BẠN LÍNH KHÔNG QUÂN

Ngày đăng: 22/05/2025 08:55:27 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Từ phi trường Trà Nóc, Cần Thơ tôi được phi cơ chở ra Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang. Hôm sau được lảnh quân trang, quân dụng. Tôi trở thành tân binh Không Quân. Hơn 6 tuần sau, học xong khóa quân sự, vào một buổi tối được phi cơ của Mỹ chở về Tân Sơn Nhất. Sau một hay hơn một giờ bay, phi cơ hạ dần cao độ, nhìn phía dưới thấy rực sáng ánh đèn đêm của Thủ Đô Sài Gòn hoa lệ, biết đến Tân sơn Nhứt. Vui quá, có thể ngày mai thấy lại Sài Gòn.

Phi trường Trà Nóc

Xuống phi cơ, được xe Mỹ chở vào trạm, được nhân viên Không Quân Việt Nam nhận, chở về đâu ngủ một đêm, tôi không nhớ, vì tôi không biết nơi đó là nơi nào. Sáng hôm sau được nhận tờ giấy phép 48 giờ. Lúc đó chưa có người yêu nên không có diểm phúc: “Bốn giờ đi dài thêm bốn giờ về 40 giờ còn lại, anh cho em mệt nghỉ em ơi!”

Tôi ra Nancy gặp người bạn, nhờ bạn chở vô Gò Vấp tìm nhà bà dì. Tìm được nhà bà dì và ở nhà bà dì gần 2 ngày. Hết 48 giờ phép trở vào Tân sơn Nhứt, phòng nhân viên phát cho sự vụ lịnh về trình diện phi đạo 413. Gặp lai loại phi cơ chở tôi ra Nha Trang. Lúc đó mới biết tên phi cơ là C119.

Sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975 chiếc phi cơ rơi trên bầu trời Sài Gòn là chiếc C119. Buồn lắm! Không biết chiếc nào rơi.

Hồi tôi làm ở phi đạo 413, phi toán của tôi nhận nhiệm vụ chăm sóc cho 4 chiếc có số đuôi 088, 148, 161 và 220.

Khoảng năm 1972 cũng có một chiếc C119 rơi, hình như là do đại úy Tổng lái. Tôi nhớ đại úy Tổng cưới vợ không lâu, vợ ông tên Nguyến thị Mai Lượt, tên ngồ ngộ. Trong phi hành đoàn tử nạn có anh Bình, hồi tôi làm, có điều gì không biết tôi thường hỏi anh Bình, anh chỉ dẫn cặn kẻ.

Có lần nắp bình xăng của phi cơ bị mất, trong kho không còn. Tôi hỏi anh làm sao, anh kêu lên chiếc khác đang vô phase kiểm kỳ, gở nắp bình xăng, đem xuống kiểm kỳ 2, nhờ làm nắp bình xăng khác.

Hôm sau tôi đến lấy 2 nắp bình xăng. Cầm 2 nắp bình xăng giống hệt, tôi không phân biệt được nắp nào mới làm và nắp nào là nắp cũ. Anh giao trả hai nắp bình xăng hỏi, có gì không em. Tôi trả lời, mấy anh làm hay quá, làm sao cho em làm ở đây để học nghề. Anh ấy hỏi lại, em lính mới hả. Tôi dạ. Anh ấy nói tiếp, từ từ em sẽ hiểu, cấp trên cho mình học gì mình học thứ nấy chứ không xin được.

Sau này cũng có một kỹ niệm nhớ mãi về chiếc C119. Tôi đến đảo Bidong không mang theo bất cứ giấy tờ nào. Cao Ủy cho gặp Giới chức Quân sự Mỹ. Khi gặp Giới chức Mỹ, có một chị thông dịch Việt Nam. Tôi nói với chị thông dịch, cho em nói chuyện bằng tiếng Mỹ với ông Mỹ, khi nào em bí chị cứu bồ dùm. Chị ấy đồng ý và nói lại ông Mỹ. Ông Mỹ cũng cười.

Câu đầu tiên ông hỏi tôi, làm sao phân biệt được số quân của Không Quân. Tôi trả lời, năm sinh phải cộng thêm 20. Sau đó là số 6. Như số quân của tôi, sau số năm sinh, tiếp theo là số 601971. Số 6 chỉ dành cho Không Quân.

Ông hỏi tiếp, nhiệm sở đầu tiên tôi làm lúc mới vào Không Quân là nhiệm sở nào. Tôi trả lời phi đạo C119.

Ông Mỹ hỏi tiếp, chữ C nghĩa là gì. Tôi trả lời, C là Cargo.

Ông Mỹ cười và nói. Chúc mừng, tuần sau tôi được gặp phái đoàn của Sở Di Trú phỏng vấn để đi định cư nước Mỹ.

Sau khi được sở Di Trú nhận, tôi đọc được bản tóm tắc đời quân ngũ, tôi mới biết Ngũ Giác Đài vẫn còn giữ hồ sơ của tất cả quân nhân Việt Nam Cộng Hòa nhập ngũ trước năm 1973 vì khi tôi khai, tôi chỉ còn nhớ KBC của phi trường Tân sơn Nhứt là 4324, vì tôi thường hay ca lúc làm ở Tân sơn Nhứt. Từ KBC4324. Anh gởi lời thăm người em yêu dấu. Qua bao ngày chúng mình xa nhau. Chắc em để phấn son nhạt màu. Và buồn trong cả giấc chiêm bao. Đó là lời của một bài ca thôi, chứ lúc đó tôi có được em nào đâu mà nhớ. Chỉ nhớ má, bà nội và các em.

Tôi cũng nhớ KBC của phi trường 31 là 4217. Nhưng trong bản tóm tắc đời quân ngũ của tôi có đầy đủ các KBC của các nơi tôi đã dừng chân trong đời lính Không Quân.

***

Sau khi trình diện phi đạo 413 và được thêm mấy ngày phép, tôi vọt về Vĩnh Long lấy chiếc Honda 67. Lúc học Tống phước Hiệp tôi đi học bằng chiếc Honda này. Và chiếc Honda 67 theo tôi suốt đời lính Không Quân, Sài Gòn, Cần Thơ, Sóc Trăng, rồi trở lại Cần Thơ. Sau ngày 30/4/75 phải nhường xe lại cho trưởng ấp mới có chiếc răng vàng.

***

Có thêm 3 người bạn cùng về phi đạo 413, nhưng thân nhất là bạn Đỗ Chiêu Đức. Quê bạn ở Cái Răng, cùng nhập ngũ tại Không Đoàn 74, cùng chuyến bay ra Nha Trang, cùng học chung khóa quân sự, cùng chung đại đội 330, nhưng không biết nhau. Chỉ biết nhau, thân nhau tại Tân sơn Nhứt.

“Tôi nó sinh ra vì chinh chiến mới quen nhau. .”

Tôi thân với Đức nhưng chưa bao giờ gọi Đức là nó, vì Đức lớn hơn tôi 4 tuổi. Tôi nhập ngũ sớm, có thể tôi là người lính trẻ nhất Không Quân. Tôi chưa bao giờ hỏi Đức sao nhập ngủ trể.

Sau này biết Đức có 4 cô em gái, thỉnh thoảng tôi cũng gọi Đức bằng Tùa Hia như các cô em gái của Đức gọi Đức.

Đức giỏi văn chương. Thỉnh thoảng kể cho tôi nghe các giai thoại văn chương.

Có lần Đức kể cho tôi nghe về chuyện cụ Thủ Khoa Nghĩa làm câu đối với Tú Tài Bình từ Gia Định xuống tận Bình Thủy Cần Thơ để so tài văn chương cùng cụ,

Cụ Thủ Khoa Nghĩa có nhã ý mời Tú tài Bình làm chữ đối thay vì câu đối dài dòng.

Cụ Nghĩa ra chữ đối: / Tú tài Bình đối:

VÕ / VĂN

TRẮC / BÌNH

VÃNG / LAI

NAM / BẮC

CÔ / CỤ

Sau khi đối 5 chữ. Cụ Nghĩa nói với Tú tài Bình ngưng và kiểm lại đã đối những gì.

Câu của cụ Nghĩa: VÕ TRẮC VÃNG NAM CÔ không có nghĩa gì hết.

Câu của Tú Tài Bình: VĂN BÌNH LAI BẮC CỤ có nghĩa.

Tôi thắc mắc sao Cụ Nghĩa ra chữ CÔ, Tú tài Bình phải đối lại là CỤ

Đỗ Chiêu Đức giải thích sao đó. Tôi không nhớ.

Đỗ Chiêu Đức kể cho nghe, cụ nào đó không thích quyển Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du. Cụ làm 8 câu thơ mĩa mai. Đức kể cách đây 55 năm, bây giờ tôi chỉ còn nhớ 2 câu không trọn vẹn:

Mười lăm năm ấy bao nhiêu sướng

Còn trách làm chi chú bán tơ.

(CÒN TIẾP)

HOÀNG HƯNG

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác