Những ngày đầu đến Mỹ (kỳ 7)

Ngày đăng: 1/05/2015 11:27:25 Chiều/ ý kiến phản hồi (14)

Một hôm đã in xong hơn một trăm tấm hình rồi, tôi mới coi lại, thấy đã in sai công thức. Kiểm kỹ lại chỉ bỏ khoảng hai mươi lăm phần trăm. Sau khi cắt, lựa lại, vẫn còn xài được khoảng bảy mươi lăm phần trăm. Bất ngờ ông chủ bước vô. Tôi trình bày hết cho ông biết. Tôi cũng nói với ông, tôi đã nghĩ ra cách in hai mươi lăm phần trăm còn thiếu không nằm trong công thức nào. Ngày mai, thứ bảy là ngày nghỉ, tôi xin ông cho tôi đến in, tôi không bấm thẻ, và xin ông trừ lương phần tôi làm hư. Ông lắc đầu, lấy tất cả tấm hình bỏ vào bao rác. Tôi nói với ông, bảy mươi lăm phần trăm vẫn còn xài được, đừng bỏ hết. Ông vẫn mang bao hình đi ra phía sau bỏ vào thùng rác. Ông nói thứ hai làm lại hết, ông không trừ tiền và bảo tôi đợi một chút, vợ ông đang ở phía trước tiệm hình, vợ ông muốn gặp tôi.

Mỗi ngày Linh, trưởng phòng rửa hình thường đi làm sớm hơn nửa tiếng, ngày thứ hai tôi cũng đi làm sớm. Hôm thứ sáu Linh nghỉ, sáng thứ hai thấy tôi đi làm sớm, hơi ngạc nhiên, tôi kể cho Linh nghe chuyện ngày thứ sáu. Tôi nói với Linh, ông chủ quá đẹp trai, nhưng vợ ông còn đẹp hơn ông nhiều. Linh nói, vợ ông chủ từng là Miss Louisiana. Tôi hỏi Linh, bà chủ đến gặp tôi chi vậy. Linh cười nói, mỗi ngày thấy Nhân đưa đón tôi, ông chủ hỏi về Nhân, Linh nói cho ông chủ nghe, tôi chỉ làm lương tối thiểu mà chơi sang, mướn nhà, lo cơm nước cho bạn bè. Ông chủ về kể lại cho bà chủ nghe, bà chủ muốn lại gặp tôi vậy thôi.

Tôi thật sự may mắn đến Mỹ gặp được nhiều chủ tốt. Bà chủ ủi đồ cũng là chủ tốt, mặc dù làm cho bà chỉ ba tiếng, được năm đô, tôi không lảnh, cho thằng bé ủi đồ chung lảnh luôn năm đô đó. Nghỉ ủi đồ tôi đến xin việc ở một siêu thị, ông chủ siêu thị đề nghị tôi làm mỗi tuần khoảng ba chục tiếng và đi học, ông nuôi cơm cho hai năm. Làm siêu thị khoảng bảy tháng, tôi xin vào hảng tiện lương hơn gấp đôi. Tôi làm hảng tiện hơn hai mươi năm,, ông chủ hảng tiện cũng quá tốt. Tôi thường gây lộn với người cai thợ, cai thợ mét ông, ông lờ đi. Một lần gây lộn khá lớn với người cai, người cai chạy lên văn phòng nói với ông chủ, hai mươi bảy năm rồi mà nó không quên thù hận. Người cai đề nghị với ông chủ đuổi tôi. Ông chủ nói, đuổi tôi, người cai phải xuống làm thế chuyện của tôi, ông không mướn người khác thế, đó là lời cô thơ ký kể lại cho tôi nghe. Lần cuối tôi kiếm chuyện gây với người cai, tôi nói, người Mỹ của ông mang bom đạn đi gieo rắc tang tóc cả thế giới. Người cai cười ha hả trả lời, vẫn còn tốt hơn người Việt Nam, diệt chủng cả một dân tộc. Tôi cười hỏi lại người cai, sao ông biết, người cai cười ha hả không trả lời, và từ đó về sau tôi không gây lộn với ông nữa.

 

Chị Hoa gọi điện thoại cho biết, đứa em trai Hoàng Thạnh đang làm ngoài dàn khoan, vừa đánh supervisor, chắc hảng cho nghỉ việc luôn. Chỉ biết tin qua chị Hoa, nhưng chưa bao giờ hỏi đứa em, tại sao đánh supervisor. Tôi nhớ lại ngày xưa cũng đã từng đánh lộn với cấp chỉ huy.

