MẪU NGHI THIÊN HẠ, MỆNH ĐỚI ĐÀO HOA 

Ngày đăng: 27/04/2025 07:34:56 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)
                             Inline image

                                      蕭皇后 Tiêu Hoàng Hậu 

Ngoài “Tứ Đại Mỹ Nhân” ra, lịch sử Trung Hoa còn có vô số những người đẹp làm khuynh đão các đấng quân vương phải phủ phục dưới gót sen của mình, nhưng hiếm có người đẹp nào liên tiếp qua các triều đại đổi thay mà vẫn giữ được phong độ kiều diễm để đến nỗi các đấng quân vương phải yêu thương say đắm. Tiêu Hoàng Hậu của nhà Tùy là một giai nhân vẫn giữ được “Vòng Nguyệt Quế” của một đấng mẫu nghi với số Đào hoa hiếm thấy trên đời qua 6 đời vua chúa.

      TIÊU HOÀNG HẬU 蕭皇后(567~647)TIÊU THỊ vốn là con gái của Hoàng đế Tây Lương Tiêu Khuy 蕭巋 và Trương Hoàng Hậu, nhưng lúc bé lại vô cùng bất hạnh, vì theo tập tục của vùng Giang nam, con gái mà sanh vào tháng hai thì rất bất lợi, nên cha mẹ giao cho nhà chú là Tiêu Ngập 蕭岌 nuôi dùm, chưa được một năm thì chú mất, cha me lại chuyển qua nhà cậu là Trương Kha 張軻 nhờ nuôi hộ. Nhà cậu lại rất nghèo nàn, nên mặc dù xuất thân là Công chúa nhưng Tiêu Thị không được ăn sung mặc sướng mà phải làm việc lao động như con nhà nghèo vậy. Chính vì thế mà Tiêu thị rất hiểu rõ đời sống cơ cực của dân gian, và nhờ xuất thân lao nhọc nên lớn lên với một thân hình cân đối đẹp đẽ với dáng vẻ yểu điệu thục nữ, mặt mũi thanh tú và một tấm lòng lương thiện thấu tình đạt lý, giỏi cả cầm kỳ thi họa. Một thuật sĩ giang hồ trông thấy cái dáng vẻ “Anh hoa phát tiết ra ngoài” bèn phán ngay tám chữ :”Mẫu Nghi Thiên Hạ, Mệnh Đới Đào Hoa 母儀天下,命帶桃花” Có nghĩa :”Đáng bậc Hoàng Hậu của người đời, nhưng Mạng số phạm phải sao Đào hoa”.
                           Inline image
                                      Mẫu Nghi Thiên Hạ
      Năm Khai Hoàng nguyên niên (581) Dương Kiên lên ngôi lập nên nhà Đại Tùy là Tùy Văn Đế 隋文帝, khi con trai thứ là Tấn Vương Dương Quảng 晋王楊廣 (569-618) lập được chiến công hiển hách ở Bình Trần. Để biểu dương công trạng của Dương Quảng, ngoài việc thăng quan tiến chức, Tùy Văn Đế còn ra lệnh cho tất cả tiểu thơ con của các quan lại trong triều nộp sinh thần bát tự (ngày sanh tháng đẻ) để chọn cho Tấn Vương một Tấn Vương Phi. Nào ngờ chọn tới chọn lui không có một tiểu thơ nào hợp tuổi với Dương Quảng cả. Cuối cùng chỉ còn có Tiêu Thị, vị Công chúa của Tây Lương lưu lạc trong dân gian là hợp với sinh thần bát tự của Tấn Vương, mặc dù lúc đó nàng chỉ mới có 9 tuổi đầu mà thôi.
       Dương Quảng vốn trú đóng ở Dương châu, khi về kinh triều kiến, trông thấy vị hôn thê Tiêu Thị đẹp lộng lẫy như tiên giáng trần, vô cùng phấn khích, nên năm Khai Hoàng thứ 13 bèn xin với Tùy Văn Đế cho tiến hành hôn sự khi cô dâu chỉ mới có 13 tuổi đầ. Đêm tân hôn, ôm cô công chúa nhỏ xinh đẹp vào lòng, Dương Quảng cảm thấy vô cùng hạnh phúc như muốn lên tiên, nhất là nhớ đến lời phán của người Tướng sĩ giang hồ : Nàng sẽ là “Mẫu Nghi Thiên Hạ”, là Hoàng Hậu trong tương lai… và nếu quả đúng thế, thì ta chẳng phải là vua thì là gì ?! Mặc dù trước mắt Dương Quảng chỉ là Tấn Vương, còn ngôi Thái tử kế vị vua cha là Dương Dũng 楊勇, anh cả của Dương Quảng.
       Vì có được Tiêu Thị với ngôi sao “Mẫu nghi Thiên hạ” chiếu mệnh, nên lúc ban đầu Tấn Vương Dương Quảng vốn không có ý dòm ngó đến ngôi vua, thì giờ lại bắt đầu manh nha ý định tranh đoạt ngôi Cửu ngũ với anh mình. Thái tử Dương Dũng lại là một chàng trai hoang đàng, bỏ mặc Thái tử Phi là Nguyên Thị mà cha mẹ đã cưới về cho mình phải phòng không chiếc bóng; Suốt ngày chỉ biết ăn chơi rượu chè với các phi tần khác, nhất là lại mê mệt với Vân Chiêu Nghi, chẳng ngó ngàng gì đến Nguyên Thị cả. Cuối cùng, Nguyên Thị treo cổ tự ải. Tùy Văn Đế và Độc Cô Hoàng hậu nổi giận bèn phế bỏ ngôi vị Thái Tử của Dương Dũng. Dương Quảng bèn thừa cơ lấy lòng mẫu thân, làm ra vẻ như rất là có hiếu, thần hôn thăm hỏi và cần mẫn chăm lo chính sự; Tiêu Thị lại phối hợp rất ăn ý với chồng, thường đến than thở với mẹ chồng là Độc Cô Hoàng Hậu rằng : Chồng mình suốt ngày chỉ biết chăm lo chính sự bỏ bê mình phòng không lạnh lẽo mà chẳng đoái hoài gì cả. Hai vợ chồng một xướng một họa rất ăn ý với nhau và kết quả cuối cùng là 7 năm sau, khi phế Thái Tử Dương Dũng thì Tấn Vương Dương Quảng được đưa lên thế ngôi Hoàng Thái Tử (600). Và chỉ bốn năm sau, khi Độc Cô Hoàng Hậu bệnh mất, Tùy Văn Đế cũng mất theo. Năm Nhân Thọ thứ tư (604) Dương Quảng lên ngôi kế vị, tức là Tùy Dạng Đế 隋煬帝 (còn được gọi là Tùy Dương Đế).
                     Inline image
                               Tùy Dương Đế và Tiêu Hoàng Hậu
      Tùy Dương Đế đăng cơ, Tiêu Thị chính thức được sắc phong Hoàng Hậu. Đáng tiếc là văn võ song toàn như Tùy Dương Đế khi đã làm vua rồi thì lại chìm đắm trong tửu sắc, thi hành nhiều chính sách hà khắc, sưu cao thuế nặng, bắt mấy trăm vạn dân đinh đào Vận Hà thông nam bắc, xây dựng Đông đô hoa lệ… làm cho dân tình đói khổ, sinh linh đồ thán. Tiêu Hoàng hậu hết lòng khuyên can, viết cả một bài《Thuật Chí Phú 述志賦》để can gián, nhưng đều vô hiệu.
       Năm Đại nghiệp thứ 14 (618), sau cuộc binh biến ở Giang Đô, Tùy Dương Đế Dương Quảng bị loạn tướng Vũ Văn Hóa Cập sát hại. Ngoài mặt thì tôn Dương Hạo lên ngôi kế vị làm vua bù nhìn, bên trong thì ép Tiêu Hoàng Hậu xinh đẹp phải làm phi tần cho mình; và sau khi đã thỏa mãn thì giết luôn Dương Hạo và tự xưng là Hứa Quốc Hoàng Đế, phong Tiêu Hoàng Hậu làm Thục Phi 淑妃. Nhưng chỉ được một năm sau (619) thì bị các lộ phản vương Lý Mật, Lý Thần Thông, Đậu Kiến Đức đem quân truy sát. Đậu Kiến Đức công phá thành trì, giết chết cha con Vũ Văn Hóa Cập. Lập nên Hạ Quốc, rồi cũng lại nạp Tiêu Hoàng Hậu xinh đẹp vào hậu cung của mình. Nhưng diễm phúc cũng chẳng được bao lâu thì Nghĩa Thành Công Chúa  義成公主, em gái của Tùy Dương Đế là em chồng của Tiêu Hoàng Hậu, trước kia vì muốn giao hòa nên gả cho vua nước Đột Quyết, nay Công Chúa cho người đến đón Tiêu Hoàng hậu. Vì nước Đột Quyết đang hồi lớn mạnh, nên Đậu Kiến Đức đành bấm bụng đưa Tiêu Hoàng Hậu về với Nghĩa Thành Công Chúa. Chúa Đột Quyết là Xử La Khả Hãn lập Dương Chính Đạo 楊正道 là cháu của Tiêu Hậu và Tùy Dương Đế lên làm vua Tùy, đóng đô ở Định Tương cùng với một số dân Tùy lưu vong làm tay sai cho Đột Quyết để tranh thiên hạ.
      Lúc bấy giờ, mặc dù đã lớn tuổi, nhưng Tiêu Hoàng Hậu vẫn còn là trang quốc sắc thiên hương, làm cho Xử La Khả Hãn cũng bị xiêu lòng. Cứ thế mà đường đường là Hoàng hậu của nước Đại Tùy giờ lại là phi tần của Khả Hãn xứ Đột Quyết. Mấy năm sau đó, Xử La Khả Hãn qua đời, Hiệt Lợi Khả Hãn kế vị. Chiếu theo phong tục tập quán của Đột Quyết, Khả Hãn kế vị thụ hưởng tất cả những gì mà Khả Hãn đời trước để lại, kể cả phi Tần cũng không ngoại lệ. Vì thế mà cả Nghĩa Thành Công Chúa và Tiêu Hoàng Hậu đều trở thành phi tần của Khả Hãn mới. Mãi cho đến hơn 10 năm sau, khi đại tướng của Đại Đường là Lý Tịnh 李靖 tiêu diệt  và bắt sống Hiệt Lợi Khả Hãn nước Đột Quyết mới kết thúc được cuộc đời lưu lạc nổi trôi của một bậc Mẫu nghi thiên hạ mà lại vướng phải nghiệp số Đào hoa ba chìm bảy nổi này.
                 Inline image
                                Đại tướng Lý Tịnh diệt Đột Quyết
      Đường Thái Tông Lý Thế Dân cho đón Tiêu Hoàng Hậu về cung. Lúc bấy giờ Lý Thế Dân mới khoảng ba mươi tuổi, còn Tiêu Hoàng Hậu đã trên năm mươi tuổi rồi, nhưng Lý vẫn bị cuốn hút bởi sắc đẹp yểu điệu kiều diễm của người đàn bà đứng tuổi mà nạp bà vào cung với danh phận Chiêu Dung, một chức sắc thường dành cho những nàng cung phi trẻ đẹp còn đang thị tẩm. Thế là một “Mẫu Nghi Thiên Hạ, Mệnh Đới Đào Hoa 母儀天下,命帶桃花” cả cuộc đời phải luân phiên bị dày dò dằn dật gần 60 năm qua 6 đời vua chúa. Nhưng…
      Trên đây chỉ là kể theo những dã sử qua các bộ truyện thuộc dạng tiểu thuyết như “Tùy Đường Diễn Nghĩa 隋唐演義” của Chữ Nhân Hoạch 褚人獲, “Thuyết Đường 說唐” của Uyên Hồ Ngư Tẩu 鴛湖漁叟… thêm thắt hư cấu cho câu chuyện hấp dẫn người đọc hơn. Họ gọi Tiêu Hoàng Hậu là Tiêu Mỹ Nương 蕭美娘, người đàn bà hấp dẫn trẻ mãi không già, làm mê say 6 đời vua chúa. Thực ra thì…
    Inline image
                          Tùy Đường Diễn Nghĩa và Thuyết Đường Diễn Nghĩa
      Tuy có sắc đẹp chim sa cá lặn nguyệt thẹn hoa nhường, lại giỏi cả thi thư, nhưng khi lấy Dương Quảng năm Khai Hoàng thứ 13 (593) thì Tiêu Thị đã 26 tuổi rồi (567-647), lớn hơn Dương Quảng 2 tuổi (569-618), nên mới đủ chính chắn và bản lĩnh để giúp Dương Quảng giành ngôi Thái Tử từ tay anh mình để lên ngôi làm Hoàng đế. Chớ một cô bé mới có 13 tuổi thì có thể làm nên việc lớn gì được chứ ?! Khi Dương Quảng đăng cơ thành Tùy Dương Đế (604) thì Tiêu Thị đã 37 tuổi rồi, chả trách khi đã làm vua thì Tùy Dương Đế lại kén chọn rất nhiều cung phi mỹ nữ trẻ đẹp để hưởng lạc, mặc dù đã có được một bà Hoàng hậu chim sa cá lặn đẹp như tiên ở trong cung (nhưng đã già rồi !).
      Về Vũ Văn Hóa Cập 宇文化及 thì em trai là Phò mã Vũ Văn Sĩ Cập 宇文士及 cưới Nam Dương Công Chúa 南陽公主 là con của Tiêu Hậu và Tùy Dương Đế; nên Tiêu Hoàng hậu là “Mẹ vợ của em trai mình” cung kính còn không hết, thì làm sao còn dám nạp làm Thục Phi cho được, hơn nữa lúc bấy giờ Tiêu Hoàng Hậu cũng đã 51 tuổi rồi (618) dù cho có đẹp cỡ nào thì cũng đã hương phai phấn nhạt cả rồi ! Về phần Đậu Kiến Đức 竇建德 cũng vậy, năm Võ Đức thứ hai (619) khi giết cha con Vũ Văn Hóa Cập xong tự xưng là Hạ Vương thì Tiêu Hậu đã 52 tuổi rồi, trong khi Đậu Kiến Đức chỉ mới có 48 tuổi mà thôi. Hơn nữa Nghĩa Thành Công Chúa lại đến đón Tiêu Hậu về Đột Quyết để tránh binh biến khắp nơi đang diễn ra ở đất Trung nguyên. Các Khả Hãn của Đột Quyết thì lại muốn chính danh mượn chiêu bài khôi phục nhà Tùy nên mới tôn Dương Chính Đạo là cháu nội của Tiêu Hậu và Tùy Dương Đế lên làm vua Tùy. Lợi dụng Tiêu Hậu làm bình phong để tranh giành thiên hạ hơn là mê luyến một sắc đẹp đã về chiều.
       Về Đường Thái Tông Lý Thế Dân thì lại càng không có lý do gì để mê luyến một bà lão già hơn mình trên 30 tuổi cả ! Năm Trinh Nguyên thứ tư (630) Tiêu Hoàng Hậu (567-647) đã 64 tuổi, còn Lý Thế Dân (599-649) chỉ mới có 32 tuổi mà thôi. Hơn nữa, một ái phi của nhà vua là Dương Phi, lại là con gái của Tùy Dương Đế với một phi tần khác, nhưng trên danh nghĩa thì Tiêu Hoàng Hậu vẫn là Hoàng Nhạc mẫu của Đường Thái Tông, nên khi tướng Lý Tịnh rước Tiêu Hoàng Hậu từ Đột Quyết về nhà Đường thì Lý Thế Dân đón tiếp một cách trịnh trọng như một bậc mẫu nghi tôn quý. Thay vì nói sủng ái mến yêu thì phải nói là lễ nghi tôn kính mới đúng. Và từ đó về sau suốt gần 20 năm là cuộc sống yên bình sau những tang thương chìm nổi của cuộc đời, bà sống thọ đến 81 tuổi. Đường Thái Tông Lý Thế Dân dùng nghi thức của Hoàng Hậu để hợp táng bà chung với Tùy Dương Đế và phong Thụy hiệu là Dương Mẫn Hoàng Hậu 煬愍皇后.
             Inline image
                           Tiêu Hoàng Hậu qua các thời đại và phim ảnh
       Nhìn lại cuộc đời của Tiêu Hoàng Hậu, đối chiếu lại những nam nhân mà bà gặp phải trong cuộc đời mình, không phải là Hoàng đế thì cũng là Vương hầu, nhưng hầu như sự nghiệp đế vương của người nào cũng rất ngắn ngủi, quả ứng với câu “Mẫu Nghi Thiên Hạ, Mệnh Đới Đào Hoa 母儀天下,命帶桃花” chỉ có nhà Đường là còn kéo dài được gần ba trăm năm mà thôi. Trong lịch sử Trung Hoa cũng không có được một Hoàng Hậu nào sống đến 81 tuổi và trải qua những 6 đời quân vương như Tiêu Hoàng Hậu của Tùy Dương Đế cả.
     Có phải vì thế mà các tiểu thuyết gia và các nhà làm phim sau nầy mới gọi bà là Tiêu Mỹ Nương 蕭美娘 và hư cấu thêm thắc cho cuộc đời sự nghiệp và tình ái của bà đa dạng hơn, lãng mạn hơn để càng hấp dẫn người đọc người xem hơn nữa.
      Hẹn bài viết tới !
                                                                                     杜紹德
                                                                                Đỗ Chiêu Đức

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác