NIỀM ĐAM MÊ NGHỆ THUẬT CỦA ĐÔI LÃO HỌA SĨ LÊ TRIỀU ĐIỂN&HỒNG LĨNH

Ngày đăng: 17/10/2024 07:33:00 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Cái đẹp là biểu tượng của cái tốt về tinh thần (Emmanuelle Kant).

Qua quyển Hành trình Phù sa và đối thoại Mekong Art,một chặng đường với Lê Triều Điền, một lão họa sĩ 79 tuổi, tôi trở về cuộc khai sinh của một câu lạc bộ có tuổi đời dài hơn 30 tuổi .“Năm 1986 Việt Nam bắt đầu mở cửa cuộc sống xã hội đã bắt đầu vui tươi cởi mở dần dần. Từ miền Tây tôi chuyển sinh hoạt Mỹ thuật của mình về Sài Gòn nơi một thời kỷ niệm đời học sinh lớn lên của mình đã ở, tiếp xúc với một số anh chị em họa sĩ Sài Gòn trước đây còn ở lại trong nước có hoàn cảnh giống mình, ngoài công việc tìm hướng để nuôi dưỡng khát khao sự sáng tạo của một người yêu mến nghệ thuật,

Sài Gòn còn có nhiều cơ hội để tổ chức đời sống cơm áo gạo tiền, tôi lãnh trang trí các quán cà phê, nhà hàng để nuôi sống bản thân và các con mình có điều kiện học hành, tiếp tục vào đại học” (Lê Triều Điển, Mekong Art, một chặng đường)

1975, vợ chồng Lê Triều Điển trở lại con đường hội họa bằng Tổ hội họa của Thị xã Vĩnh Long sau giấc mộng văn chương bất thành của tập san Đối Thoại ra được một số duy nhất.

Tổ hội họa quy tụ những thanh niên có năng khiếu vẽ và thích vẽ. Tổ rất đông, nhưng có lương chỉ ba người. Chị Hồng Lĩnh ngoài việc đi làm ở nhà sách còn kiêm nhiệm nấu ăn cho tổ. Lương thực chủ yếu là bo bo, chỉ lâu lâu mới mua được vài ký gạo. Tổ nhận vẽ thêm bảng số xe, tranh gói lụa, paneau khẩu hiệu để thêm thu nhập, “Có lần một phụ huynh của các em thấy chúng tôi ăn uống kham khổ, ông là chủ tiệm heo quay, nên sai con cho mỡ và lòng heo để mọi người cải thiện” (Lê Triều Điển, Hành trình Phù Sa)

Cũng vào thời gian đó, chị Hồng Lĩnh tổ chức câu lạc bộ sáng tác cho thiếu nhi, dạy các em vẽ tranh, làm thơ tạo thành phong trào sáng tác mạnh so với các tỉnh qua thành tích tham dự triển lãm trong nước và quốc tế. Thời cấm vận và bao cấp vẫn còn đó, nhưng nhờ những hoạt động ấy hai vợ chồng anh Lê Triều Điển đã trải qua và chia sẻ tình đời. Tranh vẽ mảng màu, ký hiệu và ẩn dụ của anh không mấy người đón nhận. Anh biết rằng anh phải về trung tâm Sài Gòn để có điều kiện hòa nhập nghệ thuật đương đại.

“Vào năm 1988 tôi tổ chức họa sĩ Vĩnh Long triển lãm tại thành phố lần đầu rồi tiếp tục sau đó nhiều lần nữa. Qua sinh hoạt triển lãm tôi gặp lại nhiều họa sĩ tài năng như Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm anh em đến xem tranh và khích lệ nhiều cho các họa sĩ tỉnh lẻ” (LTĐ, Mekong art, một chặng đường)

Từ đây, một câu lạc bộ miền sông nước được hình thành. Câu lạc bộ Mekong Art.

“Câu lạc bộ Mekong Art hội tụ những họa sĩ nhiều hoàn cảnh, vùng miền, nhiều xu hướng sáng tác, nhiều thế hệ và khởi đầu cuộc triển lãm được tổ chức năm 1988 tại công viên văn hóa Lê Thị Riêng trong cuộc triển lãm lần đầu này gồm có các họa sĩ điêu khắc như họa sĩ Lữ Thê, Phạm Văn Hạng, Trần hữu Lộc, Lê Trường Đại, Thế Đệ, Nguyễn Chương và một số bạn khác nữa, sau đó những lần tiếp theo nhiều họa sĩ tham gia có Nguyễn Bom, Nguyễn Thanh, Nguyễn Phái, Lương Trường Thọ, Hồng Lĩnh, Ngọc Phượng, Bích Liên, Quỳnh Nga, Thúy Hồng, Nguyễn thị Liễu, Quảng Xuân Diệu, Nguyễn duy Nhật, Nguyễn Thành Nhân, hằng năm Hội Mỹ Thuật thành phố có dành cho một cuộc triển lãm cho CLB Mekong Art tại 218A Pasteur, ngoài ra CLB còn tổ chức triển lãm giao lưu với các tỉnh xa như Huế, Hội an, Phú Yên, Đà Lạt, Bảo lộc, Tiền Giang, thỉnh thoảng còn tổ chức triển lãm nhóm tại Bảo tàng mỹ thuật thành phố hoặc tổ chức đi triển lãm ở Mỹ Pháp Thụy Sĩ Trung Quốc ..” (LTĐ, Mekong art, một chặng đường).

@

Ngày 25-05-2020, tại 218A Pasteur, Câu Lạc Bộ Mekong Art đã tổ chức cuộc triển lãm tranh thường niên. Năm nay có thêm sự góp mặt của Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và Câu Lạc Bộ Nữ Họa sĩ Ngân Hà. 65 tác phẩm của 63 họa sĩ trong một không gian chưa gọi là rộng, nhưng đủ ấm cúng với đa dạng thể loại sắc màu: tranh dán giấy, tranh kính, tranh sơn dầu, tranh màu nước….phô đủ trường phái.

Bây giờ, không còn là những năm tháng gò bó của thời bao biện ngăn sông cấm chợ, một thời nghệ thuật có chỉ đạo: “Sau những năm tháng hoạt động nghệ thuật tự do, giờ anh em phải chịu sự gò bó của cái gọi là thông qua phác thảo rồi mới được sáng tác, nên anh em rất khó chịu và bức bối (LTĐ Hành trình Phù Sa). Paneau treo làm nền sau sân khấu với màu xanh chủ đạo đơn giản nhưng mát mắt và đầy nghệ thuật sắp đặt đã góp phần gây ấn tượng cho nhóm Mekong Art với khách yêu nghệ thuật.

Sau phần khai mạc nhẹ nhàng, là những tiết mục văn nghệ tự diễn của các thành viên. Tôi nghe ra một không gian ấm cúng, không kỹ thuật nhưng thấm đậm nét amateur của từng bài hát, phần lớn là những bản nhạc Pháp thời xanh, thời của Sylvie Vartan, Christophe, Céline Dion, Dalila…Phong cách trình diễn tự nhiên, lởi ca chuản du dương cùng sự hòa điệu của khán giả và người diễn đã tạo một không khí sôi động trong khán phòng,

Khách vào phòng triển lãm cứ vào, khách đã xem cứ tự nhiên ra ngồi vào những chiếc ghế khán phòng để vứa thưởng thức ca nhạc, vừa nhấm nháp tiệc buffet và hàn huyên cùng bạn bè, đúng phong thái người nghệ sĩ không buộc ràng.

“Vấn đề chính yếu là phải sống, sống bằng tưởng tượng và lồng ngực, sáng tạo, hiểu biết và vui chơi. Nghệ thuật là một trò chơi. Mặc cho ai xem đó là bổn phận (Max Jacob)”. Quả đúng như thế, không gian đời đã quá hẹp và chúng ta vẫn phải thở từng giây cho những thời gian ngồi lại bên nhau.

Hai vợ chồng anh Lê Triều Điển cùng chúng tôi chọn một không gian dưới cùng để vui cùng nhau. Vẫn là anh Điển với tóc đuôi gà, chiếc áo trắng cách tân không cổ, vẫn là chị Hồng Lĩnh dáng giản dị người miền tây với chiếc áo dài họa hình đa sắc, hôm nay anh chị có vẻ vui hơn khi có thêm một triễn lãm thành công cùng nhóm Mékong Art. Và bên nhóm thân hữu Quán Văn: vợ chồng Ngô Thị Mỹ Lệ&Đình An, vợ chồng tôi, Nguyễn Hồng Cúc, Lê Thị Kim, Đoàn Văn Khánh, Hoàng Kim Oanh, Vũ Trọng Quang, Lương Minh vẫn luôn tràn ngập tiếng cười chia sẻ ngày vui.

@

Anh Lê Triều Điển từng tâm sự: “Tranh của tôi vẽ là những cảm xúc nội tâm qua những mảng màu, những đường nét kỷ hà mang tính ước lệ không hình ảnh cụ thể nên rất ít người thích, tìm được người đồng cảm rất hiếm hoi” (LTĐ Hành trình Phù Sa)

May mà anh vẫn không thối chí. Anh về Sài Gòn để tìm đồng điệu, và đã gặp để từ đó ra khơi: “Sài Gòn mở cửa. Những người yêu nghệ thuật thế giới tò mò về Nghệ Thuật Việt Nam nên họ đổ xô đến. Triển lãm ở Gallery Tự Do, tôi bán được tranh cho Blum Blossom và một tấm cho ông Thái Quang Trung ở Singapour” (LTĐ, Hành trình Phù Sa). Họ và những người bạn khác như Nguyễn văn Tuyên, Kim Nguyễn đã kết nối anh vào thế giới qua nhiều cuộc triển lãm sau này.

Từ một niềm đam mê nghệ thuật, dẫn vợ chồng Họa sĩ Lê Triều Điển đi vào hành trình của nghệ thuật vị nhân sinh để hơn ba mươi năm nay CLB Mekong Art vẫn nhẹ nhàng dấn bước cùng đời.

Hội họa đối với tôi chỉ là một cách để quên đời. Một tiếng kêu trong đêm tối. Một tiếng nức nở nghẹn ngào. Một tiếng cười tắt nghẽn (George Rouault). Trước khi vẽ để quên đời, anh đã cảm thông trong đêm tối những tiếng nghẹn ngào, ngay cả những tiếng tắt nghẽn để có thành quả như hôm nay. Cám ơn anh chị Lê Triều Điển. Những nghệ sĩ đích thực của con người.

Bài và ảnh ĐẶNG CHÂU LONG

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác