THÁNG TƯ NHỚ THẦY ĐÀO KHÁNH THỌ (PHẦN CUỐI)

Ngày đăng: 7/05/2025 09:55:21 Sáng/ ý kiến phản hồi (1)

Khoảng 20 năm trước, tình cờ đứng sắp hàng trả tiền trong một siêu thị, tôi lại đứng ngay quầy thu tiền của cô thu ngân đã đứng tuổi, có thể chỉ nhỏ hơn tôi khoảng 10 tuổi nhưng trông còn rất đẹp.

Nhớ đến ông Phạm công Thiện, ngày xưa đã từng lạy Trời cho mùa Xuân qua mau, tuổi trẻ chóng tàn và những người con gái đẹp chết lúc tuổi hãy còn xuân sắc.

Minh tinh Lý Lệ Hoa

Ông Phạm ơi! Nếu tất cả những người con gái đẹp đều chết sớm thì hôm nay đâu còn thưởng thức được sắc đẹp kiều diểm của cô thu ngân này.

Rồi lại nghĩ đến người đẹp Trần Viên Viên ngày xưa, có đẹp như cô này không nhỉ? Nhưng tôi vội xua đi ý nghĩ đó vì Trần Viên Viên là một kỹ nữ, chỉ nên đem nàng Kiều so sánh với Trần Viên Viên thôi.

Khi đến phiên tôi trả tiền, thấy cô thu ngân mang bảng tên LỆ HOA. Tôi nói, Lệ Hoa đẹp hơn cô đào Lý Lệ Hoa.

Lệ Hoa tươi cười nói:

– Anh cũng biết cô đào Lý Lệ Hoa à?

– Biết chứ! Năm 1959 đã đọc báo rồi.

Cô cho biết, ba cô ái mộ cô đào Lý lệ Hoa nên khi cô được sinh ra, ba cô đặt tên cô là Lệ Hoa, cô họ Lê. Lê Lệ Hoa.

oOo

Thời gian sau đi ăn với thầy Thọ, Sau khi ăn thầy nói, cô Dung thích trái vải. Chở thầy đến chợ mua trái vài về cho cô. Tôi chở thầy đến ngôi chợ cách khá xa quán ăn. Vào chợ, tôi và thầy lấy hai xe, vì mỗi người mua những món khác nhau, chia ra đi mua nhanh hơn. Khi thầy và tôi cùng mua xong, thầy đẩy lại quầy tính tiền gần nhất. Tôi không sắp hàng sau thầy. Tôi đẩy xe đến quầy của cô Lệ Hoa. Thầy trả tiền xong, đứng đợi tôi khá lâu. Khi tôi trả tiền xong vẫn chưa chịu rời quầy tính tiền, đứng nói chuyện với cô Lệ Hoa thêm vài câu.

Lên xe bị thầy nhằn khá lâu. Tôi mắc cười và nghĩ, trên đời này có rất ít người đàn ông hoàn hảo. Vậy mà thầy là nguòi đàn ông hoàn hảo trong số ít ỏi đó.

Thêm một lần đi chung với thầy, lại gặp một cô. Tôi đứng lại nói chuyện với cô ấy. Chồng cô ấy bỏ đi xa xa. Thầy cũng bỏ đi hướng khác.

Khi lên xe về, thầy hỏi, hình như cô hồi nãy đi với chồng.

Tôi trả lời, dạ cô ấy đi với chồng, nhưng cô ấy thích em hơn thích chồng cô ấy.

Thầy nói, vậy sao được em.

Tôi trả lời tỉnh bơ, dạ đâu có sao thầy. Vợ tiếng Anh là wife, chính giữa chữ wife là chữ if. If là nếu. Nếu mà không biết trân quý, ngày mai không còn.

Thầy làm thinh, không nhằn như kỳ rồi.

Về nhà thầy nói lại với cô. Cô điện thoại hỏi tôi.

Tôi kể cho cô nghe:

Một cô bạn khá thân, gọi điện thoại cầu cứu, em của cô bị chồng ăn hiếp trong một thời gian dài, bây giờ tinh thần cô ấy khủng hoảng tột độ. Cô bạn nhờ chở dùm hay chỉ chỗ cho em cô đi học Thiền, xem tinh thần của cô em có khá hơn không.

