HAI LẦN VIẾT CA KHÚC TẶNG HỌA SĨ TRẦN MINH THÁI
Họa sĩ Trần Minh Thái– nguyên là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Long. đã trút hơi thở cuối cùng lúc 2g đêm ngày 21.1.2025. Nhà văn Hồ Tĩnh Tâm nhớ lại những kỷ niệm với anh Thái- người họa sĩ tài hoa và viết lên đây, thay cho nén hương tiễn biệt người.(LM)
Tôi nhớ đầu thập niên 80, nhà tôi với nhà Trần Minh Thái chỉ cách nhau hơn chục mét, qua một đoạn đường rợp bóng mát cây bả đậu. Bấy giờ tôi là người dạy văn, chuyên nghề viết văn, còn Trần Minh Thái là hiệu trưởng Trường Quản lý Cán bộ của Ty Giáo dục Cửu Long, đang học đại học mỹ thuật ở thành phố Hồ Chí Minh. Là dân văn nghệ, nên thỉnh thoảng chúng tôi hay ngồi uống rượu, vừa đàm đạo chuyện văn học nghệ thuật với nhau. Lúc đó thấy Trần Minh Thái hay đứng vẽ với tấm bố lớn, dùng bay xúc sơn dầu bệt vào từng mảng như thợ hồ xây tường nhà, tôi lấy làm lạ lắm. Hỏi tiền đâu mà ông dùng sơn dầu hao vậy. Trần Minh Thái cười hề hề. Sinh viên đào đâu ra tiền. Sơn dầu nhà trường cấp ông ơi. Tôi nghe mà ngẩn cả người. Học đại học mỹ thuật sao sướng vậy không biết, màu đắt tiền mà không phải mua. Tha hồ vẽ các nàng tiên, các thôn nữ; thích thì cho mặc quần áo, không thích thì để trần truồng. Thế rồi một hôm Trần Minh Thái trịnh trọng mời tôi qua nhà thưởng thức bức “Thư Miền Đông”. Cha trời. Toàn là các cô gái vận quần áo bà ba đen, vấn khăn rằn, đội nón tai bèo, đi dép lốp; các cô bâu quanh một cô dang ngồi tòn ten trên cái võng dù. Cô nào cô nấy mặt tươi hơn hớn; làm như ai cũng đang cười tủm tỉm thích thú. Trần Minh Thái háy mặt với tôi. Thư Miền Đông là thư tình ông ơi. Thư tình của bạn đồng đội mà ai cũng tưởng như thư của mình; ông không thấy họ cười sáng cả cánh rừng à. Bấy giờ chị Phượng vừa chiên xong hai con cá trê, khệ nệ bưng ra cái mâm nhôm, với dĩa cá bốc khói và chén nước mắm gừng. Hai chúng tôi vừa nhấm nháp rượu Cái Sơn, vừa ngắm bức tranh vừa tán. “Gái Miền Đông gì mà giống y trang gái Mỹ An với gái Thanh Đức, Long Hồ. Hay ông bắt bà Phượng ngồi làm mẫu cha nội?”. Bấy giờ chị Phượng đã có hai con mà cũng đỏ bừng mặt.
Chiều ấy tôi say khật khưởng. Ngủ vùi đến nửa đêm thì thức dậy, ngồi lúi húi viết ca khúc “Tình đất đỏ Miền Đông”. Sáng hôm sau tôi chép sạch sẻ gởi cho Phi Dao, nhờ đăng tạp chí văn hóa Cửu Long. Khi ca khúc ra mắt, tôi đem cuốn tạp chí đến biếu Trần Minh Thái, được anh cám ơn và mời đi Mỹ An chơi với vợ chồng anh. Đó là chuyến đi bằng ghe chèo từ Ngã Tư Long Hồ vào xã Mỹ An, huyện Long Hồ. Chị Phượng đứng bơi lái, anh Thái ngồi bơi mũi, tôi khoanh chân ngồi giữa ghe, tha hồ ngắm các cô gái ngồi cầu bến giặt đồ hay xõa tóc gội đầu. Cứ dọc theo triền sông đang mùa hoa ô môi nở rộ màu hồng phấn ấy, lúc trở về, lâng lâng trong men rượu nồng nàn, giai điệu chiều trên sông Mỹ An đã xuất hiện. Về đến nhà tôi liền lôi ghi ta ra, vừa hát vừa ký âm bài “Chiều trên sông Mỹ An”. Khi Trần Minh Thái về làm chủ tịch Hội Văn Học Nghệ Thuật, tốp ca nữ Trung tâm Văn hóa Triển lãm có dựng bài hát này, với ba người tam ca và dàn múa minh họa, phục vụ đêm liên hoan mừng năm mới.
HỒ TĨNH TÂM
Vĩnh Long, 21 tháng 1 năm 2025