BA VÀ BÀ
Bà nội tôi mất năm 1987, hai năm sau gia đình tôi sang Mỹ định cư. Hơn ba mươi năm qua, mỗi khi nhớ tới bà là những kỷ niệm cay đắng lẫn xót xa làm mắt tôi nhập nhoè lệ. Nhờ đó mà tôi càng thấm thía tình thương yêu không bờ bến của ba tôi dành cho bầy con đông đúc tám đứa của ba.
Hai ngày nữa là Father’s Day, Ngày Lễ Cha, truyền thống của xứ Mỹ, xin gởi tới ba những cảm xúc chân thành nhất từ một đứa con được bảo bọc chăm sóc từ thuở lọt lòng và ngay cả đến tận giờ.
Tôi là cháu gái đầu tiên trong họ nội. Do nam thịnh nữ suy – ba tôi không có em gái- ba đối với tôi có phần nhỉnh hơn với anh cả tôi, sinh trước tôi hai năm. Bà nội tôi vì thế có nhiều ác cảm với tôi. Bà tôi theo truyền thống “Nam Trọng Nữ Khinh”, anh tôi là cháu nội trai đích tôn, là người phải được hưởng trọn mọi đặc quyền trong dòng họ. Lại nữa, tôi không có ngoại hình xinh đẹp, trong khi bà nội tôi, thời còn son trẻ, đã nổi danh là người đẹp nhất nhì ở xã Tân Phú Đông, Sa Đéc. Bà thường bảo không biết tôi giống ai mà có chiếc mũi xẹp lép. Tuổi thơ nào biết bà không thích mình. Tôi vẫn nghĩ:
– À, có lẽ mình làm mũi cao lên, thì bà sẽ thương mình chăng?.
– Má à, nếu lấy cây kẹp quần áo kẹp vô chót mũi mỗi tối, có làm mũi con cao lên không? Tôi hỏi
– Trời đất, không tự dưng nghĩ ra ba cái gì kỳ vậy? Má tôi thảng thốt
– Mũi cao làm bà nội đở ghét con, má à.
Má tôi nghe vậy mà nghẹn ngào. Còn ba tôi thì chỉ thở dài. Có lẽ cả hai không dám nói gì, sợ tôi tủi thân và cũng lo bà nội giận.
Kể từ đó, mỗi khi bà nội tới thăm ba má tôi thường kiếm cách khen tôi trước mặt bà. Không ngờ càng làm bà tôi thấy tôi chướng mắt hơn. Bà nội nghĩ là ba má tôi thiên vị tôi, càng sốt ruột cho anh cả tôi không được ba má tôi chú ý tới.
Năm tôi thi đậu đệ thất, ba lo bà nội không thưởng cho tôi. Chờ lúc không có bà ở đó, ba hỏi
– Bà nội có thưởng gì cho mầy chưa Nga?
(Ba Má tôi thường xưng hô tao mầy với con cái, truyền thống nam bộ rặt. Khi nào tụi tôi được gọi là con, lúc đó chúng tôi biết là mình được “cưng” dữ lắm)
– Dạ chưa ba à
Nào ngờ lúc đó bà nội nghe được. Tưởng là tôi méc với ba, bà móc túi lấy tiền, dúi vào tay tôi
– Nè, cho rồi đó nghe. Đừng có nhõng nhẻo đâm thọc với ba mầy đó
Tôi cầm tiền, bước vội ra sân để dấu nước mắt tủi thân. Ba tôi biết được chuyện, lại lo tôi buồn, dắt tôi đi mua một cặp đi học bằng da tinh xảo, một cây viết pilot màu xanh lá cây. Chiếc cặp nầy tôi xài tới hết năm 12 mới hư cái khoá. Ân hận nhất là cây viết, tôi lở tay đánh rớt xuống cống của trường.
Mối quan hệ giữa bà cháu tôi không khả quan hơn tuy sau đó bà tôi có thêm cháu gái, em của tôi và con của các chú. Cháu gái nầy có phần xinh đẹp như bà ngày xưa, không như tôi. Tuy vậy, sức tập trung của bà bị phân tán. Bà ít chú ý so đo coi ba má tôi có thiên vị tôi hơn anh cả tôi không.
Một năm, ba má dắt chúng tôi đi ăn đám giỗ ông nội ở Biên Hoà, nhà của chú ba. Thiếm tôi có một tủ sách lớn làm tôi mê tít. Lúc dọn cơm cho xấp trẻ ăn, tôi không hay vì mê đọc sách. Chừng dọn bàn cho người lớn, tôi đói quá, mò xuống kiếm ăn, thì bị bà nội quát
– Chỗ người lớn, con nít gì mà trịch thượng ngồi chung?
Hai thiếm tôi cạnh đó chỉ mĩm cười. Tôi bỏ lên lầu trốn vào nhà tắm mà khóc. Thế mà ba tôi cũng tìm ra.
– Nga à, đói bụng lắm hả con. Đi xuống ngồi ăn với ba
– Con không đói, con không sao. Tôi nói mà ráng nén cơn tức tủi
Ba tôi nhất quyết kéo tôi xuống lầu, ngồi vào bàn cạnh ba trước cái lườm của bà nội.
Sau nầy ba tôi an ủi tôi:
– Bà nội không thích thì khi nào bà tới đừng chàng ràng trước mặt bà. Cha mẹ thương con mới là điều quan trọng. Còn những người khác chỉ là thứ yếu. Họ có thương mình thì tốt, mà ghét mình thì cũng chả sao. Không cần quan tâm. Con cứ yên vui mà sống và học hành thành tài. Đó cũng là cách trả lời tốt nhất cho những ai không thích con.
Tình thương yêu cao cả của ba má tôi là một điểm tựa vững chắc. Nó giúp anh em chúng tôi vượt qua nhiều thử thách lớn nhỏ trong cuộc đời. Ba tôi luôn theo dỏi khuyến khích chúng tôi cố gắng học hành. Nguyện ước lớn nhất của ba tôi là được một lần nhìn thấy một đứa con của ba áo mũ xênh xang với cái đãy choàng ngang vai, biểu tượng của bằng Doctor, lên lãnh bằng. Thành thật xin lỗi ba, chúng con không làm được. Chỉ hy vọng sao các cháu của ba sẽ làm thay!
Ba là một người cha vĩ đại mà suốt cuộc đời chúng con luôn học tập theo. Mong rằng ba luôn mạnh khoẻ bên đàn con cháu kề cận mãi mãi và mãi mãi ba nhé.
Kết thúc bài nầy, cũng xin vài lời kể về bà nội tôi. Năm năm cuối đời, bà nội dọn về Vĩnh Long với gia đình tôi. Bà lúc nầy đã yếu sức rồi. Áp huyết máu cao, nên ăn uống phải kiêng cử, lại phải uống thuốc hằng ngày. Lúc ấy gia đình nghèo, chạy ăn từng bửa. Tội nghiệp bà nội phải sống kham khổ với chúng tôi, bửa rau bửa cháo. Tôi phải chạy chọt mua thuốc cao huyết áp cho bà, thứ nầy cần thiết hơn cả cơm. Thời đó, thuốc bán chui, mua được cũng không biết là thuốc thiệt hay giả. Bà nội tôi sức khoẻ ngày suy lần, đi đứng rất khó khăn, thỉnh thoảng lên cơn động kinh. Một hôm tôi dìu bà nội ra sàn nước để tắm cho bà. Lúc đó tôi cũng trông chừng thằng cháu lên ba tuổi con của anh cả. Bất giác bà tôi thở dài, nói với cháu cố
– Tao với mầy sống được là nhờ cô ba của mầy đó con
Nghe câu nói đó mà tôi rơi nước mắt. Tất cả những u uẩn giữa bà cháu khi xưa bỗng dưng xoá sạch. Bà tôi đi rất thanh thản, nhẹ nhàng.
Phương Nga
H1
H2: Lễ ra trường không có cái đãy của Tiến Sĩ. Thành thật xin lỗi ba tôi!
Gia đình PN thật là vui và ấm cúng, cha mẹ nào mà không vui lòng hả dạ, khi thấy con mình học hành thành tài, cũng nhờ công đức cha mẹ, nhưng PN ơi! con đường học vấn đâu đơn giản, phải học trầy da tróc vảy và quyết tâm rèn luyện mới có mãnh bằng cầm tay, vui ứa nước mắt PN hé. Chị kính chúc hai bác dồi dào sức khỏe, trường thọ, riêng bác trai : Ngày của cha” thật là hạnh phúc và thật vui bên con cháu.
Hôm nay gia đình em kết hợp tiệc mừng Father’s Day chung với đám giổ của ông nội. Con cháu tụ họp lại đầy cả nhà. Ba Má em vui lắm đó chị PR.
Đúng là đường học vấn đầy chông gai, không chỉ gạo bài để thi thôi, mà lúc ra trường còn gánh thêm một đống nợ. Tiền học bên Mỹ mắc lắm. May mắn kiếm được việc làm để cày mà trả nợ, nhưng thời buổi bây giờ không phải dễ.
Câu chuyện có hậu làm ấm lòng người đọc . Chúc mừng Phương Nga được cuộc sống an lành trong sự quan tâm chăm sóc của Ba Mẹ .
11 Hanh.
Cám ơn chị 11 thân mến!
Chị Phương Nga ơi! BL đọc bài BA VÀ BÀ chị viết thật xúc động đến rơm rớm nước mắt! Tiếc rằng những quan niệm trọng nam khinh nữ ngày xưa đã làm tổn thương biết bao số phận! Nhưng nay thì khác rồi chị nhỉ, dù trai hay gái cuối cùng tình thâm cũng luôn gắn bó! BL xin chúc mừng chị Phương Nga thật hạnh phúc khi còn CHA MẸ để yêu thương và báo đáp. Nhân Ngày của Cha 15/6 em kính chúc hai Bác vạn lần sức khỏe và an lạc bên con cháu! Riêng những bậc làm Cha thật ấm áp, hạnh phúc trong ngày của mình! HAPPY FATHER’S DAY!!!
Cám ơn em Bạch Lộ. Ba Má chị rất công bằng. Tuy là có tới 8 đứa con, ba má chị đều yêu thương các con như nhau. Chị rất may mắn sống đến từng tuổi nầy vẫn còn được kề cạnh bên cha mẹ. Đó là một diễm phúc trời phật thương mà ban cho chị.
Đọc bài chị Phương Nga , HC thấy thương chị ngày còn bé làm sao , một đầu óc non trẻ trong một trái tim biết hát.! Bài viét chân thực , tình cảm thật chan hòa nhờ có được bậc cha mẹ quá tâm lý , hiểu sâu sắc đứa con gái nghĩ gì , giáo dục kịp thời và đúng hướng gây ấn tượng tốt đẹp nơi con cái/ sự trân trọng và hiếu để thể hiện rất rõ qua bài viết này của chị. Bài viết có giá trị hơn trăm ngàn món quà quí giá nào khác , ý nghĩa vô cùng đối với NGÀY MẸ & NGÀY CHA. Hoành Châu thật xúc dộng .Cảm ơn chị ….
Chị Hoành Châu thân mến.
Có lẽ PN được diễm phúc sinh ra làm con của ba má mình đó chị. Càng hạnh phúc hơn là tuy sống ở đất Mỹ nhiều năm, nhưng tất cả gia đình đều sống gần nhau. Mỗi tuần lễ, anh em đều tụ tập tại nhà ba má để ăn uống vui đùa.
Ba Má của PN rất hiếu thuận với cha mẹ. Đó cũng là một tấm gương sáng để PN học tập theo.
Đọc bài Phương Nga, nhớ nội quá. Ngày anh rời Việt Nam, chạy lên thăm nội một chút, dúi vào tay nội mấy ngàn, vội vả đi. Vậy mà nội đoán ra. Những đêm dài Bidong, người anh nhớ nhiều nhất là nội.
Chắc bà nội anh cưng anh lắm phải không anh đại gia HHg? Hôm nào anh viết bài về bà nội của anh nghe.
Phương Nga ơi! Anh rất cảm phục bài viết về gia đình của em. Em viết rất giản dị và thật lòng. Chính xác là Cha mẹ luôn luôn thương con, nhưng thường thì ba thương con gái nhiều hơn. Bà nội thì vẫn thương em lắm chứ đừng có suy nghĩ vẩn vơ nha. Còn cái mũi xẹp: không quan trọng, miễn được ông John yêu em tối đa là được rồi ! O.K.
Anh PT* lúc nào cũng độ lượng và vị tha. Anh biết không, sau nầy bà nội em nhìn em hồi lâu rồi nói, “Nga à, lớn lên cái mũi cũng cao lên đó con”. Mà cũng lạ, tất cả những đứa cháu khi xưa bà nội cưng chiều, khi bà nội suy yếu, không có một lời hỏi thăm, ngay cả khi bà mất, cũng không vấn cho bà được một tấm khăn tang.
Phương Nga ơi, em có người mẹ tốt và người cha tuyệt vời và rất là tâm lý, hôm nay ngày Fatherday , ba em mà đọc được bài này chắc ba sẽ vui và cảm động lắm. Chiện xí và đẹp cũng là chiện nhỏ như con thỏ thôi,vì có câu ” Cái nết đánh chết cái đẹp ” hì hì, vả lại em có đủ đầy cha mẹ yêu thương , anh chị em đoàn kết , chồng con quí trọng mình , à còn bạn bè cũng thích , thế là trọn vẹn rùi . Càng già chị thấy em càng xinh ở cái tuổi cuả mình đó .hi hi. Kỷ niệm ngày lể cha rất là ấm áp.
Chị NT thiệt là quá thương em PN của chị rồi đó nghe.
Nhưng mà chị ơi, quả tình cái nết của em uýnh chết ngắt luôn cái sắc đó chị à. Cả nết lẫn sắc đều ngủm củ tỏi! Than ôi!
May nhờ hồng phước trời cho, như chị nói, có cha mẹ, anh em, chồng con, và bạn bè thương. Em rất hạnh phúc. Cám ơn chị.
Phương Nga ơi, Cái kết thật tuyệt vì giải tỏa tất cả nỗi niềm. 7 chúc PN luôn luôn sức khỏe và hạnh phúc bên cạnh người thân. Thân ái. kt.
Cám ơn chị 7 thân mến.
Ba má em rất hiếu thuận. Chăm sóc bà nội rất chu đáo ở những năm cuối đời. Em ráng cố gắng học tập những đức tính tốt đẹp nầy. Không có bà nội cưu mang dưỡng dục ba em thì làm gì em tồn tại ở đời.
Chị Phương Nga quý mến ! Bài viết của chị thật sâu sắc và cảm động…
Cho hay trẻ con nhiều đứa rất nhạy cảm. Người lớn đôi khi vì cố ý hay vô tình có những lời nói – hành động làm trẻ tổn thương, về sau khó lòng cứu chuộc. Chi tiết cái mũi xẹp của chị làm em nhớ lại chuyện của con gái em năm cháu 4 tuổi , đang học mẫu giáo . Trước ngày Nhà giáo 20-11, em cùng cháu đi chợ. Khi thấy em mua đôi guốc làm quà tặng cho cô giáo của cháu ( lúc bấy giờ em chỉ đủ khả năng mua món quà mộc mạc đó thôi !), cháu ngước nhìn em với đôi mắt buồn rầu : – Mẹ ơi, mẹ có tặng cô, cô cũng không thương con đâu ! – Vì sao con biết cô không thương con ? – Vì cô không bao giờ cho con lên múa, không bao giờ cho con đi thăm nhà sàn Bác Hồ ( Đà Nẵng cũng có mô hình nhà sàn này ). Nghe con nói mà lòng em trĩu nặng. Con gái em lúc nhỏ đen, xấu… Cha mẹ đều là giáo viên trong cái thời ” lấy giáo án dán áo “, thương con đứt ruột mà biết làm sao ?!!!
Như Thuỳ thân, cả hai dì cháu, con gái của NT và mình, có may mắn được cha mẹ hiểu và dạy dỗ đúng mực. Không vì những lời nói nói hay cử chỉ có tính cách kỳ thị mà mất định hướng trong cuộc sống. Hôm nào mình sẽ viết một bài về hai cô giáo mình từng theo có tính cách rất tương phản. Từ hai cô, mình rút tỉa ra nhiều bài học đáng giá cho suốt quãng đời mình làm thầy giáo.
Hôm nào Như Thuỳ giới thiệu cháu cho mình quen với nhé.
Chị Phương Nga ơi, không chỉ trẻ con học những điều hay lẽ phải ở cha mẹ – thầy cô, mà nhiều khi chính cha mẹ – thầy cô phải học lại từ con trẻ . Có một chuyện cũng chính từ con gái nhỏ của em, làm em nhớ mãi . Có lần em đưa cho cháu cái ly , cháu vô ý làm rớt bể nên bị em la lối : ” Con hư quá, cầm cái ly cũng để rớt bể ! “. Vậy mà ngay hôm sau, khi em tuột tay làm bể cái chén trước mặt cháu , cứ nghĩ cháu sẽ cười mẹ vì hôm qua mới bị la rầy vì tội đó nhưng không ngờ cháu nhìn em trân trối rồi như tự nói với mình : “Tại vì mẹ mình làm việc mệt, mẹ mình lỡ tay làm rớt bể chớ đâu phải tại mẹ mình hư ! ” … Lời nói khoan dung của đứa con bốn tuổi làm người mẹ trong em từ đó luôn phải tự nhắc nhở mình .
Con gái em sinh năm 1980 , đã có gia đình và có điểm tương đồng với chị (?!! ). Tiếc là em không biết cách chuyển hình cháu kèm theo đây cho dì cháu biết nhau .