Tôi hẹn sẽ gặp em của cô và tính sau. Gặp được cô em, trông cô khá tiều tụy, luôn trầm ngâm. Tôi nghĩ, cuộc đời cô này là một trường Thiền rồi, cần gì đi học Thiền nữa. Tôi nói riêng với cô bạn, tôi có cách giúp cô em không bị chồng ăn hiếp nữa. Tôi đã coi một phim của Mỹ. Một cô gái bị chồng ăn hiếp, cô âm thầm đi học võ, một thời gian sau, chồng không dám ăn hiếp nữa. Tôi có người bạn đang dạy võ, tôi sẽ giới thiệu với bạn ấy.

Cô bạn đồng ý giải pháp này, và chúng tôi nói dối với cô em, học Thiền lúc nào cũng được, nhưng sức khỏe cần trước. Đến một nơi dạy tập thể dục dưởng sinh cho sức khỏe khá lên rồi đi học Thiền sau. Chúng tôi rất khó khăn mới thuyết phục được cô em đi tập.

Người bạn dạy võ ngày xưa từng là huấn luyện viên dạy cận chiến trong quân đội. Tôi gặp người bạn này, nhờ giúp dùm, dạy đốt giai đoạn, không cần dạy bài bản về võ thuật, dạy dùm cô ấy những thế cận chiến đủ rồi, nhưng mới đầu đừng nói với cô ấy biết đó là những thế cận chiến. Khi cô ấy thuần thục, mới nói cô cô ấy biết, những gì cô ấy học, mục đích để rèn luyện thân thể, nhưng cũng là những thế võ để phòng thân. Người bạn đồng ý.

Cô gái làm nhiều giờ và đi làm khá xa, nên 5 giờ cô thức khá sớm. Người chồng 9 giờ mới đi làm, không muốn mất giấc khi cô thức sớm, nên hai người đã ngủ riêng từ lâu.

Khi bắt đầu học võ, cô xin với chủ đi làm sớm hơn một tiếng, và về sớm hơn một tiếng để học võ. Nên cô học võ hơn một năm mà người chồng không biết. Từ ngày cô học võ, cô ghé nhà người chị thường hơn. Tôi cũng đến, mục đích tôi gặp cô ấy, khích lệ tinh thần cô vững mạnh hơn, và mỗi lần gặp, tôi chỉ nói một chữ. Lâu ngày gom lại, ý tôi khuyên cô, hãy phản kháng khi có thể.

Rồi ngày đó cũng đến, một hôm người chồng bực bội điều gì ở ngoài, về nhà kiếm chuyện gây với cô. Cô đấm chồng một cái chúi nhủi. Tiện chân cô đá thêm một đá, chồng cô nằm thẳng cẳng.

Bất ngờ chồng cô, ngồi dậy cầm cái ghế đập cô. Cô xoay người né, tiện tay cô đập mạnh vào cái ghế. Theo đà đập của cô, cái ghế đập mạnh vào chân người chồng.

Cô kể lại, nhưng tôi không tưởng tượng được, chồng cô đập như thế nào, rồi cô đập vào cái ghế như thế nào mà cái ghế lại đập xuống chân người chồng.

Nhưng tôi không hỏi lại, chỉ nói, đập vào vào ghế đau tay lắm đấy. Cô đưa hai bàn tay cho tôi coi. Cô siêng tập võ đến nỗi hai bàn tay cô chai, không còn mềm mại như bàn tay của đàn bà con gái.

Chồng cô làm rất ít giờ, nên có rất ít tiền, mọi chi phí trong nhà đều do cô gánh. Tiền của chồng cô chỉ để bao bạn bè nhâu.

Sau khi cô trị được chồng, cô ra lịnh cho chồng, kể từ hôm sau, chấm dứt, không được đem bạn bè về nhà nhậu nhẹt và cũng cấm luôn không cho nhậu. Bắt chồng phải trả tiền nhà sòng phẳng. Chồng cô riu ríu nghe theo, nhưng cô đưa lại và nói, trả lại tiền để tự mua thức ăn nấu cho con, cô không mua nữa.

Tuy cô đã trị được chồng, nhưng cô vẫn chưa hết giận. Chị cô cho hay, cô có ý định muốn tống cổ chồng ra khỏi nhà. Tôi cản lại, đừng nên làm vậy. Không có chồng, cô khó dạy đứa con lắm. Mặc dù đứa con cô là con gái, nhưng khi con quậy, còn quậy bạo hơn con trai nữa. Nên để chồng ở lại làm quản gia trông con tốt hơn.

Chồng cô về nhà thì hung dữ với cô, nhưng ra đường rất nhút nhát. Ở Mỹ lâu năm nhưng chưa chạy xe trên Freeway. Thấy cô chạy xuống quận Cam, xin cô cho quá giang xuống quận Cam đi chợ, hàng nhiều giá rẻ.

Lúc tôi đi với thầy, lại gặp cô đến quận Cam, nên chúng tôi không thể không nói với nhau vài ba câu.

Thật ra tôi cũng không để thầy đợi lâu. Chúng tôi chỉ nói chuyện chừng một hay hai phút.

Một hôm tôi đến thiện viện, mới mở khóa mới. Tôi thấy thầy ngồi ở hàng đầu, nhưng cũng thấy ở hàng gần cuối nhóm bạn cũ từ khóa trước. Tôi bước xuống nhóm bạn, sẽ chào thầy sau.

Lớp Thiền này có lệ, ngày đầu khai giảng, ai ngồi chỗ nào, hôm sau thường ngồi y chỗ cũ như trong lớp học ngày xưa thời còn đi học.

Lớp Thiền này khá đặc biệt, trong lớp có bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, đốc sự. Nhiều cô trẻ có bằng cử nhân, có cô đã tốt nghiệp cao học. Giờ ra chơi tôi định đến chào thầy, thấy thầy nói chuyện với đốc sự, nên thôi để giờ nghỉ trưa.

Đến giờ ăn trưa thầy đang ngồi với các ông lớn ngày xưa, tôi bước đến chào thầy, nói với thầy mấy câu rồi xin phép thầy đến ngồi với các bạn.

Hôm ấy ăn món mì Ý, trở lại cô bạn đã trộn dùm rồi. Khóa trước giờ trưa ăn cơm tấm, những người ngồi gần, trộn đếu rồi chan nước mắm chay, rồi trộn. Tôi không trộn, không chan nước mắm. Ăn từ trên xuống dưới. Phần dưới chỉ còn cơm không. Tôi ăn cơm không.

Cô ngồi gần, anh ăn ngộ vậy, cơm không sao ăn được. Tôi trả lời, thời gian đi cải tạo, có ngày cũng ăn cơm không, từ từ nhai, sẽ thấy nó ngọt.

Cô ngồi làm thinh, không hỏi tiếp, nhưng những lần sau, bữa cơm nào cần trộn, cô trộn dùm.

Một buổi trưa, có lẽ thầy mệt, không ngồi nói chuyện với các ông lớn. Thầy rủ tôi đi nghỉ trưa trong một trailer của Thiền viện để dành làm phòng khách. Vào trong nằm một chút, thầy ngủ, tôi ra ngoài nhập với nhóm bạn đi ra mấy cây đào ở nơi xa xa hái trộm đào. Lúc đó đào bán trong siêu thị khoảng 1 đô một phao, nhưng ăn không ngon bằng đào hái trộm.

Một buổi trưa khác thầy cũng rủ tôi đến trailer nghỉ. Thật ra traler này chỉ có thầy được đến nghỉ trưa thôi.

Hôm đó thầy không ngủ, nói chuyện với tôi khá nhiều.

Thầy than thầy không ngồi thiền nổi một tiếng. Tôi không ngạc nhiên. Thầy theo Mật Tông hằng chục năm. Có lẽ thầy nể cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa thầy mới đến Thiền Viện. Khóa này cao rồi, những khóa mới bắt đầu chỉ ngồi thiền 5 phút rồi 15 phút.

Nhưng tôi ngạc nhiên, thầy ngồi thiền một tiếng không nổi thì đừng ngồi, nhưng tôi nhớ lại, thầy là thầy. Thầy dạy học trò, thầy muốn học trò chăm chỉ học những điều thầy dạy.

Nhưng trường học khác với trường Thiền. Trường học dạy học sinh mở mang kiến thức. Trường thiền dạy thiền sinh giải trừ kiến thức. Trường học dạy học sinh suy nghĩ kỹ. Thiền đối kháng với suy nghĩ.

Học thiền không phải để mong cầu điều gì. Học thiền để loại bỏ dần những ước muốn.

Chính tôi cũng không ngồi thiền nổi một tiếng. Theo trường thiền này, ngồi thiền một tiếng là ngồi yên một tiếng giữ tâm yên lăng. nhưng ngồi chơi một tiếng thì ngồi nổi.

Giờ ngồi thiền, tôi ngồi yên không phải để thiền, để làm thơ. Trong một giờ mọi người ngồi thiền, tôi làm cũng được 5,7 câu thơ, nhưng chưa bao giờ viết lại, vì thơ tôi làm quá dỡ.

Tôi chỉ muốn làm bài thơ giản dị, không dư chữ nào như bài:

Hôm qua tát nước đầu đình,

Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.

Em được thì cho anh xin,

Hay là em để làm tin trong nhà.

Áo anh sứt chỉ đường tà,

Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.

Áo anh sứt chỉ đã lâu,

Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng. .

Thơ tôi làm quá nhiều hư tự, tức là những chữ không cần thiết, nhưng thêm vào cho đủ chữ trong câu.

Hôm đó thầy trò nói chuyện khá lâu, rồi thầy trò ngủ quên. Khi thức dậy, lớp đã học được một tiếng rồi. Nửa tiếng sau là giờ nghỉ giải lao. Nhóm bạn hỏi tại sao vắng.

Tôi kể cho nhóm bạn nghe, tại vì ngủ trưa với thầy và ngủ quên. Tôi quê quán Vĩnh Long, học sinh trường trung học Tống Phước Hiệp. Thầy là cựu hiệu trưởng trường trung học Tống Phước Hiệp, sau đó thầy qua Cần Thơ làm trưởng khu Học Chánh vùng 4. Sau cùng thầy làm Giám Đốc Nha Nghiên Cứu Kế Hoạch Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên Việt Nam Cộng Hòa cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Tôi cũng kể cho cả nhóm nghe, Sư Không Như là Cựu Đại Tá Tỉnh Trưởng Vĩnh Long.

Tôi hỏi cô trong nhóm, quê Sài Gòn, có biết đường Nguyễn Hữu Cầu bên hong chợ Tân Định không?

Cô ấy biết. Tôi hỏi có biết trước năm 1975 đường Nguyễn hữu Cầu là đường gì không? Cô ấy không nhớ, trước năm 1975 cô ây còn nhỏ quá.

Tôi nói, trước năm 1975 đường Nguyễn Hữu Cầu là đường Trần văn Thạch. Trần văn Thạch là thầy của anh Tổng Thống Thiệu. Tổng Thống Thiệu muốn có vị tỉnh trưởng Ninh Thuận giỏi và tin được. Anh Tổng Thống Thiệu giới thiệu con của cụ Trần văn Thạch là Đại Tá Trần văn Tự làm tỉnh trưởng Ninh Thuận.

Trần Văn Tự là Sư Không Chiếu dạy chúng mình đấy.

Vẫn còn nhiều kỹ niệm với thầy Đào Khánh Thọ, nhưng đã kể nhiều rồi, xin tạm ngưng.

NGUYỄN HOÀNG HƯNG

Có 1 bình luận về THÁNG TƯ NHỚ THẦY ĐÀO KHÁNH THỌ (PHẦN CUỐI)

  1. VOTHILAI nói:

    CAM ON ANH HUNG DA CHO EM BIET NHIEU VE THAY THO VA ANH TREN DAT MY .

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác