VIẾNG CHÙA THANH TRANG Ơ TX LA GI

Ngày đăng: 10/07/2024 11:16:17 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Tôi gặp Hòa thượng Thích Tấn Tuệ ở Hóc Môn khi ngài vào an dưỡng ở Sài Gòn. Tuy quen nhau muộn màng so với các thân hữu của tôi nhưng có lẽ hợp duyên hay sao mà thầy thường rủ tôi đi thăm các chùa ở Mười Tám thôn vườn trầu. Thầy còn là nhà thơ Đinh Hồi Tưởng mà thầy giải thích vui là Đương Hồi Tỉnh. Tức là trước đây mê giờ thì tỉnh ngộ rồi !

Ở Hóc Môn không được bao lâu, thầy về chùa ở La Gi tiếp tục tu niệm không quên nhắn với đồng đạo, thi nhân, khi nào thuận duyên ra  chùa Thanh Trang Lan Nhã (TTLN) , viếng nơi thầy trụ trì một lần cho biết. Chùa TTLN còn có tên rất văn nghệ là Suối Đó – Chùa Đây mà hầu như nổi tiếng thơ mộng khắp vùng Nam Trung bộ.

Từ Sài Gòn ra TX La Gi thì chùa TTLN nằm ở xã Tân Phước, gần điểm du lịch Dinh Thầy Thiếm. Chùa không lớn lắm nhưng cách bố trí cảnh vật khá lạ thường. Quanh chùa nhiều tảng đá có khắc nhiều bài thơ của các bậc thi nhân khắp nơi trong nước. Người làm thơ rất thú vị khi bắt gặp bài thơ quen thuộc của các nhà thơ nổi tiếng hay của thi hữu hiện diện ở chốn này. Thầy cho biết có rất nhiều nhà thơ đến đây tá túc dài hạn để sáng tác những tác phẩm để đời. Thầy nói với tôi:  Có dành sẳn cho anh một thư phòng, ở cả tháng cũng được mặc sức mà viết lách. Nghe qua, tôi giật mình, sợ chốn này vì mình mà hết thiêng, làm hao tốn luơng thực của bá tánh.!

Đoàn chúng tôi tuy là Phật tử nhưng ở xa đến tìm hiểu cảnh chùa nên buổi giao tiếp với thầy có khác. Thầy kể lại về lịch sử ngôi chùa, cơ duyên nào thầy về đây và từ từ xây dựng nơi này – một bãi đất trống thành một thắng cảnh. Cách nay 35 năm, thầy về đây cất một am nhỏ, cư ngụ nhiều năm và sửa sang lại thành chùa với nét văn hóa. Ngoài thời gian tu tập thầy có thú vui làm thơ và sưu tầm cổ vật, đi từ Nam chí Bắc thấy vật xưa mà người đời bỏ phế, thầy nhặt về như người sưu tập. Tượng ngài hộ pháp bị mối ăn ở một chùa tại Hải Phòng , thầy đem về phục chế lại , nhờ vậy mà vị trụ trì chùa xưa sau này khi về  dựng lại chùa  không còn vật cổ để minh chứng , phải tìm thầy xin hoàn lại để đem về trưng bày, kip thời cho ngày khánh thành. Thế mới biết, hay dở, may mắn phải chăng nhờ người có đầu óc (?)

Trong chùa thầy có một điện dành thờ các bậc tiền nhân trong lịch sử Việt, một tượng vua Hùng, những hình ảnh của các vua Đinh , Lê , Trần,  Lý vua Quang Trung; các danh nhân văn hóa như Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu. . . không có tượng thì có khung ảnh để trong chùa. Thầy là nhà sưu tầm cổ vật nên ngoài hiên có hàng chục cối đá xay bột, cối đá giả gạo. Thầy nói những vật này về sau sẽ không còn.Tôi nghĩ đó là những vật nặng không giá trị cao nên thầy để bên ngoài, chứ đồ cổ gợi lòng tham bọn trộm đạo nào dám  trưng bày, bỏ ở ngoài sân ! Hỏi thầy, thì đúng như vậy, những vật bằng gốm, bằng đồng nhỏ xưa cũng  không nhiều, cất trong tủ kính vả lại nhà chùa không có nhiều tài chánh để đầu tư.

Là nhà thơ được nhiều người biết, với bút danh Đinh Hồi Tưởng thầy đã có 10 tác phẩm thơ,  2 tập biên soạn thơ , do vậy mà bạn văn nghệ gặp thầy lúc nào cũng có sách để trao đổi kỷ niệm. Những tác phẩm của bằng hữu viết về chùa không thiếu: tác phẩm khắc trên đá, tác phẩm viết trong sách góp phần đưa Suối Đó- Chùa Đây vào văn học.

LƯƠNG MINH

h5 Luong Minh và nhà thơ Đinh Hồi Tưởng

h6

h7

h8

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác