TẾT SÀI GÒN NHÀN NHÃ
So với Tết Huế thì Tết ở Sài Gòn với mình thật thong dong và nhàn nhã. Nếu như ở Huế sau rằm là đã lo mua sắm dần, đến những ngày giáp Tết thì đi chợ mỗi ngày khá nhiều lần, đi về làm các loại mứt, bánh, làm dưa món, rim, dầm các loại thịt bò ,thị heo,…quên, hay phát sinh gì đó lại đi tiếp, cứ rộn ràng cả lên lo chuẩn bị Tết nên cận Tết rất bận rộn. Cúng cấp mua sắm bày dọn và cơm cộ trong gia đình thật tươm tất nhất trong khả năng có thể. Mệt nhưng vui!
Còn cúng giỗ ở TP Huế lúc trước chưa có dịch vụ chuyên nghiệp, mình phải tự tay nấu khoảng 4 bàn tương đương khoảng trên dưới 40 khách (Ai ở vùng nông thôn lân cận có thể trên dưới 10 bàn) chủ yếu trong gia đình, bà con, thân hữu. Với các món theo thứ tự thông thường như sau:
- Bò bóp thấu, cải mầm, bò tái chanh hay bò bít tết, hoặc nem chả, gỏi thập cẩm, gỏi ngũ sắc.
- Súp hoặc cháo hải sản
3.Gà vườn luộc, chấm muối tiêu hoặc vịt quay, dọn kèm bánh bao chiên hoặc bánh batiso hoặc gà nấu nấm dọn kèm mỳ hoặc heo hầm, khúc giò trên hay cục lết hầm.
- Cơm tôm chấy, xôi tôm chấy hoặc xôi vò, xôi gấc hay bánh ướt thịt phay
5.Vịt nấu nấm
- Tráng miệng trái cây hoặc bánh kem flan
Mình cũng sắm đủ song nồi, chén bát, ly tách phục vụ giỗ chạp 40-50 người dùng, bàn ghế thì sẽ phải thuê thêm vài bàn nữa, trong nhà chỉ có hai bộ bàn ăn chứ không sắm nhiều, để chiếm diện tích. Khi cần gọi điện thuê rất nhanh chóng.
Sau này có dịch vụ thì đều gọi đặt bàn họ đưa tới dọn cũng khỏe, mình chỉ lo trang trí đặt bông, trái cây chưng trên bàn thờ, dịch vụ họ sẽ tới sớm đặt 2 bàn cúng trên thờ và ngoài sân. Khi dọn khách, họ sẽ hâm nóng lại bưng lên từng món cho khách dùng. Bàn ghế, chén bát ly tách dịch vụ lo hết.
Vì thế khi nấu chỉ một mâm cỗ thì cảm thấy khỏe, nhẹ nhàng! Không tất bật như lúc ở Huế. 30 Tết ở Huế chỉ lo việc cúng cấp, dọn rửa, mùng 1 tết đi thăm mộ tiền nhân, hoặc đi nhà thờ, chùa chiền,…Mùng 2 tết, mùng 3, người sống ở Huế thường thăm thông gia, bà con, bạn bè thân hữu và các mối quan hệ quan trọng trong cuộc sống,…chiều mùng 3, hoặc mùng 4 thì làm cỗ đưa tiễn tiền nhân, ông bà, người thân quá vãng.
Tết Sài Gòn, ai thích làm gì thì làm, có gia đình đóng cửa đi chơi hết Tết họ mới về. Ai cúng cấp cũng lễ lược đơn giản hơn ở Huế, ai muốn trang hoàng nhà cửa, sắm tết sao cũng được tùy khả năng, không ai ý kiến ý gì. Việc ai người ấy làm, không sợ ai chê, ai khen gì cả. Họ sống cho mình, cho thực tại, không sống theo cảm xúc của người khác.
Hơn nữa mỗi thời mỗi khác, nay ở đâu cũng có chợ và nhiều hàng quán bán xuyên Tết!
Đó là cảm giác đón Tết nay ở Sài Gòn nhàn nhã là vậy!
Tết Sài Gòn chỉ cần sắm vừa đủ dùng, vì ngày nay nhà nào cũng ít ăn và nấu cúng ba lễ chính là cỗ lên nêu 30 tết, đêm giao thừa và cỗ đưa mùng 3 hay mùng 4 Tết là được.
Sáng 28-29 tết hàng năm cũng lo sắm sửa đủ dùng vì mùng 2 có chợ lác đác rồi, nên không tích trữ thức ăn cần rim, cần dầm như hồi trước. Trưa 29 (30 tết) làm một mâm cúng ông bà, bánh chưng, bánh tét có thể đặt mua nơi uy tín, gói thêm ít bánh trái như bánh nậm, bánh lọc, bánh gói,… con cháu quây quần sum họp, sau đó cả nhà đi chơi. Lên quận 1 ngắm nghía phố phường và đường hoa Nguyễn Huệ, dừng lại những nơi trưng bày ấn tượng lưu lại vài bức ảnh kỷ niệm vui xuân mới.
Chiều 30 và mùng 1 tết đường phố Sài Gòn ( SG) cũng thông thoáng, khách lưu thông không nhiều nên đường sá thênh thang, thảnh thơi thoải mái. Mình có cảm giác là cả năm SG gồng mình với lượng xe cộ lưu thông tấp nập, quá tải thì dịp Tết lễ là lúc SG được thư giản nghỉ ngơi, vài ba ngày đến tuần lễ vào xuân để rồi bước vào năm mới xã hội vận hành lại như cũ, lại tấp nập, lại đông đúc và nhộn nhịp hối hả như nhịp sống thường nhật vốn có của đô thị sầm uất này.
Lên đường hoa Nguyễn Huệ, ngắm hoa, ngắm tiểu cảnh trưng bày, ngắm dòng người thong thả đi dạo với những trang phục rất là Tết, mặt người vui vẻ, tạo nên sắc xuân rộn ràng tươi mới.
Sài gòn (30 tết Ất Tỵ) 28/01/2025
Hoàng Thị Bích Hà