Nhớ một chiều ở Tam Bình

Ngày đăng: 26/05/2014 05:39:24 Chiều/ ý kiến phản hồi (31)

Tam Bình của anh Một Lúa, của anh Cả Lần là nơi ngày xưa tôi đến vài lần.  Không phải nhàn nhã gì để đi du lịch mà là đi buôn chuyến.  Đi mua gạo, dừa, hột vịt, đường thùng…đem về chợ Vĩnh Long bán. Tuy vậy, lần đầu tôi tới Tam Bình là một tình huống rất trớ trêu, đầy kịch tính.

Hôm đó…thằng Mành, con nhà hàng xóm, hớt hải tới nhà báo tin dữ.
– Bác Hai ơi, anh Cả bị bắt ở Tam Bình với anh Điệu của con rồi.
Má tôi lúc đó mới sinh em Út của tôi khoảng chừng một tuần lễ, rất hốt hoảng:
– Trời đất, sao bị bắt?  Con có biết chuyện gì không?
– Anh Điệu dắt anh Cả đi ăn thôi nôi ở nhà bác sui của má con.  Nhậu vô rồi, anh Điệu nói xóc óc với du kích xã. Anh Cả cản quá chừng, mà anh Điệu cứ làm tới.
Du kích xét giấy đi đường.  Hai ảnh hổng có.  Du kích bắt nhốt, bây giờ phải có người cầm giấy hộ khẩu tới lãnh ra.

Khoảng năm 1975, đi bất cứ chỗ nào cũng phải xin giấy đi đường. Vì vậy khi thằng cha Điệu rủ rê anh Cả tôi đi Tam Bình mua hột vịt đem về Vĩnh Long bán, anh tôi không muốn đi vì e ngại bị xét giấy.  Thằng cha Điệu oang oang
– Xì, cần gì giấy, Tam Bình đầu trên xóm dưới ai mà không biết tui.  Bảo đảm hổng sao.  Đi xuống dưới ngủ lại một đêm, chờ sáng ghe hột vịt chở tới, mua rẻ hơn ở chành.
Thế mà cả hai bị nhốt.  Má tôi bối rối quá vì mới sanh còn non ngày non tháng. Ba tôi đang học cải tạo. Tôi mới nói với thằng Mành
– Hay mầy dắt tao đi Tam Bình lãnh anh Cả ra có được không?
Má tôi bất đắc dĩ phải cho tôi đi.  Lúc đó khoảng xế trưa.  Tới Tam Bình khoảng ba giờ chiều.  Mới biết ra đó là xe tài chót, xe đậu bến ngày mai mới chạy lên Vĩnh Long lại. Thiệt là hoạ vô đơn chí.  Thôi đành tới đâu hay tới đó.

Thằng Mành dẫn tôi đi đường tắt tới đồn du kích.  Băng qua những ruộng mía bạt ngàn cao quá đầu người. Lá mía cắt tay vừa rát vừa đau.  Thế mà thằng Mành cứ vẹt mía mà đi, vừa hối:
– Lẹ đi chị, coi chừng tới đó tối quá, quày lại chợ không kịp
Tới đồn thì trời đã chạng vạng.  Thằng Mành ngồi ngoài cổng chờ. Anh Cả thấy tôi mừng quýnh lên:
– Có đem giấy hộ khẩu theo không?
Du kích giữ anh tôi đang ngồi nhúm lửa nấu cơm, nói:
– Vậy mà tui tưởng ông còn ở thêm bữa nay.  Tui nấu luôn phần cho ông.  Có con mắm lóc chưng ngon thấy bà cố luôn đó.
– Thôi cám ơn, con em tui tới lãnh.  Ông làm ơn coi giấy tờ cho tụi tui về.
Du kích liếc sơ qua tờ hộ khẩu, thở một hơi dài sọc
– Ờ, thì ông về đi.  Làm báo hại bữa nay tui trực cu ki một mình.  Lần sau đừng đi chung với thằng Điệu đó nghe hông.  Cái miệng nó nổ như ống bô.  Bắt nó cho bỏ ghét.  Tại ông xui thôi.
Anh Cả tôi cám ơn lấy lệ rồi kéo tôi thẳng ra cổng.  Thấy thằng Mành, anh tôi hỏi
– Sao không ai tới lãnh thằng Điệu?
– Má em nói, cho ảnh ở đồn vài bữa rồi mới tính, phải cho ảnh học một bài học.
– Rồi đêm nay anh chị có tính ngủ đở ở nhà bác sui của em không?  Hết xe đò về Vĩnh Long rồi. Thằng Mành nói tiếp.
Tôi nghe mà mừng quá.  Xứ lạ quê người, được cho ở tạm qua đêm còn gì bằng.
– Thôi cám ơn mầy nghe Mành.  Hai anh em tao lội bộ ra quốc lộ đón xe Cần Thơ về.
– Trời đất, lội bộ, anh điên hả. Mành há hốc, và cả chính tôi cũng muốn trợn trắng mắt lên. Lội bộ???
Nói xong anh tôi kéo tay tôi đi.  Ra tới lộ cái, anh nói:
– Ở lại, tao sợ bị bắt nữa mầy à. Xứ nầy mình không quen biết ai, lại không có giấy đi đường.  Du kích xét là  cả hai anh em dính chùm vô, lúc đó ai đi lãnh? Tao là đàn ông con trai, dù sao cũng đở lo.  Chớ con gái như mầy kẹt lắm.  Thôi ráng đi em.

images (2)

Thế là hai anh em vừa cuốc bộ vừa nói chuyện cho đở sợ.  Trời lúc đó đã tối hẳn. Trên con đường dài thăm thẳm, chỉ có hai anh em chúng tôi.  Qua khỏi chợ Tam Bình, nhà cửa thưa thớt.  Xa xa chỉ thấy thấp thoáng vài ngọn đèn dầu hiu hắt.  Đi một đổi, thấy xa xa một đồn lính bỏ hoang, tường xập, gạch ngói ngỗn ngang có lẽ do đạn pháo giựt xập. Khung cảnh quá đổi tiêu điều và có vẻ âm u khó tả.  Khi chúng tôi đi ngang qua, tiếng động làm một bầy dơi vụt cánh bay lên.  Tôi hốt hoảng níu chặt tay anh tôi.
– Anh Cả ơi, coi chừng ma.  Chỗ nầy ghê quá.
– Ma cỏ gì, nắm tay tao, nhắm mắt đi đại.  Ráng lên
Qua khỏi đồn lính.  Bớt sợ chút đỉnh, chợt bụng sôi lên.  Mới nhớ ra cả ngày chưa có một hột cơm dằn bụng.
– Anh Cả, phải chi hồi nãy nán một chút, xin chén cơm ăn với mắm lóc chưng. Thằng du kích lúc chiều tốt bụng quá hả anh.  Nấu cơm cho anh ăn nữa…
– Tốt, anh tôi xì một cái, tao phải đóng tiền cơm hết hai chục đó.  Thằng du kích nó nói, nó đâu có tiền, mà gạo thì chỉ đủ cho mình ênh nó.
Anh em tôi tự dưng thở ra một hơi dài ngao ngán.  Rồi kể từ lúc đó, không ai nói với ai lời nào hết, cứ âm thầm cuốc bộ.  Cũng chẳng biết mình đi được bao lâu, mà cũng không biết đã mấy giờ.

Thình lình có tiếng xe đàng sau chạy tới.  Anh em tôi nép qua nhường đường, mới thấy là một chiếc Jeep.  Bỗng dưng xe ngừng lại. Một ông ngồi sau, ló đầu ra:
– Hai đứa đi đâu?  Sao tối rồi chưa về nhà?
– Dạ, hai đứa con đi giao hàng ở chợ Tam Bình.  Trể chuyến xe chót về Vĩnh Long.  Không dám ở lại vì má tụi con bị bệnh ở nhà. Tính lội bộ ra quốc lộ dón xe Cần Thơ-Vĩnh Long về nhà. Anh tôi đặt chuyện vì sợ ông ta hỏi giấy đi đường thì chết.
– Trời đất, lội từ đây tới sáng mơi cũng chưa tới quốc lộ.  Thôi leo lên xe bác cho có giang. Hai anh em coi bộ lã hết rồi phải không?
Hai đứa mừng quýnh leo lên liền, không quên cám ơn rối rít. Xe chạy một đổi, tôi mới hoàn hồn lại, nhìn chung quanh.  Trên xe có lẽ là những cán bộ cao cấp.  Nghe lõm chuyện qua lại, mới biết ra họ đi thanh tra Tam Bình và những vùng lân cận, rồi về Vĩnh Long.  Anh em tôi không dám hó hé một tiếng vì ngoài chuyện không giấy đi đường, chúng tôi có quá nhiều mặc cảm và thành kiến khó nói nên lời.
Tới bùng binh ngã ba Cần Thơ, bác cán bộ hỏi:
– Hai đứa ở đâu? Có cần bác chở tới nhà không?
– Cám ơn bác, cho tụi con xuống đây được rồi.  Không dám làm phiền mấy bác nữa.
– Phiền hà gì. Đây là xe của nhà nước. Thôi cũng được, để thả hai đứa xuống đây.
Về tới nhà, thấy má tôi đứng lom khom trước cửa, ngóng tụi tôi.
– Từ trưa tới giờ, má như ngồi trên lò than.  Nóng ruột quá, không biết hai đứa có chuyện gì không mà tối mịt cũng chưa thấy về. Ba của bây không có ở nhà, có mệnh hệ gì thì…Má tôi chắc lưởi, mắt ngân ngấn nước mắt.

Mấy chục năm trôi qua, nhưng hình ảnh hai anh em tôi cuốc bộ trên con đường tối mịt, cứ đi và đi một cách vô vọng, vẫn còn đậm nét trong tôi. Nhớ lại mà cảm thấy mình thương hại mình quá!  Còn một điều đáng tiếc, lúc đó không dám hỏi bác cho mình quá giang tên gì.  Trong tâm khảm tôi, bác là một người cán bộ tốt. Xin được cám ơn bác một lần nữa.  Người như bác, biết thương xót cho những kẻ lầm than, thất thế, quả là hiếm có trên thế gian nầy.

Phương Nga

Có 31 bình luận về Nhớ một chiều ở Tam Bình

  1. nguyễn thị đức tính nói:

    Đọc chuyện củA Phuong Nga, vừa buồn nhớ lại một thời gian khổ, vừa cảm động với chút tình nguoi . Thuc ra thời nào, ở đâu cũng có nguoi tốt, người không tốt lắm . Hihi

    • PhươngNga nói:

      Chị Như Thường thân mến.
      PN có trí nhớ rất tốt. Thỉnh thoảng nhắc lại chuyện xưa với mấy bạn dạy chung. Họ khuyên PN nên cố gắng nhín chút thì giờ (bớt chơi games trên mạng!), nhớ tới đâu ghi lại nhất là mảng kỷ niệm thời sau 75 tới 89, đau khổ nhiều hơn vui sướng. Lắm lúc nhớ lại còn giật mình.

  2. Nguyễn Văn Lần nói:

    Anh cũng bị nhốt vào ngày 1.5.1975 hết 15 phút. Lý do : về thăm gia đình mà không mang sổ gia đình theo ( ! ? ). Nhưng cũng nhờ chú cán bộ tốt bụng, đến la mấy ” ông trời con” nầy một chập. Anh được tha, ra về, chào chú cán bộ đó, quay qua mấy ” ông trời con” đó, anh ” kênh- xì – po” xong mới chịu về !

  3. Hoàng Hưng nói:

    Ngày 30 tháng 4 mấy ông du kích vô tiếp thu hiền khô hà hong có bắt ai hết. Mấy ngày sau mới đến niêm nhà tui thôi. Tuần sau đứa em khoảng 6 tuổi đi lòng vòng chợ, vô nhà nói, sao mấy ngày nay không thấy mấy ông lính nào hết, chỉ thấy mấy ông lạ mang súng, không có mặc đò lính, không có mang giày.

  4. nguyentringuyen nói:

    Phương Nga ơi,
    Có phải con đường Phương Nga đi đêm ấy là con lộ 16 không, nối từ Tam Bình với đường Vĩnh Long – Cần Thơ.
    Con đường ấy 7 cũng có nhiều kỷ niệm đi bộ nhưng mà ban ngày chứ không như PN phải đi đêm. Đúng là đồng không mông quạnh và toàn nhiều loại…ổ! Nhỏ là ổ gà, lớn là vũng trâu nằm…!!
    Với lại 7 đi bộ từ Bình Minh xuống Ba Càng, theo lộ 16 đi tới khu trù mật Cái Sơn rồi theo học trò rong chơi trong khu trù mật. Chiều lại lội bộ về Bình Minh! Vì thời ấy rất hiếm xe đò. Nếu có thì 7 cũng không dám…ngồi trên mui! Mà chưa chắc bác tài chịu dừng xe khi thấy 7 quá ư…bự xộn, e 7 làm móp mui xe mất… mỹ quan!!!hihihi.

    • PhươngNga nói:

      Đúng là con lộ nối Tam Bình với quốc lộ Cần Thơ Vĩnh Long đó 7.
      Chị nhắc em mới nhớ, lộ nầy ổ nhiều thiệt đó. Mà 7 ơi, trong khu trù mật có gì vui không? Lúc nào 7 rảnh rổi kể cho mọi người nghe với.

  5. NGUYEN TUYET nói:

    Một chiều ở Tam Bình cuả PN , sợ muốn tim rớt ra ngoài , đi bộ trên con đường tối thui, rán mà quên đi PN ơi, đừng thèm nhớ cái quỉ quái đó nưã , NT đọc mà thấy rùng mình !

    • PhươngNga nói:

      Chắc chị NT sợ ma lắm hỉ? Hôm nào em kể chuyện ma hù chị chơi!
      Chọc thôi nghe, đừng…chửi. Nói thiệt tình nè. Em sẽ kể lại chuyện ma hồi em đi thực tập ở trường cấp hai Ngã Tư Long Hồ.

      • Phú Thạnh nói:

        Phương Nga ơi, bài em viết hấp dẫn quá đúng là Tây nam bộ…Anh đang đợi em viết “chuyện ma hồi em đi thực tập ổ Trường cấp hai Ngã Tư Long hồ…gần nhà anh đó…

  6. Một Lúa nói:

    Thập niên 80, mỗi 2 tháng là Lúa có dịp đi Saigon. Mỗi lần về đến lộ tẻ 16 (quốc lộ 4 cũ+Ba Càng) lúc xế chiều là hết xe về Tam Bình. Thế là hăng hái cuốc bộ 16 cây số, nếu trời chiều còn tỏ rõ thì tốc độ khoảng 5 km/giờ, đi ban đêm trên lộ trãi đá 4×6 đó đạt tốc độ 3-4 km/giờ. Đi đường khát nước thì có con kênh dọc theo lộ. Được một việc là nước sông lúc đó còn sạch và trên lộ thì có rất ít hoặc không có hơi và xe gắn máy Honda. Vì vậy mà một mình ta một con đường thênh thang, mặc sức mà lội…bộ, không sợ bị ủi. Lâu lắm sau nầy, thỉnh thoảng mình có nằm mơ thấy cảnh trời tối đi ngang bờ Mã tấu (đoạn giữa cầu Bằng Tăng đến cua ông Đốc), khoảng đó có ít nhà cặp lộ, không gian cây lá âm u lành lạnh rợn người.
    Cám ơn PN kể chuyện cũ quê tui.

    • PhươngNga nói:

      Anh Một Lúa và anh Cả Lần làm em thắc mắc. Bờ Mã Tấu có phải là chỗ anh em tụi em đi qua không? Nơi có đồn lính bỏ hoang đó phải không? Chỗ nầy ghê thiệt đó

  7. YMHTNh nói:

    Cán bộ thì phải là người tốt, nếu không thương Dân thì đâu phải là Cb, bây giờ chắc Bác ấy mất rồi.

    • PhươngNga nói:

      Hên xui thôi chị Thanh Nhi à. Có nhiều ông cán rất hắc ám, dù chỉ là cán nho nhỏ, ví dụ ông cán hiệu phó trường em dạy khi xưa

  8. Phi Rom nói:

    Bài viết rất tuyệt, càng đọc càng thấy thích vì phản ánh đúng hiện thực thời đó về cả dùng từ rất là đúng điệu…

    • PhươngNga nói:

      Quên kể cho chị PR nghe, du kích giử anh Cả em ca vọng cổ hay lắm. Ác có một cái, nghe anh Cả kể lại, chỉ hát một bài một thôi, có câu ánh sao bắc đẩu soi đường con đi…

  9. Nguyễn Văn Lần nói:

    Thân gởi Phương Nga và anh bạn đồng hương Một Lúa :
    Đường từ Tam Bình đến đầu lộ 16 bi giờ không còn rãi đá 4 x 6 nữa, cũng không còn cảnh đồng không mông quạnh. Nhưng có điều là bi giờ không ai cuốc bộ từ Tam Bình lên đầu lộ 16, tệ lắm cũng đi bằng Dream Tàu ( cả Lần còn có nữa là ! ). Nhưng ở thập niên 80, tui đã từng đi bộ từ Ngãi Tứ ra chợ Khu ( chợ Cái Sơn ) về Tam Bình, đi ngang bờ Mã tấu ( hú hồn). Trời tối đen như mực, đi với tốc độ khoảng “20 km/ngày”. Về tới Tam Bình, mừng quá, gọi 1 tô hủ tiếu khô ( chủ quán cho thêm ly trà đá, ly đường cát, mấy miếng chanh ). Mình sáng tạo, nặn chanh, quậy đường vô ly trà đá, xin thêm chủ quán miếng chanh để ăn hủ tiếu khô. Thế là ăn hủ tiếu khô, uống trà đá chanh đường, mà chỉ trả tiền có 1 tô hủ tiếu khô !

  10. PhươngNga nói:

    Anh Cả à, Dream Tàu là gì?
    Chuyện anh ăn hủ tiếu uống đá chanh làm em nhớ thằng nhỏ lối xóm. Lúc đó tô hủ tiếu bình dân đâu cở 100 đồng. Thằng nhỏ mọi khi chỉ có 50. Bà bán hủ tiếu tội nghiệp bán cho nó tô hủ tiếu chan nước lèo, không thịt. Một hôm nó bấm gan, kêu bả, bán cho nó 30 đồng hủ tiếu, 20 đồng thịt. Bà nầy háy cho một cái, nói: tao bán hủ tiếu chan nước cho mầy là vì tội nghiệp cho mầy. Còn bầy đặt chia 30 hủ tiếu, 20 thịt. Thằng nhỏ nầy giống em, nghèo mà ham

  11. Nguyễn Văn Lần nói:

    Trời ! Tội nghiệp cô giáo em của tui. Dream Tàu là Dream do Tàu sản xuất, y hệt như Dream II của Nhật, nhưng chất lượng thì ( ! ! ), giá cả chưa được 1/3 giá Dream II của Nhật. Còn hủ tiếu của người anh em lối xóm PN ăn không có thịt, thì anh cả đã ăn rồi. Gọi là hủ tiếu Ấn Độ cho sang ( người Ấn cử ăn mở ) !

    • PhươngNga nói:

      Có (Dream Tàu) còn hơn không?
      Bây giờ ăn hủ tiếu Ấn Độ hoá ra tốt hơn ăn hủ tiếu Mỹ (Tho) đó anh cả. Ăn thịt ít chừng nào đở bịnh

  12. nguyentringuyen nói:

    Phương Nga ơi,
    Cấp 2 NTLH cũng gần nhà 7 nữa nhưng không cùng xã với Anh Phú Thạnh. Nhưng chắc có lẽ em dạy chung với Đặng Kim Huệ ( giáo viên Anh Văn)??
    Còn việc 7 đi khu trù mật Cái Sơn là để năn nỉ bà con cố gắng đừng cho các em nghỉ học để giữ sĩ số lớp, đảm bảo chỉ tiêu ấy mà!
    Năm 1976, 1977, 7 chủ nhiệm nên đi quá trời đi. Đến khu trù mật Cái Sơn, 7 nhớ mãi có lần 7 lấy áo quần của mẹ của em Nguyễn Ngọc Thảo mặc để…bắt hến lên vừa nấu cháo với nước cốt dừa, vừa kho mặn để ăn với cháo…
    Bà con ở đây rất chân chất, lam lũ, nên ít em nào được đi học hết cấp 3! Đường sá trong khu trù mật còn quá nhiều cầu khỉ đúng khỉ. Cái body của 7 quá…ư bự nên buộc lòng lội sình! may mà những lần đi đó gặp nước cạn. hehehe. Thân ái. kiềutrinh.

  13. PhươngNga nói:

    7 à, em đi thực tập ở C2NTLH vào năm 78. Người hướng dẫn là cô Ngọc Thạch vợ của thầy Vỹ. Sau đó em về dạy ở cấp 2 Lộc Hoà tới 85 mới nghỉ.
    Nghe 7 tả cảnh bắt hến thấy thời đó sao mình khổ quá há.
    Chị chưa thấy tướng “phúc hậu” của em. Thấy rồi, sẽ thấy chị còn “phom” xịn lắm (em thấy hình chị rồi)

  14. Hoành Châu nói:

    Đọc bài của Phương Nga , Hoành Châu buồn man mác thắm thía tình đời , tình người….
    hôm nay được biết Phương Nga cũng là cô giáo , rất mến đấy. Chúc PN tạo nguồn cảm hứng để sáng tác thêm nữa nhé .Chào đồng nghiệp.

    • PhươngNga nói:

      Mến chào chị Hoành Châu đồng nghiệp của PN.
      Rất cảm động với lời động viên của chị.
      Tình đời, tình người là một quyển tự điển từ A đến Z, lật đến mỏi tay mà cũng không cảm thấy mình hiểu được bao nhiêu chị nhỉ?

      • Phương Mai nói:

        Đừng tưởng không phản hồi là không có ý kiến, văn ngang xè như vầy thì chỉ có Phương Nga! Mầy đi bộ từ hướng đó đi ra vừa đi vừa sợ, còn tao cũng có lần đi bộ từ hướng ngoài đi vô mà lòng đau tan nát nhém chút nữa là nhãy sông tự tử rồi, chỉ tại vì biết lội nên giờ mới còn nè!Hồi đó có lầntao với má tao đi về Trà Ôn đám giỗ, đi bằng xe lôi. Xui là giữa đường xe hư nên hai mẹ con đành cuốc bộ,Đi một đổi vừa đủ mệt bỗng có một chiếc xe hơi từ sau chạy trờ tới,trên xe là người rất đổi quen, hổng lẽ ổng không thấy mình sao không cho mình có giang?Hơi tủi thân một tí nhưng ráng dằn!Về tới đám giổ thì trưa trờ trưa trật . Cúng xong mãi lo ba điều bốn chuyên tới chừng xây ra kiếm người quen thì họ đã lên xe về rồi .Tới đây tao hỏi mầy làm sao dằn được nữa, tao khóc một trận quá trời.Sau này gặp lại, người quen kia phân bua:Tính chở hai mẹ con nó về chung rồi nhưng ổng không chịu, tội nghiệp con Mai, nó ham đi xe hơi!

        • PhươngNga nói:

          Tao dường như mang máng biết được người quen nầy thì phải? Tao mà như mầy thì cũng vậy thôi. Ngoài khóc ra, còn biết làm gì? Thích đi xe hơi? Hừ!

  15. Đọc câu chuyện của chị nhớ thời kỳ ngăn sông cắm chợ. Đi từ Vỉnh Long đến Sài Gòn không biết bao nhiêu tạm . Ba giờ sáng ra ben xe sáu giờ chiều chưa chắc đến được thành phố. Câu chuyện quá tình tiết chị ạ.

    • PhươngNga nói:

      Thời đó, chị PN cũng đi buôn chuyến ở SG nữa đó.
      Mua hàng ở VL đem lên Chợ Lớn bán. Xong mua hàng chở về.
      Tuyến đường VL-SG cơ man trạm thuế: Mỹ Thuận, Mỹ Đức Tây, Cái Bè, Bình Chánh…
      Tất cả nhũng trạm thuế nầy đã lấy không biết bao nhiêu nước mắt, mồ hôi, tiền bạc của gia đình chị…Ngoài ra còn thuế vụ “lưu động”, chạy honda thấy hàng mình chở, cho dù mới bị đóng thuế xong, họ vẫn có thể kéo về trạm, đóng thêm thuế “chênh lệch”

  16. nguyenthikieutrinh nói:

    Chị Phương Mai à,
    Ông bà mình hay nhắc: “thói đời ( tình đời) đen bạc” mà! Phải chi có 7 ở đám giỗ ấy, 7 sẽ khều và bỏ nhỏ chị Phương Mai rằng: “đừng nghèo mà ham đi xe hơi!” là Chị PM sẽ…tỉnh…rụi lại liền hà, hả Chị?
    Anh Võ Châu Phương ơi,
    Anh VCP còn nhớ trạm “Sơn Trạch, Sạch Trơn) không???! Vâng! Nhiều tình tiết bi hài lắm lắm….huhuhu!
    Thân ái. kiềutrinh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác