NHỚ DÌ
Khi sáu tuổi theo má đến ở với bà ngoại, tôi mới bắt đầu có những hiểu biết về những thân nhân bên ngoại. Ngày qua ngày, những kỷ niệm vui buồn xảy ra đầy ắp đời tôi.
Ông bà ngoại có tất cả năm người con mà tôi gọi là dì hai, dì ba, Má, ? và cậu sáu. Lúc này, ông ngoại, dì ba, cậu sáu đã qua đời từ lâu; riêng người con thứ năm tôi không nghe ai nhắc đến.
ảnh minh họa
Dì hai còn sống ở làng kế bên.
Dì dượng ba có hai người con là anh Hai Đài, chị Ba Xứng, cậu sáu có một con trai mà tôi gọi là “thằng” Hai; ba người cháu mồ côi này đang được sự đùm bọc của bà ngoại già nua góa bụa nghèo nàn.
Năm tháng trôi qua, anh Hai Đài và chị Ba Xứng lập gia đình; thằng hai thì đi chống Pháp rồi chết ở chiến trường. Tôi đi học, tốt nghiệp rồi đi làm…
Bà ngoại quá vãng, má tôi chỉ còn lại dì hai là ruột thịt thân thích nhất. Hai người đã thương mến nhau thì bây giờ trong hoàn cảnh mới tình thương càng nhân đôi. Dì hai xem tôi như con ruột.
Dì Hai là con chim đầu đàn trong đại gia đình bên ngoại, chỉ về mặt tinh thần thôi nhưng vô cùng quan trọng và được mọi người quý kính.
Mỗi lần tôi gặp dì, những câu hỏi thăm tíu tít, ánh mắt có nụ cười, cái đánh yêu lên vai đã biểu lộ tất cả sự trìu mến của dì dành cho người cháu mồ côi cha này.
Mỗi khi dì hoặc má tôi đau ốm là người này lo lắng cho người kia bất kể ngày đêm.
Trước và sau 1975, dì Hai và má tôi đã già và những biến động xã hội khiến hai bà thêm cằn cổi thấy mà thương.
Năm 1979, má tôi bị bạo bệnh không vượt qua được. Khoảng thời gian má tôi hấp hối (kéo dài đôi ngày), tôi với em gái tôi cùng dì Hai thay nhau ở bên cạnh má. Một đêm dì Hai và tôi canh chừng, săn sóc má, thấy tôi mệt mỏi nên dì bảo tôi đi “chợp mắt” để dì lo cho. Cũng muốn nghỉ ngơi một chút rồi sẽ thay phiên cho dì, tôi nghe lời. Quá nửa đêm hôm ấy, dì lay tôi dậy và thì thào “ Thức dậy đi con, má con sắp đi…”. Một đêm đau khổ nhất của đời tôi không bao giờ quên. Dì Hai nức nở khóc thương cho người em duy nhất còn sót lại nay cũng bỏ đi. Là vào tháng bảy mưa Ngâu, mưa khóc cho gia đình bên ngoại tôi mất thêm một thành viên nữa.
Năm tháng trôi qua, dì tôi mái tóc pha sương nay đã bạc và lại thưa thớt hơn, mắt lõm sâu, da “trổ đồi mồi” và nhăn nhúm nhiều nhưng tình thương của dì dành cho tôi vẫn không thay đổi mà còn tăng gấp bội vì nay tôi côi cút cả mẹ lẩn cha, với lại cuộc sống rất bấp bênh.
Rồi một ngày tôi đến gặp dì tựa như thăm viếng bình thường nhưng trong thâm tâm của tôi là từ giã để đi xa không biết bao giờ trở về. Do sợ dì buồn, bịn rịn với nước mắt, lo lắng mà tôi phải dấu diếm chỉ cho con của dì biết mà thôi; sau này nếu biết thì chuyện đã rồi nhưng dì sẽ ít xúc động hơn.
Chẳng đặng đừng phải đi xứ xa
Viếng thăm lần cuối giã từ bà
Bâng khuâng chỉ nói bằng ánh mắt
Mai mốt phương trời nhớ thiết tha!
Tóc bạc da nhăn mắt lặp loà
Chia ly lưu luyến nắm tay bà
Nén lòng để lệ không vương mắt
Đời sống vô thường nghĩ xót xa!*
Đứa con gái tôi tốt nghiệp đại học, trước khi đi làm về quê, đã thay tôi đến thăm dì. Đã vào hàng 90, dì còn minh mẫn nhưng sức khoẻ yếu và mắt đã loà; nhìn hình của dì mà tôi rưng rưng nước mắt.
Đến khi tôi về được thì dì đã thành người thiên cổ; tôi chỉ biết tạ tội với dì là “ lỗi tại con, xin dì tha thứ” vì con đã chần chờ.
Quay lại quê nhà để viếng thăm
Bà nay yên nghỉ cõi xa xăm
Con quỳ bốn lạy lời cầu nguyện
Gởi đến bà theo hương khói trầm.*
Năm nay mùa lễ Vu Lan sắp đến, con xin viết đôi dòng tưởng nhớ đến dì Hai thương kính…
NHA
July 21, 2013
*Trích NHỚ XƯA của NHA
Anh Nha một bài viết rất có ý nghĩa vào mùa lễ Vu Lan .
Anh Nha ơi, Phạm hồng Phước nói, có bán iPad đời mới cho người miền âm, anh nên mua một cái gởi cho dì, để dì mở trang tongphuochiep-vinhlong đọc những lời thương nhớ của anh.
@VCP: Cám ơn em. Mùa Vu Lan là nhớ người thân quá cố nên viết về để nhẹ lòng, và nhân đó chia sẻ với ACE mong ACE thông cảm.
@HHg: Bà Dì của anh ở Tân An Luông, khỏi Gò Ân một đổi, hướng Cầu Mới-Cái Nhum. Bà chắc không biết xài vi tính đâu, có lẽ sẽ dùng “thần giao cách cảm”. Cám ơn phản hồi của HHg.
Tình thân,
NHA