BẠN TRẺ THÂN THƯƠNG
Hơn mười năm trước tôi tham gia chuyến dã ngoại đầu tiên cùng giới trẻ. Đưa người khuyết tật, khiếm thị đi Vũng Tàu… Tôi hình dung nỗi vất vả, khó khăn không kém các cô giáo nhà trẻ dẫn các cháu đi bơi! Những đôi chân cứng đờ, quặt quẹo, bước đi không phải là đi, là rướn mình lê lết nặng nhọc, là oằn mình khập khiễng. Những đôi mắt mở to, trắng dã, những hố mắt trũng, sâu quắm, nhắm nghiền. Cất tiếng khóc chào đời là đồng nghĩa đón nhận số phận nghiệt ngã. Bạn trẻ của tôi hãy còn rất trẻ, tràn đầy nhiệt huyết, năng động và lắm trò nghịch ngợm, lém lỉnh. Nếu một phút bạn trẻ lơ đễnh thì sao? Tôi có phần lo lắng…. Thoắt chốc bạn trẻ đã xóa tan nỗi lo của tôi. Mỗi bạn trẻ đi kèm một người khuyết tật. Bạn trẻ không ngần ngại kề vai, xốc nách người bạn mới leo dốc thậm chí cõng bạn mới nhẹ nhàng bước từng bậc thang leo núi. Bạn nữ đẩy xe lăn thành thạo, vai khoác túi thức ăn. Cứ thế chúng tôi lên núi, xuống biển. Bạn trẻ nhanh chóng hình thành vòng tròn hàng rào người chắn sóng bảo vệ bạn mới. Bạn mới hầu như chưa từng nếm vị mặn của biển, chưa từng biết cảm giác sóng biển dập dềnh dưới chân, chưa từng được reo hò, nhảy nhót giữa thiên nhiên….Trong màu đen tối thẫm tuy giam hãm đời người nhưng không cầm giữ được tâm hồn bay bổng của người khiếm thị. Bạn mới vẫn cảm nhận tinh tế màu xanh mằn mặn của biển, màu xanh dịu mát của bầu trời, mùi hăng hắc của đất giữa trưa hè gắt nắng, hơi gió phe phẩy khi trời ngả về chiều. Bạn mới hồn nhiên đùa vui thỏa thích như bao đứa trẻ nghịch ngợm, bạn đào hang, bạn đắp lâu đài theo trí tưởng tượng… chúng tôi nhìn các bạn, nước mắt rưng rưng. Buổi tối chúng tôi ngồi xen kẽ bên nhau. Bạn mới, bạn trẻ chuyện trò, đàn hát với nhau. Không ít bạn mới sử dụng thành thạo 4 loại nhạc cụ. Những đôi tay tài hoa nhẹ nhàng, điêu luyện lướt phím. Âm thanh bổng trầm từ chiếc harmonica, hòa quyện tiếng piano thánh thót, tiếng guitar trầm buồn. Tiếng đàn của bạn chơi vơi như tiếng lòng thổn thức. Bạn không than thân trách phận, không căm phẫn nguyền rủa cuộc đời, không oán hận người nhẫn tâm bỏ rơi mình. Bạn ước ao một lần được nhìn gương mặt mẹ, được thấy ân nhân của mình. Bạn vững tin mình đang sống trọn vẹn cho tình yêu, một tình yêu vĩnh cửu. Bạn lạc quan, bạn hồn nhiên ngụp lặn trong mật ngọt cuộc đời. Đức tin của bạn như đốm lửa ấm áp bùng lên, lan tỏa, sưởi ấm tâm hồn ai đó vốn nguội lạnh nhiều năm. Câu chuyện đời của bạn khiến vài bạn trẻ cúi mặt. Trở lại thành phố, tháng 12 chúng tôi tổ chức bán đấu giá một bức tranh thêu. Toàn bộ số tiền đó tặng Mái ấm Thiên Ân, chủ nhân từ chối mang tranh về vì nghĩ rằng bức tranh thêu đó sẽ đẹp hơn nếu được treo nơi Mái ấm của bạn. Bạn trẻ, bạn mới là bạn của nhau từ ngày đó….Và kể từ đó chúng tôi còn nhiều dịp vui chơi với nhau.
Một ngày bạn trẻ làm cha mẹ! Thoạt nghe là lạ, khó hiểu. Bạn trẻ dẫn các bé cô nhi đi chơi. Mỗi bé được một bạn trẻ chăm chút như con của mình. Cha mẹ một ngày khéo léo cho con ăn, dắt con đi tắm biển, kiên nhẫn đắp lâu đài cát, bắt dã tràng, nhặt vỏ sò, ốc, chơi đùa cùng con. Các bé ngạc nhiên khi nghe tiếng mẹ, ngước mắt thơ ngây nhìn mẹ, nhìn ba. Chiều trả bé về cô nhi viện bé khóc nức nở vẫy gọi mẹ ơi….Bé không hiểu nổi tại sao bé chỉ có mẹ, có ba một ngày. Một ngày – dù thật ít ỏi cũng đủ để lại trong lòng bạn trẻ nỗi niềm lưu luyến. Tôi nghe có tiếng thở dài nhè nhẹ đâu đó…Tôi thoáng thấy giọt nước mắt lăn dài trên má mà bạn trẻ cố giấu đi…
Bạn trẻ đến nơi trời đã tối. Miền quê khô cằn, nghèo khổ này đa số là người Khmer. Trăng mười bốn bàng bạc tỏa sáng. Đi bộ hơn cây số, tay xách nách mang, bạn trẻ nghêu ngao hát, chẳng than thở một lời. Thiếu nhi xếp hàng dài chờ bạn trẻ. Một tối tưng bừng vui nhộn, ngọt lịm hương vị bánh dẻo, bánh Trung thu – quà của bạn trẻ. Đèn Trung thu đủ màu sắc bập bùng, chao đảo trong gió. Bạn trẻ hình như không biết mệt, không thấy vầng trăng chênh chếch ngả phía tây tự lúc nào! Sáng hôm sau bạn trẻ là người hướng dẫn chuyên nghiệp, giữ trật tự cho bác sĩ khám bệnh. Với Thới Long Xuân cũng vậy. Bạn trẻ vượt quãng đường hơn 200km, đi ghe máy, xuồng chèo đến tận nơi thăm gia đình nghèo khổ, bệnh tật. Đã có vài trường hợp bạn trẻ đưa bà con về thành phố trị bệnh. Bạn trẻ đón tiếp, chăm sóc họ như người nhà. Bạn trẻ thức suốt đêm bên bếp hồng, trò chuyện râm ran, kịp nấu cho bà con vài món ăn ngon ngày mai. Trên chuyến xe trước khi về lại thành phố thường bạn trẻ nhẵn túi – bạn vét đến đồng bạc cuối cùng gởi lại nơi mình sắp rời xa.
Làm sao tôi quên được bệnh nhân ( BN ) bị sỏi kẹt niệu quản đau đớn lăn lộn. Dù tôi đã khuyên BN nên vào BV nhưng BN đó vẫn đến khám lần thứ hai và chỉ xin toa thuốc uống giảm đau. Hỏi ra BN chạy xe ôm, không tìm đâu ra 3.600.000đ nhập viện. Tôi gọi bạn trẻ. Em tức tốc đến ngay. Hai ngày sau em gặp tôi. “ Con đưa anh ấy nhập viện mang theo 6.000.000đ, đóng mọi chi phí, nay anh đã về nhà, tiền còn lại gởi tặng anh luôn ”. Tên người bệnh đó tôi nhanh chóng quên nhưng việc làm của bạn trẻ tôi trân trọng ghi nhớ. Những Minh, Nhật,Trang, Khoa…và còn bao nhiêu bạn nữa chỉ gọi duy nhất một tên chung: Fiat.
BN tôi lớn tuổi, góa bụa, neo đơn. BN tôi nghèo khổ, thiếu ăn. Tôi kể với bạn trẻ. Bạn trẻ họp nhau, âm thầm tỏa về các địa chỉ. Thương quá tấm lòng bạn trẻ. Bạn là sinh viên, bạn là viên chức, bạn giúp việc cho nhà hàng…. Những đồng tiền chắt chiu cho dù mệnh giá nhỏ nhưng giá trị vô cùng to lớn. Bạn trẻ đã cho đi không chút tính toán, ngại ngần. Bạn trẻ đã trao tặng bằng tất cả tấm lòng! Bạn trẻ sẵn lòng bỏ cả sáng chúa nhật mang quà đến thăm từng gia đình khó khăn. Bạn trẻ sửa giúp chiếc bàn ọp ẹp, chái bếp dột nát. Bạn trẻ lui tới thường xuyên chăm sóc, trò chuyện với bé bệnh Down, rối loạn tâm thần nhẹ. Có khi bạn trẻ ghé thăm BN tôi chỉ để ngồi nghe người già tâm sự. Người già cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Người trẻ lạc lõng, bơ vơ nơi đất khách quê người. Hai tâm hồn cô đơn và lạc lõng của một già, một trẻ. Bất chấp thời gian, tuổi tác hai trái tim đồng điệu rung lên nhiều cung bậc cảm xúc. Tôi gọi là người già vì muốn có sự khăng khít giữa người già và người trẻ. Người trẻ giúp người già bằng sức trẻ của mình. Bù lại người già truyền kinh nghiệm sống của mình cho người trẻ. Mỗi người già là một pho sách quí. Mỗi người trẻ là một độc giả trung thành. Quyển sách đời không có trang cuối bao giờ.
Bạn trẻ tíu tít chuẩn bị lễ cưới cho cô dâu. Lễ cưới trong hoàn cảnh này thì chúng tôi mừng vui khôn tả. Tôi không muốn dùng từ lỡ lầm. Em nhẹ dạ nhưng em cương quyết giữ lại đứa con của mình. Điều đó làm chúng tôi cảm phục dù không hề khích lệ sự nhẹ dạ, cả tin. Tôi càng quí trọng các bạn nữ tình nguyện đến sống chung và chăm sóc các em chờ ngày mẹ tròn con vuông. Giúp các em kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh, tôi cố tình nhắc nhở kinh nghiệm nuôi con lần sau. Em ngập ngừng nói làm tôi muốn khóc “ chắc không có lần sau nữa cô ơi! ”. Tôi nhớ lớp Agape. Đôi lứa yêu nhau dắt nhau đi học, hớn hở bước vào đời sống hôn nhân. Các em được trang bị gần như đầy đủ kiến thức để sống viên mãn hôn nhân thánh hóa. Tôi thẫn thờ nghĩ ngợi… Nếu tính đến ngày hôm nay tôi có đến trên một ngàn đứa cháu ngoại! Đứa nào cũng đẹp tinh khôi như thiên thần.
Bước sang tháng 12 bạn trẻ rộn ràng chuẩn bị mùa vọng – mùa tha thứ và yêu thương. Không chỉ trang hoàng hang đá đón Chúa Hài Đồng, bạn trẻ không quên trang điểm lại tâm hồn mình. Nói đến Giáng Sinh là nhắc nhớ đến hang đá và cây thông Noel. Những dải kim tuyến óng ánh, những trái châu xanh đỏ đong đưa, quyến rũ, những ngọn nến lung linh, những dây đèn nhấp nháy đủ màu và ngôi sao sáng rực lấp lánh trên cành lá xanh mượt. Hình như mọi người đều yêu thích cây Noel. Bạn trẻ của tôi cũng vậy, chăm chút, tỉ mỉ trang trí hàng giờ không chán. Sau lễ bạn trẻ tất tả hòa vào dòng người đến địa điểm của những người cơ nhỡ, vô gia cư. Bạn trẻ hóa thân thành Santa Claus mang theo chút niềm vui và tình người cho những người kém may mắn. Đêm thánh thiêng tôi nghĩ đến giá lạnh của máng cỏ, sự dửng dưng vô cảm của con người mà cảm thương những ai lang thang trong đêm vô định. Cây thông Noel dẫu có đẹp rực rỡ vẫn không sao rứt tôi ra khỏi hình ảnh cô bé bán diêm! Cây thông Noel lộng lẫy hiện ra trong ánh sáng vàng vọt, lập lòe của que diêm thứ ba… Cô bé cố gắng níu giữ ngọn lửa bùng lên rực hồng quanh que gỗ. Đến que diêm cuối cùng cô bé chết cóng vì rét buốt ở một xó tường, môi đang mỉm nụ cười hạnh phúc. Có bao nhiêu cô cậu bé tương tự cô bé bán diêm trong đêm đầu năm đầm ấm? Mọi người trên thế giới vẫn vui vẻ đón giao thừa, mừng năm mới….
Bạn trẻ, cho tôi gọi các em như vậy để hoài yêu thương và quí trọng những người trẻ biết sống giữa đời thường. Tôi luôn xem giới trẻ là bạn và là người đồng hành muôn thuở của tôi. Dù bộn bề cuộc sống, dù vất vả mưu sinh, dù bạn trẻ đơn thân giữa Sài thành cám dỗ nhưng vẫn giữ được nhịp đập yêu thương. Đến với nhau trong những chuyến đi ngắn ngày, hay chuyến đi dài bằng đời người chỉ vì chúng ta có chung một luật để tôn trọng, gìn giữ, đó là luật Yêu thương. Tôi không còn trẻ về tuổi tác nhưng tôi “ trẻ dai ”- có lẽ nhờ thích sống với bạn trẻ, quen thầm thì, rủ rỉ cùng bạn trẻ quanh năm. Độc đáo của bạn trẻ là khi đi không hề hỏi cụ thể nơi đến ( chẳng hạn biết đi Kontum là đủ rồi ), không quan tâm chính xác ngày giờ về ( chỉ cần biết ngày về ) và dĩ nhiên không xem trọng việc đi với ai. Trái tim yêu thương thôi thúc! Đi là đi thế thôi! Chỉ một cú phone là bạn trẻ quyết định, sửa soạn lên đường.
Này bạn trẻ, hôm nay tôi dắt theo đứa con gái duy nhất, cầm tay nó tôi giao cho các bạn với niềm mong mỏi và tin tưởng mãnh liệt con gái tôi sẽ trở nên giống như các bạn trẻ thân thương của tôi.
THANH THỦY
( Thân tặng các bạn trẻ Fiat )
Dường như tôi có gặp tác giả tại lễ thôi nôi của trang nhà. Không ngờ một bác sĩ mà viết văn hay như vậy. Câu chuyện cũng có hướng về điều tốt cho mọi nguời suy nghĩ. Mong được đọc thêm những truyện ngắn như vậy.
Ông Mập, trang nhà có 2 bác sĩ viết truyện hay quá.! (Ngoc Thu sa)
Bấy lâu nay tôi cứ nghĩ, tuổi trẻ bây giờ chỉ biết huởng thụ hay thờ ơ với những người khốn khó (nhìn con cháu ở nhà thì biết) Đọc truyện này, tôi được biết còn có những người trẻ sống đẹp như thế này. Tôi đã giới thiệu cho các cháu tôi đọc, không biết chúng có bắt chước không, nhưng mong chúng có suy nghĩ.
Chị Ngọc Thu sa,
Cám ơn chị đã đọc bài và nhớ đến tác giả. T.T đang lờ mờ nhớ ra chị đây ! Ồ! phải ” kiện” anh Minh mới được vì bài có đoạn bị mất chữ ở hàng đầu tiên…nhưng người đọc vẫn hiểu hết ý. Hay thật.
Bạn Nguyen Thi,
Tạm gọi là bạn, mong thông cảm. Còn khá nhiều chuyện cảm động của bạn trẻ mà T.T chứng kiến. Hy vọng giới trẻ bao giờ cũng đẹp rạng ngời từ phong cách sống đến tâm hồn!
Trong một xã hội mà mỗi sáng lật tờ báo ra đọc, nhìn lên màn hình chạm phải tin những kẻ gây ác cứ xãy ra thường xuyên hằng ngày, thì còn biết bao tấm lòng như TT đang ẩn khuất, thầm lặng tạo nên hạnh phúc cho những số phận không may bằng chính trái tim thật của mình. Với TT tôi có gặp một lần, giờ không nhớ rõ, nhưng bài viết thì vẫn còn đọng lai, khó quên.