LÀNG NGHỀ VĨNH LONG – ĐẤT CÓ LỬA, NGƯỜI CÓ HỒN “

Ngày đăng: 27/05/2025 10:32:43 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Vĩnh Long là một trong những tỉnh thuộc khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long có trữ lượng đất sét phèn lớn, có nhiều lợi thế và điều kiện tự nhiên để hình thành và phát triển nghề gốm. Song Vĩnh Long có những danh xưng đầy tự hào hay được nhắc đến nơi đây như “Tháp phủ lò gạch”, “Vương quốc gốm đỏ”, là cái nôi của nhiều làng nghề truyền thống. Tại đây chúng ta sẽ khám phá được những nét đẹp văn hóa độc đáo và nơi hội tụ tinh hoa của bàn tay lao động của người dân làng nghề. Vĩnh Long là một trong những địa phương nổi bật của miền Tây Nam Bộ với nhiều làng nghề truyền thống mang đậm dấu ấn dân gian.

Các làng nghề thủ công như bánh tráng Cù lao Mây, nghề chằm nón lá Long Hồ, làm tàu hũ ky Mỹ Hòa, nghề đan lát lục bình,… đã tồn tại từ lâu đời, gắn chặt với đời sống thường ngày của người dân nơi đây. Nhưng không thể không nhắc đến làng nghề tiêu biểu, đặc trưng nổi bật nhất tại Vĩnh Long đó chính là nghề làm gốm mang đậm bản sắc địa phương và tinh thần lao động bền bỉ.

Làng nghề làm gạch đã hình thành dọc bờ sông Cổ Chiên hàng trăm năm trước, kênh Thầy Cai trở thành địa danh gắn liền với làng nghề sản xuất gạch gốm ở Vĩnh Long. Con kênh dài khoảng 2 cây số, nối từ sông Cổ Chiên đến ngã ba kênh Thầy Cai, điểm giao với chi lưu của sông Măng Thít. Thời hoàng kim làng gạch trải dài 30km trên địa bàn thành phố Vĩnh Long, huyện Long Hồ và Măng Thít với hơn 3000 lò hoạt động. Nhưng hiện nay còn khoảng 800 lò gạch, trải dài trên diện tích 3000 ha, tập trung nhiều nhất ở ven kênh Thầy Cai đến đoạn giáp sông Cổ Chiên – một nhánh sông Cửu Long.

Lò được xây dựng từ hàng nghìn viên gạch thẻ đều tăm tắp, xếp theo kiến trúc tháp tròn. Một lò gạch thường cao 7m – 12m, có hình như tháp tròn, nhỏ dần ở đỉnh. Đất sét được lấy từ các kênh, rạch ở Vĩnh Long, Trà Vinh đưa về lò, sau đó sẽ cắt nhỏ thành viên, công nhân làm gạch sẽ đem những viên gạch vừa cắt xong ra ngoài phơi nắng. Tuy sinh sau đẻ muộn, dòng gốm không men lại có nét độc đáo riêng của làng gốm Vĩnh Long, gốm có màu hồng tự nhiên sau khi nung ửng lớp phấn trắng phơn phớt bên ngoài như sương. Ngoài những công trình gốm đặc sắc thì còn có những bàn tay tài hoa và sự đầu tư công phu, tỉ mỉ của những người thợ gốm, sản phẩm gốm đều giữ nguyên màu đỏ đặc trưng của đất sét miền Tây và được nung bằng củi trong những lò truyền thống hàng chục giờ liền.

Vùng đất Vĩnh Long lưu giữ nhiều làng nghề truyền thống với bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa. Nghề làm gốm vẫn luôn là điểm sáng đặc biệt, không chỉ bởi vẻ đẹp độc đáo mà còn bởi chiều sâu văn hóa và bền bỉ qua năm tháng. Mỗi chiếc lu, bình gốm không chỉ là vật dụng mà là một phần linh hồn của vùng đất và con người nơi này – Đất Có Lửa, Người Có Hồn.

Buổi trò chuyện trực tuyến với chủ đề “Vương quốc đỏ Vĩnh Long sự trỗi dậy của làng nghề trăm tuổi” cùng họa sĩ Lê Triều Điển sẽ diễn ra

vào lúc 10h ngày Thứ Tư 28/05/2025 trên fanpage Thư viện số Nguyễn An Ninh và tại Không gian trải nghiệm TVS.NAN tại Đường Sách TPHCM ( đường Nguyễn Văn Bình, Q1 )

QUÁCH THU NGUYỆT

Từ Fb quách Thu Nguyệt

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác