Ước mơ du lịch
Ấp Năm vừa có điện hạ thế nóng hổi, cô bác bắt đầu mê TV và băng dĩa ngày đêm bí tỉ. Sau đó không lâu có thêm đường bê-tông nông thôn, bà con như cá mắc cạn vượt vũ môn. Những con lộ làm bởi thóc lúa của dân đóng góp mấy năm nay, từ xã chạy ỏng ẹo theo các xóm nhà sâu trong xóm ấp. Bề ngang mặt lộ vừa đủ cho hai chiếc xe Honda ôm qua mặt mà khỏi cần một chiếc phải nép ra lề cỏ. Đời sống nông dân nơi đây càng huy hoàng hơn khi một ít nhà khá giả có số điện thoại bàn và lần hồi có thêm in-tờ-nét. Thế rồi giàu nghèo đều có cái a-lô dùng hú hí rủ nhau đi nhậu, có vi tính để khám phá đủ thứ chuyện trên đời. Tụi tui bắt chước bà con mon men vào các trang web trước lạ sau quen, tán gẫu ào ào với bạn bè thân quen nhưng chưa từng gặp mặt.
bánh đa cua bể Bà Cụ
Lên mạng thấy người ta đi mây về gió như chim mà bắt ham. Sáng thấy rõ ràng có người đang ngồi nhai bánh đa cua bể tại quán Bà Cụ ở Hải Phòng, chiều tối nghe nói cũng ông đó về Sài Gòn húp tô cháo bầu giải cảm. Lật bật hôm sau lại thấy tin ổng về Vĩnh Long nhâm nhi cà phê mừng bạn vụ gì đó bên các cửa sổ Café Windows.
Hổm nay mình theo các bạn đi du lịch, tuy không mỏi chân nhưng hơi mỏi cổ và mỏi mắt. Du lịch theo kiểu hàm thụ, như đọc sách, coi hình, nghe kể, coi phim phóng sự, thường thì không còn tính sống động thời gian như các trận đá banh trực tiếp truyền hình. Nhưng hình như chung một dạng, cứ ngồi nhà tà tà mà vẫn nhìn ra thế giới.
Tiền nào xứng với của nấy, dĩ nhiên du lịch hàm thụ thì không được ngữi mùi xăng, mùi bụi đường khét nắng. Không được nghe những âm thanh náo nhiệt nơi trạm nghĩ, hòa trong mùi thịt ướp gia vị nướng vĩ thơm lừng. Bảo đảm đang no cũng muốn ăn một miếng. Nhìn cảnh biển trong xanh bao la trên màn ảnh nhỏ, chớ làm sao thưởng thức cái trong lành mát mẻ của không khí, cái vị mằn mặn luồng theo gió biển buổi hừng đông nơi bãi vắng. Hoặc chiêm ngưỡng vườn hoa hồng hoa cúc bao la đầy ấn tượng, nhưng không thể cảm nhận cái hồn hoa ngát hương của chúng. Hay ít ra được hưởng những khoảnh khắc ngủ gục tuyệt vời, ru hồn trong tiếng ca nhạc cải lương “dây khổ qua nhị vàng bông trắng” trên những khoảng đường nhựa láng vo dài dằng dặt.
Mà cho dù thưởng thức phim ảnh phóng sự thôn quê, cũng không thể tìm lại hương vị quen thuộc bùn đất, mùi những bẹ chuối đang rửa nát, mùi những trái ổi chín đang bị đám chim trao trảo dành ăn la chí chóe. Hay là khung cảnh không thể diển tả bằng lời, như một biển người đắm chìm trong bể khói hương mờ ảo ở những ngày lễ hội rằm nguơn các chốn chùa chiềng trên núi Sam, núi Cấm.
Bù với việc không thể tay sờ mủi đụng, thì du lịch hàm thụ cũng có một ít thuận lợi. Mình không mất tiền và thì giờ mà vẫn biết chỗ nầy, chỗ nọ. Sách báo tường thuật phim ảnh thì lúc nào rảnh đem ra xem cũng được. Mình thích chia vui với bạn bè hay với người lạ cũng chẳng sao, bởi trong hình ai ai đều vui vẻ. Cũng không ai cằn nhằn mình, hoặc không cần tìm người tình nguyện cảm thông hoàn cảnh chưa đủ già mà cà lê cà lết, chưa đủ trẻ để cái gì cũng ngó, cũng nhìn. Nhất là không có cái cảnh chưa kịp nhâm nhi ly cà phê đen nóng, vội vả bưng lên xe dưới những ánh mắt nửa thương nửa ghét của các bạn đồng hành.
siêu thị ( ảnh internet)
Thực tế thường có y như vậy, thì cho dù mình đang lao thân vào nơi gió cát, hay nhàn nhã nằm võng nghe chuyện xem hình. đều có những mặt thuận nghịch cho mỗi trường hợp. Riêng nông dân lúa thóc tụi tôi, chỉ cần có dịp đến tỉnh thành hay bất cứ chỗ nào đông vui là bụng rộn ràng như mở hội, y chang tâm trạng bồn chồn háo hức những năm xưa. Mình nhớ lại một chuyện được xem như chuyến du lịch đường ngắn trong ngày. Từ khi hai đứa cưới nhau đến lúc có mấy mặt con, hôm đó là lần đầu mới biết nắm tay tung tăng lên chợ tỉnh. Mục đích chuyến đi không phải mua bán, làm giấy tờ hay thăm hỏi bà con như thường lệ. Dù tiền gạo ít oi, nhưng khi ở quê nghe bà con láng giềng khen nức nở, mình và bà xã từ bến tàu nhẩy lên xe ôm tìm cái chợ tên là mắc hay mát gì đó. Lần đầu biết cái chợ lớn hơn sân banh xã, lọng cọng không biết đi ngỏ nào. Nhưng cũng còn một ít lanh lợi, cứ dòm mà làm theo người đi trước. Mới vô chợ, hai người còn đi sát nhau, một hồi thì bốn mắt thỉnh thoảng nhìn nhau. Lần lần, mê mẫn theo hàng hóa bày trên những dãy kệ cao khỏi đầu. Cả hai vợ chồng như lạc vô mê hồn trận, không biết hai người còn nhớ mình đang có một bạn đời. Đến lúc mình quay ngang định hỏi bà xã có cần mua thêm vài món cho gia đình, mới nhận ra chung quanh toàn là người lạ. Mình vội vàng ra nơi đầu dãy, đi tới lui kiểm soát mấy dãy kế bên, đành phóng liều định cho một hướng. Sau gần nửa tiếng ngược xuôi trong rừng người vô hiệu quả, mắt cũng gần quáng, tai sắp bị ù. Mình quyết định ra chổ tính tiền, hy vọng gặp lại vợ hiền năm cũ. Lọt ra ngoài mà chẳng ai quen, lao nhao lóng nhóng, ngó ngược ngó ngang, ngó sâu trong chợ. Tính tới lui, chẳng lẻ nhờ chàng bảo vệ đi kiếm vợ cho mình. Không khéo có lời đồn, nó là tía của mình, rồi trở thành hài kịch. Chuyện anh ruột của vợ thằng Đậu mới ra lò. Bây giờ thấy ghét cái túi nylon tổ bố đựng mớ thao rổ mũ vừa mới mua. Vừa muốn liệng nó đâu đó để trở vào tìm bà xã, vừa sợ bả ra đây không thấy ai thì chiều nay mình là người khó sống. Sau một hồi lâu bụng như ăn phải ớt bơ, thì cuối cùng châu hoàn hợp phố. Mừng như bắt được khối vàng 45 kí giác.
Chiều hôm đó, trên chuyến xe chót về chợ xã, mình hứa với bà xã và tự hứa với lòng. Từ đây, nếu đặt lợp được con rùa con rắn, phải đem chợ bán, cố dành dụm mua bằng được cặp máy di động. Cái của mình, sẽ đeo sát người dù đang cày cấy hay khi ăn khi ngủ. Hổng chừng lát nửa, nếu thằng cháu có tiệm sửa ra-dô chợ xã vui lòng. Thì tối nay, chúng tôi sẽ có hai cái Nokia đời hơi cũ cũ, tập tành lên máy sáng đêm. Không để tái diển cảnh chỉ cách nhau chưa đầy trăm mét mà tưởng nghìn trùng xa cách như chuyện vừa xảy ra hồi sáng.
xe du lịch ( ảnh: Internet)
Nhờ có thằng cháu của người chị dâu con dì Hai, Việt kiều mới về từ Úc. Vợ chồng mình có tên trong danh sách đi Huế để thưởng ngoạn cố đô. Một bữa mình có hẹn ghé nhà ba má nó ở ấp Bốn. Còn mười bửa mới lên đường, thấy nó ngồi mày mò bên vi tính lên kế hoạch. Mình vừa làm tàng cố vấn, vừa xem coi nó làm gì. Chuyện là hỗm nay nó nhờ mình xác định số người tham gia để mướn xe nhiều hơn ba bốn ghế. Không cho mình thắc mắc, nó nói tiếp theo:
– Xe rộng rải cho cô bác đi tới lui rồi ngồi nghĩ, cho dãn gân cốt máu huyết lưu thông lúc chưa đến trạm ngừng.
Nó hỏi ý kiến của mình, bàn bạc trong danh sách để chia ra mỗi tổ bốn năm người. Thấy mình hơi ngạc nhiên, nó giải thích:
– Tuy đoàn có hơn hai mươi người, nhưng khi ở công viên hay vào chợ, thì từng nhóm nhỏ dễ dòm ngó lẫn nhau.
Nó dặn thêm một hơi, cháu cũng cần biết người có mang có bệnh hay trẻ nhỏ, thì cần có thân thuộc hoặc người mạnh giỏi đi kèm. Úy trời, xác định nam nữ hay phân định thiếu niên trung niên cao nhiên thì mình làm được. Còn ai có bịnh hay có mang thì làm sao mà biết hở trời. Nó kêu mình liệt kê từng số phôn di động, cóp-pi mỗi người một bản, không quên đề tên xe, tài xế và số xe trong đó. Trên đường đi ghé tắm biển nhiều lần, mọi người nên chuẩn bị khăn áo tắm, phao bơi, kem chống bỏng da, chống tia cực tím. Đừng mặc quần áo dài thòn mà lao xuống nước, vừa ít giống ai vừa nguy hiểm. Chú bác thanh niên cũng cần chú ý, nếu khi mặc quần đùi mà cái lưng trắng bóc. Thì trước khi đi cũng nên phơi nắng ít ngày, để khi nhởn nhơ bãi biển, thân hình da dẽ cho có nét phong trần sậm sòi hấp dẫn.
Thằng cháu của mình học ở đâu không biết, nó rành rẻ đường xá không kém dân lái đường dài. Nó còn được cô giáo cũ nhà ở ấp Bốn chỉ điểm một số độc chiêu. Xe mình nếu phải cần tìm một địa chỉ ở thành phố lạ, không rành đường thì hỏi thăm cặn kẻ hoặc kiếm chỗ đậu xe rồi cho một người đóng vai trinh sát nhảy lên xe ôm đến đó. Đừng xách xe lớn chạy vòng vòng mò kiếm, đã hao xăng mà lạng quạng ăn giấy phạt. Cổ còn lo xa, nói nhỏ, bà con nào xấu chứng đói thì ráng tích trữ bánh trái ngủ cốc nước chai. Dù no bụng trạm nầy, cũng chịu khó mua chút gì lận lưng đề phòng cho trạm tới.
Đến phần chủ xe kiêm tài xế và thằng cháu bàn bạc cụ thể lịch trình, chuyện nầy thì tôi điếc ngắc, không có cửa chen vào. Hai người tính toán giờ đi giờ đến từng ngày từng chặng cho đúng bụng cơm. Làm sao mỗi chỗ nghĩ đêm phải có khách sạn tốt mà rẻ, có chợ lớn, có nơi ăn ngon đặc sản. Địa phương có thắng cảnh hay bãi tắm an toàn, sẵn dịp ghé chơi cho biết. Tính xong chương trình và đặt chỗ ăn ngủ thành công trên online, thằng cháu cười hi hi mãn nguyện với cố vấn lèo: “Mình đã có các nơi dành sẵn phục vụ trong suốt hành trình”.
Từ khuya đã gom quân í ới, hừng đông xe khởi hành từ chợ huyện. Đâu đó xấp xếp đàng hoàng chỗ ngồi ổn định thì phái đoàn liên Ấp của huyện Tam Bình ra đến chợ Ba Kè chờ vớt thêm vài khứa lão. Lúc đó ngoài trời sáng trắng, mình rảnh rang nhìn ra kiếng xe trong suốt. Cũng nhà cửa tiếp nối ruộng đồng, cũng hàng cột điện chạy dài theo quen thuộc. Nhưng hôm nay mình thấy bầu trời xanh và rộng hơn, cảnh vật đẹp và thân thiện hơn. Những người đang ngồi chơi ngoài hành lang dưới mái hiên nhà dọc theo hai bên con lộ, hình như họ đang khen thầm hay nhìn theo ngưỡng mộ bọn chúng mình.
Tay mình nắm chặt cái phôn di động, mặt mày vui vui vênh vênh như người đứng ra tổ chức. Trong bụng cảm thấy quan trọng, linh hoạt và cao hơn hôm qua mấy phân vãy chân gà.
Mà cái kèn chiếc xe nầy cũng ngộ, chắc nó vui như bà con, nên cứ kêu tu-lu-lét, tu-lu-lét không ngừng.
Một Lúa
Ông bạm Một lúa ơi, cái xe cứ kêu tu- lu lét hoài là xe být đó, xe nầy chạy xa hỏng được đâu , lộ trình dài nhất của nó là khoảng 50 cây số một bận hà, có đi du lịch thì kiếm xe chạy đường dài, nếu mướn xe být thì rẻ nhưng coi chừng bị ngủ qua đêm ngoài đường à. Chúc du lịch vui .
Đọc đoạn đầu tui phát lo, các công ty lữ hành sẽ đóng cửa dẹp tiệm vì mọi người đi du lịch hàm thụ như tác giả hết. Ở VN bây giờ chỉ có người già đi không nổi thì mới xem TV du lịch hàm thụ, còn ít tiền thì có du lịch chùa tức nhà chùa tổ chức, đến chùa ăn chay, ngủ chùa. Phật tử góp chút ít tiền để cúng phật, còn tiền xe thì người giàu hỗ trợ người nghèo, thế là cũng được một sàng khôn.
Phần cuối, tác giả bày cho một số kinh nghiệm đi du lịch nghe cũng sướng, người sắp đi du lịch cần biết những điều đã nói kể trên. Viết theo lối này vừa đọc vui vừa có thêm kiến thức.
Hoa Đăng sư tỷ ui,
Nhờ sư tỷ cám ơn cô giáo ở ấp Bốn nhé.
Xe lớn nhỏ gì, miễn có đủ 2, 4 hoặc 6 bánh và đủ sức khỏe là chạy nhỏng nhỏng mọi miền xuôi mạn ngược.
Còn kèn hơi, kèn điện, kèn thổi như harmonica, trompete tò le tót lét thì thời đó tùy chủ xe thích trang bị cho xe họ thui sư tỷ ui.
Cám ơn sư tỷ nghen.
Lúa.
Ui trời ! Huynh một lúa thiệt là có tài viết văn xuôi à nghe .Huynh muốn lấy nước mắt của người ta thì viết “Mẹ tôi!”
Còn muốn chọc cười thì viết “Ước mơ du lịch” và muốn cho người đọc có vấn đề suy ngẫm thì viết “Rượu lễ nghĩa”.Làm đọc giả của huynh coi bộ hơi bi tốn tiền nạp D-Com 3G nhiều nhiều rùi đó nhe.Hay là huynh in thành sách đi ,chắc là bán chạy lắm đó.
Chúc huynh Một Lúa khỏe nhe
Chào Phan Lương,
Chỗ đồng hương, mua 5 tính 4 thui. Phan Lương đặt hàng bao nhiêu, nhớ gọi cho biết sớm. Anh Cả của tui o-đờ 5 chục rùi (chục Mỹ Tho à nghen).
Lúa Ấp 5 A
Đọc bài của Một Lúa mới thấy tuyệt làm sao!, đọc lên rất vui và rất gần với cuộc sống của mình hằng ngày, những chi tiết, những sự cố dù nhỏ xẩy ra trong những chuyến du lịch, làm tui đây cũng phải quan tâm, rút được bài học kinh nghiệm cho bản thân khi đi du lịch…hi hi… Cám ơn ML
Cô Sáu ui,
Đi đâu cũng đừng quên chầu cháo bầu chung độ nghen. hehe
Cái hay của Một Lúa là viết kể những tình tiết cụ thể, có thật nên ai có trong hoàn cảnh đó là OK liền. Tính cách khôi hài rất dễ thương. Nhưng muốn được như vậy tác giả cũng đã từng lăn lộn khá nhiều trong mọi tình huống. Hỏng biết hồi thập niên 7o, cái vụ “bùm”ở trường gà LH , Lúa còn nhớ gì không , kể cho bà con nghe với nhe.
Anh Phú Thạnh thân mến!
Vụ anh nói, Lúa có nghe.
Nhưng dù có thấy cũng không viết được. Khi khác em sẽ bù anh chuyện trường gà ở xóm em. OK, Tam đại huynh?
Lúa
Bài viết vui hấp dẫn người đọc bằng những tình tiết đột ngột , thật dí dỏm , Mong được đọc tiếp bài viết khác , Hoành Châu