NGẢ BA SUNG SƯỚNG…

Ngày đăng: 18/07/2025 04:53:25 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Nhà văn Sơn Nam nói viết văn trước hết là yêu đất, rồi yêu nước. Mà đất thì có tên, có tuổi nghĩa là có địa danh.

Chẳng hạn về Miệt Vườn, ông nói: khác với mấy ông khoa bảng trí thức, dân không gọi ‘Đồng bằng sông Cửu Long’ mà gọi là Miệt Vườn, vì câu ca dao:

“Mẹ mong gả thiếp về vườn.

Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh!”.

Rồi từ cái tên Miệt Vườn tới cái địa danh Cà Bây Ngọp trong Tình nghĩa giáo khoa thư, ông cắt nghĩa cái ‘tích’ như sau:

“Xứ Cà Bây Ngọp, nghĩa là trâu chết. Hồi đó nghe nói trâu “len” tới đây thất bại, phong thổ ẩm thấp, trâu chết nhiều quá. Họ đặt tên kỷ niệm luôn… Bởi vậy dân tình bệnh hoạn, thưa thớt, làng này chưa cất nổi cái trường học…”

Khoái cái tên Cà Bây Ngọp, người viết bắt chước ông mà yêu đất, yêu nước nên yêu luôn cái địa danh, cái tên làng, cái tên xóm.

Người viết vốn là dân ‘vưỡn’! Dù ‘vưỡn’ vậy nhưng đôi khi nằm gác tay lên trán, nghĩ về những cái tên ở Miệt Vườn lại đem lòng kính trọng ông cha mình từ hồi năm nẩm, cơm đùm cơm gói từ ngoài Trung vô Nam mà khẩn đất biết bao nhiêu!

Vì thấy rõ cái lòng tôn kính, cái sự ‘galant’, cái nịnh đầm nếu nói theo kiểu bây giờ, của mấy ổng đối với đàn bà con gái xứ mình.

Địa danh, tên đất, vùng mới khẩn hoang lập ấp là ưu tiên dành cho quý bà, quý cô trước…Như cho em ưu tiên qua cầu Bến Lức vậy!

Là vì địa danh vùng đất mới do quý ông đặt ra thì đa phần là dành cho phụ nữ không hà cho dù chế độ mẫu hệ nước mình hình như nó ‘vãn’ từ trước thời Hai Bà Trưng rồi mà!

Đi theo Lộ Đông Dương hồi xưa, Quốc lộ 4 thời mình, thì thấy biết bao tên đất, tên làng bắt đầu bằng Cái (có nghĩa là của con gái) như Cái Bè, Cái Bé, Cái Côn, Cái Hươu, Cái Nai, Cái Mơn, Cái Răng, Cái Sắn, Cái Nước, Cái Thia, Cái Vồn, Cái Vừng…)

Rồi từ cái hình tượng của người phụ nữ, đồi núi chập chùng, mới có: Gò Bầu, Gò Găng, Gò Quao, Gò Tre, Gò Xoài… Gò Công.

Nhiều Gò thì thành Giồng như Giồng Ông Tố, Giồng Tháp, Giồng Tượng, Giồng Xe…

Và tượng hình hơn cả là Xẻo (nơi có nước chảy ra) như: Xẻo Bần, Xẻo Lá, Xẻo Nước, Xẻo Rô…

Phần mấy ông tự nguyện để em yêu xí phần gần hết, chỉ chừa cho mình chút đỉnh là Hòn… như: Hòn Chông, Hòn Chồng… Hòn Đất mà thôi?

Còn thiéu một hòn nữa mà không cẩn tui kể ra mà ai cũng biết?!

Thưa những tri kỷ sanh cùng thời với người viết chắc đều nhớ Mùa Hè đỏ lửa 72, lệnh tổng động viên từng phần được ban hành.

Mấy chú sanh viên như người viết xếp bút nghiên, giã nhà đeo bức chiến bào, thét roi cầu Vị ào ào gió thu.

Vô Thủ Đức ‘đường trường xa, con chó nó tha con mèo’ Trưa Thứ Bảy được đi phép 24 tiếng, vội vã đóng bộ ka ki vàng hồ cứng, đội kết pi, vai đeo alpha vàng chóe, giầy bóng lưỡng, nhìn vô cười nhăn răng thấy hết mấy cái răng vàng.

Vội ra chợ Nhỏ, đồi Tăng Nhơn Phú, bắt xe lam, dọt về Sài Gòn để gặp em yêu.

Thằng bạn cùng trung đội, ngồi chung xe, người viết hỏi nó về đâu?

Nó cười hè hè nói: “Tao về Ngã Ba Chú Ía!”.

Người viết ngây thơ tưởng nhà nó ở Ngã Ba Chú Ía thiệt chớ?

Sau nầy lớn thêm chút đỉnh… À thì ra là vậy… vậy!

Sau nầy bỏ nước ra đi cũng khá lâu không biết có còn cái tên Ngã Ba Chú Ía hay không nữa?

Nhưng cái chắc là nếu không còn Ngã Ba thì đã có Ngã Ba, Ngã Tư nhảy vào thay thế. Ngã Ba, Ngã Tư Sung Sướng?

Đó là cái địa danh làng xóm! Sau nầy mấy ‘quan anh’  hưỡn, ở không, hổng có chuyện gì làm ngoài nhậu rồi nói dóc nên ‘đề xuất’ đặt lại tên đường!

Chu choa! Tía con nó xúm nhau cãi lộn còn vui hơn là mổ bò.

Sau 75, những người yêu nước đã bỏ mình khi chống lại Thực Dân Pháp như Phan Thanh Giản hay Nguyễn Thái Học thì tên đường tháo ra đem vụt láng chít.

Nghĩ mà đau lòng con ‘quốc quốc’?!

Bỏ tên đường cũ, đòi đặt tên đường mới thì chí ít cũng phải biết chút chút về Sử Ký chớ mấy cha nội!

Đừng có hứng lên, là làm đại, bất kể quân thần gì ráo trọi nên mới có cái vụ tên đường Cựu chiến binh không rác (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn).

Rồi ở phường Phú Thạnh, quận Tân Phú có một loạt tên đường mang họ Lê nhưng thiệt cũng không hiểu thuộc triều đại nào, công trạng ra sao với đất nước như: Lê Lâm, Lê Niệm, Lê Lư, Lê Lộ, Lê Sao, Lê Thúc Hoạch…vân vân và vân vân.

Người viết thiệt cũng ‘bí’ luôn vì lần đầu em mới được nghe tên mấy ‘chả’ he he!

Thôi! Lấy tên người mà đặt thì nghe thiên hạ than phiền hổng biết ổng là ai thì lấy tên bông hoa mà đặt cho mấy tay nhiều chuyện nín quách cho yên!

Như tính đặt đường “Sen Hồ Tây” ở ngoài Hà Nội.

Còn trong Sài Gòn quận Phú Nhuận thì có tên đường Hoa Lan với lại Hoa Mai rồi.

Ngoài tên Hoa, thì có ông đầy tâm hồn ăn uống nên ‘đề xuất’ tên đường phải là các loại đặc sản của Nam Bộ để đặt tên như: đường Hủ tiếu Mỹ Tho, đường Bún nước lèo Sóc Trăng, đường Cá lóc kho tộ, đường Xoài cát Hòa Lộc…?

Và tên đường theo đặc sản vùng miền thì dân Quảng cũng muốn có tên đường Mì Quảng nữa.

Mà đường Mì Quảng thì chung chung quá nên người ta sẽ đặt tên cụ thể là đường Mì Quảng Nam, đường Mì Quảng Ngãi, đường Mì Quảng Bình, đường Mì Quảng Trị, đường Mì Quảng Ninh….

Có ông yêu lắm Trảng Bàng quê tui thì năn nỉ ỉ ôi xin đừng có bỏ sót cái quê của ổng nha, nên đề nghị mấy quan đặt tên đường “Bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc” hoặc đường “Bánh canh Trảng Bàng” để ổng nhớ quê của ổng.

Ý tui là mấy ông đặt tên đường gì cũng được ráo trọi mà chỉ xin, tha thiết xin, thống thiết xin đường chạy vô nghĩa trang mà đặt tên là “Đường xuống âm phủ” thì mấy ông đi đi; tui hổng dám đi đâu.

Tui chỉ khoái đi xuyên qua “Cầu Xẻo Bướm” để tới Ngã ba sung sướng hơn!

ĐOÀN XUÂN THU – Melbourne.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác