Chuyện chẳng có đầu đuôi
Lâu rồi, không nhớ bao lâu. Tôi thích câu này lắm, tôi nhớ đã đọc câu này của nhà thơ Nguyễn tất Nhiên, tên thật của Nguyễn tất Nhiên cũng bắt đầu bằng vần “H” như tôi, họ và chữ lót cũng giống như họ và chữ lót của tôi, cũng sanh năm 52 như tôi, cũng học một cở với tôi, anh học ở trường Ngô Quyền Biên Hòa. Có lần tôi đọc được bài viết kể lại Lương Minh đi theo Các Ngọc đến trường này dự lễ gì đó. Vậy là Các Ngọc học chung trường với Nguyễn Tất Nhiên và chị Sáu. Chị Sáu là vợ bây giờ của Hồng Lợi. Cô 9 la tôi, vợ Hồng Lợi là vợ Hồng Lợi, cái gì mà nói là “vợ bây giờ.” Vợ cả, vợ 2, vợ cũ, vợ mới đều là vợ cả, nhưng cũng phải nói rõ là vợ nào chứ.
Ờ! Chị Sáu kể lại, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải học cùng lớp với chị, sinh hoạt cùng nhóm với chị, chị cũng kể lại chuyện tình cô “Duyên,” tôi nhớ mang máng thơ Nguyễn tất Nhiên cũng có nhắc đến cô Duyên: “Rớt đi Duyên, rớt để thương người. Ta là thằng ôm hận Tú Tài đôi. . .” Chị Sáu cũng kể lại, Nguyễn tất Nhiên làm biếng lắm, nghe chữ “làm biếng” tôi mắc cười, thiên tài mà, làm biếng có sao đâu. Tôi biết một thiên tài, vừa làm biếng, vừa ở dơ nữa, hắn sống chung phòng với thằng bạn tôi, quần áo hắn mặc xong, thay đồ khác, không thèm giặt đồ đã mặc rồi, quăng tùm lum trong phòng, thằng bạn tôi gom đồ dơ của hắn bỏ vô một cái bao đem để chổ khác, ít hôm sau hắn tìm bao đồ dơ, mở ra, ngửi ngửi, vuốt vuốt và mặc lại.
Ờ! Lâu rồi, không nhớ bao lâu, tôi không có viết cái gì cho trang nhà, vì bận hơn là lười, tôi biết, trình độ “viết” của tôi không tệ thì cũng dở, tại vì có lần chị Chủ Nhiệm tờ báo Trống Đồng ở thành phố Pomona bên Cali nói với tôi, bài của tôi viết, chẳng có đầu đuôi, văn chương luộm thuộm, viết sai chánh tả tùm lum, chấm phết không đúng chổ, chẳng biết trau chuốc câu văn, nhưng nếu có biết trau chuốc câu văn, đọc lên chắc là “cải lương” lắm. Tóm lại chị chê rậm rề bài của tôi viết, nhưng cuối cùng chị lại nói, vậy mà chị lại thích đọc những bài của tôi viết hơn những bài của nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp viết. Nghe chị nói vậy nên dù có viết dở thỉnh thoảng vẫn thích viết.
Hồng Lợi gọi điện thoại kêu tôi lại ăn canh chua cá hồi, Hồng Lợi khoe đã học được cách nấu ăn của Ngô hồng Hoàng bên lớp 6. Tôi, Hồng Lợi, Dương Châu Khanh bên lớp 7, lại chơi chung với Hồng Hoàng, hôm nào siêng kể lại chuyện Dương châu Khanh cho Nguyễn Tuyết nghe, còn thiếu nợ Nguyễn Tuyết câu chuyện Dương châu Khanh năm thi tú tài 2, bỏ thi môn Vạn Vật đi đánh bi da. Nói đến nợ, lại nhớ đến nợ Phương Nga, hứa với Phương Nga kể lại cách làm bánh bèo của cô 9, tôi đã ghi lại rồi, chỉ còn đánh vô gởi cho Phương Nga, nợ này cũng lâu rồi, không nhớ bao lâu mà cũng chưa trả được. Mà Phương Nga biết không, Ngọc Thúy đặt cho tôi tên là Hứa Hoàng Hưng. Ờ! Tôi cũng lấy làm tiếc, phải hồi đó tôi quen thêm Đặng Công Tạo bên lớp 8, chắc chắn là tôi học hỏi được từ Đặng công Tạo rất nhiều điều hay, tiếc thật!
H1
H2
Thôi! trở lại cái chuyện canh chua. Mỗi lần ăn canh chua tôi nhớ đến những nồi canh chua tôm nấu với bông sua đủa của ba tôi, khi ba tôi xuống bếp, tụi tôi mê lắm. Tôi cũng được thưởng thức những nồi canh chua cá dứa hay cá bông lau của anh Nhơn làm ở trạm Da Liểu với bác sĩ Võ Liển, văn phòng của bác sĩ Võ Liển dưới dóc Cầu Lầu, hình như chổ đó là phòng mạch cũ của bác sĩ Võ tam Anh. Những nồi canh chua của anh Nhơn nhậu “bắt” lắm. Còn nồi vịt nấu chao của anh Nhơn ăn cũng nhớ đời, anh bỏ trái ấu, hột mít nấu chung với thịt vịt. Hột mít, trái ấu nấu xong, quyện mùi chao, ăn còn đã hơn là ăn thịt vịt nữa.
Nồi canh chua của Hồng Lợi nấu cũng tới lắm. “Cũng Tới” có đồng nghĩa với “Chưa Tới” không?? Như Phạm hồng Phước nhận là viết “chưa tới” đó. Dù có “tới” hoặc “chưa tới,” tôi cũng rất phục Hồng Lợi, đàn ông mà kiên nhẩn đứng nấu, chắc vợ cưng lắm. Có lần tôi mở trang mạng thấy Tấn Giỏi đang đứng chiên 2 con cá. Tôi cũng thật sự phục Tấn Giỏi, tôi mà nấu được nồi canh chua, làm được 2 con cá, chiên vàng xong, đem ra ngồi ngắm, rồi đem cất, hôm sau đem ra ngắm tiếp, nở nào ăn.
Dù nhà báo chuyên nghiệp “quốc tế” Phạm hồng Phước tự nhận viết “chưa tới.” Cá nhân tôi, cái gì cũng dưới trung bình, nên đọc được những bài viết của Phạm Hồng Phước, người biết nhiều, học rộng, tôi thật sự cám ơn. Khi đọc Phạm hồng Phước viết:
“Rời sân bay Dallas Fort Worth lúc 12:05 PM (giờ Texas), tôi đi bằng máy bay Boeing MD-80 (S80) của hãng American Airlines tới Phoenix (bang Arizona), nơi diễn ra Hội chợ Khoa học và Kỹ thuật Ứng dụng Quốc tế Intel ISEF 2013 mà 12 học sinh trung học phổ thông Việt Nam đang tranh tài. Nguyên chặng bay nhìn xuống bên dưới hùng vĩ và bao la mà rất buồn tẻ vì toàn là đồi núi trọc và sa mạc. Thỉnh thoảng mới có một khu dân cư tập họp giữa sa mạc cát.
Tới sân bay quốc tế Phoenix Sky Harbor lúc 12:05 PM (giờ Arizona chậm hơn Texas 2 tiếng). bay đúng 2 tiếng.
Từ sân bay về khách sạn Renaissance Phoenix Downtown chỉ 10 phút xe. Trời nắng như đổ lửa, nhiệt độ tới 40 độ C. Thành phố nhỏ mà buốn tênh với những ngôi nhà thâm thấp, cũ kỹ nằm oằn người dưới cái nắng chói chang. Hèn gì ở đây có một khu vực gọi là Sun City.”
Tôi ở Mỹ hơn 20 năm, nhưng tôi đi máy bay ít hơn hồi đó tôi ở Việt Nam, tôi không biết máy bay Boeing MD-80 là máy bay gì, tôi sẽ tìm hiểu. Tôi cũng không biết chuyện nguyên chuyến bay đúng 2 tiếng từ Dallas về Phoenix, giống như máy bay nhỏ ở Việt Nam, bay thấp thấp cho Phạm hồng Phước “nhìn xuống bên dưới hùng vĩ và bao la mà rất buồn tẻ vì toàn là đồi núi trọc và sa mạc.”
Viết như vậy chắc Hồng Phước chê đoạn đường từ Dallas đến Phoenix, riêng tôi ước mơ hôm nào mua vé đi Dallas thăm Hoàng Điệp (nk70) đang ở Dallas, suốt 2 tiếng được nhìn một phần nước Mỹ, dù là đồi trọc và sa mạc chắc cũng thích lắm, vì được so sánh với những chuyến bay từ Sài Gòn về miền Tây ngày xưa tôi đã được đi nhiều lần, máy bay bay thấp thấp nhìn xuống dưới một màu xanh rì ruộng lúa.
Phạm Hồng Phước nhắc đến Bá Nha, Tử Kỳ, có gượng ép không vậy? Lúc trước Phạm hồng Phước nói Duy Quang có giọng ca hàng đầu, tôi không nhận thấy điều đó, tôi nghĩ Duy Quang ca nhạc độc quyền của đại thụ Phạm Duy, ca độc quyền thì đâu có đối thủ. Tôi mê nghe Vũ Khanh ca bản Phượng Hồng, cô 9 lại thích nghe Đàm vĩnh Hưng ca bản này hơn. Tôi say sưa thả hồn theo tiếng luyến láy của Ngọc Hạ, thằng con tôi lại nói, Ngọc Hạ ca như vậy mà cha nghe được, hay thiệt. Những điều đó nhắc đến Bá Nha, Tử Kỳ thì được đi. Còn Hồng Phước chê Phoenix buồn tẻ, thì cũng được đi, đó là nhận xét riêng của Hồng Phước, người buồn thì cảnh có vui bao giờ. Tôi thì lại chê Phoenix ồn ào, hỏng ồn ào sao được, Phoenix là thành phố đông dân thứ 5 của nước Mỹ, chỉ sau New York, Los Angeles, Chicago và Houston. Tuy dân số đứng hàng thứ 5, nhưng diện tích đất của Phoenix đứng hàng thứ nhì, chỉ sau Houston. Như vậy Phoenix đâu phải là thành phố nhỏ, nhận xét riêng của Hồng Phước thấy Phoenix nhỏ, nhà cửa thâm thấp cũ kỹ, măc dù không đúng lắm, cũng không sao, chẳng chết thằng Tây ba lô nào, nhưng mà Tử Kỳ có cảm thông với Bá Nha tất cả mọi điều không?
Khi mới liên lạc được với đứa cháu Tam Bình, cháu nói nhà của cháu ở Happy Valley, cháu cho số nhà và tên đường, tôi đánh địa chỉ của cháu vô Google, không được, tôi đổi qua Yahoo cũng không được, tôi đổi tên Happy Valley thành Phoenix, thì hiện ra đường đến nhà cháu. Vậy là Phoenix trải dài về hướng Bắc đến tận Happy Valley, tôi chạy trung bình 100 cây số giờ từ phía Nam của thành phố Phoenix đến nhà cháu mất 40 phút. Vậy là thành phố Phoenix lớn thật, lớn hơn Sài Gòn ngày xưa. Sài Gòn trong trí nhớ của tôi có 8 quận. Trường học của tôi thuộc quận nhất, tôi thường theo nhóm bạn cúp cua giờ Pháp văn, vạn vật đến Dakao ăn chè thạch Hiển Khánh, bánh cuốn Tây Hồ, không biết Dakao còn nằm trong quận nhất không? Đi uống trà ở Tân Định với Dương Châu Khanh, Hồng Lợi, nơi đó có phải quận ba? Vô Nancy thuộc quận nhất để thăm, đúng hơn là ngắm một người. Qua Khánh Hội gặp Hồng Lợi thuộc quận tư. Đi ăn bánh bao bà Cả Cần của bà Năm Sa Đéc thuộc quận 5 hay 6 gì đó tôi không biết. Vô gần Phú Lâm thăm người chú, hình như là quận 6. Qua Phạm thế Hiển thăm thằng bạn, chắc là quận 8.
Những ngôi nhà thâm thấp, cũ kỹ ở Phoenix, vậy chớ có những khu, tuy nhà cũ nhưng mắc hơn căn nhà ba ngàn bốn trăm bộ vuông của tôi nữa. Tôi không biết tính 3400 bộ vuông là bao nhiêu mét vuông, tôi không dám hỏi cô giáo toán Phương Nga, sợ Phương Nga nói tôi học bê một sao mà ngu vậy, đổi từ bộ ra mét mà cũng không biết đổi. Khi tôi đến thăm đứa cháu Tam Bình, tôi mới mở rộng tầm mắt, khu nhà của cháu ở dưới một chân núi, có những căn nhà quá lớn, lớn hơn nhà tôi nhiều lắm, tôi đoán ít nhất là năm ngàn bộ vuông.
Theo tôi biết những căn nhà thâm thấp cũ kỹ ở Phoenix, muốn sửa diện mạo bên ngoài lại, phải mướn vẽ hình thù căn nhà dự trù sẽ sửa như thế nào, mang đơn đến cơ quan có thẩm quyền về xây cất của thành phố, có những khu thành phố không chấp nhận sửa lẻ tẻ. Nếu thành phố chấp nhận cho phép sửa, thành phố sẽ tính ra tổn phí sửa chửa và sau khi sửa, thành phố sẽ nâng cao trị giá của căn nhà lên, năm sau chủ nhà phải trả mức thuế mới cao hơn năm trước. Những người sống trên đất Mỹ không chắc mình ở một nơi nào trong bao lâu, khi đã sửa căn nhà xong, giả sử như tốn tiền sửa là năm chục ngàn đô, khi muốn bán, nhà mới sửa chắc chắn bán lẹ hơn nhà lúc chưa sửa, nhưng giá bán chỉ cao hơn lúc chưa sửa tối đa là mười lăm ngàn, như vậy lổ quá không ai muốn sửa, nếu muốn sống trong căn nhà sang trọng hơn, lớn hơn, cách tốt nhất là bán căn nhà cũ, mua nhà ở những khu nhà mới cất. Nên những căn nhà cũ kỹ muôn đời vẫn cũ kỹ cho đến lúc nào đó có một dự án mua lại tất cả những căn nhà cũ để làm một công trình to tác nào đó.
Hồng Phước còn nhiều điều “chưa tới” lắm, chẳng hạn như Hồng Phước đang đổ xăng ở chổ “SELF” đâu có sợ ai đồn làm thợ đổ xăng, và cách đổ xăng của Hồng Phước đâu có giống thợ, khi làm chuyện gì khác, cần phải cầm “suốt mùa thu”, còn đổ xăng thì không cần, chỉ cần cầm vòi xăng để vô bình, đẩy cái chốt gài xuống cho nó tự chảy.
Ở một trang mạng khác, khi có một bài viết, không cần biết nội dung như thế nào, nhiều người xúm nhau ca tụng hết lời, trang nhà của mình có được bài viết quá quý báu, lại không chịu “nhất trí”, đáng giận thiệt, không mở miệng thì thôi, mở miệng thì làm phật lòng người khác , xin lổi nghen.
Hoàng Hưng
Không biết tui có bị vi rut nịnh lây qua không mà giờ tui có nhận xét như sau:
Ở miền nam có hai ông viết không đầu không đuôi nhưng được độc giả mến mộ đó là Sơn Nam và Vương Hồng Sển. Nhiều nhà văn nói , văn 2 ông không có hơi văn chương chi cả, nhưng với tôi những quyển sách của hai ông đem lại cho tôi nhiều điều mới lạ dù đó là tư liệu cũ cách nay hơn nửa thế kỷ. Tôi nói với bạn bè, đọc các nhà văn miền Bắc (nói đa số) văn chương ngọt ngào, đoạn nào cũng hay cả nhưng sau khi đọc rồi thì không có gì đọng lại trong đầu, nhưng mình phải công nhận là hay. Còn đọc Sơn Nam, không đầu không đuôi nhưng chi tiết lạ ngồn ngộn, không biết có giúp ích gì cho cuộc sống hay không, nhưng chắc chắn là tôi có thêm tư liệu để “nói dóc” với bạn bè trong những buổi trà dư tửu hậu. Với Vương lão tiền bối, đọc văn ông tôi phục sát đất vì chuyện nào ông cũng tra cứu tận ngọn ngành, chuyện này không biết thì gợi ra để người nào biết thì bổ sung. Với ông, không có ích kỷ, dấu nghề, cái biết bao nhiêu thì bày ra bấy nhiêu cho mọi người đều biết. Do vậy, khi Hoàng Hưng viết chuyện không đầu, không đuôi nhưng trong đó có rất nhiều câu chuyện nhỏ kết lại do trí nhớ khá tốt. Những tình tiết anh lượm được , anh gắn thêm vào cái ý nghĩ khôi hài của anh thành một chuyện rất nhỏ nhưng vui. Tự dưng tui có ý muốn, phải chi anh Hưng mỗi tuần cho trang nhà một câu chuyện không đầu không đuôi 2 , rồi KĐKĐ 3 (gọi tắt là Kađê) để đọc vui vào cuối tuần. Cái ý của tui chẳng qua cũng sau cái ý của chị chủ nhiệm báo Trống Đồng bên Cali. Do vậy, nếu có chê tôi thì cũng nói tôi bắt chước, chứ không đến nổi phải gọi là nịnh Hoàng Hưng. (Lương Minh)
@anh Lương Minh, à thì ra có người ghi danh học đại học N…mà không cho ai hay nghe? Hèn gì cái phản hồi nầy có khí thế lắm lắm. Thán phục!
@anh Hoàng Hưng, anh “ngon” thiệt nghe, nợ trước chưa trả (bánh bèo) mà còn ráng gầy thêm nợ mới, xin gởi gấp cách nấu canh chua cá hồi.
Ông anh Hoàng Hưng viết văn thường hay… chỏi bảng họng … hay kê người ta… , tuy là không đầu . có đuôi gì đó… nhưng mà phải nói.. ” Chính xác ” à nhe…chuyện xa lắc xa lơ cũng nhớ được … thiệt là hay đó đa… đừng ghép tôi tui thích nịnh hay khoái nịnh …không dám đâu ! không có cưả à nhe !? Đừng hòng !
Đọc bài của anh H.Hưng từ đầu tới cuối, rõ ràng là nó lan man, Nói là hay thì quả là nịnh lộ liễu, chứng tỏ là mình chưa qua trường lớpN… nói là dở thì không công bằng vì bài viết ấy khiến tui đọc một mach (bài viết mà được người ta đọc hết là hên rối!) Anh làm tui nhớ đến bà ngoại của tui, Hồi đó đêm đêm tui ngủ sát bên giường ngoại, cứ hễ khoảng 3,4 giờ sáng là ngoại rầm rì kể chuyện, hết chuyên này đến chuyên nọ, từ chuyện năm nẳm xa mút tí tè cho đến chuyên mới toanh vừa xãy ra hồi chiều. Vậy mà tui nghe riết đâm ghiền!(dù rằng sáng dậy tui không nhớ gì!).giờ tui cũng vây, ghiền nghe hoặc xem những mẩu chuyện không đầu không đuôi như vầy, còn cái vụ KĐKĐ chắc cũng dễ giải quyết thôi!Hay là nhân ngày Nhà Báo VN, mình nhờ mấy anh chị ấy viết sẵn cái nhập đề và cái kết luân mẫu, chừng nào mình viết chuyên KĐKĐ mình cứ bê nó gắn vào là bài mình sẽ thành hoàn chỉnh ngay! Anh thấy thế nào?
Lâu ngày mới thấy Phương Mai vô trang. Mừng quá nghe. Có điều, đọc kỷ lại phản hồi nầy, thấy có điều gì giông giống “mánh mum” đó nghe. Nhớ hồi nẳm, mầy dạy làm thơ, kiểu chặt khúc. Kỳ nầy kêu mấy tay nhà báo chuyên nghiệp viết nhập đề, kết luận để sẳn. Hết ý!
Cô giáo Phương Mai thân mến ,
Lâu quá mới nhận được tin cuả cô , cám ơn cô giáo cuả tui , nhờ phương pháp làm thơ chặt khúc nấu nhừ , NT tui đem áp dụng quả là có kết quả…vì nhờ đó mà NT mạnh dạn lên 1 chút khi đặt bút làm thơ theo cách cô dạy … sau đó thì NT có các sư huynh giúp chỉnh cho êm vần điêu… Nay cô ra phương pháp độc chiêu viết văn… cũng hơi có lí đó mà !!! ta cứ viết cái nhập đề trước , theo kiể u lungkhởi hay trực khởi…., rồi viết cái kết luận , thế coi như bài đã hoàn thành 2/3 đoạn đường , còn cái đoạn giưã thì hạ hồi phân giải từ từ mà chứng minh….. Nhớ lại hồi đi thi lớp Đệ Thất , NT tui cũng áp dụng kiểu này , vì dù sao cũng không bị dưới trung bình , mà có khi được 8 , hoặc 9 điểm đó , hên xui thôi qua cái khúc giưã mà thôi ..phải rán tìm thí dụ , chứng tỏ hoặc chứng minh cho nó khớp với đề… nhưng mà ở đây không có giống cô giáo ơi….khó ơi là khó , các nhà báo hay nhà nghèo theo kiểu ĐKP nói thì họ có khiếu và có tài sẳn ruì…..chỉ có NT đang suy nghỉ và rút tiả kinh ngạc sáng ý từ cô giáo thôi , vì thấy ừ nhỉ , hơi có lí à nhe , thôi đi xã chétt ….!!!hi hi .