cô kính nhớ,bài Cô viết thật hay Cô ạ ,nhẹ nhàng ,tình cảm,em thật khâm phục trí nhớ của Cô – khoảng thời gian khó khăn ,tuổi thơ hồn nhiên vô tư …quả là những ký ức vô cùng quý giá phải không Cô.Em rất mê đọc bài của Cô đó Cô.Thương kính.