Thu Phượng
Ở vùng đất phíaNam, thuộc hạ lưu sông Cửu Long vào mùa khô nóng ẩm không có gì làm lạ. Khí hậu năm nay có dấu hiệu bất thường. Nắng hạn kéo dài gay gắt. Đang trưa, trời bỗng nhiên đứng gió thì quá ngột ngạt.
Viền trán ba tôi mồ hôi tươm đọng hột, loằng ngoằng xuống hai bên thái dương. Sau mấy chung trà đậm, dường như có hiệu quả “tống nhiệt”, ba tôi nghiệm ra rằng: “Nước đá không thích hợp với cơ thể già. Trà nóng, coi vậy chớ uống mau đã khát, dễ tỉnh táo”. Nói rồi vói tay mở nắp bình thuỷ châm tiếp. (Cái bình xưa dạng chừng trái cam sành) chót vòi mẻ mất một miếng, lâu ngày nước trà đóng nâu sẫm.
– “Bình được lưu giữ từ khi nào? Có lẽ quý hơn bình ấm thời nay” – Tôi tự hỏi.
Càng xế trưa, trời càng oi bức. Má và tôi ngồi im lặng, mong chút gió để nhẹ người. Ba tôi, tay chống càm, hướng mắt ngoài khoảng không tĩnh lặng…
Đột nhiên tiếng “trảo trẹt” kêu inh ỏi, vang tai. Nó bay vụt qua, đảo lại, rồi đậu đâu đó, cứ “chã chạch!…chã chạch!…”.
Dẫu sao tiếng chim cũng không gây bất bình cho ai, nó còn tạo thêm sinh khí cho cảnh vật miền quê. Sau tiếng chim, làn gió mỏng nhẹ lướt qua có cảm giác dễ chịu.
Ba tôi đổi lại thế ngồi, rồi hắng giọng, nói một mạch:
– Ở đất địa mà đông đảo số dân lấy việc gieo trồng, chiết ghép nhiều loại cây để làm nghề chuyên sống, ngó ra đã thấy sông rạch, bốn bề cây lá, bóng mát gần như chiếm một phần nhiều ánh nắng, vậy mà… nóng nực, bứt rứt da thịt chịu không thấu. Huống hồ ở thành thị vốn chật hẹp, cư dân ngày một đông. Xóm lao động nhà gạch, ván lấn nhau kín mít, ẩm thấp. Có khi đứng vói tay đụng mái che, hổng biết con người ta sống sao cho được.
“Lạ! Sao bỗng nhiên ba tôi tự “khui nắn tâm can” mình? Lại ngầm ý thương trách. Mà thương ai, trách ai, trời đất chăng? Trước giờ có nghe ông phàn nàn việc gì đâu”. Thấy vậy tôi đùa:
– Chắc ba “thọ” cho tới giờ nầy là nhờ sống chung với vườn tược. Nên ít ai nhận thấy ở ba ngoài tóc bạc, có “dấu hiệu tuổi già”. Con ngọt lỗ tai khi nghe tụi bạn của con, chúng cứ trầm trồ: “chưa biết bọn mình sau nầy có được như ổng không”.
Má tôi ngồi trên chiếc võng treo sát mặt đất. Một chân theo thế ngồi xếp bằng, một chân chấm đất, đẩy chiếc võng tới lui. Dây ở hai đầu cột rít kèn kẹt. Đang im lặng, bỗng má tôi lên tiếng, nửa đùa nửa thật:
– Ở độ tuổi ba bây giờ vào thời ông nội, người ta cho là già sụm rồi!
Má tôi thường tuỳ hứng bất tử, nghĩ sao nói vậy, ít vòng vo.
Tôi thoáng nhìn: Đôi mắt ba tôi già hơn, tánh bình dị gần như không đổi, chưa có lần to tiếng quá đáng. Thậm chí, mỗi năm nhà cúng giỗ đôi ba lần, dịp để con cháu, thân tộc tụ về ồn ào, chật chội ba tôi vẫn ôn tồn, không khí gia đình thêm ấm cúng.
Ngồi vào bàn ăn, cũng là dịp lạm bàn đủ thứ chuyện trên đời, hiếm hoi thấy ba tôi tranh luận. Thỉnh thoảng, ông cười tỏ thái độ đồng tình, hoặc nhếch mép. Một kiểu xã giao!
Người ngoài chẳng mấy khi bắt gặp ông vất vả với công lên chuyện xuống gì, nên ai cũng cho rằng ba tôi có cuộc sống quá đầy đủ, sung túc. Đôi khi họ còn “tán” với nhau (không ác ý): Ổng sướng như tiên, mắc gì phải phiền lo cho mệt! Mỗi người có một cách nhìn
Không có gì làm tôi ngạc nhiên với tên cây phượng, khi ba tôi “đệm” thêm cho nó tiếng “thu”. Thời gian đọng lại trong mắt ba tôi, mặc nhiên đã nói lên điều gì. Tôi hiểu. Suy cho cùng, chuyện ngược đời đâu phải ít, nếu ba tôi hời hợt, qua loa hơn một chút thì đã sao.
Vấn đề là cái tên “Thu Phượng” nghe nghịch lý ấy lại đúng vào trường hợp nầy. Bởi nó là cây phượng kỳ lạ khác thường. Chẳng riêng gì ba tôi mà chính tôi cũng nghĩ vậy.
Hồi mới cất công mang nó về, ba tôi đặt cho nó một chỗ đứng, không quá khiêm tốn rồi chăm sóc, nâng niu, hy vọng… Ba năm – bảy năm – mười năm, cứ thế, ba tôi chờ! Cây phượng cứ lớn nhanh theo ngày tháng: gốc to, tán rộng, lá bao giờ cũng xanh um, chỉ có bông là vô tâm biệt dạng. Thách thức! Vì thế, mỗi khi nhắc tới cây phượng là nhà tôi vang lên tiếng cười. Ấy cũng là cơ hội để má tôi vui miệng “chọc tức” ba tôi – đại để:
– Ba bây hả, ổng có tay “trồng người”, chớ thiếu tay trồng cây.
Những lần như vậy, ba tôi vẫn từ tốn nhìn má rồi ngó lên cây phượng, tiếp theo lại một kiểu cười!
Cho đến giờ nầy, tôi vẫn chưa hiểu chính xác cây phượng được trồng vào thời điểm nào. Chỉ có một điều còn in đậm trong trí nhớ của tôi, đó là lúc tôi còn học ở đầu cấp Một. Một hôm, ba tôi dạy học ở trường về, trên tay xách một chiếc giỏ nặng trịch. Tôi chạy ra mừng, chụp lấy giỏ, mở ra, cứ tưởng có cái gì ăn được trong đó, ai dè… toàn là bầu cây con. Thấy lạ, hỏi ba mới biết cây bạch đàn, lại có lẫn một vài cây khác lá nhuyễn hơn. Ba tôi bảo: cây phượng.
Tôi sực nhớ ra, hỏi:
– Có phải là cây trổ bông đỏ, vào mùa hè bông rụng đầy sân trường của con không ba?
– Ừ! Nó đó – ba tôi đáp.
Tôi lại hỏi tiếp:
– Ba định trồng ở nhà mình hả, chừng nào trồng?
Ba mỉm cười nhìn tôi:
– Đợi nó cứng cáp, lớn hơn chút nữa mới trồng.
Hỏi bao lâu nó có bông thì ông nói: “Gần tới tháng nghỉ hè, năm con học lớp Năm.” Rồi xách giỏ để bên góc bếp, ông nói một câu nghe lạ tai: “Nhơn chi sơ tánh bổn thiện” – Nghe vậy hay vậy (sau nầy mới hiểu đại khái…) Với tuổi con nít của tôi, việc tôi mới vừa nghe xong ngủ một đêm đã trở thành chuyện hôm qua.
*
* *
Đất quanh nhà không rộng, vài loại cây trái chẳng giá trị gì đã chật đất.
Ba tôi trổng hàng bạch đàn phía trước sân, gần mép lộ, bên ngoài là sông. Người qua kẻ lại “ngứa tay” cứ bẻ ngang hoài. Ba tôi kiên nhẫn, cứ chết cây nầy, trồng lại cây khác.
Bạch đàn “chịu đất” lớn vùn vụt. Bẵng đi ít lâu, nay đã cao nghêu. Tôi chợt nhớ mấy cây phượng, ba tôi trồng ở đâu không thấy. Đi vòng ra phía sau mới chưng hửng! Nó đây rồi. Ba chỉ trồng một cây thôi sao? Chắc vậy.
Cây phượng chen với bụi chuối già, ngọn ngang tầm với cây khế ngọt, vượt lên khỏi đọt mãng cầu xiêm, từ lâu bị đám nhãn lồng đeo bám, che khuất.
Tôi nhìn cây phượng thích thú. Nó mau lớn chẳng thua gì cây bạch đàn, hơn thế, cành nhánh của nó vươn dài thậm thượt, không như cây bạch đàn cao vút, thẳng đuột, giống như chiếc đũa chỏi trời.
Có lần người quen ghé qua nhà, thấy cây phượng chiếm một khoảng đất rộng, buộc miệng nói: “ Ông trồng chi thứ chẳng ăn uống gì được cho tốn đất?”. Ba tôi lại cười thay vì trả lời!
*
Ngày đi họp ngành ở huyện về, ba tôi bị trận mưa áp thấp mù mịt. Đường loang lỗ, sình sụp, có đoạn trũng sâu, lội lầy lên nửa gối chân. Có xe đạp mà không thể ngồi trên yên, buộc phải dẫn bộ hoặc cõng xe qua năm bảy trăm mét. Ba tôi nói: “Ở trong hoàn cảnh nầy được đi bộ bằng chính đôi chân mình vẫn đỡ khổ hơn.”
Về tới nhà, trông ba tôi rất mỏi mệt! Sau đó ông bị bịnh liên miên, xin nghỉ phép. Lúc sức khoẻ tạm ổn, dạy lại không lâu, ông lại bịnh, lại xin nghỉ dưỡng.
Mười ba ký gạo cộng lương giáo viên thời ấy có thấm tháp vào đâu. Thuốc men, ăn dưỡng bằng cách nào có thể hồi phục? Ba tôi đành xin thôi việc (dạng mất sức trước tuổi hưu). Đôi lúc buồn, ông tâm sự: “Sống kham khổ với nghề bao nhiêu năm, bỏ nghề thật không dễ”.
Tôi học lên cấp II rồi cấp III, thi vào đại học. Nhiều lần về thăm nhà, nhìn cây phượng vẫn xanh, xanh… rờn rợn, tuyệt nhiên chẳng thấy nhánh bông nào, kỳ lạ thật! Bây giờ nó đã vượt khỏi nóc nhà. Mỗi khi có gió mạnh, cành nó quét sàn sạt, may mà ba tôi đã mạnh khoẻ, cuộc sống khấm khá hơn, căn nhà được cất sửa lại, nếu còn mái là như trước kia, tránh sao khỏi dột nát?
Đứng gần bên gốc phượng, tôi thấy mình quá nhỏ bé. Rễ nó gồng lên gồ ghề, thân nhánh xuất hiện u nần, xám mốc, đã có dáng dấp… “cổ thụ”. Tuy vậy, không thể bảo nó đã già, bởi nó chưa từng đơm hoa kết trái, lá xanh mướt thế kia thì bất quá như “cô gái lỡ thời” dầu đứng tuổi vẫn còn son.
Hy vọng vào kiến thức và vốn sống, ba tôi sẽ có được lời giải thích, tôi hỏi:
-Sao cây phượng tới giờ nầy vẫn chưa có bông vậy ba? Nó có đúng là cây phượng không?
– Đúng! Chắc chắn là cây phượng – Ba tôi đáp.
– Người ta trồng đôi ba năm đã thấy bông đỏ cành, còn cây phượng nầy… Chắc ba trồng nhầm cây phượng đực rồi, ba ơi! – Tôi được dịp trêu.
Biết tôi nói giỡn, ba tôi cười (chắc là để ém cái buồn). Ông khẳng định:
– Không phải đực, đích thị nó là phượng cái. Ba tin sớm muộn rồi nó cũng trổ bông.
– Vậy con đặt tên cho nó là “Bậu lỡ thời” nghe ba.
Ba tôi lại cười, giải thích:
– Muộn, lỡ thời, không có nghĩa là chấm hết! Điều quan trọng là nó có đủ nhựa sống để thích nghi với đất đai, thời tiết của xứ mình mà chuyển mình kết nụ ra hoa không?!
Có điều tôi nhận thấy là chưa có một mùa hè nào cây phượng của nhà tự “giũ lông”, trụi lá như các cây phượng khác. Nó cứ xanh tươi, lừng lững mà theo lời ba tôi “biết đâu đây là loại phượng chỉ biết kết đài và giấu hoa trong lá”. Tôi chưa dám tin, vì phượng nào cũng phải rụng hết lá thì mới ra hoa đồng loạt được. Tuy nhiên, nghĩ mình chưa được biết rộng nên tôi cũng đành chấp nhận.
*
Rồi một ngày như mong đợi cũng tới. Theo đạo Phật, tháng Bảy là mùa báo hiếu – xá tội vong nhân. Tôi về với ba má trước ngày Rằm. Cả nhà tụ hội, quây quần bên mâm cơm; cũng là dịp để mừng cho thằng em út của tôi chuẩn bị khởi công cất một cửa hàng nhỏ cho thuê áo cưới, trang điểm cô dâu, kết hợp với quay vidéo – cái nghề mà nó vừa mới học được. Nó hy vọng, cái nghề đang ăn khách này sẽ giúp nó hái được tiền cưới vợ, đỡ làm thâm hụt vào túi tiền vốn ít ỏi của ba má tôi.
Tôi ôm vợ ngủ một giấc dài, bù lại khoảng mệt nhọc do chuyến đi Sài Gòn về lúc ban chiều. Giữa đêm thấy không biết từ đâu hoa phượng bay tới phủ lên khắp cả người tôi. Tôi giật mình. Thấy ánh đèn và tiếng sột soạt nhẹ ở gian trước, đoán chắc ba còn thức, dù đã quá một giờ, tôi khe khẽ bước ra. Nhìn ông đang ngồi trước trang giấy, tôi hỏi:
– Ba, chỉ giúp con cái đèn pin. Con cần ra chỗ cây phượng.
– Để làm chi? – Ba tôi hỏi – Ba đã đồng ý cho thằng út đốn hồi ban chiều, lúc trời gần tối, để dành chỗ đất trống cho ngày mai nó cất cái cửa hàng.
Út là đứa được ba tôi thương và trông cậy.
Tôi cầm đèn pin bước ra. Trời thanh vắng và tĩnh lặng, chỉ chợt nghe tiếng con vạc sành. Tôi quơ đèn. Thấy một quầng sáng lướt trên lớp da xù xì, từ gốc lên tới những chiếc lá xanh non mơn mỡn của thân cây phượng vừa bị đốn ngã lúc trời sắp tối (theo lời ba tôi), chưa kịp đẵn cành. Tôi cúi xuống, nhẹ nhàng vạch lấy một chòm lá, và thảng thốt nhận ra hình như trên tay tôi, chen trong lá đang có hoa.
– Hoa búp! – Tôi đang định thần, thầm kêu lên.
Và không kìm được, tôi vạch tiếp. Những búp hoa ẩn trong lá hiện ra, hiện ra…
“Sao lại thế này?”. Tôi thầm trách nhưng cũng lại thầm thôi. Bởi tiết trời đã vào thu, và biết đâu lúc chiều, khi trời nhá nhem, trước lúc đốn cây, vì quá chủ quan cho rằng mùa hạ đã đi qua mà thằng út đã không chịu dòm kỹ. Tranh tối tranh sáng là thời khắc dễ để người ta lầm lẫn nhiều thứ lắm. Tôi cảm thấy thương ba và thương cả thằng Út nữa. Chắc ba chưa hay và chắc nó vô tình.
Vào nhà, tôi định khoe với ba rằng cây phượng có bông (dù biết chuyện đã lỡ) nhưng lại thôi. Nhìn dáng ông ngồi trầm tư, tôi biết chắc ông đang làm thơ. Và biết đâu trong mớ hỗn độn là thơ ấy lại có một bài được lấy tên là “Thu Phượng” nữa cũng nên?! Tốt hơn hết là hãy giữ yên cho ông những phút giây này.
Vào mùng, nằm xuống bên vợ, nghe thoảng thơm mùi hương tóc, tôi bất chợt nhận ra hai giọt nước mắt đang đọng nơi khoé mắt của mình.
P.T (Nguyễn Vân Long)
Bạn VL thân mến,
Đọc xong bài của bạn tôi cũng ứa nước mắt theo. Thương cho cây phượng thì ít, dù sao chết là hết, mà xót xa cho ba của bạn, em út của bạn, và bạn thì nhiều…
Trong cuộc sống, tôi nghĩ, ai cũng một lần khóc cho “cây phượng “bậu lỡ thời” như vầy…
Bà Nội tôi trồng trước sân 4 cây dừa, 3 cây có trái , cây tốt nhứt mấy năm sau cũng không có trái, tôi định đốn cây dừa không trái bỏ, tôi chặc gần hết các tàu lá, bà nội tôi đi chợ về tới, ngăn lại không cho tôi đốn. Vài tháng sau cây dừa bị chặc gần trụi tàu lá bắt đầu đơm bông, sau này cây dừa đó có trái sai nhất.
Thân mến hai bạn Phương Nga và Hoàng Hưng,
Cám ơn hai bạn đến với bài viết của tôi bằng 2 ý rất gọn ghẽ, nhưng ý quá sâu và tình
quá đầy, tôi thật sự cảm động hai bạn có biết không? Cây Phượng mà tôi ghi lại đây
là thật hoàn toàn, tiếc thay khi đốn rồi thân gốc một người ôm chưa giáp,thuộc loại
cây xốp không như mù u hay bàng bỏ ngoài trời vài năm thì bị mối mọt ăn hết…
NVL