Những ngày đầu đến Mỹ (kỳ 4) Phụ bếp
Một buổi sáng anh Chánh rũ đi uống cà phê Du Monde. Anh Chánh nói, ở Louisiana chưa đi uống cà phê Du Monde, chưa đi nghe nhạc jazz là thiếu sót. Đến quán cà phê Du Monde trong khu French Quarter cạnh dòng sông Mississippi. Hôm đó cũng ngồi hằng giờ, cũng nhâm nhi tách cà phê, nhìn người qua lại, nhìn dòng sông. Sao cảm thấy lạc lỏng, chẳng tìm thấy sự tuyệt diệu bên tách cà phê cạnh dòng sông Mississippi như nhiều người đã ca tụng. Tâm trạng khác với lần đầu, khi chạy ngang cầu nhìn xuống dòng sông. Cảm thấy hững hờ với dòng sông, nhớ về quê nhà, nhớ đến dòng sông Tiền, sông Hậu, nhớ đến những quán cà phê đã từng cùng bạn bè ngồi tán gẩu.
Từ năm đệ tứ Hồng Lợi bắt đầu rũ ngồi quán cà phê, mới đầu là quán Bạch Phụng, xeo xéo rạp hát Lê Thanh, sau đến quán Nhà Xưa, quán Hằng. Có lần ngồi quán Hằng với Hồng Lợi đang nghe bản Nguyễn thị Mộng Thường, một toán lính khá đông đến. Mấy anh nói các em uống xong chưa, đến phiên các anh. Đứng dậy nhường cho mấy anh, móc túi trả tiền, một anh khoác tay nói, khỏi trả, để anh trả luôn. Khoái quá đi luôn ra lấy xe, nhìn lại thấy một bàn của mấy cô vẫn còn ngồi. Có phải bàn của chị ba Lý Hương và Đặng Huệ không?
Sau này về Cần Thơ, những quán cà phê tình nhất là những quán gần đại học Cần Thơ. Mỗi bàn chỉ có một ghế đôi ngồi chung, chổ dựa cao khỏi đầu. Bàn này chẳng thấy bàn kia. Dĩ nhiên đi những quán này là không đi với Hồng Lợi, hai thằng con trai không thể ngồi sát bên nhau. Đường đến những quán này, ban đêm chẳng có đèn đường, có tên là Xa Lộ Không Đèn. Ở những quán có nhạc xập xình, tên quán theo “mốt” mới Hương Xưa, Diểm Xưa, Hạ Trắng, Hầm Gió . . . cà phê chẳng ngon lắm, không qua nổi cà phê ở những quán cóc. Ở lộ 19 Cần Thơ có một quán cà phê tuyệt vời. Thêm một quán nữa trong “31,” lúc nào cũng đông nghẹt khách, cà phê được lấy từ Ban Mê Thuộc.
Uống cà phê xong anh Chánh chở đến quán bida của anh Dũng, hình như tên là bida Chiều. Lưng anh Dũng hơi gù một tí, mấy anh gọi là Dũng gù. Tí sau các anh tụ tập khá đông, lần đó gặp anh Lý T, mấy hôm trước chỉ nghe kể lại cuộc đời Lý T. Anh Dũng hay anh nào mua về quá nhiều đồ ăn, nào gà chiên, pizza, mấy hộp bánh ngọt. Nhìn những hộp bánh ngọt, là lạ có cái giống hình bánh còng bên Việt Nam. Có cái rắc đường, có cái áo đường, có cái áo đường và sô cô la. Thấy tôi đang nhìn, một anh lấy đưa một tờ giấy. Anh nói, lấy ăn thử đi, lấy một cái ăn thử, thấy cũng ngon ngon. Anh ấy nói, bánh doughnut đấy, người Mỹ viết là donut. Lần về Việt Nam, thấy ở Cần Thơ có tiệm bánh donut khá lớn, ghé vô mua một hộp lớn mang về nhà đứa em. Thấy trước cửa hai cô bé khoảng năm, sáu tuổi đang đứng chơi. Tôi nói với đứa em, lấy bánh donut cho hai đứa bé ăn. Đứa em lấy cho hai đứa bé hai miếng nhỏ xíu.
Đánh bida miễn phí đến chiều, anh Dũng đóng cửa sớm. Tất cả đến nhà anh, không biết hôm đó anh làm tiệc gì, khi đến nhà anh đã có nhiều người đến rồi. Ăn uống xong, các anh đem bài ra đánh cách tê. Tôi đứng coi anh Chánh đánh, một lúc anh cần đi nhà vệ sinh, anh kêu tôi đánh dùm anh. Khi anh trở ra, tôi đứng dậy trả bài cho anh, anh kêu tôi đánh tiếp đi. Đánh một hồi thua hết tiền của anh. Anh cười nói, ông Hưng bài có ba ách mà đánh không tới. Sòng bài kết thúc, anh Dũng ăn sáu chục, anh cho tôi hết. Tôi lấy sáu chục, xoay qua đưa cho anh Chánh. Tôi nói, bù lại cho anh tiền thua hồi nảy nè. Anh Chánh nói, cất đi! cất đi! tiền này của anh Dũng cho, không lấy anh Dũng giận đó.
Hôm sau anh Chánh đi làm ngoài dàn khoan, hai tuần sau anh mới về. Ở nhà cũng có nhiều anh khác đến chở đi ăn. Hai anh chị Quý Vân không phải trong nhóm những người bảo trợ đến thăm. Anh chị cho tôi một trăm đô, anh chị nói, muốn mua cho tôi một chiếc xe, nhưng sợ mấy ông bảo trợ giận. Chị Vân cũng nói, ở bên phía Westbank không có nhiều việc làm lặt vặt cho những người mới đến như bên New Orleans. Anh Quý nói tiếp, bên New Orleans có việc, nhưng không bằng ở California. Anh giảng giải, càng về miền tây nước Mỹ, nền kinh tế càng phồn thịnh, nơi phồn thịnh nhất là California.
Tuần sau Đạt từ Baton Rouge gọi xuống cho biết, hai gia đình bên Việt Nam gây lộn, người chị bà con của Đạt hăm đuổi Đạt ra khỏi nhà. Hãy tìm cách cho Đạt có chổ ở ké. Tôi nói với chị Hoa, nhờ chị nói với mấy anh mướn dùm nhà bên New Orleans để dể kiếm việc làm hơn. Mấy anh mướn dùm một căn phòng rộng thênh thang trên đườngCanal. Trong nhật ký của tổng thống Clinton cũng có nhắc đến con đường này. Người địa phương phát âm tên con đường khác với cách đọc hồi học chữ này ở Việt Nam. Họ đọc “cần neo” (chữ cần giửa âm ă và â) Tôi đang ở thành phố Maricopa không nằm trong quận Maricopa, nằm trong quận Pinal, người địa phương đọc là “phình nao.”
Đọc tờ báo tiếng Việt “Đây ngọc Lân,” có lẽ là âm từ chữ New Orleans. Có một nhà hàng cũng nằm trên con đườngCanal cần người giúp việc. Trước cửa nhà là trạm xe buýt, mỗi mười lăm phút có một chuyến đi xuống phố chỉ mất mười lăm phút. Đến nhà hàng xin việc vào buổi trưa, xong phần phỏng vấn. Bà chủ nói, vô làm thử đi, nếu được thì làm luôn, nếu không được thì bà trả cho nửa ngày lương. Mỗi ngày làm việc mười hai tiếng từ chín giờ sáng đến chín giờ tối. Một ngày bà trả cho ba mươi lăm đồng. Lúc bắt đầu làm thử, đồng hồ chỉ hai giờ trưa. Làm đến chín giờ tối, đúng bảy tiếng, chưa chi bà đã “bóc lột” một tiếng. Trong buổi làm thử, học được một điều ở nhà hàng. Củ hành dính đầy đất cát, từ trong bao đổ xuống nền nhà, lấy dao cắt phần đầu, phần rể, cắt nhẹ hai bên, lột bỏ phần vỏ ngoài. Hành lá lấy từ bó từ trong thùng, cắt bỏ phần rể, cắt ngắn từ khúc. Giá từ trong bịt đổ ra. Xà lách lấy từ cây trong thùng, tách ra từ lá. Tất cả đều không được rửa lại, mua sao, cứ để vậy bán. Một lần đi ăn cơm tấm với Hồng Lợi, sau khi gọi dỉa cơm tấm. Hồng Lợi gọi thêm dỉa xà lách. Tommy đòi ăn như ông Lợi. Tôi nói với Tommy, con muốn ăn xà lách, phải đi rửa tay. Dẫn Tommy đi rửa tay, nói với Tommy, xà lách ở nhà hàng không bao giờ rửa, con muốn ăn mấy dỉa. Tommy nói, thôi! thôi! như vậy con không ăn. Hồi ở Sài Gòn đi ăn Hồng Lợi cũng thường kêu thêm dỉa xà lách, tôi không ngạc nhiên. Bây giờ Hồng Lợi kêu thêm dỉa xà lách tôi thấy lạ. Đến nhà Hông Lợi, thường thấy Hồng Lợi ăn xà lách trộn, có lần Hồng Lợi giới thiệu xà lách trộn với “da ua.” Tôi chưa ăn thử xà lách trộn “da ua.” Chỉ ăn thử món đặc biệt, thịt bò nấu với sữa, ca ri, không có sả và ớt, vì David không ăn cay được.
Đi ăn tiệm tôi thường kêu những món ở nhà cô 9 không nấu thôi. Những món ở nhà cô 9 có nấu, ở tiệm nấu đâu có ngon hơn. Nổ hỉ! Thật ra tại quen mùi vị cô 9 nấu thôi. Cũng như vợ chồng quen hơi vậy mà. Nói đến vợ chồng quen hơi, xin hỏi hai người bạn, quen hơi nào?
Ngày làm thứ nhì, bà chủ cho nghỉ nửa tiếng ăn trưa. Bà nói, ăn gì cứ lấy ăn. Bà thấy tôi vừa lấy bốn con tôm. Bà nói, ăn gì ăn chứ đừng ăn tôm. Nhìn bà, tôi nói, hồi nảy chị nói, ăn gì ăn, và cũng không dặn đừng ăn tôm. Bà trả lời, không có nói, có ăn cũng lấy hai con thôi. Tôi nói với bà, tôm của bà bằng ngón tay cái, ở Việt Nam tôi ăn bốn con tôm càng bự. Bà nói, ở Việt Nam làm gì có tiền ăn tôm. Thấy bà cũng thuộc dạng “chanh hỏi,” tôi nổ như kho đạn thành Tuy Hạ, nổ bảy ngày đêm. Tôi nói, buôn bán vàng có tiền mua tôm ăn. Bà nói, nghe nói bên Việt Nam tôm vô quốc doanh hết, có tiền cũng đâu có tôm đâu mà mua. Tôi nói với bà, có tiền mua tiên còn được, tôm nhằm nhò gì, muốn ăn tôm đến quốc doanh chia lại. Bà nói, ngon vậy hả. Tôi trả lời bà, sơ sơ, đủ xài. Bà nói, thôi ăn bao nhiêu lấy ăn đi. Tôi nói với bà, bây giờ tôi không muốn ăn tôm nữa, tôi đi ăn hamburger. Bà nói, anh ở lại đây ăn, có khách vô đông, anh ở lại phụ. Tôi vẫn bỏ ra ngoài, đi ăn hamburger.
Ngày làm thứ ba là ngày thứ bảy. Những ngày trong tuần tiệm bán đắc hơn ngày cuối tuần. Vào buổi ăn trưa khách vẫn không nhiều. Bà lấy hai cuốn chả giò và một miếng gà lăn bột chiên đưa tôi, bà nói ăn thử đi. Tôi dự định trưa vẫn đi ăn hamburger, không ăn trong tiệm của bà. Thấy bà đưa, tôi cũng lấy ăn, cắn thử miếng chả giò, cắn thử miếng gà. Tôi nói, đồ ăn tiệm chị ngon quá hả. Bà chủ cười nói, vậy mai mốt không đi ăn hamburger nữa phải không. Tôi chỉ cười không trả lời.
Ngày chúa nhật nghỉ, tôi đi xe buýt về nhà anh Chánh, xem có thơ bên Phi hay thơ con chị sáu gởi đến không. Đêm đó tôi ngủ ở nhà anh Chánh, sáng thứ hai tôi thức dậy hơi trể, đi bộ đến bến xe buýt hơn cây số. Còn khoảng năm mươi bước nữa đến, chiếc xe buýt bắt đầu tách bến. Nghĩ chạy theo cũng chẳng kịp, và chẳng thấy chiếc xe buýt nào đậu tại đó. Cầu Con Cò không cho người đi bộ qua. Tôi đi đến tiệm Walmart gần đó mua bản đồ. Nhìn bản đồ tôi thấy có đường đi từ khu Westbank qua New Orleans bằng phà. Đi theo bản đồ đến được bến phà. Qua phà không tốn tiền. Chiếc phà nhỏ hơn phà Cần Thơ, nhưng trông chiếc phà bề thế, chắc chắn hơn phà Cần Thơ nhiều. Phà chỉ chạy ngang qua một nhánh của sông Misissippi, nên con sông nhỏ hơn sông Hậu, sông Mississippi nhiều. Lên lầu ngồi, nhớ về bắc Cần Thơ.
Một ngày chúa nhật chẳng biết làm gì, xách xe chạy một vòng vườn ổi, chẳng thấy ai quen. Vòng ra chạy xuống Bắc Cần Thơ, lên lầu ngồi nhìn người người nhộn nhịp qua lại, nhìn sông nước mênh mông. Không nhớ lúc đó tháng mấy, dòng sông nước đỏ ngầu phù sa, những giề lục bình hờ hững, mãi mãi trôi theo con nước lớn ròng. Cô bán bưởi đến, mời mua bưởi. Nhìn cô cũng khá lắm. Cô mời mua lần nữa. Nói với cô, mua hết xề bưởi với điều kiện, ngồi xuống tách từng múi bưởi ra. Cô đồng ý. Ngồi ăn cho đến khi phà cặp bến. Nhìn xuống thấy chiếc xe đậu sát, không cản trở những người khác. Mọi người đã lên hết, nói cô ngồi chờ. Xuống quay xe qua hướng kia, lên ăn tiếp. Đến lúc ăn hết nổi, bưởi vẫn còn quá nhiều, nói cô bán bưởi ăn tiếp. Cô lắc đầu, cô nói, ăn không nổi. Đến khi phà cặp lại bến Cần Thơ, cô bán bưởi nói, để cô gói hết phần bưởi còn lại. Tôi nói, khỏi, gởi lại. Tính tiền trả cô. Nhận tiền, cô hỏi, chừng nào lấy. Định trả lời, nhưng nhìn thấy cô bán bưởi vẫn còn phảng phất vẻ thơ ngây, kịp ngừng lai. Tôi trả lời, mai mốt.
Sau này đọc một câu chuyện, một bà lão ngồi bán những bó rau úa vàng, người qua lại chẳng ai mua. Anh chàng tốt bụng, đến mua hết, nhưng không lấy, gởi lại cho bà cụ. Bà ngồi chờ anh chàng trở lại lấy rau, trời đổ cơn mưa, bà vẫn ngồi chờ. Không nhớ câu chuyện kể qua bao nhiêu ngày sau, anh chàng có dịp đi ngang qua, không thấy bà bán rau, hỏi ra, bà bán rau đã mất vì cơn cảm nặng, sau khi ngồi dưới cơn mưa đợi người trở lại lấy rau.
Không biết cô bán bưởi, có để những miếng bưởi đến ngày mai, mốt không?
Hôm đó tôi cũng ngồi dưới phà từ bên khu Westbank chạy qua New Orleans, qua lại hai lần. Khi đến chỗ làm trể gần hai tiếng. Vừa bước vào bà chủ la chói lói. Tôi đứng yên, chẳng giải thích lý do. Bà càng la lớn. Rồi bà nhớ lại, bà vừa đổ nồi cơm. Bà hỏi, hôm qua tôi nấu cơm thế nào, hồi sáng bà dở nồi cơm, ngửi cơm có mùi. Tôi trả lời bà, hôm qua chị dạy đong gạo, lường nước thế nào, tôi làm y như vậy. Tôi đâu biết tại sao cơm hư. Bà hỏi lại, vậy anh không có vo gạo hả. Tôi trả lời bà, chị đâu có dặn tôi vo gạo. Bà kêu trời, nói tiếp, vậy hồi đó tới giờ hỏng có nấu cơm hả. Tôi trả lời bà, vừa vô bếp bị vợ đuổi ra, đâu có cơ hội đâu mà nấu. Bà nói tiếp, vậy vợ vắng nhà ăn gì? Tôi trả lời bà, ăn phở. Bà nhìn tôi, chắc bà ghét lắm. Hất hàm, bà nói, đi rửa chén đi. Tôi nói với bà, hôm làm thử, bà đâu có biểu rửa chén. Bà nói, tôi biết anh đâu có muốn rửa chén, tui cũng không muốn anh nhún tay vô nước. Tui mua sẳn bao tay nè, anh mang vô, lấy vòi nước xịt cho trôi hết thức ăn còn dính vô tô chén. Xong bỏ vô máy rửa chén, tui chỉ cho anh cách xài máy rửa chén. Tôi trả lời bà, mai đi, nảy giờ nghe bà la mệt quá. Bà lườm tôi. Bà nói, vậy vô kho lấy củ hành ra lột đi. Tôi nói, bà vô lấy mang ra đây đi, tôi lột. Hôm làm thử, chính bà vô kho lấy, bà chỉ dạy tôi lột củ hành. Xong bà nói việc làm chỉ bao nhiêu đó. Tức là chỉ lột củ hành, chứ hỏng có đi vô kho lấy củ hành. Bà lườm tôi, bà nói, anh không muốn làm thì nghỉ đi. Tôi nói, nghỉ thì nghỉ, trả tiền đi. Bà nói, tiền thì trả, nhưng không phải bửa nay, mai mốt đi. Tôi nói với bà, tôi không có quởn trở lại gặp bà. Bà không trả, tôi đứng đợi, đợi cũng tính tiền. Dưới nửa giờ bỏ, hơn nửa giờ tính một giờ, hơn ba giờ tính nửa ngày, hơn nửa ngày tính nguyên ngày. Bà tru tréo, luật gì vậy, anh là ông nội tui hả. Tôi không trả lời bà câu hỏi vừa rồi, chỉ nói với bà, trong khi tôi đứng chờ, chút chị có ra phía trước, lấy dùm tờ báo, tôi mượn đọc, đứng đợi chị trả tiền. Bà nhìn tôi tức tối, mỗi ngày bà ăn hiếp ông chồng và ông bếp, hai người im re. Hôm nay tôi dám xon xỏn trả treo với bà, chắc bà tức lắm, bà đi tới đi lui, chẳng làm thêm được chuyện gì. Tôi vẫn đứng đợi, bà vẫn đi tới đi lui, ông bếp lâu lâu ngước nhìn tôi, nhìn bà. Ông tủm tỉm cười, bà nhìn ông, ông nghiêm mặt quay chổ khác. Không gian yên lặng, nghe được tiếng dầu đang sôi của ông bếp. Hỏng biết bà còn giận không, còn tức không, thấy bà yên lặng, vẫn còn bước tới bước lui. Ông chồng thỉnh thoảng bước ra sau, lấy một món gì đó đem ra trước. Lần này ông bước hẳn lại tôi, đưa tôi tiền, nói cám ơn tôi phụ giúp việc mấy ngày. Bà hỏi lại ông chồng, trả bao nhiêu. Ông chồng nói trả ba ngày. Bà la lớn, hai ngày rưởi thôi. Ông nói với bà, anh làm hơn hai ngày rưởi, trả ba ngày vẫn còn hẹp. Tôi lấy tiền trả bớt lại, ông chủ nói, được rồi, được rồi. Mở cửa hong cho tôi bước ra. Ông nói lời chúc tốt đẹp sẽ đến với tôi. Ông bếp chạy theo, nhét vào túi tôi một số tiền. Ông nói, mới tới, nhịn nhục làm ăn, ba gai, ba gốc làm chi. Ông dặn dò thêm, sau này có cần gì, gỏ cửa hong gặp ông, đừng làm gì bậy nghen.
Tôi tưởng ông bếp cho vài chục, về nhà móc túi đếm đúng chín mươi bảy đô. Chắc trong túi ông có bao nhiêu, ông móc hết cho tôi. Lúc đó ở Louisiana một dỉa cơm thật lớn, có hai miếng sườn, hai trứng giá ba đô bảy mươi lăm xu. Tôi chia làm hai, ăn được hai lần. Buổi sáng ăn gói mì khoảng năm xu. Chín mươi bảy đô của ông bếp mua cơm ăn ăn được hai mươi lăm ngày.
(Còn tiếp)
Hoàng Hưng
Đọc chuyện anh kể thật là thú vị
Trong cuộc sống mà gặp được những người tốt như ông chủ và ông bếp thì cuộc đời tươi đẹp biết bao
Hoàng Hưng gặp nhiều người tốt giúp đỡ, vì út cũng tốt ( chỉ hơi thẳng tính “ba gai” chút thôi)
Nhận được và cho đi, đó là điều tốt đẹp và thú vị trong cuộc sống. Út Hưng đã và đang làm được điều đó.
Hồi ký của út luôn hấp dẫn bạn đọc. ( Dài bằng hồi ký Trần Văn Khê không?)
Bài viết sôi động , lôi cuốn người đọc bằng tính ngông ngông tự ái nhưng rất đỗi dễ dãi , ung dung hào phóng ,,, chuyện nào cũng gây cười , đúng là ÚT chót của Gia đình C quá sức tưởng tượng !! Hihi ,,14 Hoành Châu
Đọc chuyện anh Hoàng Hưng kể mới biết ngày xưa anh “ba gai” số 1,(giờ không biết lên được mấy “gai” nữa rùi.) Anh đến nhà anh Hồng Lợi anh HL giới thiệu món Xà lách trộn “da-ua” nhưng anh không thử mà chỉ muốn thử món đặc biệt, thịt bò nấu với sữa, ca ri, (nhiều năng lượng hơn) anh khôn ghê! Em bảo đảm sau này anh Hoàng Hưng ít có dịp đi ra ngoài ăn, vì sau một thời gian sống trên đất Mỹ Cô Chín đã có thể làm được hầu hết các món ăn ở nhà hàng rồi. Rất may, nếu đàn ông bên Mỹ mà giống như anh Hoàng Hưng hết thì chắc các nhà hàng bên đó phải đóng cửa thôi. hìhì.
Anh Hoàng Hưng ơi ! Mấy ngày chờ đợi bây giờ lại được đọc tiếp bài anh viết, bài nầy em đọc tới 2 lần mới phản hồi cho anh.Bài lần nầy đọc càng hấp dẩn hơn, anh trả treo với bà chủ nhà hàng là tại vì mình làm thế để không bị ăn hiếp,hay là tại tánh ” Ba Gai “.Anh không cho biết vợ chồng ông chủ nhà hàng là người Việt hay Mỹ. Rồi bác đầu bếp thật là tử tế, em thấy từ đầu chí cuối anh luôn gặp may mắn đúng là số ” đỏ “. Chúc anh vui khỏe để anh viết tiếp cho đọc giả thưởng thức .
Anh Út Hoàng Hưng nhớ xuất bản cuốn hồi ký này sớm sớm nha anh, anh Út mình thật đúng là có tài kể chuyện thật dí dóm hấp dẫn đọc giả, khiến người ta phải thấp thỏm đợi chờ. hihi