Bệnh viêm túi
Tuy các sự việc một thời nóng bỏng chung và của riêng trôi qua lâu rồi, nhưng Tám đâu có chuyện gì mới hoặc lớn hơn để đẩy nó ra khỏi vùng ký ức. Chuyến về đầu tiên, họ tá túc vài đêm tại nhà vợ chồng đứa cháu vợ, nó tên Hai Đức mà bạn bè chòm xóm sửa lại thân mật là Hai Lúa. Năm đó tụi nó có đứa con gái út đúng 6 tháng, sửa soạn nhập bầy với hai thằng anh khoảng 4-5 tuổi lục lăng.
Trở về Mỹ cày cuốc tối tăm mặt mủi. Bẳng đi một thời gian im hơi lặng tiếng, giống tình trạng người bế quan luyện công, hay tịnh khẩu chữa nội thương như trong các truyện ly kỳ võ hiệp. Tám như chiếc bóng mờ bên cạnh dòng người thân thuộc và bạn bè về Việt Nam dập dìu như đi chợ. Khi Tám bắt đầu gáy te te báo hiệu chuyến về thứ hai, thì đứa cháu gái nhỏ khóc ngoe ngoe ở ấp 5 trong những ngày thăm quê lần trước, lúc đó đang học lớp ba. Thời gian chuẩn bị chuyến về thứ hai, mỗi lần Tám gọi cho vợ chồng Hai Lúa, hầu như đều gặp đứa cháu gái nhỏ bắt máy tía lia:
– Ông bà Út hè nầy về chơi, mấy cây bòn bon vườn con sai hết biết. Con nghe ba má con nói, nếu ông bà Út về đúng dịp, ba má con neo trái trên cây cho dù chín rục.
Bởi số trời hay vì sao xấu chiếu mạng không cho Tám nhiều thì giờ huởn đãi nhẫn nha, thời gian đi chơi không được tính bằng tháng bằng quí như bao nhiêu người thong thả thảnh thơi về mọi mặt. Gia đình Tám Lớ về thăm quê khi có việc thật cần, thời gian đi đứng thăm hỏi, ăn nhậu kể luôn nằm ngồi bó gối trên không, cộng gộp chỉ vẻn vẹn trong vòng 2 tuần lễ. Vì thời gian chật hẹp trong hai lần về, họ phải lên kế hoạch sát sao cho từng ngày lịch trình, ghi ra giấy trắng mực đen để tính toán và kiểm soát. Những năm đó giá cước điện thoại rẻ rề, nhờ vậy mà thân thuộc giúp đở Tám sắp xếp trước mọi việc trơn tru như bôi mỡ. Thời biểu chính xác có thể đem so với những cây kim của mấy đồng hồ chợ Bến Thành lúc nửa đêm về sáng.
Cũng thằng cháu Hai Lúa ở Tam Bình, nó động lòng trắc ẩn khi nghe nghe gia đình Tám Lớ lâu lâu lái xe 8 tiếng từ New Jersey vượt biên sang Canada chơi, mỗi lần như vậy đều ghé khu chợ Việt và Tàu ở Toronto để mua ăn cho đã thèm những loại trái cây tươi ngon mùa hè Á châu như cóc ổi, chôm chôm bòn bon, nhản vải, sầu riêng măng cụt, mãng cầu ta, mãng cầu Xiêm, thanh long, thanh trà… Trong thời mà bộ Nông nghiệp Mỹ chưa xả lệnh cấm nhập một số mặt hàng trái cây nhiệt đới từ Việt Nam.
Cảm thương sự thiếu thốn mùi vị khế ngọt quê hương, vì tội nghiệp chúng tôi phải tha phương 2 quốc gia mới ăn được trái măng cụt tươi mà giá cũng gần chảy máu con mắt. Thằng cháu nổi máu nghĩa hiệp nông thôn vào một ngày 7 năm trước của hôm nay:
– Hè nầy cô dượng và mấy em về đây, đến vườn con hái trái cây ăn tại gốc thỏa thích. Ờ, con có một liếp bòn bon có trái được mấy mùa, năm nay coi bộ nó biết cô dượng lâu lắm mới về, có vài cây ra trái sai đã lắm. Còn mấy cây dừa Tam Quan hồi đó dượng cho mấy trái giống, bây giờ nó thành cây lão ít trái, nhưng ngọt gắt. Cây nhà lá vườn, tụi con ngưng bán một mùa để đãi gia đình cô dượng. Dượng biết rồi, đối với thằng Hai Lúa nầy, tình nghĩa là chính, còn tiền bạc chỉ là chuyện nhỏ. Nhỏ bằng nửa con thỏ.
Nghe thằng cháu vợ, và cũng từng là chiến hữu những trận nhậu sống chết năm xưa. Nó vẫn còn giữ thâm tình quý mến, Tám Lớ rất vui và cảm thấy tự hào ngầm và nổi trong những tiệc ồn ào trước ngày leo lên máy bay phản hồi cố quận. Và tuy vốn liếng tài chánh eo hẹp suốt mấy mùa thu lá vàng rụng rơi lã tả. Nhưng tai đã nghe tiếng dội vang rền của hòn đá ấp 5 ném đi, thì chàng Tám cũng ráng bươi quào nhặt những viên chì ném lại.
Không biết do bản tánh thích sưu tầm ngon bổ rẻ hay do khiếu dở toán lâu năm của Tám Lớ, mà việc sắm sửa quà cáp là một công việc phức tạp nan giải, tính toán cân phân đến nhức đầu, nhức luôn mình mẩy. Ngay cả cầu cứu những chuyên gia có biệt danh là Việt kiều 6 tháng, nhưng khi nhận đủ thông tin của Tám, anh ta vò đầu bó tay trong màn tư vấn.
Năm dài còn lần tới, tháng hẹp mấy lăm hơi. Cuối cùng, việc phải đến là gia đình Tám im re ngồi trên chiếc xe 7 chỗ ngồi mướn lúc mới đến phi trường Tân Sơn Nhất. Vì bó gối trên máy bay, sật sừ mỏi mệt, nên không ai bận tâm chuyến xe từ Sài Gòn về Tam Bình lần nầy sao buồn hiu, nếu so sánh với khí thế tưng bừng của phái đoàn hùng hậu ấp Năm đón những Việt kiều nầy hồi năm nẳm.
Ngay lúc còn bên Mỹ, vụ sắm sửa quà cáp coi như bể kế hoạch được soạn thảo rình rang, đầu voi đuôi chuột lắt. Nhưng nhờ kế hoạch “B” bọc lót cũng tạm yên tâm, nghe vợ chồng Tám căn dặn và hứa với nhau là khi về bển sẽ không đụng tới số dành riêng cho việc đổi ra tiền đồng lì xì cho con cháu.
Bữa sáng mới về quê trong căn nhà cũ của ba má Tám Lớ, tất cả im lìm không tiếng mèo kêu trong bếp hay tiếng chó sủa ngoài sân. Có lẽ thân thuộc không muốn làm phiền cái thói quen ngủ theo đồng hồ ở Mỹ. Ngày thứ nhì có sinh khí một chút khi Tám điện thoại mời một người anh họ, cũng là người mà vợ chồng họ mang ơn lớn như cứu mạng.
Anh chị ấy nghe tin Tám, họ tức tốc dùng xuồng máy chạy đến, chở theo mấy buồng dừa Xiêm mới chặt xuống còn tươi trong.
Chưa xong ly cà phê đá, cũng chưa thấy bóng dáng quà cáp chiếc. Thì cả hai anh chị đến ngồi sát bên Tám, bỗng nhiên hai người xuống giọng buồn buồn nghiêm trọng:
– Từ ngày gia đình hai em qua Mỹ đến giờ, anh chị chưa hề mở miệng xin tụi em một món gì. Mấy lần tụi em gởi cho bao nhiêu anh chị cũng cám ơn tình cảm các em nhớ đến anh chị. Tụi em mới về chưa tỉnh ngủ, nhưng gia đình anh có chuyện cấp thiết mới nhờ tụi em. Chuyện là con dâu anh chị bệnh nặng mấy năm nay, con trai anh không làm ra tiền còn đi nuôi vợ. Sổ đỏ đất vườn ruộng của anh cũng cầm cố hết rồi. Bác sĩ quyết định tháng tới mổ, bệnh viện thông báo cho thằng con trai anh hạn chót nạp tiền ký quỹ cho ca phẫu thuật lớn.
– Em mời anh bước ra vườn sau, anh em mình nói chuyện riêng một lát.
Chuyến về đó, gia đình Tám không muốn đi đâu như dự tính. Ngôi nhà thờ ông bà và ba má của Tám, ngày thường chỉ có bà chị đơn thân, lúc đó thêm người cũng không thấy vui hơn. Hôm sau có đứa cháu dâu của bà xã Tám Lớ, nó tình cờ ghé thăm bà chị ruột của Tám. Tiếng nó rền rền khi gặp mấy con Tám Lớ đứng chơi trước sân:
– Cô dượng Út về hồi nào mà không cho tụi con hay, con tưởng cô dượng về đúng ngày đám giỗ nội như lần trước. Tuần rồi thằng bạn anh Hai Lúa kêu bán con bò cái rẻ quá, tụi con gom tiền không đủ, kêu lái bán luôn liếp măng cụt và liếp bòn bon định chừa cho gia đình cô dượng. Nhờ neo trái cuối mùa nên được giá khá thêm chút đỉnh. Sẵn gặp cô dượng con xin lỗi đã thất hứa. Bữa nào mời dượng vô nhậu với Hai Lúa, ảnh còn chừa mấy con cá tai tượng cở 5 kí.
Tám Lớ mừng rơn trong bụng vì đở phải lo đáp trả một mối lớn, nên tìm cách từ chối:
– Dượng bị viêm túi, phải cữ rượu.
– Ủa, dượng bị viêm túi gì hồi nào, mười ngày trước dượng còn cười ha hả trong điện thoại mà.
– Dượng bị viêm túi mật lâu rồi, bác sĩ nội soi và đã trị dứt.
Không biết có phải miệng ăn mắm muối nói vào giờ linh. Mà suốt gần 7 năm nay, bệnh viêm túi ngoài da loại nầy cứ đáo lại thăm Tám Lớ mãi.
Một Lúa
Không biết đến bây giờ bịnh viêm tú của chú Tám Lớ đã trị dứt chưa mà biến mất vào không trung như MH 370 của Malaysia , nhưng khác ở chỗ bây giờ đã lên tiếng làm cho mọi người hơi yên lòng nhưng vẫn còn bàng hoàng vì chưa hiểu lí do cụ thể…….?!!!!!
Chị Hoa Đăng,
Tám Lớ vẫn đang trên từng kí-lô mét với chị và cô bác ấp 5. Đệ thiếu một ly cà phê xin lỗi, và thèm một ly cà phê nói chuyện lông bông với chị lắm lắm. hihihi
Bệnh viêm túi, ai cũng dễ bị. Chỉ có các chị, các bạn nữ ít khi bị. Tui nói ít thôi chứ không phải không bị nhe các vị.
Chiệng vui thôi anh Cả của tui ui. Tụi mình viêm hay không thì cũng lai rai đều đều. hihi
Tám Lớ ơi ! Em nở nào….
Bỏ đò bỏ bến bỏ dòng sông
Đò buồn bến nhớ sông mong Lúa hoài…
Bổng nhiên em tự tắt đài
Để anh thui thủi đêm ngày tìm em ???
Bỏ đò bỏ bến bỏ dòng sông
Lúa đệ không như gái lấy chồng
Khoát áo công nhân, đời lưu lạc
Quyết kiếm cho em một ít đồng
hihi
Bỏ đò ,bỏ bến, bỏ dòng sông !
Dứt áo anh đi chẳng còn mong
Một loáng qua đi đều rủ sạch
Để niềm thương cảm lệ đôi dòng !
Một Lúa vô cùng cám ơn mọi quan tâm của các bạn.
Hi hi
Cái bịnh viêm túi ngoài da này nếu gặp Bác Sĩ Võ Châu Phương , bác cũng sẽ bảo ” Xin lỗi ! Chúng tôi đã cố gắng hết sức !
Nhưng…cũng đành pó tay luôn oy
Phan Lương oy,
Nghe giống trong kịch bản, hihi