Nghèo Mà Ham

Ngày đăng: 5/05/2014 07:49:30 Sáng/ ý kiến phản hồi (21)

Phương Nga là cây bút quen thuộc của trang nhà, không cần giới thiệu dông dài. Văn của chị đọc rất vui , hóm hình. Thế nhưng, với truyện ngắn Nghèo mà ham thì cái cười của chị đã có phần chua chát, vạch ra cái tâm lý của  người giàu và người nghèo. Riêng đối với PN, nếu không trãi qua cuộc sống nghèo nàn, chị khó viết được những chi tiết đắt giá , cười ra nước mắt như thế này (SOS)

Voisen07
– Xuống nhà tắm dưới bếp mà tắm.  Nghèo mà ham!
Bà thiếm sáu bên vợ của chú Tư tôi rít khẻ qua hàm răng khi phát hiện ra tôi dùng nhà tắm có vòi hoa sen.  Bà ấy không dám la lớn vì sợ chú tôi nghe được.
Đó là lần thứ nhất, có người bảo cho tôi biết: Nghèo không có quyền ham.
Nói nào ngay, một đứa con nít tám tuổi như tôi làm gì thấu hiểu cái triết lý sâu sa đó.  Thấy cái gì lạ và đẹp là muốn thử.  Ở nhà muốn tắm, nước trong lu, cứ lấy lon xối.  Tới lúc được ba má dắt đi ăn đám giổ ở Cà Mau, nhà chú Tư, mới tỏ con mắt ra. Ối chà, nhà tắm sao mà sang quá! Chú tư chỉ cho anh em tôi cách mở vòi nước búp sen. Có lẽ anh em tôi (nghèo) ham quá nhiều, thay nhau thử nhà tắm hiện đại nầy, làm bà thiếm sáu thấy chướng mắt cũng nên?
Lúc ấy, tôi biết nhà mình nghèo, thiếu thốn đủ thứ. Do đó, cái nghĩ của tôi rất đơn giản: vì không có gì cả, nên thấy cái gì cũng ham là lẽ thường tình.  Tại sao là “Nghèo mà ham”?.  Tuy thế, thấy nét mặt bà thiếm sáu nầy, tôi cạch, cút xuống nhà tắm dưới bếp, dành cho người làm mà tắm.
Lúc về tới nhà, tôi hỏi má
-Tại sao nghèo không được ham hả má?
– Hỏi cái gì kỳ vậy?  Má tôi hỏi ngược lại
Tôi kể lại cho má nghe lời lẽ của bà thiếm sáu.  Má tôi lặng người, không nói gì, nhưng vẻ mặt rất bức xúc.  Tối đó, tôi nghe lõm được câu chuyện giữa ba má
-Thiếm Sáu, bả khi dễ nhà mình nghèo.  Bả cho rằng mình xuống để bòn của gia đình chú thiếm tư.  Má nói
– Thôi hơi sức đâu chấp nhứt người dưng.  Miễn em tôi nó không nghĩ như vậy là được rồi.
-Nhưng tôi buồn nhứt là cách bả nói nặng nhẹ với con tôi.  Tụi nó là con nít nào có tội tình gì mà bả xiên xỏ như vậy?
Lớn lên một chút, mới hiểu rộng ra cái thâm thuý của câu, “Nghèo mà ham”.  Câu nầy cần đi kèm với “Gối rơm theo phận gối rơm”.
Lúc ấy, nhà tôi từ Cần Thơ dọn qua Vĩnh Long.  Ba tôi nhận chức quản lý bệnh viện.  Gia cảnh khá giả hơn chút đỉnh, nhà tắm đã có hoa sen!  Tôi lại chuyển qua ham cái khác, một cái máy Akai để nghe nhạc.  Sang ăn tết nhà chú Tư ở Sa Đéc, năm 1974, chú của tôi đổi về đó, thấy dàn Akai cùng với tủ đựng nhạc mà thèm.
– Con thích cuồn nào, đưa cho chú vặn lên cho nghe.
Tôi như mở cờ trong bụng, lấy ngay cuồn Anna 5.  Chú vặn lên rồi đi công việc.  Tôi nghe được bản “Tous Les Garçons et Les Filles”, thiếm tư tắt một cái cụp.  Thôi chết, tôi lại quên cái vụ “Nghèo Mà Ham” nữa rồi!
Từ dạo đó cho tới ngày tôi rời Việt Nam sang Mỹ, lúc nào tôi cũng “ham” cái máy Akai hay là cái cassette để nghe trọn cuồn Anna 5, ít ra cũng một lần.  Nhưng đó chẳng qua là một ao ước viễn vông!
Sau nầy kể cho ông John nghe những mẩu chuyện đời “nghèo mà ham”, chồng tôi rất ngậm ngùi, mắt có vẻ ươn ướt.
– Nếu lúc đó mình quen với nhau, anh sẽ tìm mọi cách gởi cho Nga một cái cassette.
– Phải gởi hai cái.
– Chi vậy?  Nghe một cái không đủ hả?
– Phải hai cái.  Bán một cái, chừa một cái.  Chứ không thì làm sao có tiền đóng thuế hải quan?
Tuần qua, trong lúc chấm bài, tôi mở YouTube, nghe đi nghe lại Anna 5, trọn bộ. Tuy không ai nói mình nghèo mà ham, không biết sao cái cảm giác phấn khởi khi nghe lại những bài hát mình từng mơ ước thuở xưa không còn nữa.  Thời thế đã đổi thay, và tôi cũng đổi thay?  Có lẽ ?
Phương Nga

Có 21 bình luận về Nghèo Mà Ham

  1. Phú Thạnh nói:

    Phương Nga mến!,
    Hòan cảnh Nghèo mà ham thật đáng thương!. Thật không biết sao có sự trùng hơp kỳ lạ, mới đêm hôm qua, thức khuya không ngủ được, anh vừa nghe giọng hát ngọt như mía lùi của Sully Vertan trong bản Tous Les Garcons et Les Filles. Sáng nay anh đọc bài viết của em, anh giật mình…Hồi đậu Tiểu học xong, anh được gởi ra Tỉnh ở trọ nhà người mợ để học tiếp…nhưng anh cũng bị la “Nghèo mà ham” như trường hợp của em vậy: Không được học đèn điện, chỉ đèn dầu thôi. Anh đành phải trở về quê đi xe đạp…10 cây số…

    • PhươngNga nói:

      Hồi xưa em mê nghe nhạc lắm. Không có tiền mua cassette, đành chịu khó ngồi đồng ở quán cà phê nghe nhạc. Hên, gặp quán chơi nhạc hợp gu với mình thì ngồi hoài tới lũng ghế của người ta. Xui, cũng ngồi luôn vì lúc đó tán dóc với bạn bè tới thành phố lên đèn luôn.
      Bây giờ, đi làm oải quá. Hàng ngày em chạy xe hơn 100 cây số, không vặn nhạc lên nghe mà vặn ra dô, nghe tin tức. Đời sống quả là nhạt phèo!

  2. NGUYEN TUYET nói:

    Đọc bài viết cuả PN , chị thầm trách bà thím cuả PN sao mà dở tệ, bả không có rộng lượng và quãng đãi với cháu chít ruột cuả chồng , lâu lâu mới ghé thăm nhau 1lần , chứ đâu có phải thường xuyên . Bây giờ bà thím đang ở đâu , còn ở bên ấy hay đã qua đây rồi ! Dù sao chú cuả PN cũng tốt bụng mà .

    • PhươngNga nói:

      Bà thiếm nầy không phải là vợ của chú tư em. Bà ấy là thiếm vợ của chú tư. Kiểu bà con tính tới sáng mơi cũng không ra!
      Sau khi em sang Mỹ, nghe nói bà ấy bị giựt hụi, nợ nần chồng chất, phải đi bưng bánh bán rong rất tội.

  3. Nguyễn Văn Lần nói:

    Người nghèo cũng có cái lạc quan của người nghèo chứ PN ! Ai hỏi nhà anh cả có thiếu gì không ? Anh cả mạnh dạn trả lời : Nhà tui hỏng thiếu thứ gì hết ! Chỉ thiếu nợ !

    • Phi Rom nói:

      Cả Lần nói nghe tự tin ghê ta, tui thấy cả còn thiếu đó, cả muốn tui xì ra hong?

    • PhươngNga nói:

      Bên nầy có một hội chứng tự vẫn. Trớ trêu thay, nguời tự vẫn đa số là dân nhà giàu. Các nhà tâm lý học nghiên cứu thì biết ra, mấy người nầy do giàu quá, hết còn ham gì nữa. Họ mất đi sự trói buộc với cuộc sống. Trong khi đó mấy người nghèo, như em, không thiếu gì, chỉ thiếu nợ, không bao giờ có ý định tự tử. Vì lỡ chết rồi, chủ nợ sẽ cạo đầu khô ông John của em. Tội nghiệp ổng!

  4. Hoàng Hưng nói:

    Ngược lại người Mỹ làm chung kể lại cho tôi nghe cảnh nghèo ở miền Trung. Tôi không biết miền Trung, chỉ biết được phố Nha Trang. Một lần đi Đà Lạt chỉ đến được Liên Khương. Tôi biết người Mỹ nói thật vì ông ở miền Trung nhiều năm, nhưng tôi không ngờ sao mà tơi tả quá.

  5. Phi Rom nói:

    Đọc bài của PN chị thấy nó thấm thía làm sao về cái chiện đời, cách đối xử của mấy bà thiếm thiếu tình người, quá coi trọng vật chất để lại ấn tuợng cho các cháu, tuổi thơ rất khó quên…Hôm qua chị ngồi trực, em bảo vệ KS em nầy kể chiện hồi còn nhỏ, “nhà con ở tận vùng sâu vùng xa, it ai có xe đạp lắm, lâu lâu có chiếc xe gắn máy của người lạ chạy vào trong xóm tụi con xúm nhau chạy theo xem, còn con thì chạy lại ngởi bánh xe, ngởi cái bô xe” chị kêu trời, nhưng sự thật đúng thế, PN viết rất tuyệt, ai nói cô giáo dạy toán khô khan bao giờ…

    • PhươngNga nói:

      Nhớ hôm hai chị em mình nói chuyện không?
      Em nhớ có nói Người Á Châu nói chung, có một cái dở là “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Bà thiếm mà em đề cập tới là một điển hình. Hồi em còn ở VN, có biết một bà là vợ bác sĩ, mà hách xì xằng không chịu nỗi. Ai cũng phải gọi bà ấy là bà bác sĩ trong khi bả chưa học hết trung học.

  6. Hoài Thương nói:

    Lúc nhỏ ai cũng thế thôi chị NT ạ, em nhớ hồi nhỏ nhà chưa mua nổi cái tivi , tối nào cũng thả bộ khoảng nữa cây số để xem ké, có nhiều nhà tốt thì kg sao, gặp nhà khó khăn thì này nọ lắm. Tại mình “nghèo mà ham” nên phải chiụ Vậy thôi chị ơi.

  7. YMHTNh nói:

    PN ơi! Lúc nhỏ nghèo mà ham đủ thứ, mơ đủ chuyện, ham hoài đến già và vẫn ham. Tại vì mình “hiếu hốn” hoài nên mãi ham.

    • PhươngNga nói:

      Theo em nghĩ, ham không phải là cái tội.
      Mình ham chứ không tham, phải không chị TNh?
      Mình Yamaha chứ đâu phải Yamatha. Khà khà…

  8. Hoài Thương nói:

    Ôi giời ôi, cho em xin lổi chị PN, bài của chị mà em gõ nhầm qua chị NT.

    • PhươngNga nói:

      Bạn Hoài Thương, tui cũng từng trải qua cái cảnh coi cọp TV nhà hàng xóm.
      Nhớ hồi xưa mê coi đá banh. Ác thay, ông hàng xóm chỉ thích cải lương. Vặn TV lên, thấy đá banh, lúc đó giải thế giới Mexico 1986, Pháp đá với Brasil, ổng tắt một cái cụp! Tui buồn quá về nhà ngủ hổng được đêm đó. Ổng hổng có chê tui là nghèo mà ham. Tại vì “không cùng đường nên không đi chung” đó mà

  9. Tuan,Thao C5 ( 1979 ) nói:

    Chi Ba, nghèo ma ham cua chi đọc xong thay buồn. Nêu em la chi se thanh “nghèo ma khôn” bang cách tam ngay 10 lan, tim cách pha cai may cho hu luon.

  10. Một Lúa nói:

    Phương Nga,
    Bây giờ PN nghe Anna 5 không còn cảm giác như ngày xưa. Chuyện đó giống như tâm sự của những lão bạn Lúa:
    – Tao bây giờ ăn thịt bò như củi mục, lại khoái mắm chưng, lòng tong kho khô mới ác chớ!
    Hehe

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác