CƠM ÁO KHÔNG ĐÙA VỚI NHÀ VĂN TỈNH LẺ

Ngày đăng: 2/10/2024 08:30:11 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Làm nhà văn tỉnh lẻ, cơm áo không đùa. Thập niên 80s, tôi đã từng, tôi biết rõ. Sau đó, vẫn biết qua bạn bè miền Tây của mình. Cá chốt cá linh cá lòng tong và quanh năm rau muống tím. Được một bài báo Tết Sài Gòn mừng hết biết nhưng đường xa, nhuận bút thường sau Tết mới về qua bưu điện. Đào Ngọc Vinh ở Bến Tre, cuộc sống và cái nết bền bỉ viết của cậu ấy khiến tôi không ngừng thương mến. Và có hiếu với mẹ, viết để nuôi mẹ và muôi mình, nuôi sự thiện lương của mình. (Chúc mừng bạn ấy vừa có tin sẽ được 2 giải ở Cuộc thi Truyện ngắn ĐBSCL 2023).

Cuộc thi ‘Viết về gia đình” (lần 2) của tạp chí Sống Đẹp năm 2021, họ mời tôi làm trưởng Ban GK. Người tham gia ở khắp 42 tỉnh thành, có cả kiều bào ở Pháp ở Đức. Vào vòng trong 183 bài, chao ôi, 183 cánh cửa tôi vinh hạnh được bước vào, ngồi xuống, lắng nghe và thổn thức. Tôi “gặp” Đào Ngọc Vinh ở đây và tôi đã chấm 9,75 điểm cho bài dự thi của Vinh. Nhưng…nhưng Covid đã làm cuộc thi bị khóa cứng, không biết khi nào dịch bệnh mới qua và nguồn tài trợ cho cuộc thi cũng chấm hết. Tôi tiếc ngẩn ngơ, cho tất cả và cho Đào Ngọc Vinh. Đây, bài của cậu ấy đây, gan ruột, nỗi niềm, thân phận, là tự truyện nha các bạn. (Xin phép nhấn mạnh, cuộc “Viết về gia đình tôi” quy định chỉ viết chuyện gia đình, người thật việc thật, đây là chuyện nhà của Vinh, không phải truyện ngắn như một số bạn phây lầm tưởng).

DẠ NGÂN

 Nhà văn Đào Ngọc Vinh

MỘT GIỌT MÁU ĐÀO

Hồi nhỏ, khi đã biết đọc lõm bõm, một lần vô tình nhìn vào tấm khai sanh của mình, phần khai về cha thấy hai chữ “vô danh”, tôi ngây thơ hỏi mẹ: Cha con tên Vô Danh, hả mẹ? Tôi nhìn thấy đôi mắt mẹ đỏ hoe, rồi mẹ vội ôm tôi vào lòng. Mẹ khóc. Lớn lên một chút, bị đám bạn cùng xóm trêu đùa: Mầy là đứa con hoang, mầy là đứa không cha… tôi lại ngây thơ phản ứng: Tao cũng có cha chớ bộ, cha tao tên Vô Danh đó. Chúng nó phá ra cười, cười ngặt nghẽo. Đến khi tôi hiểu được hai chữ “vô danh” mà số phận kịp dán vào lưng tôi trước khi đẩy tôi vào cộng đồng NGƯỜI với sự miệt thị và cay đắng tột cùng thì tiếng cười của đám bạn hàng xóm và những giọt nước mắt nghẹn ngào của mẹ tôi ám ảnh tôi triền miên. Tôi lớn lên bằng sự khuyết mất một nửa tấm khai sinh như vậy, vì thế, với tôi, tiếng “cha” xa xỉ đến tội nghiệp!

Năm tôi học lớp 9, người dì bà con bảo: Dì biết nhà cha con ở Sài Gòn, để dì dẫn con đi tìm nhe. Tôi và mẹ đắn đo cả ngày để đi đến quyết định đi gặp mặt cha một lần. Sài Gòn hoa lệ và lạ lẫm đón tôi bằng một cơn mưa hạ buồn bã. Gặp cha ở cơ quan trên đường Cách Mạng tháng Tám, quận Mười, cha nhăn nhó với người dì tôi: Trời, em dẫn nó lên đây làm chi, muốn giết anh hả? Vợ con anh mà biết thì chết anh! Dẫn nó về liền đi, mai mốt về dưới anh tính. Ngồi trên chiếc xe đò từ bến xe Chợ Lớn về Vĩnh Long, đầu tôi luôn văng vẳng lời nói của cha và tưởng tượng sẽ đối mặt với những giọt nước mắt thất vọng của mẹ. Tôi nói với dì: Về dưới dì nói với mẹ con, gặp con cha con vui lắm nghen dì, cho mẹ con mừng. Dì khóc.

Tôi lây lất lớn lên trong nghèo khó và buồn bã với thân phận con hoang như vậy. Nhà không đất không vườn, lại vào đời đúng cái thời bao cấp bệnh hoạn, mẹ tôi bôn ba, bươn chải cho tôi ăn học. Tôi chật vật tốt nghiệp cấp ba. Thức trắng mấy đêm cân đong đo đếm cho tương lai, tôi quyết định đi gặp cha lần nữa, đi một mình, cầu may! Vẫn là ánh mắt khó chịu và cái nhăn nhó đầy bực bội, cha hỏi tôi, giọng cộc lốc: Có chuyện gì? Tôi nói tôi có nguyện vọng thi vào đại học nhưng không có điều kiện. Cha buông nhanh một câu không cần suy nghĩ: Tao hy sinh mầy để lo cho mấy đứa trên này. Về tự mà xoay sở đi! Tôi lủi thủi bước ra khỏi cơ quan cha trong cơn mưa dầm tháng sáu.

Mẹ hỏi: Gặp cha sao rồi con? Tôi hân hoan, dạ cha hứa sẽ lo hết chuyện học của con rồi mẹ. Giờ con chuẩn bị quần áo, tuần sau lên ôn thi. Mẹ tôi cười hạnh phúc và mãn nguyện.

Tôi xách giỏ từ giã mẹ xuống đò để ra bến xe lên Sài Gòn vào một ngày đầy mây cuối tháng sáu năm 1989. Và, tôi sẽ kể cho quí vị nghe “cái buổi ban đầu” thật kinh khủng khi tôi mới đặt chân trên đất Sài Gòn bằng một bài viết khác. Còn ở đây, tôi giới thiệu với các bạn căn nhà năm tầng trên đường Tô Hiến Thành, quận Mười. Nhà của gia đình cha tôi. Ngôi nhà mà tôi lội bộ ngang hàng ngày để đi làm công cho một hãng bánh ngọt của người Tàu trên đường Nguyễn Tri Phương. Ngôi nhà đó luôn đầy ắp tiếng cười. Âm thanh đầm ấm hạnh phúc đó nhiều lần như những cái quất tàn nhẫn như búa bổ vào đầu tôi. Nhiều lần đi ngang đó tôi rưng rưng nước mắt khi nghĩ tới mẹ, tới những cơn mưa làm ngôi nhà nhỏ của tôi dột nát, mẹ sẽ co ro trong chiếc chõng tre cũ mèm.

Mười hai năm lận đận khốn đốn ở thị thành với đủ thứ nghề, có lúc như gục ngã. Mỗi lần “chuẩn bị” gục ngã, tôi lại nhớ tới những giọt nước mắt của mẹ, nhớ tới hai cái bánh xèo mẹ “nhường’ cho tôi… Số là, tôi rất mê bánh xèo. Lần đó đi học về, tôi thấy có hai cái bánh xèo để trên bàn. Mẹ nói, con ăn đi, dì Tư cho bốn cái, mẹ ăn hết hai cái rồi. Tôi ăn sạch trơn. Ăn xong, chạy qua nhà dì Tư chơi, tôi buột miệng: Bộ chiên bánh xèo nhiều lắm sao dì cho nhà con tới bốn cái? Dì ngạc nhiên: Ủa, có hai cái mà! Tôi bần thần hiểu chuyện gì đang xảy ra, lỏn lẻn nói nhỏ với dì: Dì cho con xin thêm một cái nhe. Dì cho tôi luôn hai cái rồi vỗ đầu tôi cười thông cảm. Hôm đó tôi thấy mẹ ăn bánh xèo thật ngon.

Tôi trở về quê sau mười hai năm sống lăn lóc như chiếc lon rỗng ở vỉa hè Sài Gòn, thỉnh thoảng được kêu lon ton khi có người… đá vào! Mẹ cũng không bao giờ nhắc đến chuyện tôi “lừa” mẹ lúc đi Sài Gòn gặp cha về.

Thời gian trôi, tôi trở về quê sống lây lất bằng nhiều cách, nhiều nghề mà tôi cho là lương thiện. Cho tới khi cha tôi nghỉ hưu và phát bệnh mãn tính, ông thường về quê nội, gần nhà tôi nhân dịp giỗ chạp hay đám tiệc. Thỉnh thoảng cha có ghé thăm mẹ con tôi như một người quen. Ban đầu tôi đón cha cũng bằng một thái độ bàng quan như vậy. Rồi anh chị tôi có dịp theo cha về quê cũng ghé thăm tôi, hơi hướm gia đình dù không mặn mà nhưng cũng đủ ấm áp. Cũng chỉ vậy thôi, tôi, cha và gia đình lớn của tôi ở Sài Gòn vẫn là hai thế giới khác biệt. Tôi, vì tự trọng, có khi cuộc sống bức bách gần như đói tới nơi vẫn không buông một tiếng than với cha và anh chị. Tôi tự nguyện đứng ngoài đời sống của họ.

Cha tôi mất vào một ngày cuối năm năm 2018. Người anh điện thoại cho tôi, rằng tôi có thể lên tiễn cha. Lần này thì tôi không đắn đo, nghĩa tử nghĩa tận. Lần đầu tiên tôi bước vào căn nhà năm tầng trên đường Tô Hiến Thành, quận Mười; lần đầu tiên tôi không bị ám ảnh bởi những tiếng cười trong căn nhà đầm ấm đó. Người chị lớn bảo: Em có thể để tang cho cha. Tôi nghẹn lòng.

Tiễn cha xong, tôi trở về quê với cái nghèo lưu cữu của mình. Rồi một ngày đầu năm 2019, điện thoại reo, người lên tiếng là chị lớn của tôi. Chị bảo, tuần sau em lên họp mặt gia đình, có việc. Lần này tôi bước vào căn nhà năm tầng với một trạng thái đặc biệt, như trở về! Bảy anh chị em và mẹ lớn tôi đều có mặt. Sau những xã giao và hỏi han chuyện gia đình, người chị lớn đến bên tôi với một cái bao thơ dầy cộm. Chị từ tốn: Đây là phần của em, tiền bán căn nhà riêng của cha sẽ được chia đều cho chị em mình, em là một thành viên, nên em cũng có phần bằng với mấy anh chị. Tôi toát mồ hôi run run đón nhận. Và, với tôi lúc đó, không phải tôi đang nhận món tiền giá trị hơn một trăm triệu đồng (sau tôi mới biết), mà là đang đón nhận món quà vô giá, món quà của tình thương yêu ấm áp gia đình, cái mà tôi cần và chờ đợi trong hơn bốn chục năm qua. Điều tôi nghĩ nhanh trong đầu lúc này là căn nhà tươm tất và nụ cười hạnh phúc của mẹ.

Từ tầng một của ngôi nhà năm tầng trên đường Tô Hiến Thành, quận Mười, tôi nhìn mông lung ra cửa sổ, nắng xuân vàng ruộm.

Đào Ngọc Vinh

 

 

 

 

 

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác