Téc-ki-la (Truyện viết cho ngày cuối năm)
Những ngày mới tinh của tôi trên nước Mỹ đúng vào mùa hè nóng bỏng năm 1990. Gia đình tôi vừa định cư đúng tuần lễ, hồn vía lơ ngơ chưa kịp định thần. Một hôm có một người trạng tuổi vừa quá lứa trai tráng, dáng dấp phong trần, cao to vạm vỡ, anh ta bình thản gõ cửa nhà, giọng nói của người miền tây nam bộ. Chúng tôi rảnh rổi, sẵn trong bụng cũng muốn làm quen với đồng hương, nên mở rộng cửa kính mời người “trước lạ sau quen”. Anh ta tự nhiên và thân mật như đã biết tôi từ ba kiếp trước. Tôi cũng láu táu không kém nên trò chuyện vừa hết ly cà phê đá và hai bình trà lạnh thì tôi biết anh chàng đó nhỏ hơn tôi vài tuổi, trước kia làm thợ máy ở phường Hai, chợ Cà Mau.
Thời điểm bà con cần ghe bền máy mạnh nên anh ta có thu nhập rất vàng son, vợ con hạnh phúc, nhà cửa đàng hoàng nơi tỉnh thị phía cực nam đất nước. Một ngày nắng ráo đẹp trời vào tiết thanh minh, anh ta nhận hàn điện và sửa hệ thống lái cho một tàu đánh cá. Việc làm ước lượng 2 ngày, nhưng chỉ tốn một ngày rưỡi là xong xuôi hoàn hảo, chủ tàu trả tiền công cho anh hậu hỷ không ngờ. Còn nửa ngày lỡ cở, chủ tàu mời anh lên quán gần bến tàu đãi nhậu tưng bừng. Anh thợ máy kết ông chủ tàu chịu chơi hào phóng nên nhậu thả ga. Trong bụng anh vui vẻ nghĩ thầm, ngày mai không ngồi dậy đi làm thì với tiền công anh vừa nhận, vợ con cũng đủ tiền đi chợ không chừng được nửa tháng.
Những vụ trúng mánh như vầy không phải là hiếm, nhưng tiệc rượu nầy được người rót rượu, anh thợ cao hứng uống hoắc cần câu, đến nỗi không còn biết hướng nào là trời đất. Khuya đêm đó anh ta giật mình tỉnh giấc, thấy mình nằm trong khoang tàu, dưới sàn lưng có tiếng máy chạy đều đều. Nhờ ánh sáng của chiếc bóng đèn điện cà na, anh khám phá trong ca-bin nầy toàn đàn bà và trẻ con nằm ngủ la liệt. Anh ta bò ra chiếc cửa thông ra lái tàu, đứng vung vai trong không khí lành lạnh đang len qua chiếc áo ka-ki đầy mùi mồ hôi, dầu nhớt, khói hàn và mùi rượu thuốc có ngâm con chim bìm bịp. Mặt biển đen ngòm lấp loáng ánh trăng lưỡi liềm treo chênh chếch trên bầu trời đầy sao của nửa đêm về sáng, con tàu không đèn đơn độc lướt tới giữa trời nước bao la. Có lẽ chất rượu ban chiều còn xà quần trong óc, lúc đó anh ta cũng chưa biết đã bị bắt cóc trên tàu vượt biên, đang từng phút xa lìa vùng đất mủi.
Mới nhìn chúng tôi chuyện trò tâm đắc, ai cũng tưởng tha hương ngộ cố tri thứ thiệt, thật ra chỉ là chuyện làm xàm không chủ đề rõ rệt. Riêng tôi thì nghĩ rằng gặp người vui tánh. Nhưng sau nầy tôi mới hiểu lúc đó anh ta cố ý dò xét tôi xuất thân từ giai cấp thầy chú hay phó thường dân, hoặc là moi ra một chút manh mối gốc gác quý phái hay bần hàn dân dã của tôi. Đến khi thấy tôi xòe ra 2 bàn tay còn chai sần do vừa buông cây cày cây cuốc ở ấp Năm, một vùng quê sâu xa còn trong tình trạng đồng chua nước chát chốn quê nghèo. Anh ta mạnh dạn thố lộ mục đích đến đây là rủ tui đi làm “job clean-up” nhà cửa, công ty do anh làm chủ kinh doanh.
Bởi sợ tôi từ chối, anh ta lên gân cổ trấn an: “Công việc của mình là dọn dẹp những món đồ lặt vặt trong những căn nhà do chủ cũ để lại, hút bụi lau gạch và có thể dọn dẹp chút đỉnh bên ngoài. Thường là những món đồ nặng như giường chõng, bàn ghế, tủ kệ, TV máy móc, chủ nhà đã dọn đi rồi, mình tới chỉ là thanh toán rác rưởi cú chót. Mỗi ngày làm 8 tiếng, cơm trưa tui lo, chiều về phát lương 40 đô ngay tại chỗ”. Tôi tưởng mình nghe lộn nhưng không dám hỏi tới lui vì sợ anh ta hiểu lầm. Tôi lẩm nhẩm trong bụng, mới hôm qua mình quá giang xe thằng cháu, thấy xăng có 99 xu một gallon. Mà lương của mình những 40 đô một ngày, có thể đong được 150 lít xăng thì làm gì cho hết hở trời. Tôi mừng rơn người, hơn cả những lần đi vườn tìm được bãi núm mối mọc lén gò hoang, hay lúc cho trâu ăn trên đồng, vô tình hốt được trứng chim cúm núm. Cố nén gương mặt nôn nao đang hừng hực, tôi ráng làm bộ thản nhiên:
– Chừng nào tôi đi làm được.
– Sáng mai đúng 7 giờ rưỡi, tôi đến đón anh.
Nói chuyện cả buổi chiều với ông chủ mà tôi quên hỏi công ty mình đang đầu quân tên là gì, có bao nhiêu trự đàn ông và không biết có cô nàng nửa chừng xuân nào phụ giúp tảo thanh phần nội thất. Trong giấc ngủ chập chờn chờ ngày mai “tôi đi làm”, mình tạm nghĩ ra một cái tên “Công ty chà láng”, để làm mục tiêu nhìn theo dệt tròn mộng đẹp.
Tháng Bảy ở vùng bắc bán cầu, mới 5 giờ 30 mặt trời lên đỏ rực. Tôi uống xong ly cà phê cử sáng, vớt thêm một ly giảo thì đồng hồ mới chịu chỉ ngay chỗ mình mong muốn. Bước lên chiếc xe Van thùng kín, lui cui dọn dẹp băng ghế và chỗ để chân vì tôi không muốn gát lên những chiếc thùng mốp đựng nước uống và đống báo chữ Việt nhàu nát. Ông chủ còn ngừng xe chờ tui vài phút mới dọn xong chỗ ngồi giữa ông và thằng Mễ chần dần im re như pho tượng. Tôi định hỏi ông chủ còn rước thêm ai, nhưng kịp dừng miệng vì còn ghế nào nữa mà ngồi, kể cả không thể ngồi trên sàn xe với đống đồ nghề nằm chồng chéo hổn độn trong thùng xe.
Xe hướng về thành phố, bon bon trên những con đường thoáng rộng và sạch sẽ, được trang điểm bằng cây cảnh và những thảm cỏ vuông nhỏ được cắt tỉa xinh xắn. Đây là lần thứ hai mình vô thành phố nầy với vai tuồng khác. Lần đầu tiên vào đêm thứ hai tuần trước trong chiếc xe của người bà con đi rước gia đình mình khi mới đến phi trường. Bởi lần đầu đi máy bay với hai mươi mấy tiếng hành trình, người nào cũng mỏi mệt sật sừ, nên không chú ý ngoại cảnh khi xe chạy ngang một đoạn của Philadelphia, một thành phố và các vùng phụ cận có dân số trên 5 triệu người, đông dân thuộc hàng “top 5” nước Mỹ.
Công việc hôm đó là dọn dẹp một căn nhà có hai phòng ngủ ở lầu 19 trong một cao ốc chung cư. Trong khi ông chủ đi lấy chìa khóa ở văn phòng quản lý thì tôi và anh chàng Mễ dọn đồ nghề trên xe xuống. Thang máy vận chuyển vật dụng của cao ốc bị hư, chúng tôi phải đi chung thang máy với dân cư nên cứ bị người ta xua tay vì đồ cồng kềnh và dơ bẫn. Lên tới chỗ dọn dẹp mới tá hỏa tam tinh, muốn vào nhà phải dẫm đạp lên quần áo chăn màn móc áo, thùng bọng, giày vớ giấy báo nằm lền khênh trên mặt thảm. Dọn dẹp những rác rưởi bề bộn nhưng dồn hết vào bao rác cũng không mất thì giờ. Đụng với rác cứng mới biết đá vàng, cũng may là chiếc ghế sofa dựng đứng lọt lòng vào khoang thang máy, chỉ có mấy tấm nệm mút là phài dùng dây cuốn tròn như đòn bánh tét cho nhỏ lại. Trước khi ông chủ lên xe đi mất, ổng căn dặn: “Việc nặng anh kêu thằng Téc-ki-la nó làm”. Nhưng khiêng chiếc ghế sofa hay cái bàn, cái tủ thì mỗi thằng một nửa, chớ làm sao chia nó gánh sáu mình gánh bốn. Nó bự con đâu là cái tội, vả lại nó cũng lãnh lương y như mình. Thằng Téc-ki-la cũng dễ thương, nó lãnh phần hút bụi thảm và chùi sàn nhà, giao cho tôi phần nhẹ hơn là lau chùi cửa kiếng. Nhưng nó đâu biết tôi có máu “xâm”, tôi bước lên chiếc thang nhôm 6 feet vói chùi khung kiếng cửa sổ, lén nhìn bên dưới thấy xe chạy nhỏ xíu tự nhiên chóng mặt. Thế là tôi phải lánh nhẹ tìm nặng, cũng tại mỗi người một số.
Sau ngày đầu tiên đi làm, đêm đó có chút đau mình, nhưng truyền thống nông dân chèo ghe vác lúa và trình độ chữ nghĩa không cho phép tôi chạy mặt công việc nặng nề nầy. Nhưng dù sao cũng phải hy vọng có khi nầy, vầy khi khác. Sáng hôm sau công ty chà láng đổ quân trước cửa một căn biệt thự rất đẹp, ông chủ rất chuyên nghiệp bấm số mật mã trên chiếc hộp đính vào tay nắm cửa để mở lấy chiếc chìa khóa chứa trong đó. Ông chủ kêu Téc-ki-la mang đồ nghề vô nhà trong khi chỉ dẫn chúng tôi làm những gì, ông lại căn dặn nhưng khác hôm qua: “Anh làm xong trước 12 giờ, tôi đem cơm trưa ăn tại đây, chiều mình làm chỗ khác”. Hai thằng dợt nhẹ một hơi đến 11 giờ thì căn nhà sạch bóng. Tôi đang dọn đồ nghề gom lại gần cửa để trả công cho thằng Téc-ki-la hồi sáng dọn vô một mình, nó khều khều: “Mầy muốn uống Téc-ki-la”. Tôi ngơ ngác không hiểu nó nói gì, thì nó mở nắp cái thùng nhựa 5 gallon lấy ra một chai rượu. Tôi ngạc nhiên hỏi nó:
– Chai rượu nầy từ đâu mà sáng nay tao không thấy.
– Tao lượm trong tủ nhà bếp, nhưng chỉ còn nửa chai.
Tôi cầm cái chai lên xem, à thì ra Tequila là tên rượu sản xuất nơi quê hương của nó. Ông chủ kêu nó Téc-ki-la chăc là tình hình giống thằng Hai Để con nhà chú của tôi, mà dân ấp Năm ai cũng kêu Hai Đế chết danh từ mấy năm trước. Đúng ngọ thì ông chủ đem tới ba hộp ham-bơ-gơ nóng hổi và ba ly cà phê đá. Thằng Téc-ki-la lấy 3 chiếc ly nhựa dùng uống nước rót rượu vào lưng lững bằng cở hai ly xây chừng. Tôi từ chối vì nhiều lẽ, tôi không thích rượu, chiều còn đi làm và quan trọng là chai rượu đã khui. Thấy mặt tôi hơi thắc mắc, ông chủ giải thích: “Thằng nầy nó mê Tequila hồi còn bên Mễ, mấy năm nay nó làm với tui cứ hễ gặp chỉ một hiệu đó là nó lượm, ve lưng đầy không cần biết. Bữa nay nó uống với ham-bơ-gơ là thường, có bữa nó uống với phở, anh thấy mới sợ”.
Làm cho công ty chà láng tuần lễ, tôi mới biết ông chủ cũng là sâu rượu. Thường thì ổng đi đâu không nói, khoảng 3 giờ chiều thì ghé chỗ chúng tôi. Còn việc thì ổng nhảy vô làm phụ, hết việc thì ổng ra xe xách thùng Budweiser 24 lon vô khao quân, thưởng tướng. Thử hỏi gần đèn kiểu nầy làm sao không sáng. Tật ghiền rượu của tôi thành hình hồi nào không ai biết. Việc làm và việc rượu của tôi đang êm trời gần 2 năm thì một bữa bà xã bàn chút chuyện:
– Em nghe người ta nói ông chủ của anh bị cảnh sát treo bằng lái 6 tháng, hèn gì hổm nay anh lái chiếc xe Van của ổng, anh còn nói dối là đem xe về nhà mình cho tiện. Ngày mai anh trả xe cho ổng, có người lái thì đi làm, không thì tìm chỗ khác. Anh bị treo bằng lái hay có tai nạn do rượu gì thì ai nuôi vợ con, anh có giàu như người ta mà đua đòi.
Căn bệnh ghiền rượu của tôi bắt đầu từ những ngày ham vui nơi “Công ty chà láng”. Tập tành chỉ 2 năm mà 20 năm không rứt ra được. Ông bà xưa hay nói, sau mỗi thành công đều có cái giá phải trả. Nhưng ông bà bỏ sót trường hợp sau mỗi thất bại, người ta phải vay nợ trể trả cái giá món đồ mình chưa bao giờ cầm lấy. Vụ thứ nhì sao thấy quen quen.
Nguyễn Thế Điển
Hay quá! Sao mà bạn hiền càng viết càng hay! Bài thơ trước viết hai câu chót thật là độc đáo, chưa kịp hoan hô thì có truyện nầy. Mình thấy có những thủ pháp, chiêu pháp mà ngay cả Nguyễn Ngọc Tư cũng chưa từng sử dụng, phải không Ngọc Vinh? Chúc bạn một năm mới hạnh phúc và có thêm nhiều bài cho anh em đọc. Thân, Q Đ.
Chào anh Quách Đào,
Hôm tui gởi bài nầy có kèm hình chai rượu Tequila. Ông Lương Minh gởi mail cho biết không thể dùng hình đó vì phạm luật quảng cáo rượu ngoại. Anh ta kiếm ở đâu ra cái hình 2 thằng người tuyết hình như khiêng cái miễu để minh họa như trên đầu bài. Tui thấy hình chai rượu đẹp mà bỏ uổng, nên vớt vát:
– Vậy thì anh lấy chai rượu đó uống hàm thụ đi.
Anh biết Lương Minh cũng đâu phải tay cán dá:
– Uống hàm thụ thì được rồi, nhưng sỉn hàm thụ ra làm sao?
– Bó tay
– Bó tay là kiểu sỉn hàm thụ hả.
!!!
Bài này hay quá , nếu được đọc trên đài radio Bolsa thì tuyệt lắm,vì bài này viết thực tế và gần như ai ở trong vùng cũng hiểu những cuộc sống tương tự như thế này. Mong là sắp tới sẽ có những bài viết hay như vầy nữa nhe anh NG Thế Điển.
Chào bạn Hoài Thương,
Mới đầu tui đặt tựa bài là “chuyện ở huyện” , sau đó sửa lại là chuyện ở quận. Viết chừng nửa bài tui sửa lại là <công ty dọn nhà>, lại nghe giống tiếng lóng của giới giang hồ nên khi gặp thằng Téc-ki-la thì tui kết nó luôn. Hihi
Tôi không biết có bao nhiêu loại Tequila, tôi mới có món quà Tequila Silver, vừa khui nếm thử, không hơn nổi rượu nếp Hòa Hiệp bạn ơi.
Hoàng Hưng ơi,
Tui có thử qua một ít rượu dưới dạng đế như Vodka của Nga, cao độ nhưng hét. Sake của Nhật, Soju của Hàn có hơi hớm nhẹ mùi nhẹ độ như rượu gạo ngọn của mình (20% alcohol), như tông miền quê Rạch Giá. Dĩ nhiên tất cả thua xa đế Xuân Thạnh, Gò Đen, Hòa Hiệp. cao độ mùi nồng và có hậu. (Giống như hậu rượu của vợ thằng Sáu Bờ-rô. Haha) Phần trong dấu ngoặt không cần đọc.
Tôi muốn biết 1Lúa là ai từ lâu…cái dí dõm của bạn nầy tôi chịu lắm.Hôm nay qua đoạn viết cho Quách Đào mới biết ông có tên là Ng. Thế Điển.Đọc Téc-Ki-La tôi kếi cái văn phong của bạn lắm…chuyện đời thường…hơi tếu tếu…hơi cay cay…chữ nghĩa tuôn chảy tự nhiên như nói chuyện với nhau…Đúng như Quách nào nói so với Nguyễn Ngọc Tư thì hơi khác một tí …vì bạn là đực rựa nên giọng điệu mạnh dạng hơn,pha chút tếu…tỉnh bơ …người đọc bạn như tôi cười tủm tỉm một mình….Cái ông nầy thiệt là….! Còn Ng.Ngọc Tư thì êm nhẹ như những con rạch ở vùng Cơi Nam..rì rào như đám rừng tràm . Cám ơn bạn nói đến cái Job đầu tiên khi đến Mỹ…Cái Job đầu tiên của tôi là đi cắt cỏ.Hôm nào tôi kể cho bạn và các bạn khác đọc chơi..Tôi viết được một khúc rồi không biết sao ngưng ngang xương…đọc truyện của bạn tôi thấy hứng.quá…sẽ viết tiếp.Thân mến.HTH
Chào anh Tâm Hoài,
Cám ơn bình luận của anh.
Tôi ít đọc bài của các tác giả thành danh vì sợ giao thoa từ ngữ. Do đó mà tôi không theo kịp những kỷ thuật tân tiến. Nhưng viết chỉ giải trí thôi. Bài viết trúng thất cũng như ủ rượu nhờ nếp nhờ men và cũng nhờ thời tiết. Haha
Một Lúa thân ơi!,Rất vui được biết tên thật của bạn. Đọc tất cả bài viết của bạn, lần nào tui cũng tủm tỉm cười hoài, cười là cười khoái chí đó chứ không phải cười chê à nghe…Bài này của bạn, tui khoái và OK nhất là cụm từ “…ít đọc bài của các tác ghả thành danh “, sao mà hợp ý thế! Do vậy cho nên văn vẻ của tụi mình ít đụng hàng…hể đoc vài câu là biết của ai liền hà…Thôi , ráng viết nhiều nữa đi sẽ được lên đai… Hai Lúa! ha!…ha!…
Tôi lại nghĩ khác hơn 2 bạn ở chổ…”Ít đọc bài…sợ giao thoa từ ngữ”.Thật ra từ ngữ nó đã có sẵn…. viết chỉ là ghép chữ lại cho thành câu…..
Ngay hồi nhỏ khi tập đọc, tập viết…mình đã đọc nhiều bài của họ rồi…cái quan trọng là kết chữ nghĩa lại…Mình viết làm sao người đọc thích là thành công.Tôi cũng viết tài tử chơi cho vui với mình và bạn bè thôi…Còn sự giao thoa chắc chắn phải có…đụng hàng khi mình cóp nguyên văn của họ rồi làm của mình(Đạo văn)
Một điễm nữa….Chia xẻ tâm tình với nhau chứ tôi không dám BÌNH LUẬN…Tôi chưa có đẵng cấp để làm điều đó 1Lúa hiểu cho tôi…Tôi viết lên cảm nhận của mình thôi….Xin tha cho tôi một keo đi nha bạn.Cám ơn bạn.HTH
Chào anh Phú Thạnh và Tâm Hoài,
@Anh Phú Thạnh ơi,
Những chuyện về nông thôn em đều hỏi bà xã (cô Lụa). Do đó mà hai vợ chồng em gộp lại (1 Lúa + 1 Lụa) mới đủ 2 Lúa đó anh ơi.
@Anh Tâm Hoài ơi,
Trao qua đổi lại thì phải vậy mới vui mới công bình, “sức chơi thì sức chịu”. Chẳng có gì hoặc chẳng có ai để gọi là tha hay kết cả, anh đừng bận tâm những vặt vạnh. Những lời tôi nói trên đó là tự răn của mình lâu rồi, với hy vọng không phiền bà con, còn giữ được hay không cũng tùy duyên. Haha
Anh viết xong chuyện ở quận của anh chưa, tui thì rảnh rổi và thích viết nên cứ tám hoài, cứ bị bà xã la “bỏ qua đi sáu” hoài.
Phải công nhặn cái cách viết văn cuả anh Thế Điển , lồng từ quê hương dạo phố qua đại dương , rồi gặp tec..ki..la gì đó… sao mà hay , hấp dẫn và độc đáo quá chừng…. NT xin lỗi … cả tuần qua NT không có cơ hội đọc vì bài dài … NT để dành từ từ cũng sẽ tới La Mã thôi … khi đọc qua PH cuả anh Hoanh và anh Quách Đào… và cuả huynh HHg, Tam Hoài , PT* , HT và các ACE….NT tò mò quá đi thôi…đọc từng chữ , từng câu để xem và hiểu La .. ki ..tec là cái gì… hi hi,” hay tuyệt cú mèo ”
Anh Thế Điển thân mến, phải chi anh qua Oregon chơi, em dắt anh đi uống tequila. Em trót lở mua một suất ăn qua Groupon ở nhà hàng Mễ. Ba chớp bốn nháng, thấy giá rẻ mua đại, tới chừng đọc kỷ lại mới thấy, họ bán tequila đại hạ giá. Em thì không biết uống rượu ngay cả bia. Bị ông John chọc, “Bà cứ đi ăn uống thoải mái đi, xong rồi phone cho tui rước về.” Chắc là em “ngậm” cái coupon nầy quá!
Chào Nguyễn Tuyết và Phương Nga,
Cám ơn hai người đẹp đọc và bình luận.
Năm nẳm Lúa tui có đến Cali ăn bánh cuốn Tây Hồ. Lúc đó đâu biết có nhiều bạn bè mà rủ rê nhậu nhẹt. Có dịp đến Cali lần tới, tui ráng ở lâu hơn để đi Las Vegas kiếm chút xăng nhớt, gạo thóc, rồi thẳng lên Oregon nhé. Haha
Anh Một lúa, càng viết càng hay.
Năm mới chúc anh có nhiều có nhiều sáng tác, chúc anh gia đạo bình an, con cháu thành công.
Cám ơn những lời chúc tốt lành của Võ Châu Phương.
Mình viết 10 bài, chỉ cần 1 hoặc 2 bài được cô bác chấp nhận là đạt.
Một Lúa kính chúc Võ Châu Phương và quý quyến: Năm mới Giáp Ngọ 2014 an khang, thịnh vượng và hạnh phúc.