Chổ tôi làm trước 75, người lớn nhất là ông Bá, dưới chia làm ba ngành do ông Tâm, Văn và Đức làm trưởng ngành. Hồng Lợi làm với ông Văn, tôi làm với ông Đức. Gần Tết năm 74 tôi không biết ai ra lệnh cho ba ngành làm bích báo thi đua. Tôi cũng không biết  ông  Đức hay ai chọn nhà thơ A cấp bậc ba mai vàng làm trưởng toán, họa sĩ Kiều và tôi phụ trách làm tờ bích báo. Chọn nhà thơ và họa sĩ thì rất đúng, chọn thêm tôi, tên dốt đặc cán mai thì quả là quá sai, nhưng lệnh thì phải thi hành. Tôi lên hỏi ông Đức, ai là người chấm giải. Ông Đức cho biết ba người, nhà văn Chu Tấn, họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên và một người nữa, tôi quên tên. Lúc trước tôi làm ở Bình Thủy với nhà văn Chu Tấn, ông Đức xuống 31 tôi xin theo. Phòng làm việc của hoa sĩ Nguyễn Cao Nguyên kế bên phòng làm việc của Chu Tấn, tôi cũng quen. Ông Đức hứa, nếu tờ bích báo được hạng nhất ông thưởng cho mười ngày phép về nhà ăn Tết. Nghe quá ham, ngặt vì dốt mà phải viết chữ, tôi phải tìm thầy, tìm bạn học hỏi thêm. Tôi nhờ ông đồ Đỗ Chiêu Đức làm dùm hai câu đối rất hay. Rất tiếc tôi chỉ còn nhớ câu đầu: “Chiến tranh nan trở xuân phong chí.”  Ông đồ giải thích, chiến tranh cũng khó mà cản trở được gió xuân thổi đến. Đem hai câu đối lên khoe với ông Đức, ông tốt nghiệp cử nhân luật, nhưng ông cũng biết khá nhiều chữ Hán Việt, ông hỏi, câu đối do ai làm. Tôi kể về ông đồ Đỗ Chiêu Đức, ông muốn kéo Đỗ Chiêu Đức về Cần Thơ. Thời gian sau không thấy ông đồ về Cần Thơ, tôi hỏi lại ông Đức, ông trả lời trên kia cho biết, muốn đổi mấy người cũng được, trừ Đỗ Chiêu Đức.

Tôi và họa sĩ Kiều chọn một góc vắng của thư viện làm tờ bích báo. Họa sĩ Kiều rất khéo tay và có thể viết nhiều kiểu chữ khác nhau, hơn tuần sau nhìn hình dạng tờ bích báo cũng mát mắt. Nhà thơ A xuất hiện,chắc là lỗi của chúng tôi, chăm chú làm việc không để ý đến sự có mặt của ông. Lệnh từ trên đưa xuống, ông chỉ huy làm tờ bích báo, chúng tôi chẳng thỉnh thị ý kiến của ông, tự ý làm. Ông coi xấp giấy viết nháp thiếu dấu hỏi, thay vì ông dạy tôi, ông chửi thề khá nặng. Chúng tôi vẫn yên lặng, ông chửi thêm hai lần nữa. Tôi nổi nóng, móc thẻ sinh viên ra đập xuống bàn, tôi nói: ” như vầy cũng không dốt lắm, khá hơn người có bằng cấp khiêm nhường nhưng mang cấp bậc cao, chẳng có tấm lòng của người trưởng thượng, mới đáng trách.” Ông lột ba bông mai ra, ông nói, tao chẳng cần cái này, tao mày đánh lộn. Tôi nói, đánh thì đánh. Ông hẹn tám giờ tối tại bến xe mới Cần Thơ. Tối tôi nhờ Hồng Lợi chở ra đánh lộn, vì nghĩ sau khi đánh, còn chạy xe về nổi không. Đánh hai chập. Xong trở vô thư viện làm tiếp tờ bích báo, nhà thơ A thì không trở lại thư viện lần thứ hai nữa. Kết quả lần đó tờ bích báo do công lao của họa sĩ Kiều nhiều nhất đoạt giải nhất. Tôi nhờ văn thư đánh máy cả giấy phép của nhà thơ A đem lên ông Đức ký, và cũng nhờ văn thư chuyển đến cho nhà thơ, có giấy phép không biết ông có đi không, tôi không để ý.

Rồi cuộc chiến đến hồi quyết liệt trước khi tàn, nhiều ban ngành xếp qua một bên, tất cả đều phải học lại hai tuần để ra phòng vê. Thường ngày tôi không làm chung ban với nhà thơ A. Ông làm chung với ông Se và anh Đủ, cựu học sinh Tống phước Hiệp, anh Đủ học trước tôi khoảng bốn năm. Nhà anh ở bên cù lao An Thành, đi sâu vô khoảng một cây số. Nhà thơ kém hơn ông Đức hai bậc, ông Se một bậc, cao hơn anh Đủ một bậc. Lúc chưa đánh lộn, tôi thường đi uống cà phê với nhà thơ, ông chê ông Đức, ông Se thậm tệ. Ông rất tự cao tài văn thơ của ông và ông mãi sống trong tháp ngà thơ văn đó, nên ông dậm chân tại chổ với vỏn vẹn bằng tú tài một. Ông Đức và ông Se đều có bằng cử nhân. Khóa học hai tuần do ông Se làm giám đốc, anh Đủ làm huấn luyện viên, nên tôi tà tà thêm được hai tuần. Rồi cũng đến ngày ra “đơn vị.”  Đứng trong hàng nghe ông Se nói ba điều bốn chuyện gì, tôi cũng không để ý. Đến khi nghe ông kêu tên tôi ra khỏi hàng, ra đứng góc trái kế ông. Rồi ông đọc danh sách chia làm ba toán, mỗi ông ba mai lảnh một toán. Ông cho tôi chức vụ thơ ký, nhiệm vụ mỗi ngày nhận báo cáo từ ba ông ba mai. Tôi muốn cười thật lớn nhưng không dám.Tôi nghĩ, má tôi có sanh tôi ra trong bọc điều không. Đứng trong hàng, tôi nghĩ, hồi Hồng Lợi mới về bị anh em cột chèo của nhà văn Trần Hoài Thư chỉ mang hai mai vàng mà “đì” Hồng Lợi mút mùa Lệ Thủy. Bây giờ tôi về toán một, hai hay ba, toán nào cũng chết chắc, ba ông họp lại thành chín mai, chắc “đì” tôi sáng chói hay sói trán gì đó.

Ông Se phát cho tôi điện thoại cầm tay Motorola, to hơn điện thoại cầm tay bây giờ nhiều và chỉ liên lạc được trong vòng tám cây số. Từ hồi về 31 với ông Đức, mỗi ba tháng ông ký cho tôi giấy đi đường có giá trị trong ba tháng. Nên ngày hai mươi tám tháng tư tôi có thể chạy về Cầu Mới không bị QC dọc đường làm khó. Buổi tối ở Cầu Mới nằm thao thức hơn mười hai giờ khuya, định lúc ba giờ má tôi thức để ra chợ bán, tôi sẽ nói với má. Tôi lại ngủ quên đến bảy giờ sáng, ra chợ nói với má, thưa má con đi nghen má, nói ba lần, má tôi vẫn làm thinh, không trả lời. Tôi qua Cần Thơ, chạy lòng vòng phố, rồi chạy đến nhà người bạn, trong một cái hẻm đường Trần Hưng Đạo. Ở đó đến tám giờ tối tôi mới chạy vô 31. Đến mười giờ cầm theo điện thoại, đi lòng vòng, lòng vòng. Khoảng mười một giờ rưởi khuya, đến một chổ thật vắng, thấy một chiếc chinook khá đông đàn bà con nít. Tôi lấy điện thoại ra, định bấm gọi ông Se, một bàn tay to lớn từ phía sau cầm tay tôi lại. “Em đừng gọi, có muốn đi ở lại đi với anh, nếu có vợ con, vô chở vợ con ra, nhớ giử yên lặng, trong vòng nửa tiếng nữa anh đi.”  Trời quá tối tôi không thấy rõ mặt, chỉ nghe người đó nói với tôi. Tôi đứng yên, khoảng năm phút, tôi nói, em không đi, chúc anh đi bình yên. Sau này tôi hỏi má tôi, con nói với má, con đi, má hiểu không. Má tôi nói, hiểu. Má nói tiếp, con muốn đi thì tự con đi, con bắt má quyết định, làm sao má quyết định được, không có người mẹ nào muốn xa con mình.

Tôi vẫn tiếp tục đi lang thang đến hơn hai giờ khuya, về phòng ngồi nghĩ mông lung, chẳng thấy buồn ngủ. Gần bốn giờ sáng ông Se gọi: “Ông Bá vừa đi đó Hưng.” Tôi nghĩ, mọi việc đã xong rồi. Phải về nhà gặp lại bà nội, cha mẹ anh em, rồi “ra sao” cũng được. Tôi nghĩ phải ra cổng thật sớm, để đến sáng sẽ hổn độn, khó ra. Nhớ tới Hồng Lợi, tuần rồi tôi khuyên Xuân nên về Vĩnh Long, Xuân không đồng ý, đã ba ngày tôi không chạy qua Hồng Lợi, nên không biết Xuân còn ở hay đã về Vĩnh Long. Tôi nghĩ giờ này chạy qua khu Hồng Lợi sẽ làm náo động. Hồng Lợi chưa chắc đã tin tôi và có tin, xe cũng không chở ba được. Hồng Lợi và Xuân có nhiều của cải, tiếc thứ gì mang theo, chắc chắn ra cổng cũng không được. Mình ra cổng như đi uống cà phê sáng thì dể dàng, ra cổng với mục đích khác, có thể rất khó ra. Tôi chạy ra cổng gặp Sơn QC đang gác cổng, nhớ còn thiếu Sơn năm trăm, tôi dừng lại định móc bóp trả Sơn, và nói cho Sơn biết mọi sự. Sơn khoác tay bảo tôi, đi đi, ở trong đang nhìn ra. Tôi chạy về nhà trọ, khoảng giửa lộ 19 và bến xe mới, phía dưới mé sông. Tôi gõ cửa hai gia đình Không Quân, chỉ có hai chị ở nhà. Tôi nói ý nghĩ của tôi cho hai chị biết, hai chị cùng nói, lẽ ra phải lảnh lương từ ngày hai mươi, không biết sao đến hôm nay hai anh chưa lảnh lương. Tôi móc đưa cho mỗi chị một ngàn. Tôi bước vô căn phòng trọ, không lấy gì hết, chỉ nhìn lần cuối căn phòng kỹ niệm. Tôi chạy lại nhà người bạn, cổng vẫn còn đóng, tôi leo rào vào, gõ cửa. Tôi nói hết ý nghĩ của tôi cho người bạn nghe, tôi hỏi cô, bây giờ tôi có nên chạy về Vĩnh Long không. Cô không trả lời, xuống bếp nấu nước pha cà phê. Tôi nói với cô, tôi không còn lòng dạ nào để uống cà phê. Cô nói, hãy thưởng thức từng ngụm nhỏ cà phê, rồi sẽ nghĩ ra cách. Sau khi uống cà phê, cô lấy hết giấy tờ của tôi, chỉ chừa lại thẻ sinh viên. Ra sau bếp, cô cạy một viên gạch ra, chôn tất cả giấy tờ xuống đó. Cô nói,đừng đi đâu hết, ở lại nhà cô. Cô sẽ hỏi thăm, chừng nào có thể về Vĩnh Long được, cô sẽ cho biết. Hôm nay bên Mỹ là ngày ba mươi tháng tư. Chuyện xãy ra cách

đây bốn mươi năm, tôi vẫn còn bàng hoàng như chuyện vừa xãy ra ngày hôm qua. Sáng ngày hai tháng năm, cô bạn cho biết có thể về Vĩnh Long được. Cô căn dặn, chậm lắm là bốn tuần phải trở qua cho cô biết “sức khỏe” như thế nào. Bốn tuần sau tôi đi xe đò trở qua Cần Thơ. Xe vừa qua cầu Tân Hữu bị chận lại, người lơ xe nói, tất cả ngụy quân, ngụy quyền phải xuống xe trình giấy tờ. Tôi vẫn ngồi trên xe, ông thầy già dạy bán công nhắc tôi, sao hỏng xuống xe. Tôi vẫn không xuống xe. Chắc thầy lo sợ dùm tôi, lần này thầy nhắc lớn hơn, sao còn ngoan cố, hỏng xuống xe. Tôi vẫn không xuống xe. Một anh mang băng đỏ trên tay đến ngoắc tôi xuống. Anh hỏi, sao kêu tất cả thanh niên xuống xe, sao tôi không xuống. Tôi nói , thưa anh, hồi nảy chỉ là lệnh của lơ xe, và chỉ kêu ngụy quân, ngụy quyền xuống xe, tôi không biết lệnh của anh kêu tất cả thanh niên đều xuống xe. Tôi trình anh thẻ sinh viên, tôi nói tôi còn đi học. Anh quá dể, không cần xem thẻ sinh viên và cho tôi được lên xe. Ông thầy nhìn tôi, tôi lờ đi không chào thầy.

Vừa đến cổng nhà cô bạn, ba cô ra mở cổng, rất vui vẻ và ngọt ngào, vô, vô đi con. Vừa bước vô trong, tôi thấy trong nhà quá đông, nhiều người mặc đồ bộ đội, nhiều người mặc đồ là lạ. Tôi đi vòng bên hong nhà ra phía sau. Gặp lại cô bạn khá vui vẻ, tôi cũng cảm thấy thật mừng gặp lại cô. Cô cho biết tất cả người trong nhà đều là chú bác, anh em. Gia đình cô và gia đình tôi có điểm giống nhau. Tàn cuộc chiến, anh em, chú bác đều toàn vẹn, nhưng gia đình cô đang vui đoàn tựu, gia đình tôi đang lo âu. Nhất là bà nội ăn ngủ không yên, hai chú đã vào trại. Tôi ái ngại muốn ra về liền, nhưng sợ cô bạn hiểu lầm, nên lên lầu tìm đọc những quyển sách tôi còn để ở đây. Khá lâu sau, má cô bạn bước lên, vui vẻ nói, con xuống chơi đi, bà con không hà. Tôi bước xuống, thấy một chị đang làm công chuyện lặt vặt, tôi đoán chắc ở quê nội cô bạn lên chơi. Tôi đến làm phụ với chị, sau đó ngồi nói chuyện với chị khá lâu. Cô bạn đi ngang qua ra sân sau, nhìn tôi cười cười, tôi đứng dậy theo cô ra sân sau. Cô nói nhỏ với tôi, có biết đang nói chuyện với ai không. Tôi lắc đầu, cô nói tiếp, chị hai con của bác, đang là phường trưởng khu nhà mình. Nắm tay tôi, cô nói, anh ở lại đây nghe, có chị hai, em đở lo cho anh. Tôi thật sự cám ơn ba má cô và cô, vẫn đối xử tốt với tôi. Lúc đó tôi nghĩ, chắc cô không biết hoàn cảnh của gia đình tôi. Nhà tôi bị niêm rồi, ba tôi phải trình diện mỗi ngày. Tôi không ở lại theo ý cô bạn, trở về Cầu Mới trình diện, và là người trình diện trể nhất. Nhờ có thẻ sinh viên nên không bị làm khó, và đi học ngắn nhất, nhưng cùng với ba tôi bị quản chế với lâu nhất, gần mười năm. Sau này gặp lại cô, tôi mới biết tôi đã lầm, sau khi tôi về Cầu Mới khoảng hai tuần chưa trở qua. Cô nhờ người bà con ở Tam Bình đi đò ra Cầu Mới hỏi thăm, cô đã biết hết hoàn cảnh nhà tôi.

 

Hoàng Thạnh, Đạt và Nhân làm phụ bếp cho ba nhà hàng. Tôi suy nghĩ thật nhiều, và cuối cùng tôi quyết định. Một hôm đi làm, nói cho ông chủ biết trong một hay hai tuần, khi ông tìm được người mới tôi sẽ nghỉ việc, về Cali. Ông không nói gì, nhưng ông bước ra phía trước nói với cô thơ ký đăng báo tìm người. Ngày hôm sau cô thơ ký vẫn chưa đăng báo vội, cô ra phía sau thuyết phục tôi ở lại, cô sẽ xin ông chủ lên lương cho tôi một đô một giờ. Thật sự tôi cũng chê việc làm ở đây, dù có lên tối đa cũng chỉ có bảy hay tám đô một giờ, nhưng tôi nói với cô thơ ký, mục đích tôi đi không cho riêng cho cá nhân tôi. Tôi còn ba đứa em tuổi chỉ hơn hai mươi, đang làm phụ bếp trong ba nhà hàng. Việc làm không thấy ánh mặt trời, làm việc mỗi ngày mười hai tiếng. Không được trả lương phụ trội, không được nghỉ lễ, nghỉ tết. Tôi đã gặp ba người Việt Nam, một người Mỹ đều khuyên tôi nên về Cali, là vùng đất hứa của những người mới đến Mỹ.

Phòng rửa hình có thêm cô Mỹ trắng, sinh viên năm thứ nhất, chỉ làm bán thời gian. Hôm đó Linh trưởng phòng nghỉ, cô Mỹ trắng nói với tôi, ông chủ đã mướn được người, đang dạy người mới ở phòng phía sau. Cô nói tiếp, phía sau chỉ có những máy cũ thôi. Cô Mỹ trắng vô làm sau tôi, nhưng cô biết chuyện của tiệm hình nhiều hơn tôi. Tôi hỏi cô có muốn làm ở đây lâu dài không. Cô gật đầu, cô nói, nếu không có gì thay đổi, cô sẽ làm ở đây suốt thời gian cô học đại học. Tôi nói, mỗi ngày cô ở lại, tôi sẽ truyền nghề lại hết cho cô.

Ngày cuối cùng, ông chủ vô tính tiền trả tôi, ông kêu tôi ở lại thêm một tiếng. Cô Mỹ trắng cũng ở lại, Linh về sớm, nhưng hẹn ngày mai sẽ đến nhà tiển tôi đi. Tôi chưa nói cám ơn ông chủ, ông nói cám ơn tôi trước, ông cám ơn tôi thêm, đã giúp ông chỉ cho cô Mỹ trắng. Vậy là cô Mỹ trắng đã nói cho ông nghe việc tôi đã chỉ thêm cho cô. Cô Mỹ trắng bước tới ôm tôi, cô rưng rưng nói lời cám ơn. Về nhà tôi coi lại, ông chủ cho tôi thêm hơn một trăm, chắc là ông trả cho tôi thêm những giờ tôi ở lại dạy cho cô Mỹ trắng. Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi còn nhớ ông chủ tên Rony, còn cô Mỹ trắng tên gì, tôi không nhớ nổi.

Ngày rời Louisiana, mẹ con thằng bé sau nhà đi vắng, đợi đến chiều vẫn chưa về. Thôi thì chia tay trong âm thầm cũng tốt. Xe đang chạy trên cầu dài khoảng ba mươi tám cây số, bắt ngang vùng đầm lầy. Lòng cảm thấy ngâm ngùi nhớ đến ơn nghĩa các anh cưu mang hơn tháng chưa trả được, lại bỏ đi. Lòng thấy thật khó chịu, mang mang nổi buồn. Mấy hôm trước tôi trở lại quán, nơi tôi đã làm hai ngày rưởi, thăm lại ông bếp, nói lời cám ơn và từ giả ông về Cali. Ông nói, Cali như Sài Gòn, Louisiana như một tỉnh quê, chú về Cali rồi, không bao giờ chú trở lại Louisiana. Bên tai vẩn còn văng vẳng lời ông bếp, biết chắc không có dịp trở lại Louisiana, lòng càng buồn thêm. Rời Việt Nam lòng nặng trỉu buồn, rời Bidong buồn da diếc, rời Phi lòng buồn chất ngất, rời Louisiana lòng rối bời.

Khoảng tám giờ tối đến Houston, chạy một lúc thấy nhà hàng Kim Sơn, ghé lại ăn tối. Định hỏi chủ quán, có phải là quán Kim Sơn ở Vĩnh Long không, nhưng thôi, vào quán nhìn “bà con,” ngại quá. Ngày xưa ba tôi có dẩn đến quán Kim Sơn ăn vài lần, nhưng rất tiếc tôi không để ý chủ quán. Quán Tứ Hải, Ba Vị tôi đều biết chủ quán, bác Ba Vị và bác Tứ Hải cũng biết tôi. Có lần ăn cơm tôm ở quán Tứ Hải, tôi chỉ chan nước, ba tôi nhắc ăn tôm đi, tôi chỉ ăn một con. Ba tôi nhắc lần nữa, tôi cũng không ăn. Cuối bửa ăn còn ba con tôm, ba tôi hơi giận. Tôi nói với bác Tứ Hải cho tôi xin bịt ny lon đựng, mang qua Cần Thơ ăn. Bác cho tôi thêm con tôm nữa và cả thố cơm trắng.

Ăn cơm xong, chạy đi tìm nhà Diểm, đến gần mười hai giờ khuya chưa tìm được. Bốn thằng đậu xe ngoài đường, ngủ trên xe. Sáu giờ sáng thức dậy đến một quán cà phê gần đó, rửa mặt đi vệ sinh và uống cà phê. Uống cà phê chưa xong thấy có hai ông Cảnh Sát bước vô mua cà phê. Tôi lấy địa chỉ của Diểm ra hỏi hai ông cảnh sát. Ông Cảnh Sát nói, đó là căn nhà, hồi hôm tụi bây đậu xe ngủ đó. Tôi bật cười và cảm ơn ông.

Thăm Diểm một buổi, sắp từ giả, anh Diểm đòi đi theo qua Cali. Diểm nói nhỏ với tôi, hãy từ chối, đừng cho anh Diểm đi theo. Rời nhà Diểm chúng tôi đi ngược về Austin thủ phủ của Texas thăm chị chú bác của cô em gái Ninh Hòa, thân nhất của đời tôi. Nếu có một lần nào ông Sãi đến thăm vùng đất Ninh Hòa, biết được đa số người con gái Ninh Hòa “thắt đáy lưng ong” chắc ông Sãi sẽ bỏ tu. Ở ngủ nhà người chị một đêm, sáng sớm tôi lấy bản đồ tìm đường ngắn nhất ra xa lộ 10 về Cali. Tôi thấy chỉ có con đường 90 là ngắn nhất. Nếu đi đường 90 sẽ không đi ngang qua vùng San Antonio, nơi mà năm trước chị Ngọc Thu từ Pháp đến Mỹ ở mấy tháng. Nghe nói vùng San Antonio cảnh đẹp lắm và nhất là có di tích lịch sữ Alamo. Tuy rất tiếc nhưng phải chọn con đường 90. Tôi định về Cali ghé thăm và có thể ở luôn với đại gia đình những người bạn gốc Huế ở Riverside. Gia đình của người bạn đi từ Huế dần dần về tận mủi Cà Mau, hết đường đi, nên định cư tại mủi Cà Mau. Tôi quên hỏi trong bao lâu, gia đình của bạn xuất phát từ Huế và cuối cùng đến tận mủi Cà Mau. Có lẽ hôm nào đẹp trời tôi sẽ hỏi kỹ, viết về gia đình người bạn, đầy sức phấn đấu này. Cách đây mười năm, người bạn nói với cô 9: “Bây giờ em đã có ba triệu rồi.” Nếu lúc đó tôi không đi lạc, chắc cũng cùng khởi nghiệp với bạn “Đi Cắt Cỏ.”

Tôi đi huốt đường quẹo vào Riverside, đi lố gần đến Los Angeles. Hỏi thăm đường quầy trở lại Pomona lúc tám giờ tối, tìm con đường Fernleaf nhà anh ba Cư rất khó, vì con đường này bị cắt bốn, năm đoạn. Đến chín giờ mới tìm được nhà anh. Vào nhà một tí, anh nói nhà kế cũng là nhà Việt Nam, thấy nhà còn đèn, tôi bước qua nhà kế bên chào hỏi. Sau này chính anh Quang chủ nhà kế bên chỉ tôi hảng tiện và tôi đã xin vào làm hơn hai mươi năm.

Nhà đông người chỉ có một nhà vệ sinh, buổi sáng tôi đợi và vô sau nhất, khi trở ra Đạt và Nhân đã đi ngược về Dallas. Tới giờ tôi cũng ngại tìm hiểu, đêm đó anh ba Cư nói gì, Đạt và Nhân bỏ đi. Nhân đi với Đạt tôi yên tâm, Đạt còn rất nhiều tiền. Lần đầu tiên đi nhà thờ, những Việt Nam góp lại cho Đạt ba trăm đô, Đạt về rũ tôi tuần sau đi nhà thờ với Đạt. Tôi nói với Đạt, tôi thiếu nợ cuộc đời này nhiều rồi, tôi không muốn mang thêm nợ nhiều nữa. Tuần sau đi nhà thờ về, Đạt khoe, những người gặp Đạt tuần trước về nhà vận động nhiều người đóng góp cho Đạt số tiền nhiều hơn tuần rồi nữa. Trong suốt thời gian Đạt ở với tôi, không tốn đô nào, chuyến đi từ Louisiana về Cali, một mình tôi chi hết. Tôi rất tiếc phải chi Đạt, Nhân đợi tôi. Trước khi về Cali tôi đã liên lạc ba nơi, anh ba Cư ở Pomona, gia đình em Thuần ở Riverside và cô bạn bên Phi, đang ở Tustin quận Cam, cô bạn đã hỏi cho tôi phòng trọ. Em của cô bạn là một học sinh trong lớp tôi làm phụ giáo. Trước khi rời Phi, em cô bạn căn dặn, giử liên lạc với em. Em là đầu bếp, thợ làm bánh có tiếng ở Chợ Lớn, tuy chưa đến Mỹ nhưng bên Mỹ đã dành chổ cho em làm rồi.Tôi quyết định về Cali cũng có một phần vì Đạt và Nhân. Đạt và Nhân bỏ đi để lại cho tôi sự áy náy suốt cả cuộc đời.

Sau này tôi đã tôi đã gặp lại ông Se, tôi hỏi ông: “Anh còn nhớ cuối cùng em làm ở đâu không?”  Ông trả lời, anh không nhớ nổi. Tôi đã gặp lại Hồng Lợi cách đây mấy năm, vừa gặp lại ông đồ Đỗ Chiêu Đức. Tôi còn mong gặp lại ông Đức và Sơn QC gác cổng ngày 30 tháng 4 năm 1975.

(Xin tam ngưng câu chuyện Những ngày mới đến Mỹ. Chân thành cảm ơn thầy cô, anh chị mất thì giờ đọc câu chuyện chẳng đáng đọc)

Hoàng Hưng

IMG_0003 Từ trái sang phải: Hoàng Thạnh, Đạt, Linh (trưởng phòng rửa hình đến tiển) Nhân và Hưng.

Có 14 bình luận về Những ngày đầu đến Mỹ (kỳ 7)

  1. Phan Lương nói:

    Anh rất là giỏi giang .Không có việc gì khó đối với anh cả.Công việc nào anh cũng hoàn thành xuất sắc vì vậy anh luôn được những ông , bà chủ tín nhiệm.Từ bà chủ tiermj giặt ủi, đến ông chủ tiệm hình ,anh Linh Trưởng phòng.Ai cũng ttốt với anh hết.

    Câu chuyện trong kỳ 7 này càng đọc càng tthấy thú vị vô cùng.Em cảm thấy anh giống như là người hùng Sinbad trong 7 lần vượt biển ấy ( truyện cổ Hy Lạp ._ 1001 đêm)

    Hi hi

  2. truong mẫn nói:

    Chờ xem tiếp, hay, hấp dẫn quúa.

  3. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Quả là những ngày tháng gian nan, đổi thay liên tục khi mới đến xứ người.

    Người nhanh nhẹn, nhạy bén, giỏi ứng phó như út Hưng phải có một cuộc thử sức gay go như thế, để tỏ rõ bản lĩnh của mình, út Hưng ạ.

    Lửa thử vàng, gian nan thử sức.

    Chị 11 chúc em mãi “chân cứng đá mềm” như em đã từng trải bước, Thân mến.

  4. Hoành Châu nói:

    Sống hết lòng với mọi người , biết  trọng tình nghĩa , làm việc có chương trình cụ thể ,  bản  lảnh tự tin  nên khó thất bại trên đường đời , ,,Hoành Châu (Gia đình C )

  5. PhươngNga nói:

    Có một chiện em muốn nói:

    Anh Hoàng Hưng à, đừng đánh lộn, khổ lắm.

    Muốn đánh thì phải đánh trúng!

  6. vothilai nói:

    Anh Hưng thân mến ! kỳ 7 nầy anh viết dài hơn và đọc càng bị lôi cuốn ,hấp dẩn ,có đoạn anh viết  chuyện bên quê nhà lúc 30 tháng 4/75 làm em nhớ nhiều …..Đọc nhiều kỳ anh viết em thấy  anh cũng rất gian nan,cực khổ nhưng phải nói là anh rất may mắn,luôn được mọi người giúp đở .Nhìn hình anh em trông mặt anh cũng hơi ba gai,tánh người thẳng,nên không nhịn khi bị lấn hiếp.Anh Hưng viết tiếp kỳ 8 tụi em đang đợi,chúc anh vui khỏe.

  7. nguyễn thị đức tính nói:

    Đọc những câu truyện của anh Hưng, nhớ lại một thời xưa cũ cách đây 40 năm vẫn thấy buồn. Nhưng vẫn mừng cho cuộc sống tốt đẹp của anh hiẹn tại sau bao gian truân vất vả của những ngày đầu nơi xứ lạ. Thật ít người thể nhớ lâu và ghi chép lại được kỹ lưỡng như anh. Em thật khâm phục anh đó.

  8. Hoàng Hưng nói:

    Cám ơn em gái Phan Lương cho điểm anh khá cao.Khả năng viết của anh chỉ xoàng thôi. Người đáng được điểm cao của trang mạng là anh chàng Một Lúa ấp năm. Sao lâu quá không thấy anh chàng Một Lúa xuất hiện hỉ?

  9. Hoàng Hưng nói:

    Cám ơn anh Trương Mẫn đọc bài. HHg xịn tạm ngưng đề tài này một thời gian.
     

  10. Hoàng Hưng nói:

    Cám ơn chị 11 nhiều. Cuộc đời chỉ mò mẫm bước đi thôi chị 11 ơi. Từ Cầu Mới lên Vĩnh Long trọ học, từ 15, 16 tuổi tự quyết định nhiều việc, bây giờ nghĩ lại, mười sai hết chín.
     

  11. Hoàng Hưng nói:

    Cám ơn 14 nhiều. 14 nhìn người chỉ nhìn điểm tốt thôi, quên những lần chọc phá 14 hỉ. Quên hay tha thứ?
     

  12. Hoàng Hưng nói:

    Cám ơn Phương Nga chỉ, đánh phải đánh trúng.
     

  13. Hoàng Hưng nói:

    Cám ơn Lài khuyến khích viết tiếp. Anh xin ngưng một thời gian về đề tài này. Chuyện ngày 30 tháng 4 đã 40 năm, vẫn còn bàng hoàng, tưởng chừng như mới vừa xãy ra, nên khó quên.
     

  14. Hoàng Hưng nói:

    Cám ơn 15 nhiều. Người già thường nhớ nhiều về dĩ vãng, chuyện vừa xãy ra thì quên mau, nhất là thiếu tiền ai, càng quên lẹ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác