THANH THẢN ĐỜI TRÔI
Nằm ngửa đầu trên ghế lim dim, đột nhiên anh Phạm Thiên Thư mở mắt nói với Hạnh: “Chúc mừng anh chị, hai năm nữa sẽ trở thành đại gia”, Tôi nghe chợt mỉm cười, nhìn quyển Từ điển Cười đang nheo mắt đá tôi và lòng thầm nói: “anh thật là một người thấu thị, tôi vẫn mấy mươi năm là kẻ đa dại lăn lốc cùng đời như một cơn gió hiu trộn vào tâm bão mang mang”. Dù nghe như một câu nói bông phèng, nhưng lúc lắng lòng tôi vẫn nhớ câu nói của anh để ngắm lại đời mình.
Tôi hoắc nhiên làm thân người đa dại /Mấy mươi năm bên thế thái ngạo mình (đặng châu long)
Tôi là kẻ đa dại từ quá nhiều năm. Những thập niên cuối 70, ngoài giờ làm việc trên máy cưa mâm của Tổ hợp Khánh Xương bữa no bữa đói, về tới nhà như bước tới bình an. Nhóm nhà của anh em Hạnh như một chốn dung thân nghèo khó, bình an. Bốn căn nhà nhỏ qui tụ bên nhau như những thân cây khô khốc lặng lẽ tựa đầu nhau vượt sóng đời. Buổi trưa, buổi chiều ơi ới gọi nhau, nhà này có rau luộc, nhà kia có súp liên xô như những lời mời gọi chân tình, cứ thế mà đời trôi, cứ thế mà thời gian chảy nhẹ. Chiều tôi hay đi một vòng mấy nhà, la đứa em này quăng chiếc ghế gãy mộng, đứa em kia bỏ chiếc thau thủng đáy chơ vơ bên xó sân nhà. Tôi tha hết về nhà, chăm chút lại từng món bằng tay ngang không thiện nghệ, rồi gởi trả lại từng nhà với lời mắng mỏ: “lần sau nhớ đem qua anh sửa lại, không phải là lúc ta rẻ rúng những đồ vật chưa đáng bỏ đi”. Cứ thế mà đời trôi, nhẹ như cõi thiên thai.
Bốn anh em cùng làm xưởng cưa, ăn khoán sản phẩm. Những ngày không có gỗ về, làm linh tinh rồi về nhà . Có những buổi trưa ngồi trước bậc thềm trước nhà chốc mỏ, lặng lẽ chờ giờ đi làm mà bụng trống không, chỉ tự thở dài trong lòng, bề ngoài vẫn câm nín, mắt đăm đăm một phương vô định. Một phương an bình nào đó, có không cõi này.
Gần ngày sinh cháu Vinh, hai vợ chồng dành dụm 50 đồng chuẩn bị, năm 1978 so lương công nhân cũng là món tiền khó kiếm. Một đêm, một người em kết nghĩa ghé qua, hỏi xin năm đồng để về Ninh Hòa, tôi vào hỏi Hạnh, Hạnh bối rối nói chỉ có tờ chẳn năm mươi. Lòng cảm thấy xôn xao, chẳng thể nói mình không có tiền, một lời nói dối còn quá xa lạ với tôi. Cuối cùng tôi nói với Hạnh: “Thôi thì cứ cho người cần trước số tiền này, đời chưa bỏ mặc ta lần nào phải không em. Giờ đêm khuya rồi, đâu thể đổi tiền ai”. Vậy mà Hạnh nghe theo, trao cho tôi món dành dụm này nhẹ nhàng, dù có lẽ thâm tâm Hạnh vẫn bất an những ngày tháng sinh cháu Vinh không còn xa nữa. Cứ thả mặc tương lai như một lần tin vào nhân quả.
Tôi là kẻ đa dại những năm tháng 80. Giữa xã hội ngăn sông cấm chợ, ngoài đi làm xưởng cưa chẳng có nổi một ước mơ. Buổi sáng vẫn rủ nhau vào một nhà uống café, chẳng phải là quán. Chẳng có quán tư nhân nào trong giai đoạn này, ngoài những quán café chui, lén lút bán cho những kẻ ghiền thế sự. Những ngày cuối tuần trôi vô vị. Tôi đã biến nó thành nguồn vui riêng cho nhóm bạn cũ, những người bạn Thanh Niên Hồng Thập Tự, đã luôn gắn bó cùng nhau từ thời học sinh: Đàm Ngọc Châu, Nguyễn thị Thọ, Nguyễn văn Trai, Lê Thị Bảy, Nguyễn Ngọc Sơn, Đàm Thị Mộng Hằng, Nguyễn Thu Sơn, Kiều thị Thanh Thảo. Buổi trưa thứ bảy nào tôi cũng lấy hai ký gạo gởi làm bánh ướt để ngày mai, chúa nhật, sẽ cùng nhau lấy xe đạp lên đường tới tứ phương tám hướng tìm chút thời gian thanh thản cùng nhau. Có khi là Hòn Chồng, có lúc là Suối Tiên, Bãi Dương, hoặc bất kỳ nhà bạn nào. Nơi đó chúng tôi tìm lại tuổi thơ trọn sống cho lý tưởng, hoài bão một thời, nay đã quá xa. Ngày Tết. Tết với nhóm chúng tôi đúng chỉ một ngày mùng một. Sáng sớm mồng một, tất cà gia đình nhóm bạn cùng tập trung lên Vườn Trầu, nhà tôi, cùng hưởng một cái tết vùng quê trong vườn nhỏ giữa tiếng cười, giọng ca, điệu vũ Thái Mọi “Phùng ơi ma đuôi căng lung tung phăng…” một thuở rộn vui. Ngày sau. Thế là xong Tết, đúng nghĩa đã xong, thức ăn hết, bạn bè về lại nhà, nếp sống đơn điệu trở lại cùng mọi người.
Những năm cuối thập niên tám mươi, tôi như một con cò ma sau mấy năm bệnh hoạn. Tôi không còn sức để đạp xe đi về khoảng dài mười lăm cây số từ Diên khánh về Bình Tân, và cũng không có tiền để điều trị căn bệnh của mình, nên đành ở nhà làm những việc có thể theo sức của mình. Châu mang đến cho tôi những con ốc để dán làm hàng mỹ nghệ, chán thì lại mang bìa sách Liên Xô ra làm hộp gởi Châu và các bạn bán giùm, cuộc sống vẫn đều trôi. Ngày đó, có nhiều phen tôi khóc. Chẳng phải vì buồn mà bởi vui và xúc động.
Bạn bè cùng làm trong xưởng hay tin tôi bệnh, lặn lội xe đạp mười lăm cây số lên thăm. Quà là những chục trứng gà và một bó nan nẹp gỗ dài ngắn khác nhau. Nguyễn Đăng Hải dè dặt đưa tôi và nói: “Biết anh đang làm hộp từ bìa sách, nên tôi lượm lại bên bãi xưởng mộc những thanh nẹp bỏ mang lên để anh có làm”. Bạn Hải biết không? Những thanh nẹp bạn lấy từ đống phế liệu này còn quý hơn gấp ngàn lần những món quà khác, bởi tôi biết bạn đã gói những tình cảm mình khi nhặt nó mang theo. Tôi đã nghẹn ngào nhận món quà của trái tim mà cứ rưng rưng.
Vợ chồng Ngọc Sơn lên thăm tôi, mang tiền cho tôi trị bệnh, tôi không nhận nhưng trong lòng hàm ơn tình bạn thiếu thời. Bạn ơi, tôi biết ơn lời trân trọng đó, nhưng tôi không thể nhận trong khi mọi người đều ngặt nghèo để vượt qua định số trớ trêu này. Và cuối cùng là Thái Bình Dương, cũng là cô bạn trong đoàn, đã từ phương xa nửa vòng trái đất, nhắn nhủ Ngọc Sơn “áp giải” tôi đi chữa bệnh. Tôi đã bội thu từ những chân tình. Cám ơn những vay trả của đời.
Tôi vẫn cứ là người đa dại cùng đời. Không biết dối gian, không biết khom mình đón cơ hội, chỉ biết cùng đời đón nhận buồn vui.
vào thế gian
tay trắng
trải nhục vinh
một giòng
chia sẻ người
ngọt đắng
phúc họa
cũng là đời
đục trong
sông vẫn trôi
(ĐCL,tâm tịnh)
Tôi vẫn thong dong cùng nhân thế, đa dại cùng nỗi đời và chẳng muốn “nên khôn” để đánh đổi cả một ký ức đớn đau lẫn buồn vui cho món quà là một cuộc đời đại gia nhạt nhẽo, sống xa người xa đời chỉ quẩn quanh cùng đống vật chất phù du, nên lời tiên tri của Tuệ Không thi sĩ chỉ nên hiểu đến vậy thôi.
và thí dụ như cơn mưa bất tình ập tới
tôi vẫn phơi phới cùng lộng mưa
thả bước trở về
gió, sương, mưa và đời thường
giờ chỉ còn như mặc định
đời đang trôi, tôi thả mặc đời tan
thu hồn về nhớ mộng ảo xa xôi
nhớ khốn khó một thời
nhớ héo hắt chiều sương
nhớ chút thong dong bên bạn bè xưa cũ
nhớ khói rơm lam quấn quýt mảng quê chiều
nhớ tối phập phồng
canh hỏa châu sáng rực
nhớ mắt đời đỏ quạch nỗi niềm lo
nhớ những nụ cười buồn
giữa những ngày đói cơm lạnh áo
nhó một thời chẳng thắp nổi chút niềm tin
mắt ráo quảnh
tim quắt khô
lòng lạnh
dài bước độc hành
giữa sa mạc hồng hoang
và thí dụ
bây giờ tôi sắp bước qua đời
tôi sẽ trang nghiêm đón nhận
trong tâm trạng an nhiên
đừng an ủi
bởi muộn phiền tôi đã cạn
và đời trôi
ừ
cũng chỉ đời trôi
(ĐCL, Chỉ là mảng đời trôi)
ĐẶNG CHÂU LONG
08-07-2015