Những mẫu chuyện của bệnh nhân

Ngày đăng: 3/03/2014 09:04:02 Sáng/ ý kiến phản hồi (14)

“ -Tốn hơn 2.500.000đ bao xe lên SG khám bệnh được gặp BS chưa đầy 5 phút! ”. Câu nói thật lòng của thầy giáo cũ làm tôi thấy ray rứt. Dù thầy không có ý mỉa mai nhưng sao hai con số cứ như lờn vờn, thách thức nhau. Quả thật tôi cũng có những bệnh nhân (BN) từ Phú Quốc, Hà Tiên, Quảng Ngãi, Nha Trang lên thành phố khám bệnh. Cảm giác đầu tiên là tôi thấy đồng nghiệp của mình có lỗi. Có thể vì không giải thích rõ ràng cho BN hoặc vì không có nhiều thì giờ để lắng nghe BN hay thậm chí vì bản tính cố hữu là không muốn nghe BN nói nhất là những lời kể lể dông dài, ta thán! Và tôi thấy mình cũng phạm lỗi nếu như không tìm ra đúng bệnh cho BN.  Họ cất công tìm đến đây, vất vả vượt đoạn đường dài, bỏ cả công ăn việc làm chỉ mong gặp BS nói hết dấu hiệu bệnh tật, đôi khi thổ lộ cả nỗi lòng…Nhưng sao BS quá đỗi lạnh lùng! Có khi BS khám bệnh mà chẳng thèm nhìn mặt BN!

*“ – BS ơi, lần trước BS quên cho tôi thuốc bao tử.

 – Có chứ, thuốc số 5 đó chị, tôi ghi rõ kế bên tên thuốc mà.” Chị ngập ngừng nhìn tôi “ BS ơi, tôi không biết chữ. ”

 – Vậy nhờ con cái đọc cho nghen .” Chị bỗng òa khóc nức nở. Chị có đứa con gái duy nhất mười ba tuổi. Chị chăm lo cho nó từ việc học hành cho đến ăn mặc chỉ sợ con mình thua kém bè bạn trang lứa. Nhà chị nghèo, mồ côi cha, đông anh em nên thiệt thòi. Chị bù đắp cho con tất cả những gì chị từng thiếu thốn. Đứa con gái chỉ biết đón nhận và xem đó như là lẽ tự nhiên! Con bé thường đến khám với tôi vì sốt, đau họng và ho. Trông nó không đến nỗi ương bướng. Tôi lân la trò chuyện. Có hôm tôi nói “ nếu cô là mẹ con, cô sẽ không cho con đi học.” Nó tròn xoe mắt nhìn tôi, tôi nhẹ nhàng nói tiếp “ vì mẹ không biết chữ, cho con đi học là vô ích. Con nghĩ lại xem, cô nói đúng không ? Con may mắn được đến trường, con không thấy thương mẹ mình không biết đọc, biết viết sao ? Mẹ nhờ con đọc có mỗi toa thuốc, con nặng nhẹ mẹ đủ điều trong khi con có thể giúp mẹ học được chứ”… Bẵng đi một thời gian, tôi không nhớ đến mẹ con chị. Bỗng một hôm nhân ngày thầy thuốc tôi nhận một lẵng hoa hồng nhỏ xinh xinh kèm theo thiệp chúc mừng với dòng chữ nguệch ngoạc non nớt “ BS ơi, mừng ngày thầy thuốc 27/2. Chúc BS vui khẻo (khỏe) và hạnh phúc. BN không biết chữ.” Tôi lặng người xúc động, vui sướng.

*“ – BS ơi, cứu con, con chỉ có 1 lần thôi mà… Ba con biết là giết con. Giúp con với BS ơi ”. Cô bé nấc lên, sụp xuống chân tôi. Tôi nắm tay nâng cô bé đứng dậy. Thuyết phục cô bé giữ lại cái thai 10 tuần tuổi là vấn đề không đơn giản. Cô bé đang hoảng loạn. Tôi khuyên nhủ, dỗ dành cô bé. Miễn là cô bé chịu gặp chị bạn của tôi – một bà nội trẻ rất thông cảm và thương yêu cháu gái lỡ lầm. Nhờ tài “ ăn nói ” của chị cô bé đồng ý về sống ở mái ấm. Mái ấm chúng tôi tự nguyện giúp các em lỡ lầm. Mái ấm chúng tôi tìm gặp ba mẹ cô bé để thuyết phục họ chấp nhận cháu ngoại dù là ngoài ý muốn. Mái ấm chúng tôi không phân biệt bà mẹ và các bé. Đại gia đình mà ông ngoại – người sáng lập mái ấm – là người độc thân. Chúng tôi có hơn ngàn đứa cháu ngoại, đứa nào cũng thật dễ thương. Đôi mắt chúng trong veo. Nụ cười chúng ngây thơ. Những bà mẹ đơn thân nhưng lòng đầy can đảm dám giữ lại đứa con và quyết nuôi dạy chúng nên người. Dù không nói ra chúng tôi thầm trách những người cha vô trách nhiệm, những con người bội bạc. Lối sống ích kỷ, thực dụng là căn bệnh trầm kha của thời đại.

*BN tôi đến khám định kỳ với mắt trái bầm tím. Ngoài giờ lái xe đưa rước học sinh, anh còn chạy xe ôm kiếm tiền cho con học thêm. Một cuốc xe đêm 50.000đ đến địa chỉ cụ thể. Gần đến nơi vị khách này bỗng nài xin đi xa hơn nữa, là phía sau nghĩa trang tối mịt. Anh hoảng sợ khi nghĩ đến chuyện cướp xe nên từ chối. Thế là nó xuống xe chẳng những không trả tiền mà còn vung tay đấm thẳng vào mắt anh. May là có người đi đường….Anh thuộc diện bảo hiểm hộ cận nghèo nên toa thuốc nào tôi cũng tính toán để anh khỏi phải đóng tiền vượt ngưỡng. Phòng khám tôi hổ trợ người nghèo bằng cách không thu phí khám bệnh. Đó cũng là lý do vì sao tôi chọn nơi này dù tiền lương không cao lắm. Anh bệnh mãn tính, chị vợ mới phát hiện bị u đại tràng. Anh lo lắng, bận bịu nuôi vợ bệnh, không thấy đến tái khám theo hẹn. Tôi thấy lo lo, mong cho gia đình nhỏ của họ bình yên.

*“ – Lâu quá chú không khám bệnh rồi thuốc đâu uống ?

 Người đàn ông gầy gò gần bảy mươi tuổi nhìn tôi ngập ngừng “ đợi con dâu cho tiền cô ơi. Vài tháng nó cho năm, bảy chục ngàn…”

– Chú nhớ đừng tự ý bỏ thuốc nghen.

– Khổ lắm BS ơi! Con trai tôi bỏ đi lâu rồi, không tìm ra tung tích. Con dâu lấy người khác và dắt thằng đó về ở nhà tui.

– Chú không nói gì sao?

– Tôi già rồi, sống nay, chết mai. Hai giọt nước mắt lăn tròn trên đôi má già nua, hốc hác.

*Bà mẹ cõng con trai hơn 2 tuổi trốn BV Nhi Đồng (Đồng Nai) đi xe bus xuống SG tìm tôi. Bà mẹ không tin  bệnh viện này vì nằm hơn tuần lễ vẫn không biết bé bệnh gì và chuẩn bị ngày mai làm xét nghiệm máu đóng tiền đến 500.000đ. Trước đây tôi từng khám bệnh giúp hai cháu con chị. Lần này bà mẹ cũng nhận toa thuốc không tốn tiền. Tiếc rằng hôm đó tôi không mang theo nhiều tiền gởi cho hai mẹ con cháu.

*“ – Lần sau không biết tui còn được khám bệnh nữa không BS ơi.

– Sao vậy anh? Cao huyết áp, tim mạch anh uống thuốc mỗi ngày đó nghe.

–  Ở phường kêu tui đóng phân nửa tiền mua bảo hiểm.

Anh ở nhà thuê, chạy xe ôm, vợ bệnh tật ở nhà nhận xếp bao bì ( giấy), cô con gái làm công nhân lương 3.500.000đ/tháng. Cô con gái đầu lòng mất nhiều năm trước vì điên loạn. Tìm đâu ra 300.000đ lúc này…

* Hai vợ chồng cùng bước vào. Người vợ trấn tĩnh chồng, khích lệ “ nói với BS đi ”. Người chồng được BV Vĩnh Long và Phòng khám Loan Trâm chẩn đoán xơ gan, theo dõi ung thư. Hai vợ chồng khóc hết nước mắt, đành chờ chết. Không hiểu sao có người cùng ở Phước Định khám bệnh với tôi và hai vợ chồng quyết định đến Phòng khám này… Rất may người chồng chỉ bị V. gan B. Anh đều đặn, đúng hẹn mỗi tháng hai lần đi SG lãnh thuốc, định kỳ 3 tháng kiểm tra lại bệnh. Tôi khuyên anh vào BV VL khám bệnh, lãnh thuốc nhưng anh ngại ở đó không cho đúng thuốc. Tiền thuốc anh hưởng theo bảo hiểm tốn kém không nhiều nhưng tiền xe hàng tháng ngốn mất 500.000đ. Vậy là cứ 2 tuần tôi đăng ký khám bệnh, lãnh thuốc dùm anh và gởi về qua xe Phú.

*Anh bị cường giáp, suy tim uống thuốc liên tục gần một năm nay. Nhắc anh thử máu kiểm tra chức năng tuyến giáp, tim mạch anh hẹn lần lữa vì không đủ tiền ( lý do này về sau tôi đoán biết ). Thử máu xong, cho toa thuốc anh nán lại tôi hỏi chuyện. Hai vợ chồng thiếu 300.000đ mua đậu đường bán chè, hỏi vay tiền thì bị buộc vay đủ 500.000đ bắt trả tiền lời 100.000đ mỗi tháng. Người ta hẹn anh tối nay đến lấy tiền vay.

*Riêng anh không là BN của tôi. Mùng 4 Tết năm đó tôi ghé đất thánh ( Tân Ngãi ), thăm nhà thờ Fatima. Tôi lang thang, bách bộ về nhà. Tôi nhác thấy anh lê lết, đôi chân teo quắt, hai bàn tay xỏ đôi dép kẹp rướn người chậm rãi đi mà như bò dưới ánh nắng gay gắt. Tôi quay lại hỏi cặn kẽ về anh. Anh tên Bé, quê Trà Ôn, bỏ xứ lên VL lang thang bán vé số. Hơn tháng sau anh nhận chiếc xe lắc Kiến Tường trong niềm vui bất ngờ. Cám ơn soeur N. đã tin tôi dù chưa một lần gặp mặt, cám ơn nhà hảo tâm Kiến Tường giúp tôi dù chỉ nói chuyện qua điện thoại. Cám ơn cha Sở Fatima vất vả tìm anh, rao trong nhà thờ như rao hôn phối, nhờ đó giáo dân dò tìm ra địa chỉ anh ở trọ.

BN của tôi khốn khó như vậy thì làm sao tôi dửng dưng cho được. Trong cuộc sống tôi tự nhủ, nhắc nhở mình nhìn xuống. Nhìn xuống, nhìn xuống, cúi xuống thấp hơn, thấp hơn nữa để thấy những mảnh đời tơi tả, để mở chút lòng nhân ái, bao dung. Tôi giúp BN không hề tính toán, có khi rất kín đáo – BN không hề biết toa thuốc, tiền làm cận lâm sàng đã có người thanh toán mọi chi phí….Thật là mâu thuẫn… khi tôi định sắm sửa cho mình, tôi cân nhắc từng li từng tí nhưng khi cho BN tôi chẳng nghĩ ngợi điều gì! Người nghèo ngay trước mặt tôi, người nghèo nhan nhản nơi tôi ở…. mỗi người có cách riêng tùy điều kiện và khả năng giúp họ ….thì xin ai đó đừng buộc người khác đóng góp theo cách của mình! Hãy mở lòng ra với mọi người…

                                                                                                 THANH THỦY

  ( Đây là tấm hình tôi thích nhất )

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Có 14 bình luận về Những mẫu chuyện của bệnh nhân

  1. BẠCH LỘ nói:

    Đọc những dòng đầu BLcảm nhận chắc là bài của bạn rồi. Thật vậy, TT luôn sẳn lòng chia sẻ với những cảnh đời khốn khó,bất hạnh mình rất cảm mến. BL chẳng làm được gì hết, chỉ biết san sẻ niềm vui đó của bạn mình thôi.Chúc TT có thật niềm vui với “tấm lòng nhân ái” !

  2. ngocthusa nói:

    gửi Bs Thanh Thuỷ NT cay mắt rồi khi đọc mẩu chuyện bệnh nhân . gửi đến BS lời chia sẻ  < bác sĩ đầy lòng nhân ái , cảm thông cho những mãnh đời bất hạnh , mong còn nhiều tấm lờng như bs Thuỷ!!! thân ái 

  3. trương mẫn nói:

    Bài viết thật, lay động lòng người xem, có biết bao cảnh đời cần những người có lòng theo hoàn cảnh nghề nghiệp của mình. Tôi cảm kích lắm, cám ơn dàn trãi của cô Thanh Thủy

     

  4. Thanh Nhi nói:

    Bs Thanh Thủy ơi ! Càng cúi mình càng thấy những mảnh đời bất hạnh, nhìn tấm hình chị nghĩ ai cũng thích,riêng chị nó là tấm gương cho chị soi lại mình hàng ngày, ” người khuyết tật giúp người tàn tật, lá rách đùm lá nát”.Cảm ơn Bs Thanh Thủy đã nhín thời gian viết lên chuyện của Bệnh nhân.

  5. NHA nói:

    Đã đọc…Con đường đời bạn đã,đang và tiếp tục đi đẹp lắm đấy bác sĩ THANH THỦY. Rất ngưỡng mộ. Cám ơn.

  6. Thu Nguyệt nói:

    Thật cảm động trước những mảnh đời còn nhiều khó khăn. Thật cảm mến và ngưỡng mộ những cử chỉ đẹp và tấm lòng vàng của BS Thanh Thủy. Đáng yêu lắm một nữ BS vừa đẹp nết vừa đẹp người!

  7. Hoàng Hưng nói:

    Thật ngưởng mộ. Tôi đọc rất lâu mới xong bài này. Mỗi một đoạn phải thở dài, bỏ ra sân ngắm những hạt cô 9 vừa gieo đã nẩy mầm để thư giản.

  8. Thanh Thủy nói:

    Anh chị quý mến,

    Chỉ là những  việc  làm nhỏ nhặt trong tầm tay em thôi mà…Em nghĩ khi gặp hoàn cảnh đáng thương như vậy mọi người đều đưa tay cứu giúp….

  9. Phú Thạnh nói:

    Ý kiến của tôi : Y chang 7 phản hồi ở trên. Xin  cám ơn BS Thanh Thủy….   PT*.

  10. Một Lúa nói:

    Chào bác sĩ Thanh Thủy,

    Đọc xong bài của bác sĩ Thanh Thủy, Lúa tôi vơi bớt phần nào 2 nỗi buồn.
    – Thằng em từ huyện Bình Minh lên Sài Gòn khám định kỳ. Thường là nó đi trước một đêm để sáng ra gặp bác sĩ sớm rồi trưa lên xe đò trở về. Mỗi lần gặp được thần y không quá 3 phút. Có một lần, thay vì tranh thủ hỏi tình trạng bệnh, thần y rầy nó làm mất thì giờ bởi hành động kéo chiếc ghế bệnh nhân đối diện với ngài, do thói quen thầy giáo quê mùa của nó. Phải chăng những bộ mặt ngầu của những người mệnh danh phục vụ thiên chức và nhân chức nầy,  ngầm mang một nhắn nhủ gì đó.

    – Một cháu gái là bác sĩ ở Sài Gòn, ngày mai đến kỳ sanh (mỗ bụng). Chiều hôm trước ba má nó mang bao thơ đến nhà vị bác sĩ trưởng ca mổ ngày mai.

    +++Rất  ngưỡng mộ và chân thành cám ơn những tấm lòng nhân hậu, lương y như từ mẫu của bác sĩ Thanh Thủy và các bác sĩ khác.

    Một Lúa

  11. Thanh Thủy nói:

    Anh Một Lúa,

    Em thấy phần đông các BS đều như em nói trong bài… Về chuyện bao thơ….Lần đó em đọc báo Tuổi Trẻ thấy ca ngợi y đức BS V.L.C .Em giới thiệu cho nhỏ bạn đưa bác trai vào khám bệnh. Bác ấy được chỉ định mổ. Trước mổ,nhỏ bạn gởi BS C. 1 bao thơ…BS C. trả lại không nhận. Em buột miệng khen BS C. tốt như bài báo viết. Nhỏ bạn em lạnh lùng nói ” không phải. Ổng nói tiền trong bao thơ không xứng với ca mổ của ổng “. Nó phải bỏ thêm tiền vào. Như vậy đó anh. Người BS đã quên mất mình là ai rồi!

  12. Tiến Đạt nói:

    bài viết của bs Thanh Thúy cảm động quá. ở các thành phố lớn , tìm bs có tấm lòng nhân ái , hình như “hơi bị hiếm”. Kể cả ngành giáo dục, tìm thầy giáo có “tấm lòng với học trò” cũng “hơi khó”. Mong rằng ngày càng có nhiều bs như bs Thanh Thúy để cuộc đời “cảm thấy đẹp và có thật ở quanh ta”.

  13. tamhoai nói:

    ……………………………………………………………………….

    Người nghèo ngay trước mặt tôi, người nghèo nhan nhản nơi tôi ở…. mỗi người có cách riêng tùy điều kiện và khả năng giúp họ ….thì xin ai đó đừng buộc người khác đóng góp theo cách của mình! Hãy mở lòng ra với mọi người…

                                                                                                     THANH THỦY

    Đợc bài viết…tác giã ghi lại vài cãnh đời của các bệnh nhân …rồi kết luận như tôi trích dẩn ở trên.Nếu các BS ở Việt Nam đều có tâm như Thanh Thúy thì đở khổ cho người dân biết bao!.Ở bên nầy tôi nghe rất nhiều chuyện thương tâm của bệnh nhân ở VN bị mấy ông,bà NHÀ THƯƠNG? hành hạ mà đau lòng.Nhìn cách đối xử với bệnh nhân ở xứ người…nhìn về Luơng y như từ mẫu ở xứ mình mà rơi nước mắt. Cứ hô hào chữ DÂN mà Dân thì bị ức hiếp mọi bề…Ôi thời nhiểu dương.BUỒN!””””””””””.HTH

  14.  BS Thanh Thuỷ thân, tôi có quen bs Thanh Thuỷ con của ông thầy tôi ( Thầy dạy môn văn), chị ấy làm chung khoa nhi bs Lệ trưởng khoa ở BV Trà Vinh. Tôi làm việc ở BV nầy với chị một thời gian chị về Vỉnh Long.  Có Thanh Thỉ là BS tôi biết đó không? Nếu chị không ngại cho tôi biết một số thông tin về chị. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác