Có Một Lớp Người Viết Sau 1963
GS Nguyễn Văn Trung (1930-2022)
Việt Nam Cộng Hòa có 2 thời kỳ, gọi là Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa – Do nhiều yếu tố chính trị quy định và người viết cũng phân biệt thành hai giới.
… Một là giới cầm bút trước 1955, tiếp tục sau 1955 qua cả hai thời kỳ Đệ Nhất, Đệ Nhị Cộng Hòa và có người vẫn tiếp tục viết ở hải ngoại mà không thay đổi bao nhiêu về lối nhìn văn học, lập trường chính trị. Hai là giới cầm bút sau 1963, họ là những người hồi 1954 trên dưới 10 tuổi theo gia đình vào Nam hoặc sinh trưởng ở miền Nam, hầu hết có Tú tài và tốt nghiệp đại học.
Số người trẻ cầm bút này càng ngày càng đông đảo theo đà thành lập các đại học ở các địa phương Huế, Đà Lạt, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Long Xuyên, Tây Ninh và các đại học tư ở Sài Gòn như Vạn Hạnh, Minh Đức. Họ trưởng thành về tuổi đời và về nhận thức sau 1963, trong hoàn cảnh có nhiều xáo trộn về chính trị, xã hội và cả do chiến tranh mở rộng cùng sự can thiệp ồ ạt của quân đội nước ngoài. Thời cuộc khiến một số bị động viên, đi quân dịch, nhưng có Tú tài nên nhập ngũ vào các trường đào tạo sĩ quan như Thủ Đức, Đà Lạt – Trừ Đỗ Long Vân (2) tốt nghiệp đại học ở Pháp, dạy Đại học Huế, nhưng đi trình diện ở trung tâm nhập ngũ không xuất trình bằng cấp, làm binh nhì.
Do đó, họ có một lối nhìn về thời cuộc đất nước và nghệ thuật văn học khác hẳn các đàn anh viết từ trước 1963. Tự họ ra báo, với những tạp chí trong khuôn khổ đại học như tờ Tình Thương của trường Y Khoa Sài Gòn mà Ngô Thế Vinh là một trong những cây bút chủ chốt, hoặc tờ Trâu Bò của một nhóm sinh viên chính trị – kinh doanh Đà Lạt. Họ tụ tập hát Tâm Ca của Phạm Duy hay nhạc Trịnh Công Sơn, cùng nhau suy nghĩ về thân phận tuổi trẻ trong chiến tranh, tương tự thân phận trâu bò. Nhưng vì họ “không phải trâu bò” nên mới cảm nhận và viết ra những suy nghĩ của họ – Hoặc vượt khỏi khuôn khổ trường học, lập những nhóm như Việt, Cùng Khổ, Ý Thức với các tạp chí như Khai Phá, đặc san văn nghệ của một nhóm cây bút trẻ miền Nam; Chim Việt, giai phẩm văn nghệ của bút đoàn Quảng Trị; Động Đất, tập san văn nghệ của một nhóm văn nghệ trẻ Tây Ninh; hay Văn Mới nguyệt san. Thường những tạp chí này chỉ sống đuợc vài số rồi buộc phải ngưng vì hết khả năng đóng góp tài chính, hoặc bị tịch thu dài dài, hoặc họ chuyển sang tham gia viết trong những tạp chí của đàn anh, hầu hết trong giới giáo sư đại học đã viết trước 1963, nhưng sau 1963 đã chia sẻ số phận của những người trẻ là sinh viên của họ, bắt đầu là Hành Trình, Đất Nước, Trình Bầy, Đối Diện…
Những tạp chí kể trên đã giữ vai trò chuyển tiếp cho – Tạm gọi là thế hệ cầm bút sau 1963 – nhưng trong sinh hoạt văn chương hải ngoại, không mấy ai nhắc đến họ.
Thơ văn giới trẻ viết sau 1963 thường theo một xu hướng chung, phản ánh vũ trụ Kafka (3) như tên đặt cho một số đặc biệt về thơ văn của Hành Trình, hoặc phản ánh thân phận những nhân vật Việt Nam tương tự những nhân vật trong tiểu thuyết Giờ Thứ Hai Mươi Lăm của Gheorghiu (4)
Nguyên Sa
Ngoài thơ văn của giới trẻ, còn có thơ văn của Nguyên Sa, một người đã cầm bút trước 1963 nhưng sau 1963, đã sát cánh với giới trẻ, trở thành cây bút chủ lực của Đất Nước, Trình Bầy. Ông chia sẻ lối nhìn thời cuộc, quan điểm văn học nghệ thuật của họ. Tại sao? Vì chính Nguyên Sa cũng phải nhập ngũ như họ, hằng ngày đối diện với cái sống cái chết. Tuy sau khi mãn khóa, Nguyên Sa không phải ra trận nhưng chỉ nguyên thân phận làm lính cũng đủ buộc nhà thơ thay đổi lối nhìn theo giới trẻ. Rất tiếc là khi Nguyên Sa qua đời, hầu hết các bài viết về Nguyên Sa đều không đả động đến khúc ngoặt quan trọng đó, rất có giá trị trong cả sự nghiệp thơ văn của chính Nguyên Sa viết vào thời kỳ đi lính.
Nhắc đến Nguyên Sa, lại nhớ đến buổi họp mặt văn chương hết sức cảm động và đầy ý nghĩa có tên 30 Năm Văn Chương Võ Phiến. Trong buổi họp mặt đó, Nguyên Sa đã ghi nhận văn chương miền Nam gồm 4 khối lớn: Nhóm Sáng Tạo của Mai Thảo, nhóm Đất Nước của Nguyễn Văn Trung, nhóm Bách Khoa của Võ Phiến và nhóm thứ tư gồm những nhà văn nhà thơ ở ngoài 3 nhóm trên. Về sau, trong Văn Học Miền Nam Tổng Quan, trang 193, Võ Phiến đã nhắc lại nhận xét ấy của Nguyên Sa, không những thừa nhận nó mà còn minh họa cho rõ hơn vai trò của mình trong Bách Khoa. Tôi đã liên lạc với Lê Ngộ Châu và Huỳnh Văn Lang vừa ra Hồi Ký trong đó nói rõ về Bách Khoa. Trong thư viết cho tôi, Huỳnh Văn Lang khẳng định những ai là chủ động trong việc thành lập, những hội đoàn nào nâng đỡ Bách Khoa về mặt tài chính, những ai lo quy tụ bài vở. Còn Võ Phiến không hề là chủ bút, chỉ viết trong Bách Khoa như mọi cộng tác viên khác.
(…) Nhắc lại, về thời kỳ trước 1963, Hành Trình có làm một trưng cầu ý kiến bạn đọc về những tác phẩm văn học đuợc nhiều người ưa thích nhất trong khoảng 10 năm (1954-1964) trong 3 bộ môn Tiểu thuyết, Thơ, Biên khảo. Số phiếu gửi đi mới chỉ nhận đuợc 40 ý kiến. Kết quả dựa vào cuộc trưng cầu đó tuy khiêm tốn, nhưng cũng cho thấy một ghi nhận nào đó về người đọc thời kỳ này. Bản đúc kết cho thấy Mai Thảo chỉ có một tác phẩm được kể tới, trong khi Doãn Quốc Sỹ gần gũi với Sáng Tạo có 2 tác phẩm. Tác giả có nhiều tác phẩm được đọc và ưa thích là Nhật Tiến ở trong nhóm Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh, Tự Lực Văn Đoàn. Về thơ, Nguyên Sa được nhiều người đọc ưa thích, Thanh Tâm Tuyền ít hơn. Nhưng được ít hay nhiều người đọc ưa thích, chưa hẳn là tác phẩm được đánh giá đúng mức về tư tưởng và văn chương.
(…) Tôi nhớ hồi tờ Hành Trình bị tịch thu, tôi được mời lên Bộ Thông tin gặp Thứ trưởng Đinh Trình Chính. Ông nói với tôi: “Hành Trình bị tịch thu vì luật lệ như vậy, đề nghị từ nay đừng bầy bán công khai trên sạp báo. Khi in ra, xin nhớ gửi riêng cho tôi đọc vì tôi quý nó lắm”. Thiếu tướng Lê Nguyên Khang, Tư lệnh quân đoàn 3, kiêm Tư lệnh Thủy quân lục chiến biên thư cho tôi: “Tôi hoàn toàn đồng ý với anh, không phải chỉ súng đạn là giải quyết được đất nước này. Mong gặp anh nói chuyện nhiều hơn. Thân” (Trích thư đề ngày 17/6/1965).
Vài trường hợp kể trên về một số viên chức nhà nước dân sự và quân sự của VNCH trước 1975 đã có thái độ hiểu biết, không quy chụp bừa bãi, tôn trọng những suy nghĩ của người trí thức, đã có thể cho chúng tôi viết và nói công khai về thời cuộc – Tự do phát biểu phê phán công khai đó không còn nữa sau 1975, tuy nhiên trong khuôn khổ nội bộ vẫn có thể nói thẳng, nói thật. Ở miền Nam, thể chế Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa, nhưng dần dà những mặt tích cực của thể chế và phong cách con người được phục hồi, đề cao: Chẳng hạn bệnh viện Gia Định cũ còn đông đảo nhân viên Sài Gòn cũ, cấp lãnh đạo thành phố thường đến để tuyên dương là bệnh viện gương mẫu.
Võ Phiến
(…) Gần đây, Võ Phiến khi xuất bản 6 tập Văn Học Miền Nam, đã gạt bỏ bộ môn Biên khảo dịch thuật, Báo chí, chỉ giới thiệu những người sáng tác Văn Thơ Kịch, và trong số này cũng loại bỏ hầu hết những người sáng tác sau 1963. Đặc biệt là Thế Nguyên chủ bút Đất Nước, Trình Bầy, Nghiên Cứu Văn Học. Thế Nguyên không còn nữa, tôi muốn nhắc lại một kỷ niệm sâu sắc với Thế Nguyên mà có lẽ Võ Phiến đã quên.
Là giám đốc nhà xuất bản Trình Bầy, Thế Nguyên đã đọc lời chào mừng những người làm Văn học Nghệ thuật trong buổi tiếp tân tại Đại Lục Lữ quán ngày 6/7/1969 nhân dịp nhà xuất bản ấy phát hành cuốn sách thứ 50. Một tháng sau, Thế Nguyên vận động 110 người cầm bút ra kháng thư phản đối hành động đàn áp giới văn nghệ sĩ của Bộ Thông tin và Chiêu hồi, xuyên qua thái độ của bộ này đối với nhà văn Võ Phiến, làm tại Sài Gòn 5/9/1969, đăng trong Đất Nước số 12. Nhiều người cầm bút thuộc giới trẻ đã ký vào kháng thư này, trong đó có những cây bút giá trị, nhưng tác phẩm của họ không được Võ Phiến chiếu cố giới thiệu trích dẫn.
Chưa đánh giá về mặt tư tưởng, văn chương, nghệ thuật, chỉ ghi nhận số lượng thơ văn giới trẻ khi đó, cùng góp mặt với những tên tuổi đã cầm bút từ trước 1963, tạo thành bộ mặt của văn học miền Nam. Những người từ miền Bắc vào miền Nam sau 1975, khi trân trọng tìm đọc văn học miền Nam đã đưa ra một nhận xét rất đúng: Phong phú và đa dạng. Có thể ghi nhận một đặc điểm chung của thơ văn giới trẻ viết sau 1963: Chân thực. Họ viết thơ văn để khóc, tưởng nhớ bạn bè chết trận, mơ ước hòa bình, chứ không làm văn như một trò chơi ngôn ngữ, làm dáng trí thức. Do đó, bỏ quên thơ văn giới trẻ sau 1963 vì không biết đến hay có biết, nhưng vì một cách đánh giá nào đó, bỏ qua là một bất công đối với những người cầm bút trẻ thời đó, và là một thiệt hại cho văn học miền Nam thời VNCH, tạo cho người đọc bây giờ hình ảnh chân dung về một nền văn học nghèo nàn, què cụt.
Tại sao Võ Phiến bỏ qua không nhắc đến giới cầm bút sau 1963? Tại sao Nguyên Sa không nhắc lại ở thời kỳ chính Nguyên Sa là cây bút chủ lực của Đất Nước, Trình Bày, trong Hồi Ký viết ở Hoa Kỳ? Tôi có một chứng từ của một đảng viên nay đã qua đời, để lại cho tôi tập hồi ký của ông, kể lại nhóm của ông vào Nam hoạt động tình báo, bị bắt tù đầy. Sau 1975 ngồi lại với nhau để kiểm điểm công tác, người ta không thể làm việc đó mà không đụng chạm đến phê phán lãnh đạo và vì thế, có nhiều người “rét”, không dám đi họp. Nên ông viết: “Tôi nêu ra đây để muốn nói lên cái oai của ta như thế đấy: Tất cả anh em họp đều có quá trình chiến đấu cao, thành tích lớn, gần hết có huy hiệu 40 tuổi Đảng, tất cả đều trải qua hai cuộc kháng chiến, đều là cựu tù chính trị, đuợc Đảng tin cậy nhường đó mà sợ Đảng thế đó”. (…) Tôi quen thân một Bác sĩ vừa đuợc bầu làm Chủ tịch Cộng đồng. Ông điện thoại cho tôi, nói: “Từ nay tạm gác đi lại thăm nhau. Ông khi nói với nhiều người khác xin đừng nhắc đến mối quen biết giữa tôi và ông, để ông dễ làm việc”.
Dẫu vậy, tôi vẫn muốn phục hồi danh tiếng cho những người làm thơ văn, thuộc giới trẻ cầm bút sau 1963. Hiện có nhiều người thuộc thế hệ này, ở nước ngoài, mong có được những thơ văn của mình đã đăng trong các tạp chí trước 1975 mà không mang đi đuợc, mà vào thư viện có nhiều tư liệu Việt Nam như Cornell cũng không tìm thấy vì những số báo đó đã bị tịch thu. Có thể những bạn đó cũng muốn có thơ văn của bạn bè, đặc biệt những người đã vĩnh viễn nằm dưới lòng đất, để tưởng nhớ, giữ một chút kỷ niệm của bạn bè. Tôi có thể thỏa mãn ước muốn đó.
Rộng hơn một chút, con cháu chúng ta đang theo học, nhất là về môn Văn học miền Nam.
Một cách cụ thể, hồi cuối năm 2001, Nguyễn Xuân Hoàng mời tôi nói chuyện cho một lớp Văn học Việt Nam gần 20 người tổ chức ở Đại học Berkeley, tôi có hứa với các anh chị đó sẽ cung cấp cho họ các tài liệu tương đối đầy đủ về khuôn mặt văn học miền Nam thời VNCH: Phong phú và đa dạng.
Sau cùng, đã có nhiều bài báo, sách Văn học sử, về văn học miền Nam thời kỳ VNCH được dịch, biên tập, giới thiệu bằng các tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha vv do người Việt Nam hay người ngoại quốc thực hiện. Phải nói thẳng: Thật là thê thảm. Những tài liệu đó hoặc không nói đến, hoặc xuyên tạc, bôi nhọ văn học miền Nam thời kỳ VNCH. Do đó, hiện nay công chúng đang rất cần đuợc cung cấp tài liệu để phục hồi hình ảnh trung thực, chính xác văn học miền Nam thời VNCH. Thiết tưởng, chỉ cần chụp photocopy với số lượng theo nhu cầu của các đại học, trung tâm Việt học, thư viện hay cá nhân.
Xin dẫn chứng hai trường hợp cụ thể:
1- Nhà xuất bản P.U.F (Pháp) xuất bản một tự điển các triết gia của cả thế giới, Dictionnaire Des Philosophes. Paris. 2 vol. 1984. Được coi là triết gia, những vị sau đây ở miền Bắc: Đào Duy Anh, Hồ Chí Minh, Hồ Tùng Mậu, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Duẩn, Lê Hồng Phong, Đặng Thái Mai, Trần Phú, Trường Chinh, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều), Phạm Như Cương, Trần Văn Giàu, Phạm Văn Đồng, Trần Đức Thảo. Miền Nam gồm có: Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Duy Cần, Kim Định, Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, mỗi người vài dòng.
(…) Tôi nêu vấn đề với giáo sư Trịnh Văn Thảo, người trách nhiệm giới thiệu các vị kể trên vào cuốn tự điển này, và không nhận đuợc lời giải thích thỏa đáng.
2- Trường hợp thứ hai, cuốn Mille Ans De Littérature Vietnamienne, Une Anthologie – Éditions Philippe Picquier, édition établie par Nguyễn Khắc Viện et Hữu Ngọc. Cuốn này do nhà xuất bản Ngoại Văn Hà Nội in lần đầu năm 1979, lần thứ hai cộng tác với với cơ quan ACCT của Pháp, và lần thứ ba do nhà xuất bản Philippe Picquier. Người chủ biên tủ sách Việt Nam đó là Phan Huy Đường, giới thiệu cuốn văn học sử này và là dịch giả nhiều truyện của các tác giả như Bảo Ninh, Dương Thu Hương. Trong lời giới thiệu, ông Phan Huy Đường cho biết cuốn sách này đã được hầu như tất cả chào đón và nó xứng đáng được như vậy, mặc dù ông nhìn nhận những khuyết điểm, đặc biệt khuyết điểm liên quan đến văn học hiện đại: Không đả động gì cả đến văn học miền Nam thời VNCH mà ông đồng ý với các tác giả miền Bắc, gọi là vùng do “Pháp Mỹ kiểm soát”.
Ông Phan Huy Đường còn viết giới thiệu văn học Việt Nam trong Dictionnaire Universel De La Littérature, P.U.F, 1994, trong đó phần về miền Nam sau 1954, ông gọi là văn chương của những người di cư và văn chương của người miền Nam là một thứ Thập tự quân (Croisade).
Thưa ông Đường, tôi chả biết nói gì với ông! Thật buồn, mãi đến 1996 mà ông chưa mở mắt ra. Ông ngồi ở Paris phán, mà chả hiểu gì tình hình miền Nam cả; xin thưa ông ở trong nước, miền Nam có những người trí thức trẻ tuổi. Xuân Diệu có chân trong ban biên tập cuốn Văn học Sử Việt Nam có kể cho ông Trương Thi bạn thân của Xuân Diệu và là hàng xóm của tôi: Một viện Hàn lâm Đông Âu ngỏ ý phong viện sĩ cho ông, nhưng cho biết chỉ xét thơ Xuân Diệu trước 1945. Nhà thơ vui vẻ nhận và Đảng cũng đồng ý với Đảng nước anh em. Ông Nguyễn Linh, phó giám đốc nhà xuất bản Sự Thật của Trung ương Đảng kể lại với tôi: Sau 1975, ông đuợc ông Tố Hữu cử vào Nam tiếp quản văn hóa miền Nam. Về Hà Nội báo cáo với Trưởng ban Tuyên huấn: Ông đề nghị Tố Hữu chỉ đọc một cuốn truyện thôi: Loan Mắt Nhung của Thụy Long, và sau một tuần sẽ trở lại xin ý kiến. Tuần sau, Tố Hữu phát biểu: “Miền Bắc ta không ai viết truyện hay như thế…” (Tôi đã xin phép ông Nguyễn Linh phổ biến câu chuyện này). Theo tôi nghĩ, miền Bắc có thể có nhiều người viết hay hơn Nguyễn Thụy Long nếu họ được tự do viết.
Trở về trường hợp Phan Huy Đường, khi những Bảo Ninh, Dương Thu Hương xuất bản truyện, ông hăm hở dịch giới thiệu với độc giả nói tiếng Pháp như những tác phẩm đầu tiên dám nói thẳng, nói thật về chiến tranh Việt Nam mà có lẽ ông không thấy là sau khi chiến tranh kết thúc, cả mười, mười lăm năm, miền Bắc mới được nói, và vẫn còn nói theo luận điệu chính thức; trong khi ở miền Nam, nhiều nhà thơ, nhà văn đã nói lên nỗi buồn chiến tranh, nỗi buồn quê hương ngay trong lúc chiến tranh đang diễn ra mà ông không biết đấy thôi. Và tôi xin mời ông cầm đọc những thơ văn đó.
Về những cái nhìn sai lệch của Bảo Ninh, Dương Thu Hương trong truyện của họ, đối với độc giả Việt Nam, có thể không quan trọng mấy, nhưng khi truyện của họ đã được ông dịch sang tiếng Pháp và độc giả Pháp khi cũng đã tiếp nhận từ hai tác phẩm này, những cái gọi là “dã man” của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, thì tôi xin chuyển đến ông và qua ông đến 2 nhà văn đó, bài Đôi Mắt Người Bị Xử Bắn Trong Rặng Bình Bát của Nguyễn Bửu Thoại. Ông đã dịch Bảo Ninh và Dương Thu Hương, liệu ông có nên dịch thêm bài của Nguyễn Bửu Thoại, dù chỉ là để cho những người bị 2 nhà văn này buộc tội, có quyền được trả lời? Riêng Nguyễn Bửu Thoại có lời nhắn nhủ: “Tôi mong bà Dương Thu Hương và ông Bảo Ninh đọc được truyện này. Tôi lặp lại lần nữa là tôi không có ý định viết chuyện để bênh vực người lính miền Nam, hoặc để phản bác lại 2 tác phẩm của ông và bà vì một lý do rất đơn giản: Tôi không hề là một nhà văn, nên không có tham vọng tranh danh, giật lợi bằng ngòi bút, theo lập luận đời thường đánh một người nổi danh để đuợc nổi danh hơn. Tôi chỉ là người lính chiến trong cuộc, chứng kiến sự thật, kể lại sự thật, một sự thật nhỏ bé, trong vô vàn sự thật to tát, từ cuộc chiến tự vệ của miền Nam. (…) Ông Đại đội trưởng và Tiểu đoàn trưởng trong truyện nay hiện đều định cư tại thành phố Houston sau nhiều năm trong trại cải tạo, còn 4 anh thương binh trong truyện có lẽ hiện vẫn còn sống, nếu không đủ cả bốn thì còn hai ba. Đây là một ấn tượng sâu sắc trong đời các anh nên chắc chắn các anh phải nhớ. Nếu truyện này được phổ biến trong nước và thật sự các anh là người có chút liêm sỉ, các anh sẽ không thể quay lưng lại sự thật của Quá Khứ”.
Sau cùng, tôi vừa nhận được bản tin do tôi yêu cầu Đặng Tiến ở Paris gửi, về Võ Phiến và Đại học Paris mà tôi thông tin lại dưới đây. Tôi không có ý kiến gì về luận án vì chưa đọc, chỉ ghi nhận ý kiến của Thụy Khuê, chắc chắn đã đọc kỹ Võ Phiến và Marcel Proust, một tác giả khó đọc, khó hiểu đối với những người không am tường văn học Pháp. Thụy Khuê nói: Khi nghiên cứu văn bản của Võ Phiến, không có gì giống Marcel Proust cả. Ngoài ra Thụy Khuê cũng phê bình “cách phê bình của Võ Phiến trong bộ Văn Học Miền Nam 6 tập không những không giúp ích gì cho sự tìm hiểu văn học miền Nam, mà lại còn hại cho sự nghiệp văn học của chính Võ Phiến” (Bài Vấn Đề Đoạn Tuyệt Với Quá Khứ, tạp chí Hợp Lưu, Xuân Quý Mùi, số 68, tháng 12/2002 và tháng 1/2003, trang 34-37) (5) (6)
– Photo: Giáo sư Nguyễn Văn Trung đang in dấu hoa tay – Bản quyền ảnh của blog E.E Mượn Dấu Thời Gian. Xin cảm ơn
* Giáo sư Nguyễn Văn Trung
——-
(1) Giáo Sư Nguyễn Văn Trung lấy năm 1963, với ngày 1/11, là ngày Nền Đệ Nhất Cộng Hòa của ông Ngô Đình Diệm ra đi, để làm mốc hồi tưởng
(2) Tác giả quyển sách nổi tiếng Vô Kỵ Giữa Chúng Ta
(3) Franz Kafka (1883-1924) là một tiểu thuyết gia nổi tiếng của thế kỷ 20, ông chào đời tại Prague, Tiệp Khắc. Kafka nổi tiếng với các tác phẩm như The Metamorphosis (Sự Biến Hình) và The Trial (Phiên Tòa) có chủ đề phê phán chế độ phong kiến châu Âu với tính chất quan liêu và trì trệ của nó, qua cách viết thường được mô tả là “kiểu Kafka”
(4) Constantin Virgil Gheorghiu (1916-1992), nhà văn Ru-ma-ni
(5) Giáo sư Nguyễn Văn Trung sinh ngày 26/9/1930, là nhà giáo, nhà văn – Triết Việt Nam, bút hiệu khác: Hoàng Thái Linh, Phan Mai. Sinh tại làng Thanh Hương, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, trong một gia đình Công giáo đông con. Cha là Nguyễn Văn Tuynh, thầy thuốc Bắc và mẹ là bà Thiệu Thị Tốt. Thuở nhỏ học trường dòng Puginier ở Hà Nội. Khi chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, tản cư về Hà Đông học ở chủng viện Hoàng Nguyên. Đến 1950, trở lại Hà Nội theo ban Tú tài Văn chương ở trường Chu Văn An. Năm 1951, đỗ Tú tài I, được nhà dòng cấp học bổng du học ở Âu Châu. Đến Toulouse rồi sang Bỉ học đại học Louvain, đậu cử nhân Triết học, theo ban Tiến sĩ Triết học phần I. Cuối năm 1955 về Sài Gòn, dạy Triết ở trường Chu văn An. 1956 kết hôn với cô Trần Thị Minh Chi. Từ 1957, dạy Triết tại đại học Huế. 1961 trở lại đại học Louvain trình luận án Tiến sĩ và lấy bằng Tiến sĩ triết học, về nước (1961) dạy Triết và Văn ở đại học Văn Khoa Sài gòn. Khoảng 1963-64, dạy đại học Công giáo Đà Lạt. Sau 1975, ông ở lại Đại học Văn khoa, nhưng các giáo sư miền Nam cũ không được dạy ba môn Văn, Triết, Sử nữa; ông chuyển sang nghiên cứu. Năm 1993, sang định cư ở Montréal, Canada
(6) Khi nào có dịp, tôi (Trịnh Anh Khôi) sẽ giới thiệu một bài viết khác của Giáo sư Nguyễn Văn Trung