Quê ngoại tôi ơi

Ngày đăng: 21/07/2012 01:55:37 Sáng/ ý kiến phản hồi (8)

” Con sông Phụng Hiệp chảy ra bảy ngả…”

Bến đậu của chuyến xe đò duy nhất mỗi ngày từ quận Tam Bình đến Cần Thơ nằm ở khoảng giữa của con đường lớn từ bệnh viện Thủ Khoa Nghĩa đi xuống phía bờ sông để gặp cuối dãy chợ nối dài từ Bến Ninh Kiều.

Có lẽ đây chỉ là chỗ được phép đậu nhờ dọc theo lề lộ có thời gian qui định cho một ít xe đò từ các quận nhỏ, nên sau khi đổ khách và xuống hàng xong, xe phải chạy chỗ khác để trả lại không gian rộng lớn nhưng ít xe cộ lưu thông cho con đường mà người ta chỉ quen gọi là Hàng Bả đậu. Lệ thường mỗi ngày, chiếc xe nầy chỉ lại xuất hiện đúng chỗ trước giờ về chừng nửa tiếng để lên hàng và rước số khách thưa thớt đang chờ sẵn, vào thời kỳ mọi người còn thư thả an nhàn, trong vài năm đầu của thập niên một chín sáu mươi.

Sáng sớm hôm nay, mới cách đây chừng hơn hai tiếng, đôi bàn chân của mình còn mạnh dạn thích thú bước lên những miếng ván gập ghềnh long chong của cây cầu cạnh chợ xã Ba Phố, một trong ba cây cầu sắt trên con đường nối liền hai Quận Tam Bình – Trà Ôn, chiều dài tuyến đường chỉ trên dưới 10 km, sau đó nhập vào lộ đá của Trà Ôn hướng đến Cái Vồn. Trong cái ngu khờ của đứa con nít 10 tuổi, mình cứ mong có thêm vài cây cầu sút ván long đinh, sẽ được ông tài xế xe đò cho mọi người xuống xe lội bộ qua cầu, để hưởng cái cảm giác hồi hộp chơi vơi trên con sông, bên dưới chân cầu nhìn qua những kẻ ván là dòng nước đục ngầu đang cuồn cuộn chảy.
Vậy mà khi đứng giữa thành thị Cần Thơ, xe cộ ngược xuôi đông đúc, hai chân sáo nhà quê như có ai níu lại. Mỗi khi cần băng ngang lộ, nếu không có bàn tay của ba mình, thì thà lạc mất cha mẹ chớ không dám đặt chân lên cái mặt lộ tráng nhựa láng bóng, rộng và xa hun hút. Không gai góc lổm chổm đá xanh, đôi khi có chó gà và trâu bò thong thả nghêng ngang như trên hương lộ trước mặt nhà mình trước khi vô Quận lỵ.
Mình kiếm cái gì rửa ruột đi bà.
Ba tôi hay nói câu nầy với má tôi mỗi khi cả gia đình có dịp đì lên chợ tỉnh.  Riêng mình tôi thì có lẽ hiểu câu nầy giống như thói quen của con cá tai tượng nghe tiếng gõ len keng mà nổi lên đớp mồi trong cái hồ có hòn non bộ nhà bác Hai ở Xóm Chùa, mà tụi con nít lối xóm tình nguyện bắt thằn lằn hay bù cào làm mồi cho chú. Chớ thật bụng, vì mãi lo nhìn những điều lạ lẫm của chợ búa thị thành, mình cảm thấy quên cả đói.
Thằng em út không rời tay dắt, còn mình vừa chạy lóc thóc phía sau ba má trên hành lang ngút ngàn của dãy phố tiệm, mắt luôn nhìn vào những món hàng mỗi chỗ mỗi khác nhau. Chạy dài dọc theo trước mặt dãy phố nầy, nới rộng gần tới bờ kè đá xanh. Phân nửa là khu bán hàng nông sản địa phương và rau quả xanh đỏ tím vàng đẹp mắt tươi ngon, nghe ba má nói chúng được chở về từ Đà Lạt. Cuối dãy rau quả là khu sạp quán bán thức ăn ngoài trời, chen chút dưới những tấm vải bạt và dù có những bộ bàn ghế thấp, cả một vùng đang thơm lừng mùi lửa củi, mùi hành tỏi dầu cháy nóng, mùi thịt cá chiên xào đang nổ lèo xèo trong những chiếc chảo gang bóng mỡ, mùi thơm thoang thoảng của xương heo ninh nhừ bốc lên  từ những nồi nước súp khổng lồ. Mùi va-ni, lá dứa, bạc hà, dầu chuối, mật đường từ các quày hàng giải khát, chè bánh ngọt, tất cả như đang hứa hẹn một bữa ăn uống thiệt ngon.
Để có những ổ bánh mì nóng dòn thơm ngon mới ra lò để làm quà nên khi ăn uống xong ba má dẫn hai thằng nhóc con trở lại bến đò khách. Trước khi đến được dãy càn xé của các người bán bánh mì gần sát bến tàu, trước mủi những cây đòn dài của các chiếc đò máy đang rao mời và bóp kèn te te inh ỏi. Gia đình chúng tôi phải băng ngang nhà lồng khu chợ vải, khu vực nầy phần lớn trông cậy vào ánh nắng bên ngoài nên nhiều lúc tối om om. Trong cái không gian màn treo sáo phủ của quần áo vải vóc lụa là, mùi mực in màu nhuộm, mùi hồ keo vải mới hăng hăng, không thơm như mùi nắng gió trên áo cũ quê mình vào những buổi chiều má biểu gở kẹp lấy đồ phơi.
Một tay xách chiếc túi vải thô đựng quần áo của hai anh em có sợi dây thắt miệng, đôi khi được dùng để máng lên vai cho đở mỏi. Tiền thân là bao đựng bột mì có in hai thứ chữ nói là hàng viện trợ. Tay kia xách bó bánh mì được người bán cột chặt hai đầu, và khéo léo câu lại một chiếc quay cũng bằng dây lát. Theo chân ba má đi ngược trở ra tìm một chiếc xe lôi máy, anh phu xe cẩn thận hỏi lại :
Hai bác đi bến pho-ca Ngả Bảy là bến xe 15 phút ở đầu lộ Hoà Bình phải không ?
Tại sao người ta gọi 15 phút thì mình hiểu được, vì những chiếc xe nầy xuất xứ từ đâu không biết, chạy đến đậu sát vào lề lộ, cạnh tấm bảng ghi lộ trình và thời gian rước khách ngắn ngủi thế thôi. Người phụ xế hay còn được gọi là anh lơ vừa đẩy cả nhà vào băng ghế, chưa ai ngồi đàng hoàng thì chiếc xe vọt chạy, bác tài xế hối như giặc tới vì có chiếc khác đến dính đuôi. Nhưng chữ pho-ca thì tới bây mình vẫn còn ngờ ngợ nó được đọc theo âm tiếng nước ngoài. Có lẽ sau đó loại xe nhỏ mười mấy chỗ ngồi nầy hết thông dụng chở khách và cũng  không ai nhớ chi tuổi tên nguồn gốc của chúng.
Không lâu thì xe đến cầu quay Cái Răng, nép sát vào lề mặt dưới dốc cầu nối theo đoàn xe đang đậu chờ bảng hiệu lịnh từ cái chòi canh chót vót giữa cầu, anh lính gát hướng phía bảng tròn sơn trắng về chiều nào thì xe chiều đó mới được phép lăn bánh qua cầu. Khi xe đang hụ máy ì ạch trên cầu, mình mới thấy được sự to lớn và chắc chắn của những vai cầu vồng lên và những cột sắt kết lại hình hộp vuông lớn hơn vòng tay người ôm đang chằng ghịt vào khung sườn mặt cầu, treo chặt với những vai thép hình bán nguyệt lực lưỡng bên trên.
Xuống dốc cầu một đổi về hướng chợ Cái Răng, xe lại đậu sát lề lộ lần nữa, nhưng lần nầy mục đích rước thêm khách, và để cho các hành khách mua những xâu nem chua ngon nổi tiếng.
Khoảng đường Cần Thơ- Ngã Bảy chưa được 30 km, đi nhờ trên quốc lộ tráng nhựa và những cầu đúc láng vo, nhưng mình cũng chia nhỏ 4 đoạn cho xe mau tới. Khi xe ghé vô ngã ba Cái Tắc là mình mừng trong bụng. Chỗ nầy xe ngừng cho hành khách chuyển xe rẽ vào Long Mỷ và Vị Thanh – Hỏa Lựu, thế nào má cũng mua cho hai anh em mình một chùm mía ghim lóng lánh hoa đường ngọt lịm, hay là những miếng khóm Cầu Đúc, Tắc Cậu vàng nghệ, ngon tới tận mấy ngón tay. Rời địa danh mà mình biết nó nằm giữa hành trình, chẳng bao lâu lại nghe tiếng anh lơ xe, Cầu Trắng cô bác ơi. Mình ngước dòm cái bó bánh mì treo lũng lẳng trên đầu, vì biết chỉ vài cây số nửa là đặt chân trên quê ngoại.
Nghĩ cũng lạ, mình được ba má dẫn về thăm ngoại mấy lần nhưng chưa lần nào được dạo chợ Ngã Bảy. Vừa xuống xe là ba má hối hả đi xuống bến đò ” lô “, đó là những chiếc đò máy có mui, chở chừng 20 hành khách tới lui đường ngắn, mui vẻ sơn chỉ rõ lộ trình cho mỗi ngả đường sông riêng biệt. Thấy chuyến tới còn lâu, ba má tụi tui kêu một chiếc đò dọc hai chèo, vì nhà ngoại chúng tôi cách chợ chỉ hơn cây số, và chỉ cần nói tên ông ngoại là người ta biết nhà ở ngả nào.

Má tôi có mười chị em, sáu dì cậu sống riêng rẽ ở các tỉnh thị Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, và ba người cậu nhỏ nhất đang ở trên đất ông bà ngoại. Cái thông lệ con cháu tựu về đây nghĩ hè có từ ngày ông ngoại tôi còn sống, thời mà chỉ nghe nói lại. Có những liếp quýt đường trái sai sà tới đất, những bờ sầu riêng, măng cụt bạt ngàn. Mương vườn chằng chịt bao la, tháng khô tát vét bắt cá lóc cá bông cá trê làm mắm làm khô, dân phụ giúp làm đồn điền ăn cả năm không hết.
Ông ngoại mang bạo bịnh trước năm 1945, gia đình chạy chữa nhưng lúc đó Sài Gòn thường xuyên ăn bom của phe đồng minh và bị cắt đứt nguồn thuốc men ngoại nhập, hậu quả của chiến tranh là ông ngoại chúng tôi chết trong tức tưởi. Kế đến là đất nước loạn lạc khắp nơi, các cậu phải bỏ nhà cửa vào khu kháng chiến. Sau 1954 trở về thì đồn điền 50 mẫu đất trồng cây ăn trái hoang phế như rừng, căn nhà ông ngoại cất theo mẫu Âu châu chỉ còn nền cát, mười mấy lu mái đầm chôn dấu chén dĩa đồ xài, tất cả biến thành hơi.  Trong chín năm chiến tranh các bên thi nhau chặt phá cây cối vườn tược của ông bà ngoại để phục vụ nhu cầu của họ. Các cậu bây giờ lại phải khai khẩn trên chính miếng đất mà ông ngoại đã thành khoảnh từ lâu. Tám năm sau cuộc hồi cư, các cậu chỉ lan ra từng mảng da beo, nửa triệu mét vuông đất thuộc, gần như trở về nguyên dạng sơ khai nê địa. Sau đó các cậu lại phải bỏ dở công cuộc canh tác, tản cư ra thành vì đất nước xảy ra chiến tranh cùng  khắp.

Tiểu gia đình của mình không thích ớt quá cay, nhưng cố tìm giống ớt bơ đầy kỹ niệm. Trái ớt thơm cay nổi tiếng mà con cháu được nghe kể, có người Pháp tặng ông ngoại dưới thời họ còn cai trị. Và cũng để nhớ lại mới gần đây, cả gia đình ba thế
hệ của mình quây quần bên mâm cơm với nồi nửa con vịt tàu kho lạt với gừng. Loại vịt mà chủ nuôi lấy trứng, tẻ cồ từ bầy vịt tơ của họ. Trên bàn cơm lúc nào cũng có chén nước mắm to kềnh, có hai lát mỏng ớt bơ mà má mình giữ giống từ quê ngoại. Rổ rau vườn đầy ấp lá vông, lá cách, rau mác, cải trời. Trong ngày tháng khéo ăn thì no, khéo co thì ấm nơi quê cũ Tam Bình.
Trong chuỗi ngày xa xứ, mình chỉ biết moi tìm một vài kỹ niệm. Những cây hồng đang được săn sóc ở vườn sau của mình, để có một chút bóng dáng năm cây hồng do năm cậu em của má trồng trên nền cát một nhà phú hộ sau cuộc chiến tranh tiêu thổ. Trơ vơ nhìn ra bờ kinh xáng Búng Tàu, Ngả Bảy, để mừng ngày các cậu sống sót trở về. Mà tám năm sau, 1962, tuy cao to vẫn chưa thấy trái, nhưng không ai dám đụng.

Hiện giờ, mình chỉ còn được nhìn quê ngoại qua màn hình internet. Mình muốn đặt bàn tay lên miếng đất cha ông, để tìm lại một chút ấm áp thâm tình quê hương xưa cũ. Chân thành cám ơn tất cả mọi phát minh của nhân loại, đã giúp cho mình nhìn được dấu tích thân yêu đang thay da đổi mặt, khỏa lấp từng ngày nơi chân trời tít mù xa xăm đó.

< Thân tặng những ai còn ấm áp tình quê nội ngoại >
          bài và ảnh Nguyễn Thế Điển

Hình dưới: Ngã bảy nhìn từ không ảnh Google Maps

 

Có 8 bình luận về Quê ngoại tôi ơi

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Cảm ơn bài viết của bạn già. Đọc bài của bạn tui vừa buồn, vừa vui lẫn lộn :
    – Buồn : nhớ má tui, lúc tui cở 7-8 tuổi má dắt tay đi chợ, qua cầu Pê-ti- dô ( còn lót ván, có chổ bị thưa quá ), tui nắm cứng tay má vì sợ lọt xuống sông. Má nói : con đi đại đi, có má nắm tay con nè làm sao rớt xuống sông được. Lúc đó mình cũng an tâm, bây giờ mình ví như con gà con đi kiếm ăn với gà mẹ, gà mẹ luôn che chở cho gà con. Cảm giác đi chợ Vãng lần đầu với má, thằng nhỏ Lần được ăn hủ tíu lần đầu tiên trong đời !
    – Vui : Xem được bức ảnh Ngã Bảy chụp từ không ảnh quá tuyệt. Nhớ có lần tui xuống nhà mấy bà chị ở Ngã Bảy, mấy đứa cháu dẫn lên lầu chỉ cho coi 7 ngã, nhưng giờ xem lại không ảnh thì vô cùng đẹp !

  2. Hoàng Hưng nói:

    Bạn Lần thấy rõ chưa?. Lần đầu tiên tôi đếm có 6 ngã, vì có một ngã nằm hơi xa giao điểm.

  3. Nguyễn Văn Lần nói:

    Mấy đứa cháu chỉ tôi 7 ngã, đúng như H.Hưng nói, nhìn từ xa không rõ. Nay nhờ chiếc Dakota ( không biết có phải trước đây chiếc máy bay nầy chụp không ảnh không nữa, nói đại, vì thấy nó vừa bay vừa chớp chớp như đèn Flash của máy chụp ảnh ) của Thế Điển làm cái không ảnh nầy chúng ta mới ” tâm phục, khẩu phục” phải không ?

  4. NguyễnTuyết nói:

    Anh Điển mến, NT chỉ vừa đọc cái tựa ” Quê ngọai tôi ơi ” của huynh làm NT nhớ tới cái quê ngọai của NT nhều lắm, nhưng NT không biết tả như anh…. phải nói là sao anh nhớ quá kỹ được từng từng dử kiện, tên tuổi, địa danh những nơi… NT thiệt là khâm phục. Bài viết của anh có 2 tấm hình  minh họa, NT thích tấm hình đấu tiên,vì nhìn mát mắt, có hàng cây đẹp…. mà có trái cây nữa…. có thể len lén hái ăn. Ăn như vậy cảm giác ngon hơn và thích hơn nhiều. Hồi NT còn nhỏ, học lớp 3… cứ khỏang 2 tuần thì đựợc ba mẹ dắt về nội….Rồi 2 tuần sau là được mẹ dắt về ngọai. Khi vừa về tới, mẹ NT bắt 5 anh em thay đồ ra, rồi mặc đồ ở nhà vô….xong 1 cái là NT đã phóng ra ngòai vườn rồi, nào quít nè, lựu nè , ổi nè, mận nè…. buổi trưa thì có 1 đứa lối xóm, bạn của  con câu NT…. rủ xuống xình bắt ốc và bắt hến…. vui lắm, có bắt mất con cua nhỏ nữa.. mấy đứa con trai nó lây 3 cục gạch làm ông táo…. vô nhà lấy cái nồi…. tụi nó nấu chín …. NT ăn   ngon lắm…..( cũng may là không bị rày và đánh đòn, vì cậu của NT cưng nên không cho mẹ NT rày….),,, còn nhớ NT và tụi nó chùng 10 dứa con trai không hà, con gái chỉ có NT và em gái mà thôi….ăn dưa hấu bàng cách đâp 1 cái bụp xuống đất cứng, đôi khi nó bể ra làm 2  ,3 hay làm 4…. rồi tự cạp mà ăn ngon lắm… mà vui nữa… Trời trưa nắng, khát nước…. nên ăn  ngon và ngọt lắm….NT quậy phá  mà vui lắm…. cậu mợ thương lắm , không có rầy…. 1 thời thơ ấu rất vui….!!!! Cám ơn anh cho NT nhớ lại về quê ngọai của mình chút chút vui… vui… kỷ niệm khó mà quên !!!

  5. Hoàng Hưng nói:

    Bạn Lần ơi, những con sông ở Ngã Bảy, nước ngọt hay mặn?

  6. Nguyễn Thế Điển nói:

    Chào Nguyễn Tuyết, Văn Lần, Hoàng Hưng,

    @ Hoàng Hưng : Nước sông lạt nhách (nói chơi thôi). Các sông nầy được xáng múc từ thời Pháp thuộc. Kinh Cái Côn  (hướng 1 giờ) cùng nằm trên đường thẳng với kinh xáng Búng Tàu (hướng 7 giờ). Cả hệ thống nầy nhận nước sông Hậu từ vàm Cái Côn( ngang Trà Ôn) đổ thẳng xuống Ngả  Năm, Phước Long, chảy ngang Giá Rai và gặp con sông trời sanh của Cà Mau. Các ngả sông còn lại ít quan trọng. Nước ngọt chảy xuống tới đâu thì mình không hiểu, nhưng chưa nghe nước mặn tràn lên Ngả Bảy, trừ phi sông Hậu hết xí quách.

    @ Nguyễn Tuyết : Bài viết Quê Ngoại của NT hay quá, chỉ cần thêm vài chữ vào mấy cái …. là giao cho ông chủ chợ được rồi.

    @ Văn Lần :  Có thời gian cầu Pa-ti-dô cũng bị sút gãy ván. Nhưng lúc đó anh có con rồi, tui thấy ba vợ anh đạp tới đó xuống xe dẫn qua cầu hoài. Ý là tui có khinh công mà lội bộ qua còn thấy ngán.

     

  7. Nguyễn Văn Lần nói:

    Cầu sút gãy ván ( sau năm 75 ) là do ông Điển ăn cắp. Còn thời xưa xưa lắm là lót  ván thưa lắm nghe ông Điển ! Hỏng tin hỏi má tui coi !

  8. Lí-Lắc nói:

    Chào anh thầy,

    Hồi xưa, lúc mà chữ nghĩa còn sơ khai ít ỏi lắm. Có ông đại gia đi ngang vườn quýt hồng đang chín đỏ rực. Ông ta thuận tay hái một trái ăn đở khát dưới cơn nắng giữa trưa tháng bảy. Chủ vườn đon đả, ” ông hái thêm vài trái cầm cho vui tay”.

    Một lát sau có anh học trò nghèo, một tay cầm túm lá môn đựng tương, tay kia cầm gói lá chuối ló mấy đuôi khô. Thấy vườn quýt trái căng bóng, ngước nhìn một cách thèm thuồng. Chủ vườn nạt đùa, “dòm cái gì, bộ tính ăn cắp hả”.

    Bây giờ thời buổi chữ nghĩa thiếu gì, em chỉ dòm một lần thì đâu ăn mặn lắm, mà thầy phê học bạ như vậy thì sau nầy ai còn chịu gả cho em.

     

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác