Nhà báo – người ta dấn thân, còn tôi tò mò
Nhà báo – người ta dấn thân, còn tôi tò mò Nghĩ mà thương cho các bạn đồng nghiệp của tôi ở Mexico, nơi mà tổ chức Các nhà báo không biên giới (RWB) vừa xếp thứ 4 toàn cầu trong số các nước chết chóc nhất đối với các nhà báo (sau Syria, Somalia và Pakistan). Đất nước Bắc Mỹ nằm ở vị trí bản lề giữa Hoa Kỳ và Nam Mỹ – châu Mỹ Latinh này nhiều năm nay chìm trong bạo lực đẫm máu của cuộc chiến chống ma tuy mà tổng thống nhiệm kỳ trước là Felipe Calderon phát động ngay sau khi ông nhậm chức vào cuối năm 2006. Quân đội và cảnh sát liên bang đã được huy động tấn công vào các tập đoàn buôn lậu ma túy khét tiếng của nước này. Liên tục xảy ra những vụ đọ súng đẫm máu giữa lực lượng an ninh và bọn tội phạm, những vụ trả thù của bọn tội phạm ma túy và những vụ tranh giành địa bàn giữa các băng đảng ma túy. Tới nay có khoảng 70.000 người đã chết trong các vụ bạo lực có liên quan tới ma túy. Tân Tổng thống Enrique Pena Nieto, 46 tuổi, nguyên Thống đốc bang Mexico, lên cầm quyền từ cuối năm 2012 với nhiệm kỳ 6 năm đã tuyên bố hành động khác với vị tiền nhiệm Calderon vốn bị dư luận trong và ngoài nước chỉ trích vì cuộc chiến chống ma túy gây quá nhiều thương vong. Thay vì tập trung vào các cartel ma túy, ông dồn lực lượng ngăn chặn tình trạng bắt cóc và tống tiền cũng vốn khét tiếng ở nước này. Mặc dù có giảm so với cùng kỳ năm 2012, nhưng trong 4 tháng đầu tiên cầm quyền của Tổng thống Pena Nieto, hơn 4.200 người đã chết vì bạo lực ở Mexico. Nhà báo là một trong những mục tiêu hàng đầu của các băng đảng tôi phạm, các cartel ma túy ở Mexico. Viết gì thì viết, nhưng hễ chạm vào các hoạt động tội phạm là coi như nhà báo tự điền thêm tên mình vô danh sách “hit-list” tử thần. Trong vòng 13 năm qua, người ta ghi nhận có tới 104 nhà báo bị giết hay mất tích. Mà tụi sát thủ ma túy Mexico hỗng có nhẹ tay giùm chút đâu. Trước khi giết chết, chúng hành hạ nạn nhân tới bến, chặt chưn, cắt tay nạn nhân tả tơi. Ôi, sợ quá! Dạo sau này, khi các mạng xã hội lên ngôi, cả những người làm truyền thông mạng xã hội (blog, Facebook, Twitter, YouTube,…) cũng trở thành nạn nhân của bọn băng đảng ma túy Mexico nếu như comment, đưa các thông tin xấu xa về chúng. Vào năm 2012, thế giới chấn động trước hình ảnh hai cái xác tả tơi của một đôi nam nữ bị treo tòng teng từ trên một cây cầu vượt cho khách bộ hành ở thành phố Nuevo Laredo của Mexico giáp bang Texas của Mỹ. Phía trên 2 nạn nhân xấu số là một tấm biển ghi: “Điều này sẽ xảy ra với tất cả những kẻ đang post những điều buồn cười trên Internet. Tốt hơn hết là tụi bay hãy chú ý. Tao sắp chộp được bọn mày đây.” Thiệt ra, Mexico đang chứng kiến một sự chuyển đổi chức năng và nhiệm vụ. Khi các nhà báo chính thống bắt đầu co vòi trước bọn tội phạm, ma túy, giới truyền thông mạng xã hội với ưu thế nặc danh nhưng lại có sức lan tỏa rộng đã lập tức nhảy vào lấp chỗ trống. Chỉ có điều, ai sơ sẩy, mất cẩn trọng để lộ tung tích là coi như… đứt phim! Nhưng không vì thế mà không có những tấm gương nhà báo yêu nghề và dũng cảm. Một trong số đó là nữ nhà báo Sandra Rodriguez ở Juarez. Chị tâm sự: sau khi một số đồng nghiệp trong tờ báo của mình bị sát hại, “chúng tôi trở nên giận dữ hơn là sợ hãi”. Thay vì co rúm lại, Rodriguez đã nỗ lực gấp bội lần, bắt đầu điều tra về một số tội ác xảy ra chung quanh chị. Rodriguez nói: “Tôi không muốn bất cứ nhà báo nước ngoài nào kể cho tôi nghe câu chuyện của thành phố tôi.” Nhà báo là một thiên chức và một cái nghiệp. Một khi đã chấp nhận làm nghề báo, người ta phải chấp nhận dấn thân và hiến thân vì thông tin và sự thật. Tôi mần báo chính thức từ năm 1976 – nghĩa là lúc mới 19 tuổi – tới nay, tự soi mình vào mặt nước hồ cá thấy rằng mình tuy với nghề báo đã thành cái nghiệp, nhưng chớ đạt được level dấn thân thì đừng nói chi là hiến thân. Chỉ có cái được là cái máu tò mò, tọc mạch, nhiều chuyện trong tôi luôn cuộn trào, chưa biết ai hơn ai à nghen. Trong mấy ngày ở Bangkok, tôi la cà khắp các nơi có binh lính đảo chính đóng, đặc biệt là khu vực Hoàng cung, văn phòng chính phủ,… từ sáng sớm cho tới gần khuya. Cái cảm giác lạ lùng lắm. Đâu có phải dễ có được những cơ hội như vầy trong đời mà trải nghiệm. Sau những ngày đầu sợ hãi, người dân Bangkok đã trở nên quen thuộc với không khí đảo chính, họ chen nhau kéo tới các nơi có binh lính để xem và chụp hình kỷ niệm. Nhiều dịch vụ nhạy bén ăn theo. Tại khu vực chùa Wat Benchamabophit (The Marble Temple), tôi làm quen với một anh chàng kỹ sư đang cùng cô bạn gái mở dịch vụ chụp hình kỷ niệm cho người tham quan. Họ đặt trên một chiếc xe đẩy chiếc máy in Epson chạy bằng bình accu. Hễ chụp xong, họ lập tức in ảnh giao cho khách. Cũng tại khu vực chùa này, tôi mém sinh nghề tử nghiệp. Các nhà báo nước ngoài đều đeo tấm bảng tên có chữ PRESS bự chảng. Tôi thì trần trụi, cứ lăng xăng chụp ảnh. Bữa đó đang chụp ảnh bên cạnh một chiếc xe tăng, tôi nghe lạnh ót ngước lên thì thấy một tay sĩ quan đứng trên pháo tháp xe tăng chĩa họng súng colt ngay đầu tôi. Tôi cố dằn nỗi sợ tới mức mém… ướt quần cười cười cầu tài rồi lẹ cẳng lỉnh vào đám đông. Sau đó, tôi ra chợ, mua một chiếc áo thun vàng có gắn logo Hoàng gia chui vô WC thay ngay. Kể từ khi có chiếc áo vàng, tôi trở thành fan của Hoàng gia, chấp mấy người đó! Hồi thời chiến tranh biên giới Tây Nam uýnh với quân Pon Pot, lúc đó làm ở báo Long An, tôi cũng đã trải qua nhiều lần chung chiến hào với những bộ đội ở những tiền đồn biên giới Vĩnh Hưng. Lúc đó còn phải đi đổi quân vào ban đêm cho an toàn. Khi ngồi trên tắc-ráng từ huyện lị chuẩn bị ra chốt tiền tiêu, tôi nghe trên bờ có tiếng lao nhao dặn người đổi quân “ráng kiếm cho tao mấy cái mật lính Pon Pot”, nghe mà lạnh sống lưng! Cái nghề làm báo thì ở đâu cũng phải xông vào chỗ nguy nan nhứt thôi. Nếu không, nhà báo làm sao có thể làm trọn được cái sứ mạng đưa tin cho công chúng một cách càng nhanh càng tốt và với sự chính xác và tính trung thực tối đa có thể được. PHẠM HỒNG PHƯỚC + PHOTO: Một số hình ảnh chụp tại Bangkok (Thái Lan) trong cuộc đảo chính năm 2006. h1 h2 |
|