50 năm tiếng Việt miền Nam bị mai một
Sau 1975, rất nhiều từ ngữ của miền Nam đã bị ‘chết’, và thay vào đó là một loại ngôn ngữ mới từ miền Bắc pha trộn với cách viết theo phong cách tiếng Tàu.
Ngôn ngữ là linh hồn của văn hóa, là ‘hơi thở’ của mỗi địa phương. Nó không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là kho tàng lưu giữ lịch sử, giá trị và bản sắc của một cộng đồng. Qua từng câu ca dao, thành ngữ hay cách diễn đạt độc đáo, ngôn ngữ phản ánh tâm hồn, tư duy và cách sống của cộng đồng địa phương. Mỗi phương ngữ, mỗi từ lóng địa phương là một mảnh ghép sống động, tạo nên bức tranh đa sắc của văn hóa. Mất đi ngôn ngữ là mất đi một phần linh hồn, vì vậy, giữ gìn và trân trọng ngôn ngữ chính là bảo vệ cội nguồn văn hóa của mỗi vùng miền.
Phương ngữ Nam Bộ là một nét chấm phá độc đáo, đậm chất phóng khoáng và chân thành, phản ảnh tinh thần cởi mở của cư dân miền sông nước. Với cách phát âm mềm mại, nhấn nhá đặc trưng và từ vựng giàu hình ảnh như “mần” thay cho “làm” hay “vậy” thay cho “thế”, phương ngữ Nam Bộ mang đến cảm giác gần gũi, thân thương. Những câu nói đậm chất miền Tây như “thôi kệ, trời kêu ai nấy dạ” không chỉ thể hiện cách sống lạc quan mà còn là minh chứng cho sự phong phú của văn hóa địa phương. Phương ngữ này, như một dòng sông Cửu Long, len lỏi vào đời sống, nuôi dưỡng tâm hồn và bản sắc của người dân Nam Bộ.
Thế nhưng trong những thập niên gần đây, tiếng Việt tại miền Nam Việt Nam đã chứng kiến sự thay đổi lớn. Những cách dùng chữ và ngữ vựng của miền Nam thời trước 1975 dần bị pha trộn, thay thế bởi những từ ngữ và ngữ pháp mang đặc trưng miền Bắc. Mà, nhiều cách viết mới từ miền Bắc lại có gốc từ bên Tàu thời Mao Trạch Đông. Do đó, không chỉ Bắc hoá mà còn Tàu hoá tiếng Việt ở trong Nam.
Sự xâm nhập không chỉ đến từ phương tiện truyền thông đại chúng hay giáo dục, mà còn thông qua những diễn ngôn văn hóa – chánh trị. Sự xâm nhập này khiến cho nhiều người lo ngại về nguy cơ mai một những sắc thái độc đáo của phương ngữ Nam Bộ. Liệu đây có phải là hệ quả tất yếu của giao lưu văn hóa, hay là một sự đồng hóa ngôn ngữ đáng báo động?
Tiếng Việt nói chung đang đối mặt với nguy cơ tha hóa trước làn sóng lai căng, pha tạp thiếu chọn lọc. Từ việc lạm dụng từ ngoại lai (đặc biệt là tiếng Anh) đến thói quen rút gọn, biến đổi từ ngữ tuỳ tiện trên mạng xã hội, làm cho sự trong sáng của tiếng Việt dần bị bào mòn. Trong khi một bộ phận người trẻ xem đó là sự sáng tạo tất yếu, nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo về hậu quả khôn lường: một thế hệ đánh mất khả năng cảm thụ tinh tế ngôn ngữ mẹ đẻ.
Vào những tháng đầu năm 2024, “Bến Bạch Đằng” ở Sài Gòn đã bị đổi tên thành “Ga Tàu Thủy Bạch Đằng”. Sự thay đổi này đã dấy lên những quan ngại trong công chúng miền Nam về sự ‘Bắc hoá’ tiếng Việt miền Nam, làm lu mờ những nét văn hoá đặc trưng của miền Nam.
Ở miền Bắc, chữ ‘ga’ được sử dụng rộng rãi trong ngành hàng không, đường sắt, và cả đường sông. Nhưng ở miền Nam, ‘bến’ chỉ dùng cho ngành đường sông, và chữ ‘ga’ (từ tiếng Pháp gare) chỉ dùng cho ngành đường sắt. Sau một thời gian phản ảnh, nhà chức trách đã đổi “Ga Tàu Thủy Bạch Đằng” thành “Bến tàu Bạch Đằng”.
Nhưng có trường hợp người ta không cầu thị như vậy, mà còn đày đoạ người miền Nam chỉ vì dùng từ ngữ miền Nam. Năm 2021, bà Phạm Khánh Phong Lan, một đại biểu Quốc hội, tiết lộ rằng: “Có những doanh nghiệp phía Nam đem hồ sơ lên nộp để cấp số đăng ký, giữ cho gần hết thời gian, còn chừng 15 ngày nữa hết hạn thì mời ra, đề nghị sửa hồ sơ, yêu cầu sửa từ ‘tinh bột bắp’ thành ‘tinh bột ngô’.” Các viên chức Hà Nội cho rằng ‘ngô’ mới là ‘tiếng Việt chuẩn’!
Một cách chánh thức, Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam đã long trọng tuyên bố rằng: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, gìn giữ bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.” Nói cách khác, người miền Nam có quyền sử dụng tiếng Việt miền Nam, kể cả phương ngữ Nam bộ.
Thế nhưng trong thực tế, những gì đã và đang diễn ra thì không theo tinh thần của câu tuyên bố trên. Sau ngày 30/4/1975, trong quá trình xoá bỏ di sản VNCH, tiếng Việt miền Nam đã trở thành một nạn nhân đầu tiên.
Người miền Nam đột nhiên phải làm quen với nhiều từ ngữ mới như:
* đăng ký (ở miền Nam là ‘ghi danh’),
* căn hộ (căn nhà),
* cảnh báo (báo động),
* chế độ (quy chế),
* chỉ đạo (ra lệnh),
* chỉ tiêu (định suất),
* chuyển ngữ (dịch),
* chủ nhiệm (trưởng ban),
* cơ bản (căn bản),
* đáp án (trả lời),
* động thái (động lực),
* đột xuất (bất ngờ),
* hải quan (quan thuế),
* khâu (ban, bộ phận),
* máy bay lên thẳng (trực thăng),
* nâng cấp (nâng lên),
* phản hồi (hồi âm),
* quán triệt (hiểu rõ),
* tàu vũ trụ (phi thuyền),
* tham quan (thăm viếng),
* tiếp thu (thâu nhận, lãnh hội),
* vô tư (tự nhiên),
* xe con (xe du lịch),
* v.v.
Vài năm gần đây, người miền Nam càng sững sờ khi thấy những từ quen thuộc bao đời nay như bùng binh bị đổi thành ‘vòng xuyến’ (có khi là ‘vòng xoay’) theo cách nói ngoài Bắc.
Tương tự, giao lộ (danh từ rất hay) bị đổi thành ‘nút giao’ rất khó hiểu.
Nhà báo Cù Mai Công, cựu thư kí tòa soạn báo Tuổi Trẻ, một cây bút viết sách về Saigon xưa, cho biết có rất nhiều từ ngữ miền Bắc xâm nhập vào miền Nam “nhiều lắm, kể không nổi đâu và cũng không cần kể vì ai cũng thấy, cũng nghe ra rả hàng ngày”.
Thật ra, một số không phải do ai áp đặt, mà chính vài người miền Nam ‘học đòi’ dùng từ ngữ miền Bắc và họ sẵn sàng từ bỏ tiếng Việt miền Nam.
Nhưng có một sự áp đặt ngôn ngữ có hệ thống: qua sách giáo khoa. Thật vậy, sách giáo khoa dành cho học sinh trên cả nước, kể cả ở miền Nam, dùng từ ngữ miền Bắc như ‘bố’ thay ‘ba’, ‘mẹ’ thay cho ‘má’, ‘bát’ thay ‘chén’. Một đứa trẻ ở Cần Thơ hay Sài Gòn, khi học bài, phải gọi ba má bằng ‘bố mẹ’, và dùng ‘bát’ thay ‘chén’ trong bữa cơm gia đình.
Sự áp đặt này tạo cảm giác lạc lõng, như trẻ bị tách khỏi ngôn ngữ của chính quê hương họ. Đây không chỉ là thay đổi từ vựng, mà là một hình thức ‘Bắc hóa’, ưu tiên phương ngữ Bắc bộ như chuẩn mực duy nhứt.
Xin nhắc lại, Hiến pháp năm 2013 viết rõ ràng là: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, gìn giữ bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.”
Sự Bắc hóa này bắt nguồn từ sự cai trị ngôn ngữ sau 1975, khi tiếng Việt chuẩn được cho là phải dựa trên phương ngữ Bắc bộ. Loại ngôn ngữ này được áp dụng trong giáo dục, truyền thông, và hành chánh. Tuy nhiên, việc coi thường tiếng mẹ đẻ của các vùng miền chẳng những không đúng với Hiến Pháp mà còn hủy lấp cái gốc của văn minh vậy.
GS.Nguyễn Văn Tuấn