Tết mùng Năm
Hôm nay (12-6-2013) là Tết mùng Năm (5-5 âm lịch), có nghĩa là đã gần hết nửa năm bên dưới rồi. Thời gian qua nhanh như tên lửa vũ trụ vậy đó. Con rắn Quý Tị chỉ còn lại phân nửa (nửa đầu hay nửa đuôi là tùy vận hạn mỗi người).
Tết mùng Năm còn có tên là Tết Đoan Ngọ – một cái tết truyền thống của người Trung Hoa. Trong tiếng Hán, “đoan” là mở đầu, “ngọ” là giữa trưa. Vì thế, “đoan ngọ” có nghĩa là ăn vào giữa trưa (từ 11g sáng tới 1 giờ chiều). Do đây cũng là thời điểm khí dương đang vượng nhất trong năm (hạ chí) nên còn gọi là Tết Đoan Dương.
Tết Đoan Ngọ gắn với truyền thuyết Khuất Nguyên, một quan đại thần của nước Sở thời Chiến quốc. Ông còn được coi là tác giả của bài thơ Ly tao nổi tiếng trong văn chương cổ đại Trung Hoa. Trước hiểm họa mất nước mà không thể can ngăn được vua Hoài Vương, lại bị gian thần hãm hại, Khuất Nguyên đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn vào ngày mùng 5-5. Thương tiếc vị trung thần và nhà văn hóa nổi tiếng này, hàng năm vào ngày giỗ ông, người dân làm bánh và bỏ gạo vào ống tre ném xuống sông cúng ông.
Người Việt mình còn gọi đây là Tết giết sâu bọ, vì theo nông lịch, đây là ngày bắt sâu bọ, tiêu diệt các loại sâu hại trên ruộng đồng. Người ta cũng suy diễn ra đây là dịp để giết sâu bọ, giun sán trong con người (có lẽ tại hồi đó chưa có các loại thuốc diệt giun sán như Fudacar,…) với niềm tin là hễ sáng sớm khi bụng đói mà ăn những món của ngày mùng Năm thì sẽ diệt được sâu bọ trong người. Còn nhớ trước năm 1975 khi anh em chúng tôi còn nhỏ và mẹ thì còn khỏe, dịp Tết mùng Năm nào mẹ tôi cũng ủ cơm rượu rồi sáng sớm ngày mùng Năm bắt mỗi anh em tôi mỗi đứa phải ăn một chén… để giết giun sán! Ăn cơm rượu lúc bụng đói thì người còn ngất ngư huống chi là giun sán không say xỉn tới mức bị tống ra lúc nào hỗng hay.
Tềt mùng Năm trong văn hóa Việt còn là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ.
Bánh tro là loại bánh đặc biệt của Tết mùng Năm. Nó là loại bánh ú nhỏ xíu xiu 9hay cũng có loại cỡ lớn) được làm bằng gạo nếp ngâm nước tro (tro một số loại cây, vỏ khô hay rơm rạ và nước ngâm gạo là phần nưóc trong lắng lại sau khi ngâm với loại tro này). Bánh có lớp vỏ trong màu vàng tối và có nhân ngọt hay không nhân. Gói bằng lá tre hay lá dong non. Mấy ngày này ở Saigon, bạn vô Chợ Lớn, đặc biệt là đầu đường Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo giáp với Châu Văn Liêm (phía nhà thờ Cha Tam) là thấy có rất nhiều tiệm bán bánh ú tro của người Hoa, xâu thành từng chùm.
Còn món cơm rượu là đặc sản của người xứ Bắc trong Tết mùng Năm. Có cơm rượu nếp trắng hay nếp than. Bạn bỏ vô tủ lạnh cho lạnh rồi ăn thì phê hơn! Cơm rượu thường ăn kèm với xôi vò là đúng điệu.
Ai sao hỗng biết, bây giờ, Tết mùng Năm đối với tôi chỉ đơn thuần là một cột mốc thời gian báo cho biết mình đã tiêu béng mất một nửa của một năm nữa trong quỹ thời gian còn lại của đời mình. Có nghĩa là…
Mùng Năm là Tết nửa năm
Nửa năm còn lại đứng nằm hên xui…
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon Tết mùng Năm 12-6-2013)
H1
H2
H3