Làm cho học sinh yêu thích, tôi yểm trợ hết mình
Năm 1970 tôi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Saigon, được bổ nhiệm về Trung học Tống Phước Hiệp Vĩnh Long. Cùng về trong năm học đó có Đoàn Xuân Kiên (Việt Văn), Nguyễn Thành Đô (Sử Địa), Đặng Thị Thanh Nhàn (Anh Văn) và Lương Văn Hoa (Lý Hóa).
Thầy Đinh Văn Thạnh (bìa Phải)
Ngày đầu trình diện với hiệu trưởng Đào Khánh Thọ, chúng tôi đã thấy an tâm. Những lo lắng của người mới bước chân vào đời tan biến dần. Anh ân cần tiếp đón nhóm giáo sư trẻ mới ra trường, với nụ cười hiền lành luôn ở trên môi. Anh đưa chúng tôi đi thăm một vòng trường, giới thiệu với Giám học, anh Võ Thanh Bai, phòng Tổng Giám Thị, các phòng Hành Chánh, Học Vụ, Giáo Sư, cả văn phòng của Hội Phụ Huynh học sinh, phòng y tá. Trên dường đi, gặp ai anh cũng ân cần chào hỏi, kể cả học sinh và mấy chú lao công trong trường.
Quang cảnh làm tôi thích thú. Hai dãy phòng học hình chữ L, đường đi lát xi măng bao quanh những bồn hoa nhỏ, hàng cây cao lưu niên che bóng lối vào trường… Anh đưa chúng tôi lên dãy lầu phòng thí nghiệm và thư viện vừa xây xong và trang bị vài năm trước ghép thêm vào hai dãy phòng học hình chữ L. Tôi tốt nghiệp ban Lý Hóa, thật sự bị choáng ngợp với các trang thiết bị của phòng thí nghiệm, những dụng cụ, máy móc, hình đồ minh họa cho các môn Lý, Hóa và Vạn vật đầy đủ, những dãy bàn thí nghiệm được sơn lớp chống sự ăn mòn của hóa chất…Tất cả những thứ đó vượt ngoài trí tưởng tượng của tôi về một phòng thí nghiệm trung học, trước đây tôi chỉ thấy ở trường Đại học. Tôi hỏi, anh trả lời những trang thiết bị này do cơ quan viện trợ Hoa Kỳ cung cấp. Điều đáng nói là nét khang trang và đa diện của phòng thí nghiệm Tống Phước Hiệp hơn hẳn các phòng thí nghiệm của các trường trung học khác mà tôi biết. Sang thăm thư viện, tôi càng ngạc nhiên hơn với cách sắp đặt, số lượng, chất lượng sách và cách tổ chức cho học sinh đọc và mượn sách trong thư viện. Anh Thọ cười tươi khiêm nhường cho biết đó là do công sức của vị quản thủ: anh Đặng Ngọc Diệp. Cơ ngơi và tổ chức trong trường tạo trong tôi một cảm giác vừa ấm áp vừa mến phục công sức của những người đi trước. Về sau, tôi dần dà nghiệm ra công sức và tấm lòng của anh đối với ngôi trường thân yêu này, dù việc gì anh cũng nói là công của người khác.
Dạy được mấy tháng, đến tháng Hai năm 1971, chúng tôi bị gọi nhập ngũ, học quân sự ở quân trường BB, sau đó được biệt phía ngay về nhiệm sở cũ, khỏi ra đơn vị chiến đấu, nhờ vậy tôi còn gặp và làm việc chung với anh một niên khóa nữa: 1971-1972. Điều làm tôi ngạc nhiên là phòng thí nghiệm của Tống Phước Hiệp lúc bấy giờ chỉ là nơi cất giử vật liệu và chỉ để cung cấp trợ huấn cụ hay vật liệu cho giáo sư mang xuống lớp. Học sinh đã có cơ hội nhìn thấy nhửng thí nghiệm, hình đồ minh họa cho bài học…nhưng tôi vẫn cho là phòng thí nghiệm chưa sử dụng hết công suất và tầm vóc của phòng. Đem điều này trình bày với anh, anh nắm ngay lấy cơ hội (và đây là đức tính hơn người khác của anh) đề nghị tôi làm sao để biến phòng thí nghiệm thành nơi thường xuyên lui tới của những học sinh thích môn khoa học, như thư viện đã làm được cho học sinh mê thích đọc sách. Anh bảo tôi :”Em nói đúng, anh thấy như vậy thì uổng quá, nếu em nhận lời lo cho phòng thí nghiệm thì cần gì anh sẽ yểm trợ hết mình”. Thế là tôi nhận lời, cố gắng tạo một không khí khác cho phòng thí nghiệm. Tôi cho trưng bày những thí nghiệm hay dụng cụ, hình đồ của các bài dạy về Lý, Hóa, Vạn Vật của các lớp mà giáo sư đang dạy tới ở lớp, đặc biệt là tạo điều kiện, hướng dẫn cả cho các học sinh tự tay thực hiện các thí nghiện không nguy hiểm ngay tại phòng. Sau đó tôi có thêm vài phụ tá là các giáo sư Lý Hóa, Vạn vật thực tập. Chúng tôi thực hiện được cả vài công tác lớn: Dịch và dán chữ Việt đè lên chữ Anh trên các hình đồ (charts) cho các môn Lý, Hóa, Vạn Vật. Thu thập và triển lãm sinh vật nước ngọt của vùng Vĩnh Long, gắn bảng tên (cả tên khoa học và tên thường dùng) cho các loại cây nhận biết được nhờ cuốn Cây Cỏ Miền Nam của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, công việc này hầu hết là do anh Trần Văn Bé, giáo sư thực tập môn Vạn Vật đảm trách. Một số việc này thực hiện trong thời kỳ anh đã rời trường, qua Cần Thơ làm Trưởng Khu Học Chánh, chị Võ thị Ngọc Dung làm hiệu trưởng Tống Phước Hiệp. Tuy vậy mỗi lần về thăm nhà, anh đều ghé qua trường, khi thăm phòng thí nghiệm anh luôn để ý quan sát, khích lệ…
Điều làm tôi kính phục anh nhất là tính bình dị của anh mà ai đã từng có thời kỳ ở Tống Phước Hiệp, dù là học hay làm việc, đều biết. Có lẽ nhờ anh là một người Hướng Đạo. Một cách tình cờ tôi biết anh là tráng sinh của Tráng Đoàn Tây Hồ, Đạo Cửu Long ở Sai gòn, còn tôi lại là Thiếu sinh của Thiếu Đoàn Tây Hồ, cùng một liên đoàn, tuy kẻ trước người sau, không sinh hoạt cùng thời kỳ. Tôi chỉ biết điều này khi về Tống Phước Hiệp. Ai biết anh đều công nhận tính bình dị của anh. Ngay cả khi anh là Trưởng Khu Học Chánh, lúc về thăm nhà, sau lúc tan trường, anh vẫn thường la cà sang trường (nhà của hiệu trưởng dính liền với trường), khi thì đi dạo lanh quanh, khi thì sang đánh tennis với hội quần vợt của các giáo sư trong trường… lúc nào anh cũng vui vẻ, thân thiện chào hỏi mọi người, xem mọi người như người thân của mình. Nghe anh em kể lại, sau này khi định cư ở Mỹ, mỗi lần có ai quen về Việt Nam anh đều nhịn tiêu xài gửi về giúp cho bạn bè, nhân viên của trường đang gặp khó khăn.
Bây giờ anh đã vĩnh viễn ra đi, tôi không còn dịp để gặp lại anh, người mà tôi coi như người Anh, người Thầy đáng kính. Tôi sang Orange County nhìn lại anh lần cuối mà nghe lòng ngậm ngùi, tiếc nuối.
Cầu mong Hương Linh anh sớm Siêu Thăng Tịnh Độ.
Houston, tháng 5 năm 2013
Đinh Văn Thạnh
HuỳnhHữuTrí đàn em ĐHSP Saigon Toán 71 của anh Thạnh đây nè.Trước khi anh rời khỏi đất Vĩnh không biết bao giờ trở lại,anh có ghé khu tập thể thăm em. Rất tiếc khi về mái nhà lá của gia đình,nghe vợ nói lại,không biết đâu mà tìm gặp anh ở thời buổi ấy.Thấy hình anh bây giờ ngon lành quá to, còn mình lại khó ăn quá nhỏ.Chúc anh,chị và các cháu tràn đầy hạnh phúc.
Trí thấy vậy mà thực tế nhiều khi không phải vậy. Thời gian không chừa một ai, âu đó cũng là qui luật của tạo hóa…Sẽ đến lúc “cầu chẳng được, ước chẳng thấy”. Cầu mong Trí nhiều sức khỏe
Thầy kính,
Bài viết của Thầy rất cảm động về một thời đầu bước vào trường Tống Phước Hiệp, có nhiều kỷ niệm nhắc nhớ đến thầy Hiệu trưởng Đào Khánh Thọ. Có lẽ đã 40 năm qua, em chưa có dịp gặp lại Thầy. Hôm nay nhìn thấy hình của Thầy, nếu không nhờ chú thích dưới ảnh, em không biết người ấy chính là Thầy Đinh văn Thạnh của mình. Thật sự em rất vui mừng khi gặp lại Thầy kính yêu dù chỉ là hình trên trang web. Kính chúc Thầy Cô luôn có sức khỏe dồi dào và có nhiều niềm vui bên các em và cháu trong một gia đình hạnh phúc và thành đạt.
Thời gian trôi qua, bây giờ ai cũng già, ai cũng khác trước không những về gương mặt, giọng nói, mà cả thể xác, chỉ mong là tinh thần không già cỗi. Chúc em nhiều may mắn..
Kính thưa thầy!
Gần 40 năm không gặp được thầy, hôm nay em được thấy hình thầy vẫn mạnh khoẻ, em vui mừng vô cùng. Đọc bài viết của thầy, em như được thấy lại thầy và các thầy cô TPH yêu kính ngày nào. Thầy ơi! em có một niềm tin là thầy vẫn còn nhớ đến các học sinh nhỏ của thầy, cũng như chúng em không bao giờ quên thầy cô của mình. Ở bên này CHS TPH chúng em rất đau buồn khi nghe tin thầy Thọ mất, đây là nỗi mất mát khó bù đắp được của gia đình TPH. Em còn nhớ thầy đã hết lòng giảng dạy bài vở cho chúng em như thế nào. Khi lớn hơn một chút, em đã biết và tự trách mình sao lúc ấy mình không cố gắng học nhiều hơn nữa để khỏi phụ lòng thầy, em ân hận vô cùng vì có lúc đã làm thầy buồn lòng và em cũng biếc chắc rằng thầy đã tha thứ hết những lỗi lầm đó rồi. Hôm nay nhìn thấy hình ảnh thầy, bao nhiêu kỉ niệm cũ ùa về, và trong em dậy lên một lòng biết ơn vô hạn đối với thầy và các thầy cô dưới mái trường TPH năm nào. Không biết nói gì hơn, em xin kính gửi đến thầy và quý thầy cô của gia đình TPH lời cầu chúc sức khỏe và hạnh phúc.
Kính thư! (Một học trò cũ của thầy niên khóa 1974).
Chị Mộng Lê có phải là chị dâu của Dụng -Diệp bạn của Trần Bình ,con cô ba Hạnh không?
Tuy bây giờ khó mà hình dung các em ra sao, nhưng tên thì vẫn còn nhớ. Qua Cali tiễn thầy Thọ ra đi, nhiều học sinh cũ đến chào và chỉ nhận ra được khi nói tên và lớp. Mong các em được nhiều may mắn trong cuộc sống.
Mộng Lê ơi! Mừng bạn đến sinh hoạt, chung vui cùng gia đình Tống Phước Hiệp – Vĩnh Long. Các bạn K74 mong gặp ML nhiều lắm. Hẹn bạn vào mùa Tết Thầy Cô năm nay nhé!
Là chị đó Bình ơi.
ML cảm ơn Thu Nguyệt rất nhiều, ML luôn nhớ đến các bạn mà tại vì mình bận bịu quá nên ít gặp các bạn. Chúc các bạn vui, khỏe và hạn phúc!
Rất là vui khi chị tham gia trang nhà . Cho em gởi lời hỏi thăm sức khoẻ đến cả gia đình anh chị .
Thầy ơi, Thầy có gửi bài này cho CH chưa??!! Sáng nay đạp xe ngoài đường phố, em chợt nhớ đến Thầy Thọ mà tự dưng muốn khóc. Bài em viết dở chừng vì .. buồn quá. Hôm nay, tự dưng lại …lạc vào trang nhà TPH-VL, để thấy bài viết của Thầy…Làm…nước mắt rơi hồi nào không hay!!
Theo quan niệm của em, một đời người, sự thành công trên con đường sự nghiệp, tiền tài, danh vọng, được bao nhiêu người biết đến …vẫn chưa đủ để đánh giá cái gọi là “thành công”. Ở phút giây mình nằm xuống có bao nhiêu người thương tiếc, bao nhiêu người “lặn lội” đường xa để về tiển đưa lần cuối, bằng tất cả tấm lòng thành kính, yêu thương, đó là sự thành công thực sự của một đời người. Thầy Thọ đã có được điều đó!! Em có đọc đâu đó một điều người ta nói: “khi bạn được sinh ra, bạn khóc nhưng bao nhiêu người chung quanh bạn vui mừng. bạn sống như thế nào để khi bạn ra đi, bạn mĩm cười tự tại và chung quanh bạn bao nhiêu người tiếc thương”.