DI TÍCH GÒ CÂY TUNG ở AN GIANG

Ngày đăng: 2/05/2025 07:31:39 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Theo Ban Quản Lý Di Tích Văn Hóa Óc Eo Tỉnh An Giang: “ Di tích Gò Cây Tung ở phường Thới Sơn, Tịnh Biên, An Giang là một di chỉ thuộc nền văn hóa Óc Eo, từng tồn tại và phát triển ở Nam bộ Việt Nam từ những thế kỷ đầu Công nguyên.

Di tích được Viện Khảo Cổ phối hợp với Bảo Tàng An Giang, khai quật lần đầu tiên vào cuối năm 1993 – đầu năm 1994, sau đó một lần vào năm 1995. Năm 2008, với sự phối hợp giữa Sở Văn Hoá – Thông Tin tỉnh An Giang và trường Đại Học KHXH&NV Tp Hồ Chí Minh đã khai quật thêm một lần thứ 3 tại di tích này.

Trải qua 3 đợt khảo sát, các nhà khảo cổ học nhận định di tích Gò Cây Tung có 3 giai đoạn phát triển.

  • Giai đoạn 1: là khu cư trú của một ngôi làng cổ với những tầng văn hóa dày ở khu trung tâm gò, xung quanh mỏng dần với niên đại được đoán định bắt đầu từ thế kỷ thứ IV – V trước Công nguyên đến khoảng thế kỷ thứ IV Công nguyên, (cách nay tầm 2.500 đến 2.600 năm). Đây là thời kỳ văn hóa Tiền Óc Eo đến Óc Eo. Hiện vật được phát hiện là các đồ gốm sinh hoạt, công cụ bằng đá và vòng tay đá.
  • Giai đoạn 2: con người thời kỳ này đã xây dựng một ngôi đền Hindu giáo trên nền đất cao nhất của khu cư trú và bồi đắp kiến trúc thành gò như hiện nay. Kiến trúc Gò Cây Thị giai đoạn này có niên đại khoảng thế kỷ IX – X Công nguyên, có mặt bằng tổng thể hình chữ nhựt. Vật liệu xây dựng hoàn toàn bằng nhiều loại gạch có kích cỡ khác nhau với kỹ thuật chủ yếu là xếp chồng song song hoặc so le, nóng được xây giật cấp. Hiện vật phát hiện trong khu kiến trúc là các tượng thờ bằng đá và các khối vuông có lỗ.
  • Giai đoạn 3: là giai đoạn muộn nhứt khi ngôi đền đã trở thành hoang phế. Lớp người sau đã biến toàn bộ phế tích và gò đất thành một khu mộ táng. Các ngôi mộ chôn theo hướng Tây – Đông, người chết nằm trong tư thế co gối, đeo các loại đồ trang sức và hột chuỗi.

Gò Cây Thị là một di chỉ hết sức quan trọng, thể hiện một quá trình hình thành và phát triển liên tục của văn hóa Óc Eo: từ thời kỳ Tiền Óc Eo trải qua Óc Eo và đến Hậu Óc Eo.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều điều chưa biết, di chỉ cần được tiếp tục giữ gìn, bảo quản, khai quật và nghiên cứu để làm sáng tỏ thêm.

Di tích được xếp hạng Di tích cấp Tỉnh năm 2017.”

PGS.TS. Bùi Chí Hoàng trong ấn phẩm“Khảo cổ học Nam Bộ thời sơ sử” xuất bản 2018 cho biết thêm: “đầu tiên di tích được gọi là Trà Cột, vốn là một gò đất hình bầu dục rộng hơn 11.700m2 và cao khoảng 13,5m so với chân ruộng xung quanh. Tên gọi Gò Cây Tung là do các nhà khảo cổ học định danh, vì trên gò có 2 cây tung cổ thụ, tuổi thọ hơn trăm năm. Năm 1990, những người đào vàng đào 5 hố lớn nhỏ nơi đây, làm xuất lộ một vỉa gạch ở gần bề mặt, cùng nhiều hiện vật khảo cổ ở độ sâu đến 4,5m. Đây là thông tin quan trọng giúp các nhà khoa học chú ý đến di tích này.”

Cây tung là cây gì?

Cây tung (Tetrameles nudiflora) là một loài cây gỗ lớn, thường được tìm thấy ở các khu rừng nhiệt đới. Đây là loài cây thuộc họ Datiscaceae, nổi bật với kích thước khổng lồ và bộ rễ lớn, phát triển mạnh, thường có dạng bạnh vè (rễ bảng), giúp cây bám chắc vào đất và hỗ trợ thân cây to lớn.

Cây có thể cao tới 40-50 mét, với thân thẳng và đường kính lớn, đôi khi hơn 2 mét. Lá hình tim dài 5 – 6cm, mọc so le, có màu xanh đậm.

Bông nhỏ, đơn tính, mọc thành chùm. Trái nhỏ, hình phiến quạt, chứa hột có cánh để phát tán theo gió.

Ở Việt Nam, có cây tung nổi tiếng ở vườn quốc gia Cát Tiên. Các nhà khoa học cho rằng cây trên 400 tuổi, cao 40 – 50 m, bề hoành gốc phải 20 người đứng nắm tay nhau mới giáp.

Tuy đã được cắm biển xác nhận di tích cấp Tỉnh, nhưng Gò Cây Tung hiện nay chưa có dấu hiệu gì là một khu bảo tàng. Không có hàng rào bảo vệ và cũng không có nhà trưng bày các hình ảnh di vật đã tìm thấy.

Hai cây tung cổ thụ vẫn còn sống khỏe, cao hơn 20m, đường kính gốc chắc gần 2m. Nhiều đoạn rễ bàng nhô cao trên mặt đất. Có một rễ bò đi hơn 10m rồi mọc lên một tược con. Tược đó giờ cao lớn, đường kính gốc cũng hơn 0,50m. Chung quanh cũng còn 5 – 7 cây tung khác cùng cỡ và nhiều cây thị.

Bà con xung quanh tự phát dựng một miếu thờ nhỏ dưới gốc cây tung lớn. Bên trong thờ Quán Thế Âm, Cửu Huyền Thất Tổ, mẹ Âu Cơ, cha Lạc Long Quân…dân dã.

Có lẽ cũng biết, Gò trước đây có thời kỳ là khu mộ táng, nên bà con cũng lập rất nhiều bàn thờ nhỏ đặt rải rác. Điều đáng ghi nhận là khu di tích có sự chăm sóc thành tâm của bà con. Môi trường được gìn giữ, các viên gạch bể được gom gọn. Bà con cũng dựng một lán lá, có sạp tre dài cho người tham quan ngồi nghỉ chân.

Vậy cũng hay rồi.

25/04/2025

Đào Dũng Tiến

H5

H6 Cây tung ở vườn quốc gia Cát Tiên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác