HUYỀN LAN- NHÀ TU CÓ LÒNG VỚI VĂN NGHỆ SĨ

Ngày đăng: 10/05/2025 10:15:19 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Hồi năm rồi, thầy Minh Mẫn có rủ tôi đi dự kỷ niệm 25 năm tạp chí Vô Ưu, cơ quan ngôn luận của Tỉnh Hội Daklak ở Ban Mê Thuột. Tôi được biết chi phí chuyến xe này được thầy Huyền Lan ở Long Thành và công ty Hán Linh tài trợ. Thế rồi mấy tháng sau, anh em có dịp ghé chùa Pháp Hoa nhân Lễ Vu lan 2024,  nơi thầy Huyền Lan tức Thich Chánh Tài làm trụ trì tổ chức, từ đó mới biết thêm chi tiết về nhà thơ Huyền Lan.

Đêm đó, Thầy Huyền Lan đã tổ chức tưởng niệm một trăm ngày của nhạc sĩ Giác An vừa rời cõi thế. Các chư tăng và Phật tử cùng với anh em văn nghệ cùng nhau thắp hương và nhắc nhở đến người nhạc sĩ Phật giáo tài hoa này. Đến đây mới thấy cái tình của thi sĩ Huyền lan với anh em nghệ sĩ, thầy đã nhận xét về Giác An như sau :  “ Nhạc sĩ đã gắn bó, keo sơn cuộc đời mình và rất mực thủy chung với nền âm nhạc Phật Giáo. Giác An  rất tài hoa trong lối chơi nhạc cổ điển và hiện đại. Nhạc của anh không trau chuốt, nhưng rất mực dạt dào ý nghĩa, đôi khi rất đời thường qua từng thể loại ca khúc Phật giáo để người nghe được dễ dàng cảm nhận âm nhạc Phật giáo một cách gần gũi và dễ mến… Những ca khúc tiêu biểu của anh như: Niệm Phật; Giả Từ Huyễn Mộng; Xuân Trong Ánh Đạo; Tiếng Chuông Huyền Diệu…Và hàng trăm ca khúc được anh phổ nhạc cho nhiều nhà thơ…Sự ra đi của nhạc sĩ Giác An là sự mất mát lớn lao không gì bù đắp được cho đại gia đình âm nhạc Phật giáo Việt Nam trong cũng như ngoài nước.” (Huyền Lan)

Khác với những nhà sư khác, sáng tác thơ lúc nào cũng sử dụng những từ ngữ Thiền, đề tài dựa vào Phật pháp; nhà thơ Huyền Lan viết nhiều đề tài, từ những vấn đền xả hội như Vầng Trăng Khuyết Trung Thu, Nhớ Sài Gòn đến tình cảm học đường. Bài thơ Phượng Xưa được bạn đọc yêu mến. Bạn đọc Đinh Bá Thành ở Bình Thuận nhận xét: Thơ hay ,chất thơ quá thâm thúy, đọc bài thơ ta cảm nhận hồn tuổi học trò vô cùng trong trắng . Trong vắt không màu không vẫn đục. Một bức tranh hoàn mỹ tuổi học trò mà tác giả khắc họa quá là tinh tế, nhẹ nhàng nhưng vô cùng lắng đọng .

Đọc thơ Huyền Lan, nhiều người cho rằng trong đó có âm điệu nhạc, có lẽ vì thế mà nhiều nhạc sĩ dễ phổ thành ca khúc. Cụ thể như nhạc sĩ Hằng Vang đã phổ Đóa Hoa Dâng Đời, NS Giác An phổ bài Tim Hồng Lửa Thiêng (Bảo Yến ca).

Cách nay hai tháng, khi nghe đoàn tạp chí Quán Văn đi Vũng Tàu, có dip ngang qua Tu Viện Phước Hoa, nhà văn Nguyên Cẩn cùng đoàn có ý muốn  viếng chùa. thượng tọa Thích Chánh Tài (Huyền Lan) đồng ý. Anh em văn nghệ có dịp ghé qua viếng cảnh chùa và hội kiến với thầy. Chiều hôm ấy, nhà chùa chiêu đãi đoàn bữa cơm chay và anh em mỗi người được nhận một phần qua xem như có lộc đầu năm của nhà chùa. Với thời gian viếng chùa ngắn ngủi, đương nhiên là thầy không thể giao tiếp từng người nhưng trong tâm mỗi người có thể nhận thấy tấm lòng, nét nghệ sĩ của thầy thông qua cách cư xử, cách bày trí cảnh chùa và thư phòng của vị trụ trì.

Lương Minh

 

 

 

 

 

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác